Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.2 - PC/Console

Những tựa game như Leisure Suit Larry hay The Secret of Monkey Island ra mắt vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng vẫn được ghi nhớ đến ngày nay.

Sierra và dòng game Quest

Trong khi những kẻ đến sau như Silicon Beach và ICOM tìm cách chen chân vào thị trường game graphic adventure và có những thành công nhất định, Sierra vẫn lầm lì tiến tới. Sau sự thành công của King’s Quest: Quest for the Crown, họ tiếp tục tung ra thêm hai tựa King’s Quest khác và một dòng game mới là Space Quest, với bối cảnh không gian.

Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng - P.2

Space Quest: “cái bàn là để giữ vật phẩm cao hơn nền nhà.”

Phiên bản đầu tiên của dòng game Space Quest là The Sarien Encounter được phát hành vào năm 1986, đưa bạn vào vai một anh lao công may mắn thoát chết khi người ngoài hành tinh giết hại tất cả mọi người trên phi thuyền. Trò chơi đi theo phong cách hài hước, nhại lại nhiều hiện tượng văn hóa và các ngôi sao thời bấy giờ. Thậm chí nó còn “chọc ngoáy” cả King’s Quest khi cho nhân vật chính Roger Wilco ghé thăm Daventry, thế giới của King’s Quest. Trò chơi rất thành công và bán được khoảng 200.000 bản, một con số khổng lồ với một tựa game của thời đại này. Phần kế tiếp của Space Quest là Vohaul’s Revenge cũng rất thành công, và vẫn tiếp tục phong cách hài hước cũ, chẳng hạn nhân vật chính Roger được tưởng thưởng bằng cách thăng chức lên trưởng nhóm lao công, một danh hiệu vô nghĩa vì anh là lao công duy nhất trên phi thuyền.

Graphic Adventure - lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.1
Hãy cùng Mọt khám phá lịch sử của Graphic Adventure, một thể loại đã từng chinh phục game thủ mọi lứa tuổi, nhưng nay đã rơi vào quên lãng.

Sau Space Quest, Leisure Suit Larry in the Land of the Lounge Lizards là tựa game 18+ gây chấn động mới nhất của Sierra. Trò chơi này là kết quả của nỗ lực làm mới một tựa game text adventure cũ có tên Softporn, nhưng với nhân vật chính mới là chàng Larry Laffer. Là một tựa game được Sierra thiết kế cho game thủ trên 18 tuổi, trong một thế giới mà ESRB chưa tồn tại, bạn cần phải… chứng minh bản thân xứng đáng được chơi Leisure Suit Larry. Trò chơi sẽ hỏi tuổi tác và nếu bạn dưới 18 tuổi, nó sẽ đá bạn ra ngoài. Nếu bạn trả lời mình trên 18 tuổi, game sẽ đưa ra một loạt câu đố liên quan đến chính trị hoặc giải trí để bạn trả lời. Điều này khiến game thủ có được “cảm giác tự hào và thành tựu” ngay từ công đoạn khởi động game.

Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng - P.2

Leisure Suit Larry in the Land of the Lounge Lizards.

Có lẽ bởi thử thách này mà Leisure Suit Larry không thật sự nổi tiếng ngay lập tức, khi chỉ khoảng 4.000 bản được bán ra trong tháng đầu tiên. Tuy nhiên game thủ không để ngọc sáng bị lu mờ: những lời truyền miệng giữa game thủ với nhau nhanh chóng đẩy trò chơi lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng game bán chạy nhất nước Mỹ vào tháng 7/1988. Điều này cũng giúp Larry trở thành một huyền thoại khi những tình huống cưa gái “fail sấp mặt” đầy hài hước và quái đản của mình lan truyền khắp cộng đồng game thủ, một phần nhờ công của… hàng triệu bản game lậu. Ông Al Lowe, người đã làm nên Leisure Suit Larry nói rằng ở Nga, trò chơi phổ biến tới mức người ta tưởng nó là một phần của hệ điều hành DOS.

Người mới

Đạo diễn George Lucas tham gia vào việc làm game từ năm 1982 bằng cách thành lập Lucasfilm Games, nhưng studio này chỉ tiến quân vào thị trường graphic adventure vào năm 1986 với tựa game Labyrinth: The Computer Game cho gần như tất cả các hệ máy tính thời đó. Tuy nhiên trò chơi này không thành công, và Lucasfilm Games phải chờ thêm một năm để có được chỗ đứng trong thị trường mới bằng Maniac Mansion, một tựa game với ý tưởng mới lạ: game thủ sẽ không… chết trong trò chơi này.

Ron Gilbert, người phát triển Maniac Mansion là một fan của dòng game King’s Quest, nhưng ông không thích việc game thủ chết quá nhiều lần trong các tựa game của Sierra. Ông viết ra Script Creation Ultility for Maniac Mansion (SCUMM), engine nền tảng của Maniac Mansion. SCUMM kết hợp tất cả ưu điểm của giao diện MacVenture của hãng ICOM với engine AGI của Sierra, đem lại cho game thủ một giao diện đơn giản, rõ ràng hơn như bạn có thể thấy trong hình dưới:

Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng - P.2

Maniac Mansion.

Maniac Mansion cho phép game thủ lựa chọn nhiều nhân vật khác nhau, nhiều kết cục và những câu đố cực kỳ hài hước cùng bối cảnh lấy cảm hứng từ một bộ phim kinh dị hạng xoàng. Rol Gilbert cũng nhắm tới một cách thiết kế game thân thiện với người chơi hơn khi ông không trừng phạt họ bằng cái chết của nhân vật khi quá tò mò, cũng không bắt người chơi phải đi lùi lại quá xa để tìm một vật phẩm mình bỏ lỡ – điều mà chắc chắn game thủ nào cũng mắc phải khi chơi những tựa game tương tự. Nhờ có nội dung và hình ảnh rất khác biệt, cộng thêm việc game thủ rất khó chết, Maniac Mansion nổi bật trên thị trường và thu hút được rất nhiều game thủ chưa từng chạm đến thể loại graphic adventure.

Sau Maniac Mansion, Lucasfilm Games tiếp tục tung ra thêm bốn tựa game khác là Alien Mindbenders, Zak McKracken, Indiana Jones and the Last Crusade và Loom, mỗi tựa game đều đạt được những thành công nhất định, tất cả đều được thực hiện trên nền engine SCUMM. Nhưng có lẽ tựa game sử dụng SCUMM thành công nhất là The Secret of Monkey Island, một huyền thoại mà có thể bạn đã nghe tên dù chưa từng chạm đến.

Là sản phẩm của sự hợp tác giữa Tim Schafer, Dave Grossman và Ron Gilbert, The Secret of Monkey Island kể về những cuộc phiêu lưu của chàng Guybrush Threepwood nuôi giấc mộng thành hải tặc. Nó vẫn sử dụng công thức hài hước, thân thiện với game thủ của các tựa game trước, đâm thọc các tựa game cùng thể loại và chế nhạo cả thể loại game graphic adventure của mình. Những game thủ từng gặp qua Guybrush Threepwood hẳn vẫn còn nhớ những trận “đấu kiếm” bằng ngôn ngữ hay trò đùa “khỉ ba đầu” được lặp đi lặp lại trong nhiều phiên bản khác nhau.

Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng - P.2

Trò đùa “khỉ ba đầu” xuất hiện thường xuyên trong các phiên bản sau.

Ngoài sự hài hước quen thuộc của Lucasfilm Games, The Secret of Monkey Island còn nổi tiếng vì những câu đố và các vật phẩm quái đản. Một trong số đó là một con gà bằng cao su được lắp bánh xe ròng rọc giữa hai chân mà Guybrush nhận được từ một mụ phù thủy béo ú. Ban đầu, anh chàng nghĩ nó chẳng có tác dụng gì, nhưng thật ra nó là một vật phẩm rất hữu dụng trong game, và thường xuyên được nhắc đến trong các phiên bản tiếp sau.

(Còn tiếp)