Trong khi Stadia đang lềnh bềnh không nổi không chìm còn xCloud vừa trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết nhờ thương vụ Microsoft mua lại Bethesda, có một dịch vụ stream game khác đang âm thầm chờ ngày ra mắt. Đó là Luna của Amazon, một công ty cũng có giá trị nghìn tỉ USD và đang dần lấn sân vào làng game với một số dự án cả MMORPG, game truyền thống lẫn game trên mây sau khi đã thống trị mảng stream với Twitch. Trong bài viết này, Mọt sẽ giới thiệu với các bạn tất cả những thông tin quan trọng về Luna và đâu là lợi thế cạnh tranh chính của nó.
Luna là gì?
Khi bạn lấy mô hình thu phí tháng của Prime Video kết hợp với Twitch, đưa nó lên nền tảng dịch vụ Amazon Web Services và nhét nó vào một chiếc tay cầm được tích hợp trợ lý ảo Alexa, bạn có được Luna. Dịch vụ chơi game qua điện toán đám mây này sẽ là đối thủ trực tiếp của xCloud (Microsoft) và Stadia (Google), và sẽ ra mắt trong trạng thái Early Access vào tháng 10 tới. Những game thủ may mắn được chọn từ danh sách những người đăng ký dịch vụ này sẽ phải trả 6 USD mỗi tháng, nhưng hiện tại chỉ có game thủ Mỹ được phép tham gia thử nghiệm.
“Một mình một cõi”
Dịch vụ chơi game trên mây của Amazon có những ưu điểm mà cả Stadia lẫn xCloud đều không có được, và đây hẳn sẽ là những điều đem lại sức cạnh tranh cho Luna. Đầu tiên, đó là những nền tảng mà Luna có mặt. Theo thông tin từ Amazon, Luna sẽ tạm thời chỉ có trên Fire TV, PC, Mac và iOS (bao gồm iPhone, iPad) – tức các thiết bị của Amazon và Apple. Ông Marc Whitten, người đứng đầu dự án Luna của Amazon cho biết phiên bản Android sẽ không ra mắt ngay lập tức mà sau đó vài tuần, nhưng không rõ là bao giờ.
Dù Amazon không đưa ra lời giải thích chính thức cho lý do tại sao Luna không xuất hiện ngay trên Android, nó có thể là kết quả của mối quan hệ “tình thương mến thương” giữa Amazon với Apple hiện tại. Gần đây nhất, Apple đã cho phép Amazon không phải trả 30% thu nhập khi cho thuê các bộ phim trên ứng dụng Prime Video cho iOS, một khoản chi mà rất nhiều nhà phân phối nội dung khác như Spotify hay các hiệu sách ebook phải cắn răng chấp nhận. Khoản phí này cũng chính là lý do khiến Microsoft quyết định không đưa xCloud lên các thiết bị của Apple và khơi mào cho vụ kiện của Epic gần đây.
Bên cạnh đó, Luna cũng không phải là một ứng dụng được bán trên cửa hàng AppStore và vì thế nó không cần phải trả cho Apple 30% doanh thu của mình. Thay vào đó, Luna là một ứng dụng chạy trên nền web (PWA) mà bạn có thể tải về thiết bị Apple của mình từ trang chủ của Luna, và biểu tượng mà nó đặt trên màn hình thiết bị sẽ đóng vai trò như một đường tắt dẫn đến cổng game Luna thông qua trình duyệt. Không rõ tại sao cả Epic lẫn Microsoft đều không muốn đi theo phương hướng này cho Fortnite và xCloud dù họ biết rõ phương thức này – Microsoft đang hợp tác với Google để cải thiện PWA trên Google Play, còn Epic từng làm điều tương tự khi vận hành Fortnite trên Android qua launcher riêng.
Trưởng nhóm kỹ thuật của Luna là ông George Tsipolitis nói rằng Amazon đã hợp tác chặt chẽ với đội ngũ phát triển trình duyệt Safari của Apple để biến PWA của Luna thành khả thi. Với phương thức vận hành này, Luna đã tránh được vấn đề khiến Microsoft và Epic đang bực mình đồng thời cho phép Apple mở ngoại lệ mà không bị chỉ trích là phân biệt đối xử.
Giá cả và game
Lợi thế thứ 2 của Luna không gì ngoài giá cả. Trong khi Stadia là miễn phí nhưng phải mua game giá chát còn xCloud được kèm trong Xbox Game Pass giá 15 USD/tháng, Luna có giá 6 USD trong giai đoạn Early Access. Theo Amazon, mức giá này cho game thủ truy cập vào kênh “Luna+” với một số game bao gồm Resident Evil 7, Control, Tacoma, Rez Infinite, Metro Exodus, The Sexy Brutale, Overcooked! 2,…
Ngoài ra Luna cũng có nhiều kênh khác, mỗi kênh chứa những tựa game được tuyển chọn riêng và đòi hỏi game thủ phải trả thêm một khoản phí nữa (chưa rõ là bao nhiêu). Kênh đầu tiên đã được xác nhận là chứa game của Ubisoft, và những tựa game như Far Cry 6, Assassin’s Creed Valhalla, Immortals Fenyx Rising đều sẽ xuất hiện trên kênh ngay ngày đầu tiên phát hành.
Amazon nói rằng họ sẽ có khoảng 100 tựa game khác nhau trên hai kênh này trong giai đoạn beta. “Nhiều game hơn Stadia, ít hơn Xbox Game Pass,” giám đốc phát triển kinh doanh của Luna là bà Lisa Schwenke nói. Để so sánh, xCloud có khoảng 150 tựa game khác nhau trên Xbox Game Pass còn Stadia có 90 game nhưng rất nhiều game trong số đó phải mua riêng. “Chúng tôi muốn có game cho tất cả mọi người, xem họ thích gì và thêm thứ đó vào Luna.”
Phương thức chia game thành các kênh này không hề xa lạ với những ai quen thuộc với dịch vụ Prime Video của Amazon, và Amazon hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng số lượng kênh theo ý thích của game thủ, chẳng hạn sẽ có kênh riêng cho FPS, RPG, platform, chặt chém,… Nếu mức giá để thuê game trong các kênh này hợp lý và các game mới nhất lên Luna đồng loạt với các phiên bản truyền thống, Luna sẽ có một lợi thế lớn khi cạnh tranh với Stadia và xCloud thường có game ra mắt chậm hơn.
Tay cầm thông minh
Tương tự Stadia, Amazon thiết kế một chiếc tay cầm riêng cho Luna với mục tiêu cắt giảm độ trễ khi chơi game. Chiếc tay cầm này sẽ trực tiếp gửi tín hiệu điều khiển đến các server của Amazon thay vì thông qua màn hình hay smartphone mà game thủ sử dụng, giúp giảm độ trễ khoảng 20-30 mili giây. Điều này cũng cho phép người dùng không cần phải kết nối tay cầm với màn hình mỗi khi đổi màn hình. Nếu không muốn sử dụng tay cầm này, game thủ vẫn có thể dùng các loại tay cầm Bluetooth truyền thống.
Chiếc tay cầm này còn được tích hợp trợ lý ảo Alexa giúp game thủ có thể đơn giản hóa các thao tác điều khiển và lựa chọn game. Thay vì trải qua một loạt thao tác như nhập địa chỉ Luna, kéo tới tựa game muốn chơi, lựa chọn nó, bạn chỉ cần bấm nút kích hoạt micro ở giữa tay cầm và nói “Alexa, play (tên game)” và trợ lý ảo này sẽ tự động mở game lên cho bạn. Đây chính là lợi thế thứ ba của Luna, dù nhỏ nhưng cũng đem lại khá nhiều sự tiện lợi so với cả Stadia lẫn xCloud.
Sức mạnh và công nghệ
Điểm mạnh thứ 4 của Luna là việc nó được kết hợp với Twitch, nền tảng stream game lớn nhất hiện tại. Những trang dành riêng cho các tựa game trên Luna sẽ hiển thị cả các streamer đang trực tiếp tựa game đó trên Twitch, giúp game thủ có thể thưởng thức nội dung game trước khi các streamer cắt cúp buổi stream của mình thành video và tải chúng lên YouTube. Chưa hết, nếu cảm thấy hứng thú với tựa game mà streamer đang chơi, game thủ có thể click vào một liên kết và chơi tựa game đó nếu đang là khách hàng của Luna. Tính năng này rất giống với những gì mà Google đã hé lộ với Stadia và YouTube, nhưng trong khi tính năng của Google vẫn còn nằm trong trí tưởng tượng, Luna sẽ đưa nó vào hiện thực trước.
Luna cũng nhắm đến việc sẽ đem lại trải nghiệm game 4K “xịn” cho game thủ, trong khi Stadia của Google hứa hẹn 4K nhưng hóa ra toàn upscale. Trong giai đoạn đầu, Luna sẽ hỗ trợ 1080p và 60 FPS nhưng ông George Tsipolitis nói rằng 4K sẽ đến rất nhanh và sẽ là 4K thật. Game thủ sẽ có thể chọn độ phân giải phù hợp với đường truyền internet của nhà mình, và Amazon khuyến cao để chơi 1080p bạn cần 10 Mbps, còn 4K là 35 Mbps. Một điều đặc biệt khác là Luna hỗ trợ hai người chơi cùng lúc trên một tài khoản, một điều hẳn sẽ tiết kiệm kha khá chi phí cho các gia đình game thủ.
Tạm kết
Nền tảng của Luna là dịch vụ Amazon Web Services, một trong những hệ thống mạng phủ khắp toàn cầu nhưng đây lại không phải là ưu thế của Luna so với xCloud hay Stadia bởi cả Microsoft lẫn Google đều sở hữu những hệ thống tương tự. Những lợi thế của Luna nằm ở dịch vụ stream Twitch (đối thủ Mixer của Microsoft đã “qua đời”), kho game lớn (so với Stadia) và mức giá có thể là rẻ nhất hiện tại. Những đặc điểm này đem lại cho Luna một vị thế riêng so với các đối thủ của mình, và nếu Amazon có thể không ngừng mở rộng kho game để chiêu dụ những khách hàng tiềm năng, nó có thể là kẻ “đi sau về trước” trong cuộc đua cloud gaming thời thượng.