Có những tựa game được ra mắt với mục đích được coi như “lời đáp trả” lại một thương hiệu khác của một series khác. Nói cho dễ hiểu thì, một studio làm ra một tựa game xuất sắc (hoặc cả một series xuất sắc) và một studio khác cũng bắt tay vào làm một tựa game với ý tưởng ban đầu gần giống nhưng được thay đổi, thêm thắt để tạo cảm giác khác biệt và không bị đánh giá là trùng lặp ý tưởng. Trong trường hợp của tựa game Phantom Doctrine thì có thể coi như nó là lời đáp lại cho series game XCOM.
Đầu tiên, nói về bối cảnh, Phantom Doctrine lấy bối cảnh những năm 1980 cho nên game mang lại một cảm giác rất giống với những phim cổ điển về đề tài điệp viên. Trong game, bạn sẽ là thủ lĩnh của một đội điệp viên ngầm làm việc cho một tổ chức mật có tên “The Cabal”, chống lại một tổ chức khác đối nghịch. Khi bắt đầu game, bạn sẽ được lựa chọn bản thân hoặc là một cựu điệp viên CIA, hoặc là một cựu điệp viên KGB, mỗi lựa chọn sẽ cho bạn xem một cutscene khác nhau, nhưng dù là chọn lựa nào thì phản diện chính vẫn chỉ có một.
Mặc dù có một bối cảnh hứa hẹn, cốt truyện của game thật sự lại khá kém và không được đầu tư nhiều. Cốt truyện rối rắm và mơ hồ một cách không cần thiết. Các nhân vật không được phát triển và xây dựng tốt, điều này khiến cho các nhân vật trở nên khô khan và thiếu sức sống. Sau một quãng thời gian kể từ khi bắt đầu game là hầu hết sẽ chẳng quan tâm tìm hiểu lý do vì sao kẻ phản diện lại xấu xa hay vì sao nhân vật chính lại là người tốt, đơn giản là vì cốt truyện chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy người chơi tìm hiểu.
Dù sao, Phantom Doctrine vẫn chú trọng nhiều đến gameplay hơn. Gameplay của game về cơ bản là xoay quanh hoạt động của mạng lưới điệp viên ngầm và cách họ hành động. Đầu tiên là lập kế hoạch tác chiến, sau đó là thu thập dữ liệu và cuối cùng là thực hiện nhiệm vụ để tiêu diệt kẻ địch, đồng thời ngăn cản chúng làm điều tương tự. Khi bắt đầu game, bạn sẽ gửi một đặc vụ ra ngoài điều tra và tìm hiểu xem có gì khả nghi hay không. Họ sẽ tìm những người cung cấp thông tin và từ đó bạn có thể mở khóa thêm các kỹ năng cho các điệp viên của mình rồi dần dần gửi họ đến khắp nơi trên thế giới để điều tra.
Ban đầu, thường thì gần như mọi người chơi khi gửi điệp viên của mình đi làm nhiệm vụ sẽ hạ sát luôn kẻ địch, nhưng dần dần, sau khi mở khóa được các kỹ năng lấy thông tin cấp cao và phức tạp thì sẽ có nhiều lựa chọn thú vị hơn và đúng chất “điệp viên” hơn. Sẽ tốt hơn nếu cố tình để kẻ địch thắng và từ đó, bạn có thể cử điệp viên của mình theo đuôi hắn và khám phá ra vị trí căn cứ của hắn. Đó chỉ là một ví dụ đơn giản, và có rất nhiều cách bạn có thể làm hơn là chỉ đơn giản hạ gục kẻ địch. Việc suy tính các nước đi có lợi ích lâu dài không chỉ thú vị mà nó còn khiến người chơi cảm giác như một điệp viên cấp cao thứ thiệt. Và dĩ nhiên, kẻ địch cũng sẽ không ngồi yên mà chúng cũng sẽ làm những việc tương tự để tìm ra phe ta. Đây giống như một cuộc chạy đua giữa hai phe để xem phe nào sẽ thua trước, điều đó còn phụ thuộc vào cách bạn điều khiển và phân phối các điệp viên làm nhiệm vụ. Thắng hay thua, tất cả đều tùy thuộc vào cách phân phối các điệp viên thực hiện nhiều nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Một phần khác nữa trong gameplay là điều tra, chọn lọc từ những thông tin các điệp viên của bạn thu thập được để tìm ra danh tính của đối tượng. Đúng ra thì đây phải là phần hay và thú vị nhất của game nhưng thực sự thì cách mà game khai thác mảng này lại hơi nhàm chán. Về mặt lý thuyết, khi xem xét tất cả những dữ liệu thu thập được, chúng ta sẽ phải nghiên cứu thật kỹ từng thông tin một để lọc ra những thông tin có thể dẫn chúng ta đến với danh tính thực của mục tiêu, tuy nhiên, trong game thì việc này đã được đơn giản hóa đi rất nhiều khi tất cả những gì chúng ta cần làm là scan các thông tin để tìm những đoạn thông tin được “phát sáng”, tập hợp chúng lại và thế là xong. Dĩ nhiên việc đơn giản hóa cách lọc thông tin như vậy cũng dễ hiểu khi nhà phát triển CreativeForge không muốn quá làm khó game thủ, nhưng dù sao thì việc đơn giản hóa quá trình như vậy cũng phần nào làm mất đi tính thực tế và sự hấp dẫn. Hơn nữa, đây cũng là khía cạnh được cho là yếu nhất của game khi các thông tin được tạo ra rất thiếu tính sáng tạo và trùng lặp rất nhiều, càng về sau của game, bạn sẽ càng nhận rõ điểm yếu này. Lẽ ra Phantom Doctrine đã có thể làm tốt hơn ở khía cạnh này, tạo thêm sự đa dạng và góp phần nhiều hơn vào việc phát triển cốt truyện hơn là chỉ đơn thuần được làm ra cho đủ.
Mặt tiếp theo của gameplay là phần hành động. Các nhiệm vụ của game có phần nào đó tương tự như trong XCOM khi gameplay dựa trên hệ thống chiến thuật theo lượt trong một khu vực giới hạn. Tùy thuộc vào mỗi nhiệm vụ hay số lượng điệp viên thì mỗi nhiệm vụ, game thủ sẽ có thể chỉ huy từ 2-6 điệp viên và thực hiện nhiều công việc khác nhau như hạ gục kẻ địch, gỡ bom hoặc đặt bom, giải cứu con tin,…
Thêm nữa, Phantom Doctrine là một game mang chút hơi hướng của hành động lén lút – vì đề tài là về điệp viên, cho nên mọi hành động cần phải thật cẩn trọng nếu bạn muốn nhân vật của mình an toàn. Game khuyến khích người chơi thực hiện nhiệm vụ một cách “lén lút” nhất có thể: hạn chế đánh động tới các NPC, hạn chế giết quá nhiều kẻ địch nếu không kẻ địch sẽ bị báo động và tiến hành rà soát khu vực. Vì vậy, bạn cần phải tính toán thật kỹ để sao cho nhiệm vụ hoàn thành mà tổn thất là ít nhất.
Một điều quan trọng cần lưu ý khi chơi Phantom Doctrine là tránh để bị phát hiện bởi vì hậu quả khi bị phát hiện có thể rất nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến cái chết của các thành viên trong đội. Và để tránh nguy cơ đó, việc lên kế hoạch kỹ lưỡng trước mỗi nhiệm vụ là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Bạn có thể “ngụy trang” cho các điệp viên, để họ trà trộn với các NPC, hoặc cử các điệp viên hỗ trợ, không xuất hiện mà ẩn nấp ở một vị trí nào đó để hỗ trợ tầm nhìn hoặc bắn tỉa. Dĩ nhiên, việc lên kế hoạch khó có thể loại bỏ mọi nguy hiểm, vì vậy ngay cả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng đòi hỏi bạn có óc quan sát và khả năng hành động, thích ứng nhanh nhạy. Và dĩ nhiên, vì lối chơi hướng đến hành động lén lút cho nên việc nổ súng là rất nên hạn chế, mỗi nhân vật sẽ có một thanh “Awareness”, thanh này sẽ bị giảm sau mỗi lần nổ súng, sử dụng khả năng,… Vì vậy, mỗi hành động, bước đi của bạn đều có sức nặng hơn và cần tính toán kỹ lưỡng hơn.
Tựu chung lại, Phantom Doctrine là một game lấy đề tài điệp viên tốt, mỗi một nhiệm vụ đều đem lại cảm giác căng thẳng cần có của một game chiến thuật theo lượt. Phần chơi đơn của game thực sự được làm tốt dù vẫn có một số mặt chưa thực sự ổn. Phantom Doctrine cũng có một phần chơi mạng để các game thủ so tài với nhau, nhưng phần chơi mạng thì lại khá tệ hại khi nó thiếu đi những tính năng quan trọng như matchmaking, thách đấu bạn bè trực tiếp hay tạo private match. Bạn chỉ có thể host hoặc join một trận đấu, chỉ thế thôi. Như vậy thì khá là bất tiện và khó chịu và sự thực là phần chơi mạng không được game thủ chú ý đến nhiều, nhất là khi game có một phần chơi đơn đủ hấp dẫn để kéo chân game thủ. Phantom Doctrine không phải một game quá xuất sắc, nhưng là một lựa chọn đủ tốt với các game thủ yêu thích lối chơi chiến thuật theo lượt và đề tài điệp viên.