Fight’N Rage, bức thư tình cuối cùng của thể loại beat-’em-up cổ điển - PC/Console

Ngày nay beat-’em-up không còn là thể loại chủ lưu của ngành công nghiệp game nhưng vẫn có những dư âm mà nó để lại ví dụ như Fight’N Rage chẳng hạn.

Được biết beat-’em-up là thể loại game đánh đấm liên hồi, tập trung vào kiểu chiến đấu một chọi một trăm trong những vùng không gian nhỏ, để giành chiến thắng người chơi phải đánh bại số lượng kẻ địch do máy tính điều khiển đông như quân Nguyên trước khi gặp trùm cuối của mỗi màn. Beat-’em-up không khó cũng không đòi hỏi kỹ năng quá lớn từ người chơi, trừ khi họ muốn thực hiện những clip no damage (đi từ đầu đến cuối mà không bị đánh trúng phát nào) để đăng lên YouTube. Thay vào đó độ khó của game nằm ở chỗ cứ qua mỗi màn chơi số lượng kẻ thù lại đông hơn và thanh máu của chúng lẫm trùm cuối màn lại được chồng thêm vài lần. Ưu điểm lớn nhất của Beat ’em up là giúp người chơi cảm thấy thoải mái và xả stress cực tốt.

Những ngày xa xưa khi máy game arcade còn làm mưa làm gió, beat-’em-up cũng từng có thời cực thịnh và phát triển rực rỡ với những Double Dragon, Altered Beast hay Golden Axe. Tuy nhiên thành bại cũng tại gió Đông, khi máy game thùng thoái trào cũng là lúc thể loại loại này biến mất khỏi dòng chảy chính của ngành công nghiệp game. Giờ đây thỉnh thoảng người ta vẫn sẽ thấy vài trò chơi thuộc thể loại này ra mắt, đồng thời nhận được các phản hồi rất tích cực từ phía người hâm mộ. Thế nhưng beat-’em-up hoàn toàn không có khả năng phục hồi lại vinh quang rực rỡ của thập niên 90. Trong bối cảnh được chăng hay chớ ấy, sự ra mắt lần đầu vào năm 2017 của Fight’N Rage cứ như một luồng gió mát giúp xoa dịu tức thời nỗi nhớ nhung của những người mê game đi cảnh.

Về cơ bản Fight’N Rage là tựa game đánh đấm beat-’em-up do sebagamesdev sản xuất và phát hành, trò chơi lấy được cảm tình của game thủ nhờ sở hữu những yếu tố mang theo phong cách cổ điển tương tự như các huyền thoại Final Fight, Battletoads và Captain Commando. Đầu tiên các nhân vật trong game tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của một game đi cảnh gồm nhân vật nhanh nhẹn nhất sẽ là người có chỉ số HP lẫn sức tấn công thấp nhất, ở đây chính là cô nàng Gal nóng bỏng. Để làm đối trọng cho việc nhanh mà yếu sẽ có một gã bị thịt to xác với sức tấn công kinh hồn nhưng chỉ số nhanh nhẹn lại vô cùng thê thảm kiểu như Haggar trong Final Fight. Trong FNR, bản sao của Haggar mang tên Ricardo với chiếc quần gài dây không lẫn vào đâu được. May mắn thay hắn có tạo hình như ngưu mà vương nếu không có thể lại ăn kiện bản quyền từ Capcom không biết chừng.

Đánh giá Unruly Heroes: Tây Du Ký đẹp tuyệt vời
Đánh giá Unruly Heroes: Cuộc hành trình Tây Du "đi cảnh" Ký hấp dẫn
Phỏng theo các nhân vật trong Tây Du Ký với lối chơi độc đáo, Unruly Heroes là một tựa game thú vị cho bất kỳ ai yêu thích thể loại đi cảnh màn hình ngang.

Nhân vật cuối cùng, cũng là nhân vật hay bị chọn lựa nhất sở hữu chỉ số công thủ toàn diện với tốc độ tương đối ổn định của Fight’N Rage mang tên F. Norris, không biết NSX có cố tình hay không nhưng nhìn cái phong thái này kiểu gì người ta cũng sẽ hình dung ra gã đàn ông râu rậm, ngậm xì gà có khả năng đếm số tới vô cực tận 2 lần trong các ảnh meme lưu truyền đầy rẫy trên mạng. Các nhân vật trong game, về ý nghĩa nào đó mang đậm chất hỗn loạn đầy chủ ý, tương tự cái cách mà Paul Robertson đã làm trong Scott Pilgrim vs. the World: The Game. Tuy nhiên khác với sự hỗn loạn vô tổ chức nhưng vẫn giữ lại những màu sắc tươi sáng trong tác phẩm ra mắt năm 2010, có thể thấy FNR mang nhiều xu hướng hắc ám hơn rất nhiều.

Nếu từng say mê các tựa beat-’em-up kinh điển như Final Fight, Battletoads và Captain Commando, hẳn lối chơi của FNR không có gì khiến người ta quá ngạc nhiên với ba thao tác cơ bản gồm đánh, nhảy và tuyệt chiêu. Tuy nhiên trò chơi lại mang đến không gian sáng tạo rất lớn khi hai thao tác nhảy và tuyệt chiêu lại có thể biểu diễn ra những đòn thế hoàn toàn khác nhau tùy thuộc vào chuyển động lúc đó của nhân vật là di chuyển bình thường, chạy nhanh (dash) hay nhảy hai bước (leap jump). Tất nhiên xài tuyệt chiêu trong beat-’em-up luôn có một giới hạn nhất định và ở Fight’N Rage chính là việc tiêu hao một thanh năng lượng cố định. Người chơi có thể nhặt các ống năng lượng để sạc lại thanh năng lượng hoặc bí quá hóa liều khi bị hàng tá kẻ thù vây quanh cũng có thể đánh đổi HP làm năng lượng sử dụng. Rất truyền thống, rất không phá cách nhưng ăn điểm ở cảm giác trải nghiệm đầy quen thuộc với các fan game thùng kỳ cựu.

Fight’N Rage

Một điểm ở Fight’N Rage mà các game beat-’em-up cổ điển không có điều kiện thực hiện chính là giá trị chơi lại cực cao, không phải vì để giết thời gian mà vì game có quá nhiều điều ẩn giấu chờ người ta quay lại khám phá. Những trang phục mới cho cả 3 nhân vật, nhiều cấp độ khó khác nhau, những thử thách mới khi hoàn thành các màn chơi cũ hay ngay cả chế độ speedrun cũng địch tích hợp sau lần về nước đầu tiên chính là những yêu tố khiến người ta cứ phải chơi đi chơi lại game nhiều lần. Không dừng lại ở đó, việc nội dung cốt truyện bị phân nhánh tùy theo lựa chọn cùng với các kết thúc khác nhau lại là một yếu tố hấp dẫn khiến FNR có thể giữ chân thiên hạ một thời gian tương đối lâu dài.

Được phát hành trên PC vào cuối năm 2017, mặc dù đã trải qua gần hai năm phát triển tuy nhiên sức cống hiến của Fight’N Rage đối với thể loại beat-’em-up nói chung hay các game thủ mê đấm đá nói riêng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi mới đây NSX đã hé lộ thông tin sẽ mang trò chơi cập bến hai nền tảng mới là Nintendo Switch và Xbox One vào các ngày 26 và 27/9/2019. Nếu đã từng trải nghiệm nhưng cảm thấy cuộc trải nghiệm trên PC là chưa đủ để thỏa mãn cơn thèm khát chiến đấu, game thủ có thể cân nhắc tiếp tục chu du trong thế giới sôi động của FNR ở một trong hai phiên bản nói trên hoặc cả hai nếu dư dả cả thời gian lẫn tiền bạc.

Xbox One: https://www.microsoft.com/en-us/p/fightn-rage/9pf3ncdg22k1

Nintendo Switch: https://www.nintendo.com/games/detail/fight-n-rage-switch/