Trải nghiệm Panzer Paladin và bạn sẽ hiểu tuổi trẻ của mình dữ dội ra sao, vì cái tôi đánh giá game này khó kinh dị nhất là với cơ chế điều khiển cũ.
Là một đại diện hiếm hoi của phong cách đi cảnh cổ điển, Panzer Paladin đã tái hiện lại gần như đầy đủ những gì tinh túy nhất của các tựa game thời xưa cũ từ lối chơi, âm nhạc cho tới đồ họa.
Lối chơi đi cảnh màn hình ngang kiểu cũ
Ngay từ giây phút đầu tiên tôi đã rất có thiện cảm với Panzer Paladin, vì lối chơi của nó gợi nhớ về thời kì xa xưa của điện tử băng, lúc mà game thủ vẫn còn đang đánh vật với những game như Mega Man hay Castlevania ở phiên bản đầu tiên. Nó hoàn toàn gợi nhớ đến phong cách đi cảnh màn hình ngang cổ điển, với nhân chính là một cô gái có tên Flame – người điều khiển con robot khổng lồ biệt danh Paladin trên đường đi xử lý đám buôn lậu vũ khí.
Phần lớn thời gian người chơi sẽ điều khiển Paladin xung trận, nếu như Paladin bị tiêu diệt thì Flame sẽ nhảy ra ngoài và tiếp tục chiến đấu độc lập, bạn cũng có thể điều khiển cho Flame nhảy ra ngoài tự do nếu thích. Paladin có sát thương và máu nhiều nhưng cực kỳ chậm chạp, ngược lại Flame đánh yếu máu ít nhưng rất nhanh nhẹn. Tất nhiên là sử dụng Paladin vẫn được ưu tiên vì con robot này có thể nhặt và sử dụng vũ khí trên đường đi, nhưng nếu bạn thích làm dân chơi ở độ khó cao thì Flame cũng là sự lựa chọn không tệ.
Panzer Paladin nhìn qua khá giống Mega Man nhưng cách chơi của nó lại là theo kiểu Castlevania, vì Paladin không có súng còn Flame thì dùng một cây roi làm vũ khí, nên cơ bản đánh đấm trong game đều là cận chiến. Người chơi sẽ nhặt được các loại vũ khí trong quá trình chơi hoặc hạ gục kẻ địch nhưng chỉ có Paladin mới có thể sử dụng đống vũ khí này, một điều nữa là chúng đều có độ bền nhất định chứ không phải vĩnh viễn, hơn nữa bạn chỉ có thể giữ tối đa là bốn món, nếu như không còn vũ khí thì Paladin sẽ phải dùng tay không.
Có rất nhiều loại vũ khí trong Panzer Paladin từ kiếm, dao, đại đao, giáo cho tới chùy hay búa… mỗi loại như vậy sẽ có một chỉ số phụ thêm mà muốn kích hoạt bạn cần phải bóp nát nó, cái này càng khiến cho việc tính toán giữ hay sử dụng vũ khí trở nên phiền phức hơn, vì hi sinh một thanh kiếm dài có bonus ẩn tốt sẽ khiến chúng ta mất đi một slot để thay đổi khi cần thiết. Các loại bonus này thì vô vàn từ tăng sức đánh hay phòng thủ, phản lại đạn, tăng máu hay tạo ra các đòn đánh nguyên tố toàn màn hình.
Chính vì cơ chế phá vũ khí mà trong Panzer Paladin không có chuyện nhặt máu trên đường, bạn chỉ có thể chữa thương bằng các vũ khí có bonus ẩn là hồi phục và chỉ Paladin mới có thể hồi máu. Việc này làm cho các màn chơi dài sẽ khá là khó nhằn, nhất là khi các điểm check-point của nó nằm rất xa nhau, chưa nói tới việc mỗi màn như vậy bạn chỉ được chết tối đa 2 lần nhưng độ khó của nó thì lại không cho phép điều đó xảy ra đâu.
Tại sao tôi nói như vậy là vì Panzer Paladin hoàn toàn là một game cổ, tức là các tính năng hiện đại như nhảy hai lần, nhảy xa, lướt hoặc bám tường là thứ hoàn toàn không tồn tại. Paladin sẽ nhảy từng bước một trong một khoảng không được dài cho lắm mà mấy cái vực thì rõ xa, tức là bạn phải nhảy đúng ngay cái mép nếu không muốn bị ngã gãy cổ. Cái cảm giác trên điện tử băng, khi mà lết từng bước và “rặn” mỗi khi nhảy qua mép vực được tái hiện lại trong Panzer Paladin rất xuất sắc.
Đồ họa 8-bit cùng âm nhạc đậm chất cổ điển
Các con trùm trong Panzer Paladin thực sự vô cùng khó nhằn dù chúng vẫn đi theo công thức ra đòn theo tuần tự của thể loại game đi cảnh màn hình ngang, nhưng mọi thứ sẽ khó khăn hơn nhiều vì đòn đánh của chúng rất rộng và liên tục. Một điều nữa là do game ít mạng quá, thành ra nhiều khi bạn mò được tới chỗ đánh trùm thì chỉ còn có đúng một mạng, còn chưa kịp nhớ hết đòn đánh của trùm thì đã chết rồi và như thế thì lại phải đi từ đầu.
Hình ảnh của Panzer Paladin hoàn toàn theo phong cách 8-bit đời cổ, bạn sẽ thấy các khối vuông răng cưa đầy rẫy từ nhân vật chính cho tới đám quái vật lẫn trùm. Mặc dù trông nó khá là hoài cổ nhưng tôi vẫn không thích thú cho lắm, có lẽ là sau một thời gian dài toàn nhìn mấy cái game next-gen 4k rồi thì giờ chẳng còn hứng thú nữa. Tất nhiên đối với một game phong cách retro thì làm hình ảnh kiểu này cũng đúng, nhưng mà có lẽ nó nên nâng cấp một chút chứ đừng có vác nguyên xi một đống răng cưa như vậy.
Bù lại phần âm nhạc của Panzer Paladin thực sự xuất sắc, vì nó có tới 17 màn chơi và mỗi màn chơi lại là một bản nhạc khác nhau không có cái nào bị trùng lặp, bạn sẽ nhận ra giai điệu quen thuộc của điện tử băng với các đoạn midi rất bắt tai, chưa kể nó còn tùy thuộc vào môi trường nữa. Mặc dù vậy thì Panzer Paladin vẫn còn kha khá hạt sạn, đầu tiên là vũ khí khi mặc dù có rất nhiều loại nhưng chúng đều na ná nhau, tất cả đều là chém từ trên xuống hay chém ngang, khác nhau mỗi tầm đánh chứ chẳng còn gì khác.
Đó là chưa kể tới việc đánh trùm xong lại chẳng có phần thưởng gì, khiến vụ đánh trùm mất đi vài phần thú vị. Ít nhất Mega Man cũng cho lấy kỹ năng của trùm thành ra mặc dù giết trùm thì rất mệt, nhưng game lại không tưởng thưởng đúng như kì vọng nên hơi hụt hẫng. Panzer Paladin cũng có nâng cấp cho Paladin nhưng nó chỉ là tăng máu và chấm hết, cuối cùng game màn chơi rất nhiều nhưng giá trị chơi lại không cao.
Ưu điểm:
– Lối chơi gợi nhớ các game đi cảnh cổ điển.
– Âm nhạc tuyệt hay.
– Trùm rất khó và độc đáo dù không rớt đồ.
Nhược điểm:
– Nâng cấp ít và không rõ ràng.
– Giá trị chơi lại thấp.
- Like page ngay nào:
- 8 cùng Gia Đình Mọt:
- Xem nhiều hơn nữa: