Có lẽ vẫn còn vài năm nữa mới chính thức lộ diện, nhưng ít nhất sự tồn tại của The Last of Us Part 3 là điều gần như chắc chắn. Hiện vẫn chưa rõ liệu tiền đề và cốt truyện tổng thể cho phần game thứ ba này như thế nào, nhưng nó hoàn toàn có khả năng sẽ khai thác lại một vài đặc điểm đã được thiết lập bởi hai phiên bản tiền nhiệm. The Last of Us Part 2 đã cho thấy một bước tiến rất xa so với phần game đầu tiên, cả về khái niệm cốt truyện lẫn lối chơi.
Những trận đánh trong The Last of Us Part 2 cực kì chất lượng, đặc biệt là các hình thức chiến đấu lén lút mang đến sự đa dạng vượt trội hơn. Các cơ chế khám phá và kinh dị - sinh tồn từ phần game đầu tiên không có quá nhiều thay đổi ở phần 2, nhưng các màn chơi đã có phần được mở rộng hơn, nhờ đó mà người chơi có thêm nhiều hướng tiếp cận kẻ thù hơn so với trước đây. Và chắc chắn một điều rằng không một phân đoạn nào trong The Last of Us 2 thể hiện được phong cách thiết kế mở rõ nét hơn khu vực đầu trò chơi, điều mà The Last of Us 3 nên tìm cách tái hiện.
Khu vực Seattle là một trong những điểm nhấn lớn nhất của The Last of Us 2
The Last of Us Part 2 chắc chắn không phải một trò chơi thế giới mở, mà thay vào đó nó được chia ra thành từng chương riêng biệt. Người chơi được đặt trên một con đường đã định trước và gần như không có cơ hội nào để phá vỡ trình tự. Đây là lý do vì sao nhiệm vụ đầu tiên ở khu Seattle, khi Ellie và Diana cưỡi ngựa băng qua một vùng rộng lớn của thành phố trở nên nổi bật. Khu vực đầu game này có vô số mục tiêu phụ, tài nguyên để thu thập và bí mật để khám phá.
Lần đầu tiên và duy nhất trong game, người chơi được trao cho một tấm bản đồ sẽ cập nhật mỗi khi khám phá ra những địa điểm đáng chú ý mới, và chỉ một vài trong số đó là bắt buộc. The Last of Us Part 2 cũng tưởng thưởng cho những ai chịu khám phá khu vực mở này, với nhiều vật phẩm giá trị để tìm kiếm, bao gồm một khẩu shotgun.
Người chơi cũng có thể tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa Ellie với Diana, khi khám phá các khu vực cụ thể sẽ dẫn đến các tương tác và hội thoại nhân vật riêng. Nhìn chung, thực sự rất ấn tượng khi trò chơi tận dụng tính tương tác và lối thiết kế môi trường mở-đóng này để phục vụ cho cả lối chơi lẫn cốt truyện.
The Last of Us 3 có thể đưa vào những khu vực thế giới mở tương tự như thế nào
Một số người hâm mộ có thể sẽ cảm thấy bất ngờ khi biết được The Last of Us Part 2 suýt nữa đã trở thành một trò chơi thế giới mở ngay từ đầu, nhưng Naughty Dog quyết định hủy bỏ định hướng đó trong giai đoạn phát triển ban đầu. Cuối cùng thì quyết định này có lẽ là điều tốt nhất, vì một công thức game thế giới mở sẽ không thực sự phát huy hiệu quả với một trò chơi sở hữu cốt truyện tuyến tính truyền thống. Nhưng đồng thời, các khu vực thế giới mở biệt lập giống như Seattle trong The Last of Us 2 là một sự bổ sung tuyệt vời.
Thay vì chỉ có một khu vực theo kiểu sandbox như thế, The Last of Us 3 có thể có nhiều khu vực khác nhau, cho phép Naughty Dog thể hiện khả năng thiết kế các màn chơi mở-đóng của mình trong một số môi trường khác nhau. The Last of Us 2 ban đầu được truyền cảm hứng bởi Bloodborne, do đó việc kết hợp một số thiết kế màn chơi mang tính chất liên kết của FromSoftware, thêm vào những đặc điểm như các đường tắt và lối đi lặp lại, có thể tăng cường trải nghiệm hơn nữa. Điều này sẽ giúp cho The Last of Us 3 thể hiện được sự phát triển vượt trội so với phiên bản tiền nhiệm.