Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.cuối - PC/Console

Thị trường không ngừng thay đổi và sự chần chừ của các nhà phát triển graphic adventure dẫn đến một cái chết được báo trước.

Sống khỏe tại châu Âu

Trong khi tại Mỹ, thể loại graphic adventure đang dần lùi về sau màn thì ở châu Âu, các nhà phát triển thể loại này tiếp tục thu lợi nhuận. Adventure Soft là một ví dụ. Trong thập niên 90, họ đã học hỏi công thức hài hước của LucasArts và kết hợp nó với chất Ăng lê của mình để tạo ra Simon the Sorcerer (1993), một tựa game rất thành công trên nhiều hệ máy, từ Amiga, CD32, PC, Mac… Đến năm 1997, nhà phát triển này lại tung ra The Feeble Files, một tựa game nhại theo The X Files với nội dung hài hước khi nhân vật chính là chú alien Feeble vướng vào một âm mưu đảo chính với nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.cuối

The Feeble Files

Sang năm 2000, tựa game The Longest Journey của Funcom cho thấy rằng tạm thời graphic adventure vẫn còn sức sống. Trò chơi này được ngợi khen không tiếc lời vì phần kịch bản và cốt truyện xuất sắc, thành công xây dựng nên hình tượng nữ nhân vật chính April Ryan đầy thông minh, sắc sảo và chín chắn, chứ không khai thác sức hấp dẫn giới tính của nhân vật. Gần như mọi khía cạnh của The Longest Journey đều hoàn hảo, chỉ trừ những lời phàn nàn về một hệ thống túi đồ rườm rà, lộn xộn và một vài câu đố ngớ ngẩn, lạc lõng trong game.

Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.cuối

The Longest Journey

Tại Pháp, nhà phát triển Microids cũng ghi tên mình vào bản đồ game graphic adventure với Syberia, một huyền thoại mà ngày nay chúng ta vẫn còn được nghe. Game kết hợp giữa phong cách tân nghệ thuật (art nouveau) với steampunk để tạo ra một thế giới mới lạ và đẹp mắt, cùng một cốt truyện sâu sắc. Syberia sở hữu những câu đố rất sáng tạo, các nhân vật chân thực, đáng tin và nền đồ họa cực kỳ chi tiết vào thời bấy giờ. Với những ưu điểm này, Syberia trở nên nổi bật và kiếm đủ tiền cho Microids, khiến họ quyết định mạo hiểm làm ra Syberia 2 và phát hành nó vào năm 2004. Trò chơi cũng khá thành công trong thời điểm thể loại graphic adventure đang trên đà suy thoái.

Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.cuối

Siberia.

Nhiều tựa game khác cũng cho thấy rằng graphic adventure sống khá hơn tại châu Âu. Runaway: A Road Adventure của Pendulo Studios là một ví dụ, bởi trò chơi này tung ra vào năm 2001 và bán được hơn 600.000 bản tại châu Âu, nhưng phải 2 năm sau nó mới được phát hành tại Mỹ. Một số nhà phát triển game Mỹ cũng tìm được thành công tại châu Âu, giúp họ tồn tại thêm được một thời gian trong thể loại này, chẳng hạn Westwood Studios với Blade Runner, DreamForge với Sanitarium.

Hồi sinh?

Thị trường châu Âu tiếp tục kéo dài sự sống cho thể loại graphic adventure cho đến năm 2006, khi Telltale Games bắt đầu phát hành một loạt game Sam & Max mới sau khi mua lại quyền làm game vào năm 2005. Các tựa game của họ được cho ra mắt theo kiểu chương hồi quen thuộc, với giao diện mới được cải tiến mạnh mẽ, hệ thống túi đồ được cập nhật theo tiêu chuẩn hiện đại. Game thủ giờ đây không còn cần click khắp nơi để xem item nào ráp được với item nào, mà chỉ cần click vào đúng vật phẩm cần thiết cho tình huống hiện tại. Trong khi đó, tính hài hước và dị hợm của trò chơi vẫn được giữ nguyên trên nền đồ họa 3D mới mẻ.

Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.cuối

Sam & Max của Telltale.

Fan và các nhà phê bình hết sức yêu thích Sam & Max, đến mức người ta tin rằng graphic adventure sẽ hồi sinh. Nhiều tựa game nổi tiếng từ thập niên 90 của thế kỷ trước được làm lại trên Nintendo DS, PC, console và cả iPhone. Những tựa game mới trên console như Indigo Prophecy và Heavy Rain có được một cộng đồng fan đông đảo, trong khi Wii có game bom tấn Zack & Wiki: Quest for Barbaros’ Treasure. Các studio nhỏ cũng tìm được thành công mới nhờ sự phát triển của Steam, giúp họ có thể tìm đến khách hàng dễ dàng hơn hẳn. Telltale tiếp tục ghi dấu thành công với những tựa game chương hồi mới như Wallace and Gromit, Strong Bad, Monkey Island.

Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.cuối

Zack & Wiki.

Hồi quang phản chiếu

Tuy nhiên sự bùng phát trở lại của thể loại game phiêu lưu vào thời điểm đó có vẻ là “hồi quang phản chiếu,” bởi những thể loại mới hơn như FPS, RTS, Open World đang tỏ ra hấp dẫn hơn hẳn. Nhờ sức mạnh của công nghệ, người ta có thể kết hợp khả năng kể chuyện của graphic adventure vào những thể loại này và tạo ra những tựa game vừa đẹp mắt hơn về hình ảnh, hấp dẫn hơn về lối chơi, lôi cuốn hơn về cốt truyện. Graphic adventure dần rơi vào quên lãng bởi sự tách biệt của chính mình, khi nó không chịu thích nghi với sở thích mới của game thủ và những tiến bộ mới của công nghệ. Những nỗ lực làm mới bản thân của các studio làm thể loại này có vẻ chỉ diễn ra vào giữa những năm 90 trước khi không ngừng tuột dốc, và điều gì phải đến đã đến.

Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.5
Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.5
Sau nhiều năm thống trị làng game, graphic adventure đã đi đến thoái trào khi tiến bộ của công nghệ cho phép các nhà phát triển làm ra những thể loại mới.

Ngày nay, graphic adventure gần như không còn tồn tại, minh chứng rõ ràng nhất là việc bạn cảm thấy xa lạ khi nghe những cái tên như Microids, Sierra hay DreamForge trong loạt bài viết này. Cả Sierra lẫn Telltale vang bóng một thời đều đã phải giải thể, Syberia 3 do chính Microids làm ra chỉ nhận được điểm số trung bình 51/100 (Metacritic),… Nhiều cái tên khác may mắn còn tồn tại, nhưng cũng chẳng còn mặn mà với việc làm ra graphic adventure.

Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.cuối

Siberia 3

Tuy nhiên, những tựa game phiêu lưu này đã làm tốt phần việc của mình: nó khiến các nhà làm game lẫn người chơi nhận ra rằng việc đưa những câu chuyện hoàn chỉnh, nghiêm túc vào game là hoàn toàn có thể. Nó kích thích sự tiến bộ của engine, thiết kế giao diện, âm thanh, kịch bản, lời thoại, hình ảnh – tất cả đều là những yếu tố quan trọng của ngành công nghiệp game. Graphic adventure cũng ảnh hưởng đến rất nhiều loại hình nghệ thuật khác, chẳng hạn cơ chế đảo ngược thời gian của Prince of Persia: The Sands of Time và rất nhiều tựa game hiện đại vốn được khởi đầu từ The Last Express, một tựa graphic adventure. Có thể nói rằng nếu không có thể loại này, chúng ta sẽ không có một ngành công nghiệp game đa dạng và khác biệt như hiện tại.