Ghost Recon Breakpoint đang hiện nguyên hình là con quỷ hút máu? - PC/Console

Tựa game mới Ghost Recon Breakpoint của Ubisoft không chỉ bán tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng ra, mà còn bán nhiều hơn thế nữa.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các tựa game của Ubisoft đều chạy theo cùng một xu hướng thế giới mở, với các địa danh chi chít trên một bản đồ rộng lớn và vô vàn biểu tượng đại diện cho nhiều hoạt động bên lề khác nhau nhằm kéo dài thời lượng của trò chơi. Sếp của Ubisoft không ngần ngại xác nhận rằng đó sẽ là đặc điểm chung của mọi tựa game từ Ubisoft trong thời gian tới, và họ không hề có ý định trở lại với những tựa game tuyến tính bình thường. Ghost Recon Breakpoint, tựa game mới nhất mà họ vừa phát hành cũng không ngoại lệ: thời lượng của trò chơi được kéo dài hết mức có thể bằng những tính năng có phần… thừa thải như RPG, cấp bậc của trang bị, trong khi hệ thống sinh tồn được quảng cáo ban đầu liên tục bị “nerf” để trở nên gần như không tồn tại trong phiên bản hoàn chỉnh của trò chơi. Tất cả đều chỉ nhằm phục vụ một mục tiêu duy nhất mà Ubisoft đang theo đuổi: tiền.

Ghost Recon Breakpoint là một nền tảng bán hàng đội lốt game

Ghost Recon Breakpoint là một nền tảng bán hàng đội lốt game

Mọi thứ đều được bán bằng tiền.

Thật vậy, khi chơi thử phiên bản chính thức của Ghost Recon Breakpoint, tác giả không thể thuyết phục bản thân rằng Ubisoft đang cố gắng tạo ra một tựa game hấp dẫn. Thay vào đó, Mọt tui cho rằng mục tiêu thật sự của những tính năng mà Ubisoft tạo ra trong Breakpoint là để tạo ra một nền tảng microtransaction với một chút gameplay thế giới mở. Họ cố gắng che giấu điều này trong các đợt thử nghiệm từ Tech Test đến Closed Beta rồi Open Beta, không phải để đánh lừa game thủ rằng trò chơi không có microtransaction, mà là để khiến game thủ không thể biết được rằng những trò hút máu trong một tựa game giá 60 USD (hoặc hơn, tùy phiên bản bạn mua) như Ghost Recon Breakpoint bệnh hoạn đến mức nào.

Microtransaction trong Ghost Recon Breakpoint bệnh hoạn đến mức nào? Đáp án rất đơn giản: tất cả mọi thứ – Mọt xin nhấn mạnh là tất cả mọi thứ – trong game đều có thể được mua bằng tiền mặt, trừ một vài vật phẩm quan trọng bị ẩn giấu đằng sau những nội dung endgame “lạc quẻ” như raid boss hay chế độ PvP. Bạn có thể nâng cấp khẩu súng của mình lên tối đa bằng các nguyên liệu được bán trong cash shop, có thể học max kỹ năng ngay lập tức, có thể lắp tất cả những loại linh kiện tốt nhất vào vũ khí ở level 1, chỉ cần bóp của bạn có đủ đô la. Với những lợi thế này, rõ ràng là Ubisoft đang cố gắng thuyết phục game thủ của mình rằng hãy bơm tiền vào Breakpoint để có tất cả những vật phẩm hào nhoáng nhất, chói lòa nhất. Chỉ cần bạn chịu bỏ tiền, bạn sẽ… không cần phải chơi game, vì tất cả mọi thứ đều có sẵn trong cash shop, từ khẩu súng tỉa cực ngầu đến chiếc mặt nạ +10 một chỉ số nào đó trong game!

Ghost Recon Breakpoint là một nền tảng bán hàng đội lốt game

Những vật phẩm “tiết kiệm thời gian” này tạm thời bị gỡ khỏi game, nhưng sẽ trở lại.

Điều này dẫn đến một chút Pay to Win khi game thủ có thể mua điểm kỹ năng cho nhân vật của mình ngay lập tức, khiến phần PvP trở nên mất cân bằng bởi game cho phép dùng chung một nhân vật trong cả PvE và PvP. May mắn là Ubisoft phần nào hạn chế lợi thế về trang bị trong PvP, nên những game thủ đại gia không thể biến mình thành Iron Man hay Robocop để gánh team như một vị thần – bạn chỉ có thể mua lợi thế, chứ không thể mua chiến thắng trong Breakpoint. Dù vậy, trước sự phản đối dữ dội của người chơi, Ubisoft đã phải tạm gỡ bỏ các gói điểm kỹ năng, tăng kinh nghiệm, linh kiện “xịn” cho vũ khí khỏi cửa hàng, nhưng bào chữa rằng đó chỉ là một sai lầm tạm thời và không quên nhắc nhở game thủ rằng chúng sẽ trở lại trong tương lai. Đây là chiến thuật “anchor” được dùng thường xuyên trong thương lượng và kinh doanh: bạn đòi 100 USD cho một món hàng, sau đó giảm bớt chỉ đòi 90 USD. Mức giá 90 USD sẽ được chấp nhận một cách dễ dàng hơn hẳn. Sau vài lần lặp đi lặp lại, bạn sẽ thành công… đánh lừa đối thủ chấp nhận mức giá 100 USD mà họ từ chối ban đầu.

id Software tiết lộ công thức làm cho Doom Eternal hấp dẫn hơn
id Software tiết lộ công thức làm cho Doom Eternal hấp dẫn hơn
Để chinh phục game thủ một lần nữa, id Software đã cải tiến mọi khía cạnh của Doom Eternal, từ chơi đơn đến chơi mạng và hơn thế nữa.

Bán quần áo, điểm kỹ năng, trang bị, súng ống, linh kiện, nguyên liệu chế tạo thôi chưa đủ, Ubisoft còn cho vào tựa game của mình các Battle Pass (được gọi là Battle Reward Act) – phương thức kiếm tiền của những game free to play như Apex Legends hay Fortnite. Hẳn bạn đã quen thuộc với phương thức hoạt động của Battle Pass trong các tựa game đó: bạn chi một ít tiền mua nó và sẽ được nhận phần thưởng khi hoàn tất các mục tiêu nhất định. Trong Breakpoint, Ubisoft thậm chí… bán cả việc hoàn thành nhiệm vụ trong Battle Pass, cộng thêm một vật phẩm tăng kinh nghiệm nhận được khi “cày” Battle Pass bằng tiền mặt để tận thu. Thông thường Battle Pass là những nội dung được tạo ra để khuyến khích game thủ thưởng thức trò chơi, nhưng ở đây, Ubisoft tạo ra Battle Reward Act để khuyến khích game thủ… bỏ tiền ra để khỏi phải trải nghiệm chúng.

Ghost Recon Breakpoint là một nền tảng bán hàng đội lốt game

Chỉ cần bỏ tiền ra, bạn sẽ không phải chơi game.

Ghost Recon Breakpoint cũng là một phần của xu thế “game dịch vụ” (game as a service) hiện đại, và vì thế nó được thiết kế để giữ chân game thủ lại lâu hết mức có thể. Trò chơi chỉ vừa ra mắt, nhưng Ubisoft đã công bố một roadmap cho năm đầu tiên với ba bản cập nhật đem lại các lớp nhân vật mới, những con trùm mới, các sự kiện mới, bản đồ PvP mới và nhiệm vụ mới trong game. Thêm nội dung cho game luôn là điều tốt, nhưng với những gì Ubisoft đang thực hiện với nền tảng bán hàng Breakpoint, Mọt tui dám cá với các bạn rằng những bản cập nhật đó cũng chỉ được tạo ra nhằm mục đích bán thêm những vật phẩm mới trong game.

Ghost Recon Breakpoint là một nền tảng bán hàng đội lốt game

Bạn sẽ phải tốn tiền mua DLC, sau đó chi thêm tiền mua item.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến quyết định buộc game thủ chơi online của Ubisoft. Để đảm bảo lợi nhuận của trò chơi, Ubisoft không cho phép game thủ chơi Ghost Recon Breakpoint ở chế độ offline, ngay cả khi bạn chỉ chơi một mình. Tất cả mọi hoạt động của bạn đều phải được thực hiện với kết nối internet, và bất kỳ lúc nào kết nối chập chờn hay server của Ubisoft “đứt bóng”, game thủ sẽ bị đá khỏi trò chơi ngay lập tức. Điều càng tệ hại hơn là trò chơi chỉ save tiến độ của game thủ khi đã hoàn tất một nhiệm vụ, nên không hiếm trường hợp game thủ phải làm lại nhiệm vụ từ đầu. Việc Ubisoft đòi hỏi game thủ phải luôn online là một điều dễ hiểu bởi các tựa game trước của Ubisoft như Assassin’s Creed Odyssey hay Wildlands đều có thể bị hack để lấy vật phẩm hoặc tiền cash, nhưng việc buộc game thủ phải luôn online cả khi họ chỉ chơi game không bao giờ là một giải pháp hay. Hãy nghĩ đến tương lai: 3 hay 4 năm sau khi Ubisoft tắt server, bạn sẽ không bao giờ còn có thể chơi Breakpoint mặc dù đã trả 60 USD cho nó. Ở đây, Ubisoft đã đặt thu nhập của mình lên trên trải nghiệm của game thủ, và Mọt tui không thích điều đó.