Demo Tai Ương: Game kinh dị Việt đáng chơi nhất 2024? - Phần đầu

Game kinh dị Việt luôn là đề tài rất được game thủ Việt Nam quan tâm. Đương nhiên theo chủ nghĩa người Việt ủng hộ hàng Việt thì Mọt đã thử trải nghiệm demo của tựa game Tai Ương. Muốn biết tựa game này có gì hấp dẫn thì mọi người hãy cùng theo chân Mọt trong video hôm nay nhé.

Tung teaser lần đầu tiên vào ngày 28 tháng 10 năm 2020, Tai Ương của Beaztek nhanh chóng được cộng đồng game thủ Việt Nam trông đợi vì nền đồ họa nhìn y như thật. Nhưng sau gần 3 năm với nhiều lần delay, lâu đến mức mà game thủ sắp quên luôn Tai Ương nó trông thế nào. Thật may khi ngày chủ nhật vừa rồi, BeazTek đã tuyên bố phát hành bản demo miễn phí vào ngày 12 tháng 9.

Cứ tưởng tới đó là hết kiếp nạn rồi, nhưng không, đường đi thỉnh kinh sao mà dễ vậy? Vào sáng ngày 12 tháng 9, khi tôi đã chuẩn bị một tâm hồn đẹp, một trái tim sắt đá để thẩm demo thì bùm…! Không có gì trên Steam cả. Tôi ngồi chờ, 1 tiếng, 2 tiếng rồi 3 tiếng, đến hết giờ làm, tôi vẫn chẳng thấy bản demo đâu. Phải đến tối, tôi mới biết hung tin Beaztek Studio đã đưa demo game trên Steam, nhưng họ cần thời gian để Steam xét duyệt. 

Thiết kế chưa có tên (84).jpg

Tôi có cay không? Có. Tôi có tức không? Có. Tôi có làm được gì không? Không.

Và thế là tôi lại chờ, tiếp tục chờ trong vô vọng. Nhưng như một hiền nhân đã nói, lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó thoát, sự chờ đợi nào rồi cũng có hồi đáp. Ngày 17 tháng 9, tôi cuối cùng cũng chờ được ngày Tai Ương ra demo, tôi tưởng kiếp nạn đến đây là hết, và tôi có thể trải nghiệm game trong vui vẻ rồi.

Nhưng không, tôi đã lầm, kiếp nạn của tôi chỉ vừa mới bắt đầu, còn nó ra sao thì… các bạn hãy xem tiếp video để biết câu trả lời nhé.

Có gì trong bản demo của game Tai Ương?

Mở đầu bản demo, ta sẽ đến với một đoạn cắt cảnh khá mờ ảo, nơi ta nhìn thấy một bàn tiệc, cái quạt, ai đó đang đào hố ở mảnh đất trống, một hành lang hẹp, và cuối cùng là một con rối bé gái bị bịt miệng, đi kèm với đó là tiếng hét thất thanh, đoạn cắt cảnh kết thúc tại đây.

Tỉnh dậy vào lúc 3 giờ sáng ở một căn phòng nhỏ, ta thấy mình đã vào vai một cậu học sinh tên   vừa ngủ gục. Trên bàn Nhật Huy có đặt hai quyển sách ngữ văn lớp 12, một cái laptop, vài bao thuốc lá và 2 lọ thuốc trông có vẻ giống thuốc an thần.

Thiết kế chưa có tên (85).jpg

Màn hình laptop lúc này hiển thị nhóm chat zalo của khoa Tâm Lý Học trường Đ, trưởng khoa tag tên Nhật Huy, nói về việc cậu đã cúp 5 buổi học online mà không báo và sức khỏe Nhật Huy có vẻ không được ổn nên đề nghị cậu liên hệ mình để được giúp đỡ.

Tuy nhiên, Nhật Huy lại không trả lời tin nhắn vì giờ đã là 3 giờ sáng. Cậu đi một vòng kiểm tra mọi thứ trong phòng, và đặc biệt lưu ý đến tấm bảng trắng đặt ở giữa phòng. Trên bảng là chữ viết tay của Nhật Huy và những quy tắc cậu ta tự đặt ra.

Quy tắc đầu tiên là đảm bảo toàn bộ đồng hồ trong nhà chạy đúng giờ và cùng lúc với nhau. Thứ hai là ghi lại những gì vừa mơ thấy và 3 là đi ngủ lại trước 15 phút kể từ khi tỉnh dậy. Tuy không hiểu ba quy tắc này có ý nghĩa gì, nhưng dường như nó rất quan trọng với Nhật Huy, nên giờ ta có hai việc phải làm trước khi ngủ, một là điều chỉnh các đồng hồ trong nhà và hai là ghi lại giấc mơ ngày hôm nay.

Đi quanh căn nhà, ta sẽ tìm thấy ba cái đồng hồ treo tường, một cái ở phòng bếp, một ở cầu thang và một cái nằm ngay trước cửa, trong đó chiếc đồng hồ ở trước cửa không hoạt động. Lấy pin trong phòng lắp vào cho nó, ta sẽ hoàn thành bước đầu tiên trong bảng ghi chú.

Quay về căn phòng ngủ và kiểm tra ngăn bàn bị khóa, ta sẽ thấy nhật ký giấc mơ của Nhật Huy, cho biết rằng cậu ta đã mơ thấy những giấc mơ kỳ lạ trong một thời gian dài.

Thiết kế chưa có tên (86).jpg

Từ ngày 31 tháng 7, Nhật Huy đã bắt đầu mơ thấy một phụ nữ tự kết liễu bằng dây thừng trong phòng ngủ. Đến ngày 3 tháng 8, cậu mơ thấy bản thân bị một người đàn ông cầm dao đuổi theo, cậu chạy vào nhà một người phụ nữ để kêu cứu, nhưng người phụ nữ đó lại đứng dậy, để lộ phần bụng có đống lòng xào dưa treo lòng thòng bên ngoài, luôn miệng hỏi về một sự thật bí ẩn mà Nhật Huy không hề biết.

Ngày 8 tháng 8, cậu lại mơ thấy cha và mẹ mình. Cha cậu về với một hộp quà chứa mảnh giấy không nhìn rõ chữ, còn mẹ lại bày một mâm cơm toàn giòi bọ, hỏi cậu sao không về nhà, khiến cho Huy vô cùng khó hiểu. 

Thế là đến ngày 14 tháng 8, cậu quyết định thực hiện Lucid Dream, một dạng thao túng giấc mơ và nhìn thấy một nghi lễ nào đó với sự xuất hiện của cha mẹ mình. Sang đến ngày 15 tháng 8, ngày cuối cùng trong cuốn sổ ghi chép, Huy đề cập đến những con rối và nói rằng chúng là gia đình của cậu, nhưng lại không rõ chúng đang nhắn nhủ điều gì.

Cầm bút lên và ghi vào quyển nhật ký, ta sẽ biết rằng hôm qua là ngày 16 tháng 8, và vừa rồi Nhật Huy đã mơ thấy em gái Nhật Huyên xuất hiện trong giấc mơ với bộ váy trắng, liên tục than thở về việc mắc kẹt trong căn chung cư cũ. Tuy chưa hiểu chuyện này có ý nghĩa gì, nhưng sau khi đã hoàn thành hai việc ghi trên tấm bảng, ta có thể yên tâm nằm xuống ghế và tiếp tục giấc ngủ của mình.

Thiết kế chưa có tên (87).jpg

Tỉnh dậy trong chính giấc mơ, Nhật Huy sẽ thấy mình đang đứng trong một hành lang dài và hẹp. Đi dọc theo hành lang với chiếc đèn dầu soi đường, ta sẽ đến được phòng của một thầy bùa tên Nguyễn Lợi Danh, tự xưng là đệ tử số một của pháp sư Nam Kỳ - Trần Đại Cường, chuyên trục vong, giải hạn và cầu quý tử.

Bước vào bên trong căn nhà, Nhật Huy sẽ nhìn thấy một hồn ma gầy gò, đầu trọc lóc ngồi cạnh bàn thờ ở buồng trong. Dựa vào tài liệu được đặt trên bàn thờ ở phòng ngoài, ta biết rằng hồn ma đó là Ngạ Quỷ được thầy Danh nuôi trong nhà. Để không bị Ngạ Quỷ tấn công, Nhật Huy buộc phải đi qua căn nhà của thợ may Thanh Trúc nằm cạnh nhà thầy Danh để lấy bát cơm cúng cho nó.

Sau khi dâng cơm, Nhật Huy nhìn vào buồng trong thì thấy hai con rối lớn, một con đóng vai người đến nhờ làm phép, một con thì vào vai thầy Danh, còn Ngạ Quỷ thì đã biến mất. Đi vào cái bàn cúng nằm trong cùng của căn phòng, ta sẽ tìm thấy chén máu dùng cho các nghi lễ được giấu dưới tấm vải đỏ.

Đặt chén máu lên bàn cúng giữa hai con rối và kiểm tra đồ lễ, ta sẽ biết rằng người đến nhờ làm phép đang muốn cầu con trai. Nghe quen quen ấy nhỉ? Nhưng việc đó để sau nhé. Giờ thì, để hoàn thành nghi lễ, ta cần tìm cây bút lông nằm ở một căn phòng nhỏ sau bếp. Nhúng bút lông vào chén máu và vẽ lên tấm bùa trong tay con rối thầy Danh, lá bùa sẽ tự bốc cháy và con rối người làm lễ cúi đầu bái lạy rối rít.

Thiết kế chưa có tên (88).jpg

Sau khi cả hai con rối biến mất, ta quay về con đường dọc hành lang mà mình vào lúc đầu và sẽ nhìn thấy bóng một cô bé đang ngồi gục khóc ở cuối hành lang. Nhật Huy càng tiến lại gần thì quanh cô bé càng vươn ra nhiều cánh tay, và khung cảnh xung quanh bắt đầu trở nên vặn vẹo, kéo cậu quay về thực tại, và bản demo cũng kết thúc tại đây.

Lucid dream và những chi tiết thuần Việt

Ban đầu, ta đều nghĩ rằng Tai Ương lấy bối cảnh vào những năm 1900 hồi đó như Cỏ Máu hoặc không có mốc thời gian cố định như Thần Trùng, nhưng hóa ra là không. Trong trò chơi, nếu xuống bếp kiểm tra, ta sẽ thấy một chồng bát đĩa lâu ngày chưa, xung quanh chỉ có mì gói là lương thực chính, bên ngoài căn nhà lại dán bảng đang cách ly, và nếu bật radio trong phòng lên, bạn sẽ nghe thấy một bản tin về dịch bệnh, yêu cầu người dân tự cách ly và ở yên trong nhà.

Tuy không đề cập rõ, nhưng với tất cả những gì được ám chỉ ở trên, ta có thể thấy rằng Tai Ương lấy bối cảnh vào thời kỳ mà dịch bệnh chị Cô thị Vít vừa bùng phát. Nhân vật chính Lê Đăng Nhật Huy có lẽ vì bị dương tính nên được cách ly riêng trong nhà. Đây có thể nói là một nước đi khá thông minh của BeazTek Studio, khi thành công tạo ra một lý do vô cùng hợp lý và quen thuộc để đẩy nhân vật chính vào một hoàn cảnh ở một mình, trong không gian kín, nhằm gia tăng nỗi sợ của người chơi.

Lại nói tiếp, cách nhà làm game cho Huy dùng phương pháp Lucid Dream để giải mã những giấc mã và hé mở bí ẩn trong trò chơi cũng khá thú vị. Nếu bạn không biết thì Lucid Dream là thuật ngữ chỉ tình trạng ta hoàn toàn nhận thức được mình đang mơ và có thể điều khiển giấc mơ theo ý muốn trong một số trường hợp. Đây là một chi tiết khá thú vị, nhưng nó có được khai thác triệt để không thì còn phải xem bản hoàn chỉnh thế nào.

Thiết kế chưa có tên (89).jpg

Và thay vì tập trung vào việc xây dựng bối cảnh quen thuộc qua các chi tiết như gạch lát hoa trong Thần Trùng hay cảnh đồng quê như Cỏ Máu, Tai Ương đã có một nước đi rất riêng khi quyết định đưa yếu tố thuần Việt vào những chi tiết nhỏ nhất. Đầu tiên, phải kể đến ứng dụng gửi tin nhắn zalo xuất hiện trên laptop Nhật Huy và pin con Ó được đổi tên thành pin con Ế để tránh vi phạm bản quyền. Tuy đây chỉ là 2 chi tiết nhỏ, nhưng nó làm bạn chỉ cần nhìn là biết ngay mình đang chơi game ở Việt Nam.

Tiếp theo là thùng mì gói ở dưới bếp, cá nhân thì tôi thích mì Hảo Hảo hơn, nhưng Kokomi cũng ok đó chứ nhỉ? Và bạn biết đặc biệt nhất phải nói đến là gì không? Đúng thế, đấy chính là những con rối xuất hiện trong trò chơi.

Bình thường khi nhắc đến rối dùng để tượng trưng cho các nhân vật, người ta sẽ nghĩ đến những con rối gỗ hoặc búp bê của phương Tây, hoặc là hình nhân giấy trong như trong Paper Doll, có khi chỉ là một bóng đen tượng trưng. Nhưng BeazTek Studio bảo không. Thay vì chọn cách đơn giản nhất là dùng đại một model đen đem vào cho đủ bộ, họ lại quyết định đưa hình ảnh con rối dùng trong nghệ thuật múa rối nước vào để làm rõ tính thuần Việt của Tai Ương.

Nếu bạn không biết thì “Múa rối nước” là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống và được xem là một nét đặc trưng của người Việt Nam. Nghệ thuật này hình thành từ thời nhà Lý, và dần trở thành thú chơi tao nhã của dân ta vào các dịp lễ hội. Nhưng bạn biết đặc biệt nhất là gì không? 

Thiết kế chưa có tên (90).jpg

Đấy là, những con rối này đều được tạo hình dựa trên nét vẽ dân gian đặc trưng của người Việt chúng ta. Chà, tôi không phải người chuyên về nghệ thuật lắm nên không biết phải mô tả thế nào, nhưng về cơ bản, bạn có thể để ý thấy những con rối xuất hiện trong trò chơi mang rất nhiều nét giống với các bức tranh Đông Hồ, thể hiện vẻ tròn đầy, nét mặt lúc nào cũng như đang cười, bộc lộ tính cách phóng khoáng của người Việt Nam.

Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra ở đây, đó là, tại sao những con rối đặc trưng này lại xuất hiện trong nhà của Nhật Huy? 

Này nhé, nếu là người giấy thì có thể hiểu rằng nhà này đang có tang, nếu là rối gỗ thì thường gắn liền với những xưởng làm rối, búp bê thì ám chỉ người nhà này có ảm ảnh với búp bê. Những vật tượng hình xuất hiện trong game đều phải mang hàm ý gì đó, đấy gần như là luật bất thành văn của những tựa game kinh dị. Vậy, hình ảnh con rối trong Tai Ương tượng trưng cho điều gì?

Ban đầu, tôi nghĩ rằng BeazTek Studio chỉ đưa vào cho nó thuần Việt, sau tôi lại nghĩ, có lẽ Nhật Huy đặc biệt yêu thích nghệ thuật múa rối nước. Vì ngoại trừ những con rối tượng trưng cho các nhân vật thì trong phòng của cậu ta cũng bày một vài con rối với kích thước to nhỏ khác nhau. 

Hmmm, nếu là ý sau thì tôi phải khen BeazTek Studio rất tinh tế và chăm chút từ những chi tiết nhỏ, nhưng nếu là ý đầu thì hơi chê nha, vì tôi thích mọi thứ có logic một chút. Cuối cùng, tôi quyết định phỏng vấn trực tiếp BeazTek Studio và họ đã cho tôi một thông tin hữu ích. Đấy là lúc nhỏ, Huy từng được gia đình đưa đi xem múa rối nước nên cậu rất có ấn tượng với những con rối này, đấy cũng là lí do đám rối này xuất hiện khá dày đặc trong trò chơi.

Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ bài viết hay về game nhé~