VR chững lại từ ngày đầu
Kể từ khi chiếc kính thực tế ảo đầu tiên được tung ra cho đại chúng vào năm 2016, công nghệ thực tế ảo nói chung và game thực tế ảo nói riêng đã trở thành hiện thực. Cộng đồng game thủ bày tỏ sự hứng thú với phương tiện chơi game mới này – Mọt gọi nó là “phương tiện” bởi nó là kẻ thay thế cho màn hình truyền thống, đem lại cho game thủ một trải nghiệm chơi game hoàn toàn khác nhờ những tựa game được phát triển riêng cho VR. Điều này khiến Mọt tui thường xuyên nghe rằng “thời đại của VR đã đến rất gần,” nhưng đã ba năm trôi qua và thời đại đó vẫn… chưa đến.
Tại sao? Dù VR đã tồn tại được hơn ba năm, nhưng kể từ những ngày đầu tiên VR đến với đại chúng, một bức tường các thành kiến đã được dựng nên quanh VR, chẳng hạn giá cả đắt đỏ, đòi hỏi cấu hình cao, game khó chơi, dễ chóng mặt và đại loại thế. Chúng quả thật không sai, bởi khi vừa ra mắt một dàn PC có thể chạy được VR và một kính VR sẽ ngốn của game thủ khoảng 1.700 USD, một con số khá lớn ngay cả với những game thủ giàu có. Tuy nhiên đã ba năm trôi qua, những linh kiện từng một thời đắt đỏ nay chỉ còn là hạng tầm trung và giá cả cũng giảm đi rất nhiều, nhưng những thành kiến ban đầu vẫn còn tồn tại.
Những thành kiến đó cắm rễ sâu đến mức bạn có thể nhận ra một hiện tượng đang tồn tại trong làng báo game lâu nay: các tờ báo in hiếm hoi còn sót lại đều không muốn dành “đất” cho VR, trong khi các trang tin như Mọt tui cũng rất hạn chế nói về hình thức chơi game mới này bởi một điều đơn giản: game thủ không thích đọc chúng. Với một trang tin sống bằng số lượt xem, những chủ đề ít người quan tâm chắc chắn sẽ phải nhường chỗ cho các đề tài nóng bỏng, dễ kiếm click hơn hẳn. Trong khi đó nội dung về VR “vừa thiếu vừa yếu”: những tựa game VR hay và nổi tiếng nhất trong thời điểm hiện tại như Beatsaber, Blade & Sorcery,… đều có lượng fan chẳng là bao so với những tựa game trên màn hình phẳng truyền thống.
Phá băng
Mọt tui không rõ mối quan hệ giữa hai hiện tượng “ít game VR hay” với “ít người chơi VR” là thế nào – có lẽ đây là cái vòng lẩn quẩn kiểu quả trứng với con gà, nhưng Mọt biết chắc rằng Valve đã nhận ra tình thế của VR khi họ tung ra Half-Life: Alyx. Chiếc kính VR hiện tại có thể đang nằm trong tình thế giống như ổ CD trong quá khứ. Mọt vẫn còn nhớ phải chọn xem mua ổ đĩa nào khi chọn chiếc PC đầu tiên, nhưng bạn có biết rằng trước năm 1993, ổ CD chỉ là một món hàng xa xỉ chẳng mấy ai dùng? Phải đến khi Myst, một tựa game phiêu lưu giải đố huyền thoại ra đời vào năm 1993 và yêu cầu ổ CD để cài đặt, nhu cầu linh kiện này mới tăng vọt dẫn đến ổ CD trở thành một trong những linh kiện thiết yếu trong PC.
Với Half-Life: Alyx, Valve đang muốn tái hiện lại thành công của Myst cùng ổ đĩa CD ngày nào với những chiếc kính VR, và theo Mọt họ đã thành công bước đầu. Đoạn trailer ngắn mà Valve dùng để giới thiệu trò chơi của mình đã thu hút được hơn 10 triệu lượt xem chỉ tính riêng trên hai tài khoản YouTube và Twitter chính thức của Valve, buộc giới truyền thông phải nhắc tới hai chữ cái “VR” thường xuyên hơn trong các bài viết của mình, và đem lại cho VR một cơ hội mới để chứng minh bản thân với game thủ khắp thế giới. Vài tiếng sau thời điểm ra mắt của trailer này, chiếc kính Valve Index giá 749 USD lên top 5 Best Selling trên Steam, đồng thời cũng “cháy hàng” trong khi bộ Kit giá 999 USD nằm ở top 1.
Điều này là dễ hiểu, bởi chỉ riêng cái tên Half-Life đã là một huyền thoại – đừng tin bất kỳ ai nói với bạn điều ngược lại. Hãy để Mọt cho bạn một ví dụ về sức hút của thương hiệu Half-Life. Hồi tháng 9 vừa qua khi dòng game Medal of Honor vang bóng một thời được công bố trở lại với phiên bản VR mang tên Above and Beyond do chính Respawn phát triển và Oculus tài trợ, gần như chẳng ai quan tâm! Tính theo số liệu của YouTube, đoạn trailer được dùng để công bố trò chơi có được… 236.000 lượt xem sau 2 tháng trời, chỉ bằng 1/34 những gì mà trailer của Half-Life: Alyx đạt được sau 4 ngày công bố. Mọt tui cười khẩy khi nghe về Medal of Honor, nhưng lập tức chuyển sang chế độ “shut up and take my money” khi nghe Half-Life: Alyx được công bố.
Vì vậy, có thể nói rằng khi đem Half-Life lên không gian ảo của VR, Valve đã buộc cả thế giới không thể “nhắm mắt làm ngơ” với VR thêm được nữa. Họ buộc báo giới phải nhìn thẳng vào sự thật rằng ngày nay, VR là một công nghệ đã trưởng thành, đã giải quyết được nhiều vấn đề từng tồn tại trong quá khứ từ giá cả đắt đỏ, đòi hỏi cấu hình máy ngất ngưởng đến khó dùng, khó chơi. Những game thủ chưa từng hứng thú với VR (như Mọt chẳng hạn) nay cũng phải nghiêm túc suy xét khả năng chi tiền cho phương tiện chơi game mới này, và phát hiện ra rằng VR trên PC rẻ hơn nhiều so với những gì mình vẫn nghĩ trong quá khứ. Bạn hoàn toàn có thể mua được một kính VR chạy tốt Half-Life: Alyx với giá 200-300 USD, và một máy tính thỏa mãn cấu hình tối thiểu mà trò chơi đòi hỏi cũng không phải là nằm ngoài tầm với của game thủ. Thật ra, Mọt tin rằng cấu hình này không quá cao so với những gì mà các game thủ “hardcore” đang có tại nhà.
Valve muốn gì ở Half-Life: Alyx?
Dĩ nhiên là để vượt qua được những thành kiến mà cộng đồng game đã tạo ra quanh VR suốt vài năm qua không phải là dễ dàng. Mọt tui vẫn nhìn thấy những luận điểm đã lỗi thời về VR xuất hiện đâu đó trong phần bình luận của YouTube, Twitter hay những tư tưởng “trật chìa” từ game thủ. Thật ra Mọt còn phát hiện cả một tay tai to mặt lớn làm trong ngành công nghiệp game như Randy Pitchford cũng hiểu lầm về VR, khi ông ta thậm chí chẳng phân biệt được bộ phần mềm Steam VR với chiếc kính Valve Index khác nhau ra sao.
Có một điều mà Mọt tui dám chắc 100% về Half-Life: Alyx: khi trò chơi ra mắt, nó sẽ đập nát những quan niệm sai lầm trên bằng một cơn lũ thông tin mới đến từ mọi phương diện. Half-Life: Alyx sẽ không chỉ khiến game thủ suy xét khả năng mua kính VR, mà còn buộc ngành công nghiệp game thực sự phải chuyển hướng. VR là một nền tảng cho phép tạo ra những trải nghiệm chân thực hơn rất nhiều – nói không ngoa, khi ngồi chơi một tựa game trên màn hình lớn, bạn có được ký ức rằng mình đã ngồi chơi game đó trước PC; nhưng khi chơi trên VR, bạn nhớ rằng mình đã ở đó, đã trải qua những sự kiện đó.
Và một điều mà Mọt cũng chắc chắn nữa là Valve không muốn kiếm tiền với Half-Life: Alyx. Thật ra, Valve cũng chẳng thèm kiếm tiền từ việc bán chiếc kính Valve Index (việc Valve Index “cháy hàng” chỉ là một tác dụng phụ tốt đẹp) bởi họ là một công ty bán phần mềm. Thứ mà Valve thực sự muốn khi tung ra Half-Life: Alyx là đẩy mạnh bộ khung Steam VR của mình, cho cả nhà phát triển lẫn game thủ thấy rằng Steam VR có thể làm gì, trong khi Valve Index đóng vai trò là chuẩn mực mà các nhà phát triển kính VR khác có thể noi theo.
Dĩ nhiên, bạn có thể tin rằng chỉ một tựa game như Half-Life: Alyx là chưa đủ để thúc đẩy sự bùng phat của VR, nhưng như Mọt đã nói bên trên, điều mà Valve muốn là tiếp thị bộ công cụ Steam VR đến với các nhà phát triển. Khi Source 2 và Steam VR được phát tán rộng rãi còn số lượng game thủ sử dụng VR tăng lên nhờ Half-Life: Alyx, sẽ có ngày càng nhiều nhà phát triển nhảy vào thị trường mới mẻ này, tạo ra những tựa game mới có thể cuốn game thủ vào vòng xoáy VR. Và khi điều đó xảy ra, Valve là kẻ chiến thắng lớn nhất khi sẽ thực sự hốt bạc khi bán game VR trên nền tảng Steam của mình, bất kể những tựa game đó có dùng Source 2, Steam VR hay không.
Và khi nhớ lại rằng ngoài Half-Life: Alyx, Valve còn có hai tựa game VR nữa đang được phát triển, Mọt tui lại mơ xa hơn một chút. Biết đâu Valve nghĩ rằng những gì họ muốn làm với con số 3 là không khả thi trên màn hình phẳng hiện tại, và Gabe Newell đang chờ đợi đến ngày VR thực sự phổ biến để làm chấn động thế giới một lần nữa khi bước ra sân khấu của một sự kiện The International rồi công bố sự trở lại của Gordon Freeman?