Video game đã trở thành một kiểu văn hóa đại chúng trong đời sống hiện đại, từ đó các tổ chức vốn có liên hệ mật thiết với giới trẻ và thanh niên như quân đội đang chú ý ngày càng mạnh hơn vào mảng giải trí đặc biệt này. Các vũ khí, khí tài được hiện đại hóa theo hướng giống với game để lấy lòng giới trẻ đồng thời giúp những lính mới vốn có kinh nghiệm chơi game dễ làm quen hơn với hệ thống điều khiển.
Bên cạnh đó, các bài tập về trải nghiệm cũng được hiện đại hóa bằng các chương trình giả lập tương tự game hoặc bản mod lại của game mà Arma 3 là một ví dụ. Chưa kể rất nhiều mô hình giả lập mô phỏng lái máy bay, xe tăng đều được làm như một video game để huấn luyện người lính trước khi cho lái phương tiện thật.
Khi lái xe tăng như… chơi game
Ngày 29/7 vừa qua, một thông tin mới từ quân đội Israel hé lộ mẫu xe tăng lai thiết giáp đang thử nghiệm của họ là The Carmel do cơ quan IAI phát triển sẽ có bộ điều khiển được chỉnh sửa từ tay cầm Xbox. Mẫu xe này là một trong 3 mẫu thiết kế thử nghiệm cho loại xe chiến đấu tương lai của quân đội Israel.
Nhìn bên ngoài nó vẫn mang dáng vẻ của một mẫu xe chiến đấu thường thấy như giáp dày, nòng pháo và phần thân to có khoang rộng để chở lính. Tuy nhiên bên trong của nó mới là điểm nhất bất ngờ khi thiết bị điều khiển được hiện đại hóa.
" alt=""
Với mẫu The Carmel này, bộ điều khiển sẽ được thiết kế như một tay cầm Xbox thay vì một dàn nút bấm cần gạt hay cần lái như xe kiểu cổ điển. Nói về vấn đề này, ông Meir Shabtai – tổng quản lý vận hành hệ thống máy học của IAI (cơ quan công nghiệp hàng không vũ trụ của Israel) cho biết các lái xe muốn một hệ thống điều khiển nhỏ gọn và linh động hơn là một cơ cấu phức tạp gắn trên bàn điều khiển.
“Họ muốn một cái gì đó gọn nhẹ hơn” – Ông Shabtai giải thích việc bộ phận điều khiển có kiểu phá cách của Carmel. “Từ các thiếu niên tuổi teen đến những thanh niên trong tuổi nhập ngũ và cả những người đã hoàn tất nghĩa vụ quân sự. Chúng tôi mời mỗi nhóm sử dụng thử hệ thống giả lập điều khiển Carmel để tìm những kỹ năng nào và những thiết bị gì phù hợp nhất cho hệ thống điều khiển. Và từ đó chúng tôi phát triển hoàn thiện toàn hệ thống.”
Sử dụng bộ điều khiển chơi game là một hướng đi từ vài năm trở lại đây trong quân đội các nước phát triển để hiện đại hóa hệ thống điều khiển các phương tiện quân sự. Thay vì một bàn điều khiển chi chít nút và đủ loại cần gạt, hệ thống điều khiển xe quân sự ngày càng được tinh giản với màn hình hiển thị và các cần điều khiển nhỏ gọn hơn và tiện dụng hơn.
Các tay cầm điều khiển của máy console nhiều năm qua cũng không ngừng được nghiên cứu cải tiến để tối ưu nhất khả năng điều khiển ngày càng phức tạp trong game. Các thao tác đa dạng như trong game bắn súng FPS cũng có thể đáp ứng bởi chiếc tay cầm và hệ thống hút bấm của hệ console. Chính vì vậy, các nhà phát triển khí tài quân sự đã phát hiện ra rằng chiếc tay cầm game cũng đang có cùng mục đích thiết kế với các khí tài quân sự vả lại chúng cũng rất thân thiện với giới trẻ, những đối tượng sắp gia nhập quân ngũ.
“Họ sẽ biết chính xác vị trí các nút bấm và họ sẽ đạt hiệu quả tốt hơn với hệ thống này” – Ông Shabtai lý giải cho quyết định làm bộ điều khiển giống tay bấm game. ”Tay cầm điều khiển chỉ là phần giao diện, ý tưởng lớn nhất chính là biến những kỹ thuật phức tạp trở nên dễ tiếp cận hơn với họ”.
Tất nhiên, mẫu thử Carmel không phải là ví dụ đầu tiên của việc sử dụng tay cầm điều khiển của game vào thiết bị quân sự. Vào năm 2018, tàu ngầm mới đóng của Mỹ là USS Colorado đã dùng một bộ điều khiển Xbox để điều khiển kính tiềm vọng. Quân đội Anh cũng hé lộ trong một phóng sự rằng họ sử dụng một bộ điều khiển tương tự như tay cầm chơi game để điều khiển phần tác xạ của xe tăng Challenger II mới. Vào năm 2015, quân đội Nga cũng hé lộ việc sử dụng một bộ điều khiển lấy ý tưởng từ tay cầm PlayStation để lái chiếc thiết giáp Kurganets-25 mới của họ. Năm 2004, một nhóm kỹ sư quân sự tư nhân đã sử dụng bộ điều khiển Wii để lái drone gỡ bom.
Tuyển quân thông qua kênh stream
Việc tuyển lính mới cũng được quân đội các nước, đặc biệt là quân đội Mỹ triển khai trên các kênh game. Mới đây nhất là việc quân đội Mỹ mở kênh tuyển quân trên nền tảng Twitch và vấp phải trò phá rối của các tay troll trên mạng khiến cộng đồng xôn xao tranh cãi.
Ban đầu, quân đội Mỹ thực hiện ý tưởng tăng nhận diện và cảm tình với quân đội bằng cách cho các binh sĩ đại diện stream các tựa game đang nổi như Valorant hay Call of Duty và qua đó thể hiện nhiều góc nhìn về cuộc sống trong quân đội. Với hướng tiếp cận này, họ hy vọng sẽ giúp giới trẻ hiểu hơn và thôi thúc muốn gia nhập quân đội.
Tuy nhiên nhiều tay troll mạng đã nhảy vào kênh stream phá rối bằng cách hỏi nhiều câu hỏi khó, như về các tội ác chiến tranh trong quá khứ. Điều này khiến các quản trị kênh phải xóa bình luận phá rối và từ đó nổ ra tranh cãi về tự do ngôn luận.
just having a good time with the US Army esports twitch stream @JordanUhlpic.twitter.com/qnjyxg1KP0
— Rod Breslau (@Slasher) July 8, 2020
Tất nhiên, sự việc này vẫn còn đang gây tranh cãi nhưng qua đó cũng thấy các tổ chức quân đội đang rất quan tâm đến lực lượng trẻ và họ chọn nhóm đối tượng tiếp cận lớn nhất là các game thủ thông qua video game.
Kết
Trong khi ở một số nơi trò chơi điện tử bị coi như tệ nạn thì quân đội ở một số quốc gia phát triển đã nhìn thấy tiềm năng của thế giới game cả về mặt kỹ thuật và nhân lực. Việc ứng dụng công nghệ điều khiển game vào vận hành khí tài quân sự phức tạp là một ví dụ rõ ràng nhất. Bên cạnh đó là ứng dụng game làm giả lập huấn luyện và dùng các kênh stream để tuyển quân.
Ai bảo video game chỉ có xấu với tệ nạn nào?