Vùng trời ký ức
Video hôm nay không phải một video cốt truyện, phân tích, và cũng không phải quảng cáo, mà chỉ là hồi tưởng của Mọt tôi về một huyền thoại tuổi thơ mà thôi. Nếu là một người đã chơi game từ cái thời Zingme còn được xưng là mạng xã hội nhiều người dùng nhất Việt Nam, thì chắc bạn cũng biết đến cái tên “Moly - Vương quốc chuột chũi”, đúng không? Được VNG đưa về ra mắt vào năm 2011, Moly nhanh chóng trở thành trò chơi yêu thích trên máy tính của game thủ Việt bên cạnh nông trại vui vẻ, ủn ỉn.
Tuy nhiên, Moly lại nhanh chóng rời bỏ chúng ta chỉ sau một năm gắn bó ngắn ngủi, khiến bao game thủ tiếc nuối không thôi. Nhưng mới đây nhất, vùng đất chuột chũi một thời đã quay trở lại ở nền tảng điện thoại và…
Ngày 10 tháng 11 năm 2011, tựa game “Ma Nhĩ trang viên” của công ty TaoMee được nhà phát hành VNG đưa về Việt Nam với cái tên “Moly - Vương quốc chuột chũi”, chính thức biến nó trở thành một phần trong tuổi thơ của chúng ta. Nhưng nếu bạn chưa có dịp trải nghiệm tựa game này vào năm 2011 thì đừng lo, ngồi xuống và để tôi nói cho bạn nghe, Moly là một thế giới như thế nào.
Lấy cảm hứng từ tựa game Club Penguin, Moly là một game online giáo dục hướng đến lứa tuổi thiếu nhi. Không có bắn nhau bùm chéo như Đột Kích, không có những màn solo đỉnh cao như Võ Lâm Truyền Kỳ, Moly đơn thuần là một thế giới nhỏ tích hợp nhiều mini game khác nhau, nơi ta có thể gặp gỡ, kết bạn, và khám phá thế giới mà không bị gò bó bởi bất kỳ điều gì. Nói cho dễ hình dung hơn, nó giống game rèn luyện trí não cho mấy bé mẫu giáo chơi ấy.
Đương nhiên, với nền đồ họa của cái thời năm hai nghìn không trăm hồi đó, Moly không thể nào sở hữu thế giới mở như Genshin Impact, cũng chẳng có đồ họa 3D đỉnh cao như Elden Ring hay là Resident Evil, mà chỉ đơn giản là một tựa game 2D với bối cảnh gói gọn trong một khung hình nhỏ. Nhân vật bạn tạo trong trò chơi cũng chẳng có phép thuật gì cao siêu hay chỉ số sát thương khủng, chỉ là một chú chuột chũi béo tròn với cái mũi đỏ nhìn có vẻ thú vị mà thôi.
Trang phục trong game cũng đơn điệu chứ không màu mè hoa lá hẹ hay lộng lẫy lấp la lấp lánh ánh kim sa. Cơ chế game đơn giản là mấy cái minigame như nhảy audition này, đấu thẻ bài, gắp thú mà bạn thấy đầy trên mạng chứ chẳng mới mẻ gì cả. Nói chung, nếu so với những cái tên đình đám hiện tại như Liên Quân, Genshin Impact, Honkai Star Rail hay thậm chí là Lửa Chùa, Moly hoàn toàn không có cửa.
Chà, khuyết điểm cũng nhiều phếch. Thế tại sao hồi đó, chúng ta lại chết mê chết mệt con game này nhỉ?
Lý do đầu tiên có lẽ là vì hồi đó, cơ sở vật chất không được như bây giờ. Nếu bạn là người từng sống trong cái thời mà người gọi cái đồ đập đá này là điện thoại thì chắc cũng biết, mạng mẽo, game gủng rồi máy tính thời đó nó trông như thế nào.
Thời đấy tôi nhớ mình vẫn còn dùng mạng LAN vì cục wifi chưa ra đời, mà mạng ở nhà thì cứ cà giật như anh Bảnh nhảy vina hey, nên dù nhà có máy tính, tôi vẫn thích lê lan quán net, ăn mì tôm hai trứng, uống sting dâu với hội chiến hữu. Và đương nhiên, vì mạng vẫn chưa phát triển đến mức 3G, 4G như hiện tại nên những nội dung lưu hành trên không gian mạng vẫn còn rất hạn chế. Tôi không biết anh em thế nào, chứ hồi đó tôi không biết nhiều về mấy tựa game ở nước ngoài như Resident Evil hay Dead Space đâu, tại tiếng anh của tôi như hạch ấy, phải đến khi anh họ tôi phổ cập thì tôi mới biết hóa ra còn có những kiểu game như thế.
Và tôi cá chắc là hồi đó, thay vì trải nghiệm những tựa game cần tải về máy hoặc bỏ tiền ra mua, các bạn sẽ có xu hướng chọn những con game có thể chơi sẵn trên web. Tại sao ấy hả? Đương nhiên là để tránh tai mắt của nhị vị phụ huynh rồi.
Trong mắt của bất kỳ phụ huynh nào thời đấy, game là một cái gì đó rất độc hại, làm chúng ta sao nhãng việc học, gây nghiện, hoang tưởng, và vô bổ, bonus thêm mấy bản tin thời sự trên VTV về tác hại của game thì… thôi. Bạn cứ thử để phụ huynh phát hiện mình chơi game quá 180 phút một ngày xem, kiểu gì cũng được cưng, nhưng mà là cưng mấy cây roi mây vô mông ấy.
Thêm vào đó, thời đấy con nít làm gì biết nhiều về máy tính như bây giờ, nên bọn tôi cũng chẳng dám cài bậy bạ vô máy. Lỡ đâu dính virus rồi cái máy nó nghỉ hưu thì bọn tôi cũng bị phụ huynh đưa về với ông bà luôn. Bởi thế mà chơi game trên web được xem là lựa chọn hết sức hoàn hảo, không cần tải về, cũng dễ né phụ huynh gank, tiện cả đôi đường.
Những web game có nổi tiếng thời đó có thể nói đến là Y8.com, sóc nhí.com, game hay, hoặc game 24 giờ. Và đương nhiên không thể thiếu zingme rồi. Nếu mấy web trên chỉ là tập hợp các con game nhỏ chơi một mình, thì mấy con game trên zingme nó làm bọn tôi kiểu… quào, cả một chân trời mới ấy.
Chúng ta có Khu Vườn Trên Mây, Nông Trại Vui Vẻ, Nhà Hàng Vui Vẻ, Hàng Rong, đều là những tựa game thú vị. Tôi nghĩ hồi đó chúng ta thấy nó thú vị là vì ta có thể tương tác với bạn bè khi chơi game. Nhưng vì chỉ là game trên web, nên sự tương tác của người chơi trong các tựa game này chỉ dừng lại ở việc qua nhà ăn trộm hoa màu, tặng quà, hay nhổ cỏ hộ. Chính vì lẽ đó nên sự xuất hiện của Moly như một làn gió mới thổi vào cộng đồng game thủ bọn tôi.
Không còn chỉ giao tiếp qua tin nhắn, giờ đây bọn tôi đã có thể dắt bạn đi chơi qua các vùng đất, rồi solo đấu thẻ bài, solo nhảy audition, đua xe, đua thuyền lá, trượt tuyết, và ti tỉ những thứ khác nữa. Cái cảm giác mà lần đầu tiên bạn ngồi nhà nhưng vẫn có thể chơi với người khác là một điều cực kỳ thần kỳ mà mỗi đứa trẻ chìm đắm trong Moly khi đó được trải nghiệm.
À, “trải nghiệm” cũng là lý do thứ hai khiến Moly trở nên thú vị. Với những đứa trẻ lớn lên khi đất nước còn đang gồng mình phát triển và còn nhiều thiếu thốn như bọn tôi, thì niềm vui vô cùng đơn giản. Nó là đá bóng với đám bạn mỗi chiều, là ngóng chờ Trung Thu đến để được ăn cái bánh trung thu, là bốn năm đứa chụm lại chia nhau một gói mì trẻ em hoặc bịch xiên cay.
Những món đồ chơi của bọn tôi khi đó chỉ đơn giản là những bộ bài pokemon, những bức tranh tô màu, hay mấy viên đá nhặt ngoài đường để chơi ô ăn quan, nên trò chơi điện tử, rồi mạng xã hội là cái gì đó vô cùng mới mẻ. Chắc hẳn, dù không nhớ rõ, nhưng bạn vẫn có cảm giác rất cảm thấy bồi hồi khi nhớ về lần đầu tiên mình tiếp xúc với game, đúng không?
Và Moly cũng như vậy đấy, chính sự mới mẻ của nó khi đó đã mang đến cho đám trẻ chỉ biết phá làng phá xóm bọn tôi một trải nghiệm vô cùng kỳ lạ, đến mức tôi không biết nên miêu tả nó bằng lời như thế nào. Chỉ đơn giản là, à, hóa ra game lại có thể thú vị đến như thế.
Tôi thích cảm giác mỗi ngày đăng nhập vào Moly, sau đó nhắn tin hẹn bạn bè ra quảng trường trò chơi để solo audition. Tôi thích cái trò đấu thẻ bài với người chơi khác rồi leo rank, hồi đó cảm thấy mình thắng được người ta là ngầu lắm. Tôi còn cất công đi sưu tập cho đủ các thẻ bài để leo rank cho mạnh nữa chứ, nghĩ lại hồi đó thấy mình dễ hài lòng ghê. Còn bây giờ, đã lâu rồi tôi chưa trải nghiệm lại cái cảm giác thú vị đó.
À mà, chắc bạn còn nhớ tính năng xây nhà của Moly nhỉ? Tôi nghĩ đó cũng là một điểm làm tựa game này thú vị. Hồi đó tôi và đám bạn thích dành hàng giờ ra ngồi trang hoàng nhà trong game, rồi tự ảo tưởng đó là nhà riêng của mình trong tương lai. Tôi còn làm cả một góc riêng cho mấy con Đậu Đậu rồi bỏ thú bông mình gắp được ở đó, tưởng tượng đám Đậu Đậu sẽ chơi gấu bông nữa chứ.
Mà nói đến tưởng tượng thì, đó cũng là một lý do cuối cùng tôi nghĩ đã giúp Moly nổi tiếng. Như tôi đã nói, Moly là một tựa game hướng đến lứa tuổi thiếu nhi, trò chơi thậm chí còn được vinh danh là tựa game online cho trẻ em hay nhất Việt Nam vào thời điểm mới ra mắt nữa mà. Bởi thế mà trong Moly, bạn có thể vừa chơi vừa học, bị ba mẹ hỏi cũng có thể bảo là con đang học chứ bộ, nghe cũng ngầu phếch.
Tôi nhớ trong Moly có một khu thư viện, trong đó có mấy quyển truyện về chuột chũi, và một quyển sách khám phá khoa học khá là hay. Nhờ những quyển sách đó mà tôi biết thêm một chút kiến thức về thế giới xung quanh, đặc biệt là vụ quả thần kỳ làm người ta ăn chanh không bị chua nè, không biết có bạn nào ấn tượng với nó như tôi không ha?
Nhắc lại mà thấy hoài niệm ghê, nhưng mà tất cả chỉ còn là ký ức, và ký ức thì sẽ dần bị lãng quên. Khi thực hiện video này, tôi nhận ra có nhiều thứ về Moly mình không còn nhớ rõ nữa, như khu quảng trường có phải khu trò chơi không? Đậu Đậu đầu tiên tôi có là màu gì nhỉ? Khu thư viện nằm ở đâu? Có thể tìm những thẻ bài bằng cách nào? Tất cả những gì tôi có thể nhớ chỉ là khoảnh khắc vui vẻ nhưng rời rạc và nhạt nhòa. Tôi nhận ra, não bộ chúng ta có hạn, và những ký ức mà ta từng nghĩ là quan trọng nhất thời thơ ấu, đến một lúc nào đó sẽ dần bị xóa bỏ để nhường chỗ cho những thứ khác.
Ai rồi cũng sẽ có lúc quên một thứ gì đó. Một năm có 365 ngày, mười mấy năm là mười mấy lần 365 ngày, nhiều như vậy, không phải ai cũng có thể nhớ hết. Và Moly có lẽ cũng nhận ra điều đó, nên sau một năm ra mắt, tựa game đã chính thức khép lại hành trình của mình, cánh cửa đến vùng đất chuột chũi không còn được mở ra nữa.
Tuổi thơ quay trở lại
Ký ức thời thơ ấu đáng quý là vì một khi qua rồi thì không thể tìm lại nữa, bởi lẽ, ta chỉ trải qua thời thơ ấu một lần duy nhất. Mỗi khi lướt facebook, thi thoảng tôi vẫn thấy rất nhiều anh em ôm hy vọng Moly sẽ lần nữa quay lại với game thủ Việt. Khi đó tôi lại nghĩ, thứ chúng ta đang chờ đợi thật ra là gì? Liệu đó là Moly, hay là tuổi thơ không thể quay lại của chúng ta?
Nói nghe cũng buồn cười, nhưng cái cách Moly đóng cửa sau 1 năm, khi tựa game còn đang có chỗ đứng khá vững, đã thành công biến nó thành một tiếc nuối lớn trong lòng game thủ Việt. Tôi nghĩ, nếu Moly trụ thêm vài ba năm, đến khi những tựa game khác thú vị hơn ra mắt thì có lẽ, chúng ta sẽ chẳng tiếc nuối nhiều đến thế.
Con người là một sinh vật thích hoài niệm, đặc biệt khi ta đánh mất một thứ gì đó mà mình chưa tận hưởng nó trọn vẹn. Nên nếu câu trả lời muốn Moly quay về là vì để sống lại tuổi thơ thì cũng dễ hiểu thôi. Bởi lẽ tôi, và có lẽ cả bạn cũng đều ôm một tiếc nuối to lớn, chúng ta hy vọng chỉ cần Moly quay lại, sự tiếc nuối thời thơ bé sẽ được bù đắp. Ta có thể sống lại cảm xúc nồng nhiệt, vui vẻ và vô tư khi chơi game như lúc nhỏ.
Và cầu được ước thấy, sau gần 12 năm chờ đợi thì ngày 7 tháng 9 vừa qua, vVương quốc chuột chũi lại chính thức mở cửa trở lại cho cộng đồng game thủ Việt. Tuy nhiên lần này, Moly đã không còn mang diện mạo 2D như trước nữa. Lý do bắt nguồn từ việc, bản gốc của Vương quốc chuột chũi mà chúng ta biết đã được dừng phát hành vào tháng 3 năm 2015.
Nguyên nhân nhà phát hành dừng cập nhật game thì nhiều vô số, có người bảo là vì không đủ kinh phí, có người nói không theo kịp thời đại, doanh số giảm sút, cũng có người quả quyết là do Moly dính phải vụ lùm xùm dụ các bé nạp game, nói chung là không biết chắc được.
Nhưng sau khoảng 4 năm bế quan tỏa cảng thì tháng 1 năm 2019, trang weibo chính thức của Moly đã thông báo họ sẽ cho tựa game sống lại thêm một lần nữa. Những dữ liệu nhân vật, cốt truyện của bản Moly cũ được chuyển đổi dần sang một hệ thống khác với một diện mạo mới. Và rồi, đến tháng 6 năm 2021 thì, Moly phiên bản điện thoại do Leiting Games phát hành chính thức trình làng ở xứ gấu trúc. Và yeah, đến ngày 7 tháng 9 vừa qua, phiên bản này đã chính thức quay trở lại thị trường Việt Nam dưới bàn tay của TTHMobi, cho chúng ta cơ hội quay về tuổi thơ thêm một lần nữa.
Nhưng như tôi đã nói, tuy dùng chung một Unity, một hệ thống nhân vật, nhưng Moly hiện tại đã không còn là Moly mà chúng ta biết, nên hẳn một số bạn ít nhiều sẽ cảm thấy thất vọng. Tuy nhiên, nghĩ về mặt tích cực nào, đồ họa của trò chơi đã được nâng cấp đáng kể so với trước đây, từ đồ họa 2D, giờ ta đã có thế giới 3D xịn sò. Tôi biết có bạn sẽ bảo, 2D lúc trước dòm hoài niệm hơn, cơ mà, hoài niệm quá thì nhà phát hành kiếm đâu ra tiền bạn ơi? Đồ họa 2D có thể kéo chân người cũ, nhưng sẽ giữ chân họ được bao lâu khi có nhiều sự cạnh tranh từ các hãng game khác?
Nên là, tôi nghĩ sự thay đổi này là một điều cần thiết. Tiếc thì tiếc đấythật, nhưng tôi cũng thấy may mắn, vì chà… bạn biết đấy. Tôi đã xem Moly là một phần ký ức rất đẹp, nên cũng có chút sợ nếu tựa game được bê y sì lại như năm đó. Tôi sợ là khi mình lớn rồi, cách nhìn nhận mọi thứ đã khác, và Moly trong tuổi thơ không còn nhiệm màu như tôi từng thấy nữa.
Thôi, nói về Moly bản mới nào. Tựa game được thay đổi thành một game theo hướng nông trại thế giới mở. Bạn còn có thể học thêm một vài nghề khác ngoài trồng trọt như làm đầu bếp. Thế giới của Moly cũng được mở rộng rhơna với nhiều nhân vật mới bên cạnh các nhân vật cũgương mặt quen thuộc như Nick, Mason hay Momo, giúp tựa game trở nên đa dạng hơn. Mà mấy bộ thời trang trong game cũng khá xinh nữa chứ.
Về cơ chế thì game hướng đến mọi đối tượng, kể cả trẻ em, nên khá là lành tính và đầy ánh sáng tích cực, theo đúng nghĩa đen, chứ không giống con game nào đấy bảo game tích cực chữa lành nhưng toàn lành ít dữ nhiều.
Điểm trừ duy nhất là font chữ game ban đầu bị lỗi trầm trọng, nhưng may mà sau đó nhà phát hành đã lắng nghe và sửa đổi nên cũng không có gì lớn. Có điều lâu lâu trong game vẫn còn tiếng Trung, chắc nhà phát hành ôm về vội quá nên chưa sửa được hết. Và… có một điều tôi thấy hơi tệ là game rất dễ lỗi khi bạn chơi bằng giả lập.
Tôi thường dùng giả lập để dễ cày game trong giờ làm. Cơ mà, tôi cài giả lập chơi những tựa game khác ầm ầm, còn Moly thì méo, bởi vì cứ mở giả lập vào được vài phút là bị văng nên hơi khó chịu, đổi lại thì chơi trên điện thoại khá là mượt nên tốt nhất tôi thấy anh em vẫn nên chơi bằng điện thoại nhé. À, mấy con Đậu Đậu cũng được đổi tên thành Lahm nên nghe hơi lạ lạ, nhưng may là hình dạng tụi nó vẫn u như kỹ nên cũng không khó để chấp nhận lắm.
Nói nhỏ nhé, cái hôm mà game ra mắt, tôi và các đồng nghiệp đã hùa nhau tải game về chơi cả buổi sáng. Nhưng thay vì đặt mấy cái tên cute hột me thì tập đoàn báo thủ đồng nghiệp tôi lại có những cái tên đậm tính hề hước chẳng hạn như “Công chúa bóng cười”, “Thái tử bú đá”, “Quốc vương hút cỏ”. Tôi biết, nghe nó hơi tệ nạn, nhưng mà nó tệ nạn thật, nên nếu anh em vô tình thấy mấy cái tên này trong game thì… tôi từ chối nhận họ hàng nhé.
Tuy Moly này không phải Moly mà tôi biết, nhưng, sáng ngày hôm đó tôi đã khá là vui. Cũng lạ thật nhỉ, video hôm nay tôi chê game hơi nhiều, nhưng tôi lại vui khi nó quay lại. Có lẽ, đặt trên bàn cân kinh tế và đánh giá chi tiết thì Moly rõ ràng khó cạnh tranh được với những tựa game hiện tại. Nhưng thứ nó mang đến cho chúng ta không chỉ là trải nghiệm, mà còn là kỷ niệm về một thời đã xa. Mà kỷ niệm, thì không thể nào đong đếm được, bạn có nghĩ như vậy không?
Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~