Assassin’s Creed: Valhalla là một trong những trò chơi được chờ đợi nhất mùa cuối năm nay. Không chỉ là trò chơi nối tiếp series game lâu đời của Ubisoft, mà Valhalla còn đóng vai trò bước chuyển mình sang thế hệ máy chơi game nextgen. Do đó, cộng đồng game thủ đang mong chờ sẽ có một cú lột xác ngoạn mục về phần đồ họa, tái hiện lại thế giới vĩ đại trong lịch sử và văn hóa Bắc Âu.
Mặc dù có một vài tranh cãi rằng bối cảnh người Viking dường như không phù hợp với hình ảnh các sát thủ. Bởi theo những gì được ghi lại, các chiến binh Viking nổi tiếng với việc la hét để đẩy cao nhuệ khí chiến đấu, khiến đối phương sợ hãi mất bình tĩnh trước khi ra tay kết liễu, chứ không phải lén lút hạ gục đối phương từ sau lưng bằng Hidden Blade.
Để biết chính xác Ubisoft đã xây dựng thế giới người Viking như nào với bối cảnh của Assassin’s Creed, chúng ta chỉ còn cách chờ đợi một thời gian ngắn nữa khi Assassin’s Creed: Valhalla được phát hành chính thức. Và hãy cùng Mọt tôi tìm hiểu một số điều thú vị xoay quanh tựa game này.
Assassin’s Creed: Valhalla được thực hiện bởi 15 studio
Giờ đây, thương hiệu Assassin’s Creed đã từ bỏ lối chơi tuyến tính, chuyển mình sang thế giới mở với cốt truyện cùng vô số hoạt động bên lề. Có người cho rằng số lượng hoạt động khổng lồ có trong Assassin’s Creed là quá nhiều đối với một studio làm game. Tuy nhiên, thực tế thì Ubisoft làm game Assassin’s Creed với rất nhiều studio khác nhau để biến thế giới sát thủ ngày một sống động hơn.
Theo một bài đăng trên Twitter của Ubisoft Montreal, nhà phát triển chính của Assassin’s Creed: Valhalla đã hợp tác với 14 studio lớn khác nhau nữa để đồng thực hiện trò chơi. Vậy tổng cộng có 15 studio đang tham gia vào việc phát triển AC: Valhalla. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về 14 studio còn lại được giữ bí mật. Cũng giống như các phần game sát thủ trước, Ubisoft không thường công bố toàn bộ những đối tác của mình.
Nhưng tới 14 tháng 5 năm 2020, hãng Sperasoft thông báo họ đang giúp đỡ việc sản xuất Assassin’s Creed: Valhalla. Bạn chưa bao giờ nghe tới Sperasoft ư? Đây là một hãng cung cấp khá nhiều loại dịch vụ phát triển game như tùy biến engine đồ họa, phát triển công cụ làm game, phát triển sự sáng tạo và hỗ trợ port game sang nền tảng khác. Đây có thể là lần đầu bạn nghe tới tên công ty nhưng sự thật là hãng đã giúp đỡ phát triển Mass Effect 3, Dragon Age: Inquisition, The Outer Worlds, Quantum Break, The Elder Scrolls Online, Assassin’s Creed: Origins và cả Assassin’s Creed: Odyssey.
Cái tên Valhalla bị leak trong The Division 2 chỉ là sự trùng hợp
Ubisoft nổi tiếng với việc đặt Easter Egg trong các trò chơi của mình để kết hợp lại thành một vũ trụ game rộng lớn. Tuy nhiên có một số trường hợp chỉ đơn giản là trùng hợp tình cờ chứ không phải chủ đích của Ubisoft.
Như trường hợp khi Tom Clancy’s The Division 2 ra mắt, người hâm mộ phát hiện ra một tấm áp phích có in chữ “Valhalla”, bên dưới là hình ảnh một người đàn ông tay cầm một quả cầu vàng. Chính vì thế mà game thủ đã liên tưởng ngay tới Apples of Eden, một trong những biểu tượng của dòng game Assassin’s Creed. Đây cũng là lúc tin đồn về một bản Assassin’s Creed lấy bối cảnh người Viking xuất hiện trong cộng đồng. Cuối cùng điều đó đã thành sự thật nhưng sự thật thì dòng chữ “Valhalla” trong The Division 2 chỉ là ngẫu nhiên.
Trong một cuộc phỏng vấn với Stevivor, McDecvitt – người viết kịch bản cho Assassin’s Creed, giải thích: “Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì The Division được sản xuất ở Thụy Điển, họ chỉ muốn đưa một số nét văn hóa Bắc Âu của họ vào chứ không có liên quan gì tới chúng tôi cả.”
NSX biết về sự tương đồng với God of War và… không quan tâm
Khi đoạn giới thiệu của Assassin’s Creed: Valhalla được công bố, nhiều người nghĩ rằng nó giống với God of War. Suy cho cùng, cả 2 trò chơi đều đưa người chơi du hành đến vùng đất Bắc Âu. Tuy nhiên, những người trong đội ngũ phát triển AC: Valhalla tự tin rằng trò chơi của mình sẽ tách biệt hoàn toàn so với God of War.
Darby McDevitt tiết lộ rằng anh đã chơi God of War và rất thích nó. Tuy nhiên, anh tin rằng Valhalla sẽ tự tách biệt mình ra khỏi những gì mà hãng Santa Monica Studio đã làm trước đó, cũng như Assassin’s Creed sẽ không đi theo hướng thần thoại của God of War về văn hóa Bắc Âu. McDevitt cũng nói rằng Assassin’s Creed: Valhalla sẽ bám sát vào lịch sử hơn.
Nhân vật mặc áo choàng trong đoạn giới thiệu của AC: Valhalla, người được cho là Odin rất có thể chỉ là một phần trong trí tưởng tượng của nhân vật chính và không nhất thiết phải là một “thực thể siêu nhiên”.
Thế giới sẽ không quá rộng lớn nhưng có chiều sâu hơn
Nhiều năm trở lại đây, Assassin’s Creed đã chuyển mình từ game tuyến tính sang thể loại thế giới mở, nơi người chơi có thể tự do khám phá trong một thế giới cực kỳ rộng lớn. Cứ mỗi phần Assassin’s Creed mới được phát hành là một lần thế giới game được mở rộng hơn phần trước đó, với câu chuyện dài hơn, nhiều hoạt động bên lề hơn. Tuy nhiên, một bộ phận người hâm mộ lại không vui vì điều này cho lắm vì cho rằng thế giới AC đang quá rộng lớn tới mức thừa thãi.
Với Assassin’s Creed: Valhalla, nhóm phát triển đã lắng nghe những lời bất mãn đó và có những điều chỉnh hợp lý. Trò chơi sẽ không quá cồng kềnh như AC: Odyssey, mà trái lại, Valhalla sẽ mang lại trải nghiệm nhỏ gọn và có chiều sâu hơn. Phần chơi chiến dịch sẽ không quá dài, thế giới mở cũng sẽ không quá rộng lớn như các phần trước đó.
Chúng ta không biết chính xác thì Assassin’s Creed: Valhalla thu nhỏ thế giới lại tới mức nào cho tới khi trò chơi phát hành chính thức. Nhưng ít nhất, đây là một thông tin vui dành cho cộng đồng fan khi Ubisoft dường như đã tìm ra được tỷ lệ vàng cho những trải nghiệm trong series game sát thủ của mình.
Assassin’s Creed: Valhalla tồn tại một phần nhờ vào một cuốn sách
Giám đốc sáng tạo, Ashraf Ismall, đã chia sẻ rằng Assassin’s Creed: Valhalla được lấy cảm hứng từ một cuốn sách mà ông đọc từ khi mới 12 tuổi. Cuốn tiểu thuyết có tên “Easters of the Dead” của Michael Crichton, đã vẽ ra những người Viking bằng một ngòi bút tích cực, gây ấn tượng mạnh với Ismall. Đây chính là sự khởi đầu cho niềm đam mê tìm hiểu văn hóa, lịch sử Bắc Âu của Ashmaf Ismall.
Điều thú vị là cuốn sách Easters of the Dead là một tác phẩm hư cấu được vay mượn từ 2 nguồn, một trong số đó là bài thơ sử thi Beowulf – một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học Anh cổ. Nguồn khác của cuốn tiểu thuyết là câu chuyện đời thực của Ahmad ibn Fadlan, người đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về người Viking trong cuộc đời.
Do đó, tôi tin nhiều khả năng trong Assassin’s Creed: Valhalla, Ahmad ibn Fadlan sẽ xuất hiện với vai trò nhân vật khách mời. Đây cũng là một cách để những người làm nên Assassin’s Creed tôn vinh nguồn cảm hứng bất tận trong cuộc đời mình.