Nếu đặt cách mở rộng quy mô của EA và Tencent lên bàn cân, chúng ta sẽ thấy họ đều là những hãng game bành trướng bằng cách thu mua các studio nhỏ có tiềm lực về làm của mình. Tuy nhiên mỗi nhà lại có cách hành xử riêng mà chính từ đó biến EA thành kẻ đáng ghét và tham lam nhất thế giới còn Tencent là một tảng đá thầm lặng cứ lớn dần mà chả ai chú ý mấy. Hãy cùng nhìn lại cách mà mỗi hãng hành xử với những kẻ “được mua về” dưới trướng mình xem phong cách khác biệt ra sao nhé!
Electronic Arts – EA
Từng là nhà phát triển – phát hành game lớn nhất thế giới với một đội ngũ studio đông đảo, sở hữu nhiều thương hiệu vang bóng một thời như Medal of Honor, Command & Conquer, Dead Space, Populous, Dungeon Keeper, SpellForce, SimCity, Star Wars Battlefront (không phải Battlefront hiện tại), EA bị vô số game thủ khắp thế giới xem là kẻ thù trong suốt nhiều năm qua. Điều này là dễ hiểu nếu bạn quen thuộc với lịch sử làng game: những tựa game mà Mọt vừa nhắc tới bị gọi là “vang bóng một thời” chứ không còn tồn tại trong thời điểm hiện tại, bởi EA đã đập nát chúng bằng sự tham lam và độc đoán của mình rồi xử tử luôn studio tạo ra chúng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà phát hành này 2 lần liên tiếp giành được giải thưởng “cao quý” Công ty tệ nhất nước Mỹ vào năm 2012 và 2013.
Ngay cả Mọt tui cũng từng có thời ghét cay ghét đắng EA. Trong vai trò là một fan cuồng của RTS nói chung và Command & Conquer nói riêng, Mọt cho rằng đống rác bốc mùi có tên Command & Conquer 4 không nên tồn tại, nhưng nó lại được làm ra bất chấp phản ứng của game thủ và thất bại thảm hại, khiến dòng game này phải kết thúc trong sự ô nhục vào năm 2010. Hơn một năm sau đó, họ công bố đang phát triển Command & Conquer Generals 2 – phần tiếp theo của tựa game RTS mà Mọt tui nghiện chẳng kém gì Đế Chế, nhưng chẳng bao lâu sau trò chơi lại được công bố là đã bị hủy bỏ, những gì còn sót lại được chỉnh thành một tựa game online Free to Play, rồi sau đó hoàn toàn rơi vào quên lãng trước khi bị EA hủy bỏ vào năm 2013. Studio Victory Games được EA lập nên để phát triển tựa game này cũng bị dẹp luôn sau đó. Gần đây, cái tên Command & Conquer được đào lên trở lại để làm thành một… game mobile!
Một điều kỳ lạ khác trong cách vận hành studio của EA nằm ở việc họ buộc mọi studio con của mình phải phát triển game bằng engine Frostbite do DICE phát triển. Chuyện làm game bằng engine này khốn khổ khốn nạn thế nào thì Mọt tui đã nói đến nhiều, nên nhắc lại mãi cũng chi nhàm tai. Nhưng điều khó chịu nhất khi các nhà phát triển phải làm game trên nền tảng này nằm ở chỗ nó thiếu cực kỳ nhiều tính năng cần thiết cho mọi thể loại game không phải bắn súng, chẳng hạn… save – load. Để vượt qua những trở ngại này, các nhà phát triển phải tự bơi một mình, trong khi đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật mà EA thành lập từ nhân sự của DICE chỉ ưu tiên giúp đỡ cho những studio làm ra các con gà đẻ trứng vàng của hãng như Madden, NFL, FIFA… Và bạn biết thừa những tựa game này ra mắt dày đặc đến mức nào: mỗi năm một bản, chẳng thay đổi gì nhiều ngoài việc xóa sạch chiến tích và đội hình cũ của game thủ để bắt họ mua loot box lại từ con số không!
Còn có những điều không hay khác thường được giới chuyên môn, dân trong nghề và game thủ kháo nhau về EA. Trong trí nhớ của mình, Mọt có thể kể đến chuyện EA dùng nhiều độc chiêu cố ý bóp chết Titanfall 2 để mua lại Respawn với giá rẻ mạt, chuyện EA bắt Visceral phải làm Dead Space kiểu hút máu khiến chất lượng game sụt giảm, rồi dẹp luôn Visceral khi game thủ bất mãn, chuyện SimCity bị biến thành một tựa game “xây quận” thay vì “xây thành phố,” chuyện “cảm giác tự hào và thành tựu” hồi cuối năm 2017, chuyện “cơ chế gây bất ngờ khá là đạo đức” hồi giữa năm nay, vân vân và vân vân.
Tencent
Trong khi EA bận rộn mua lại các studio làm ăn thành công và “uốn nắn” lại phương thức hoạt động, cách làm game của họ cho phù hợp với ý thích của mình, Tencent âm thầm vung tiền gom những studio thành công hoặc có dấu hiệu thành công trên khắp thế giới, rồi để yên cho họ tự làm ăn đem tiền về cống nộp. Thật vậy, khi nhìn lại danh sách mà Mọt tui tổng hợp về những studio và nhà phát hành mà Tencent đã chạm đến trên khắp thế giới, bạn sẽ nhận thấy điều này. Riot đưa ra ý tưởng Liên Minh Huyền Thoại có vẻ hứa hẹn? Mua. Bluehole thành công với PUBG? Mua. Grinding Gear Games làm ra Path of Exile được tiếng thơm từ game thủ? Mua. Cổ phần của Ubisoft chảy ra thị trường? Mua luôn!
Cứ thế, Tencent xây dựng được một mạng lưới những dòng chảy lợi nhuận từ những nhà phát triển và phát hành thành công nhất thế giới, giúp họ không ngừng phình to hoặc giữ vững lợi nhuận của mình ngay cả khi thị trường Trung Quốc chững lại. Gần đây nhất, những số liệu quý 2/2019 của Tencent cho thấy rằng dù nguồn thu của họ tại Trung Quốc sụt giảm mạnh do chính phủ nước này ngừng cấp phép game mới trong một thời gian, doanh thu của Tencent vẫn vượt qua dự đoán ban đầu và cao hơn 21% so với quý 2/2018. Trong kết quả kinh doanh quý 3 vừa được công bố 2 tuần trước đây, doanh thu của họ lại tăng đúng 21% so với cùng kỳ 2018. Trong quý 4 này, dù Tencent tiếp tục đối mặt những khó khăn mới chẳng hạn Trung Quốc cấm trẻ em chơi game khuya và đặt giới hạn số tiền họ có thể chi vào game mỗi tháng, nhưng Mọt sẽ không ngạc nhiên nếu vào đầu năm sau, Tencent lại tiếp tục báo cáo sự tăng vọt về doanh thu.
Nhưng Tencent không chỉ mua game để kiếm tiền, mà còn để… ăn theo nữa. Bạn đã thấy nhiều ví dụ tương tự: khi Riot không chịu làm LMHT Mobile, Tencent không bắt ép mà tự phát triển rồi tung ra Vương Giả Vinh Diệu (Liên Quân Mobile) để hốt bạc trên thị trường này, với hình ảnh, bản đồ, gameplay gần như giống hệt LMHT, khiến Riot bực mình và tạo vết rách trong mối quan hệ đôi bên. Tương tự vậy, nhà phát hành này còn khéo léo lợi dụng chính sách của chính phủ Trung Quốc buộc các tựa game phát hành tại Trung Quốc phải có sự hợp tác với một công ty trong nước để làm ra những tựa game tương tự: Hòa Bình Tinh Anh (Peacekeeper Elite) là bản sao của PUBG, được Tencent tạo ra để thay thế PUBG Mobile vốn không thể được cấp phép tại thị trường Trung Quốc do chính sách mới của chính phủ nước này. Tencent tuyên bố rằng họ tự phát triển trò chơi này, còn việc Bluehole có tham dự hay không thì… chẳng ai biết.
Dĩ nhiên Mọt không phải nói rằng Tencent được điều hành bởi những thánh nhân như Khổng, Mạnh ngày nào, với đạo đức ngời ngời và nhân phẩm không thể nào tốt đẹp hơn. Chúng ta chỉ không biết về những gì Tencent thực hiện với các studio con của mình tại Trung Quốc, bởi những gì xảy ra ở đất nước này vẫn là một điều bí ẩn với báo giới nước ngoài, một phần bởi họ chưa tạo ra đủ nhiều game khủng, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên ngành công nghiệp game toàn cầu và buộc mọi người phải dõi theo. Vì vậy, bài viết này được thực hiện không phải nhằm đội bên này, đạp bên kia, mà chỉ nhằm chia sẻ những gì mà Mọt tui nhận thấy được trong quá trình gắn bó với làng game của mình, còn phán xét ra sao là việc của bạn đọc.
“Thâm nho, nhọ đít”
Tóm lại, dù game là nghệ thuật thì nó vẫn cần phải kiếm tiền cho ông chủ, chỉ khác biệt ở chỗ biện pháp được sử dụng để kiếm tiền từ trò chơi là “mổ gà lấy trứng” hay chăm bẵm, vắt sữa từng ngày. Làm game kiểu EA khiến nhà phát hành này trở thành một trong vài cái tên khó ưa nhất thế giới – nếu phải xếp hạng, Mọt sẽ cho EA lên top 1, rồi đến Ubisoft và Konami. Trong khi đó, lại chẳng mấy ai biết được tầm ảnh hưởng của Tencent sâu rộng đến đâu và họ đã làm những điều xấu xa gì vì trong đại đa số thời điểm, Tencent chỉ rung đùi hốt bạc mà thôi.