Nạp tiền bi hài ký hay những cái kết khó đỡ sau khi đã chi tiền tấn vào game - PC/Console

Chơi game nạp tiền ngày nay đã không còn là chuyện gì hiếm lạ dù cách đây tầm 10 năm, cộng đồng game thủ từng biểu tình đòi đóng cửa Biện Kinh hay đốt trụ sở Vinagame khi NPH công bố thu phí Võ Lâm Truyền Kỳ.

Giờ thì nạp tiền chơi game nó bình thường còn hơn cân đường hộp sữa, ai hay chơi game trên di động thì biết, vừa vào game làm vài cái tutorial thì ngay lập tức đã có gợi ý nạp 20 nghìn để nhận gói phúc lợi lớn dành cho tân thủ. Nhìn chung gói quà đầu đó cũng khá là hữu ích với lại số tiền kia cũng chỉ nhỉnh hơn cái bánh mì hay gói xôi chút đỉnh nên ngại gì mà không cà thẻ. Từ đó cái văn hóa chơi game nạp tiền dần được chấp nhận và không còn bị kỳ thị nhiều như hồi xưa nữa.

Xuyên không bị lỗi hay câu chuyện về các nhân vật game đối kháng bất ngờ đi nhầm chỗ
Xuyên không bị lỗi hay câu chuyện về các nhân vật game đối kháng bất ngờ đi nhầm chỗ
Game đối kháng thường sở hữu các võ sĩ rất cân bằng về sức mạnh thế nhưng trong một vài trò chơi điển hình, điều này không thật sự chính xác cho lắm.

Tất nhiên, không phải NPH nào cũng được cả danh và lợi như 11bit Studio hay không phải game nào cũng khiến người ta mãn nguyện để móc tiền ra chi như This War of Mine. Nhiều đơn vị ngay từ ngày đầu nhảy ra thu phí đã bị người ta chửi, đến bây giờ vẫn bị chửi như EA hay Bethesda chẳng hạn. Thế nên vấn đề chi tiền tấn vào game đến hiện tại vẫn là một chủ đề hết sức tế nhị khi một bên cho rằng họ không làm gì sai khi thừa tiền và thiếu thời gian để kiếm thêm tiền nên lấy thẻ tín dụng đập vào nhân vật cũng là một cách chơi thú vị. Trong khi đó đám dân đen còn lại đều nói rằng các “đại gia” chi tiêu quá trớn sẽ khiến trò chơi mất cân bằng dẫn đến tuổi thọ game không dài. Nhìn chung đôi bên đều có lý và khó lòng mà thuyết phục đối phương.

Bên cạnh đó phi vụ nạp tiền vào game thỉnh thoảng cũng để lại những tin tức khá buồn cười kiểu như chi tiền tấn, sau bản cập nhật đại gia biến thành “dại” gia hay cậu bé 6 tuổi lén quẹt thẻ của bố lấy tiền nạp game. Hôm nay Mọt tui sẽ cùng các ông tìm hiểu thêm về các phi vụ động trời này.

Nhóc 6 tuổi nướng hết tháng lương của bố vào Vương Giả Vinh Diệu

Cách đây vài năm tại thành phố Quý Dương, Trung Quốc đã có một chuyện khá hi hữu khi nhiều người đi đường bất ngờ phát hiện một cậu bé khoảng 6 tuổi đang phải quỳ trên vỉa hè trong nhiều tiếng đồng hồ. Điều đặc biệt hơn là không chỉ phải quỳ ở vỉa hè, cậu bé còn khóc nức nở và trên tay cầm một cái bát như người ăn xin. Thấy lạ, nhiều người qua đường đã đến hỏi thăm thì cậu bé trả lời rằng bị chính cha mình bắt quỳ phạt ở đây. Khi được nhiều người đề nghị đưa về nhà, cậu bé lắc đầu từ chối vì sợ.

Nạp tiền bi hài ký hay những cái kết khó đỡ sau khi đã chi tiền tấn vào game

Sau một khoảng thời gian thì một người đàn ông xuất hiện và đưa cậu bé đi. Người đàn ông này được ghi nhận là bố của cậu bé. Khi bị chỉ trích rằng tại sao lại đối xử với con mình như vậy, người đàn ông này trả lời rằng đây là hình phạt khi cậu bé đã bỏ ra tới hơn 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu VNĐ) vào Vương Giả Vinh Diệu, game di động có họ hàng với Liên Quân Mobile do Tencent phát triển và phát hành tại thị trường đại lục.

Trước sự chỉ trích của nhiều người, người cha này đã giãi bày: “Thu nhập của cả vợ chồng mỗi tháng chỉ được hơn 3.000 tệ, vậy mà con quý hóa nó lén nạp hết vào game mua skin tướng. Lúc đầu thấy con chơi game trên di động của mình tôi cũng không để ý, vậy mà sau mới tá hỏa phát hiện ra nó nạp tới hơn 3.000 tệ vào game. Tôi phạt cháu như vậy chỉ vì muốn nó hiểu được công sức của bố mẹ lao động kiếm tiền là không dễ, không thể phung phí như vậy”. Dù có lý do chính đáng thế nhưng chung quy cách phạt con thiếu nhân văn của người bố trên vẫn nhận phải không ít sự chỉ trích từ phía cư dân mạng Trung Quốc.

Thằng ôn 11 tuổi rút sạch tiền tiết kiệm của ông tặng idol trên mạng

Đầu năm 2019, một người đàn ông lớn tuổi họ Lý, ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, ra ngân hàng rút tiền thì phát hiện 40.000 nhân dân tệ (khoảng 140 triệu đồng) đã biến mất, chỉ còn lại 600 tệ trong tài khoản. Sau khi kiểm tra lại các khoản giao dịch phát sinh trước đó, ông tá hỏa khi biết gần 40.000 tệ được nạp vào một ứng dụng livestream trên mạng chỉ trong 3 ngày, với tổng cộng 54 giao dịch. Tra hỏi đứa cháu trai yêu dấu mới 11 tuổi, cậu bé khai nhận đã dùng tiền của ông để mua đồ, quà ảo cho cô gái xinh đẹp vừa chơi điện tử, vừa livestream trên mạng. Cậu bé còn thừa nhận dùng tiền để chơi game trực tuyến.

Nạp tiền bi hài ký hay những cái kết khó đỡ sau khi đã chi tiền tấn vào game

Ông Lý đã nghỉ hưu hiện sống cùng con gái và con rể, cho hay số tiền 40.000 tệ là tiền tiết kiệm hưu trí trong cả năm. Thằng cháu yêu dấu của ông đã “hack” được mật mã ngân hàng sau một lần ông đồng ý để cho nó thanh toán giúp tiền dịch vụ giao thức ăn. Sau khi gia đình báo cáo vụ việc cho ứng dụng, công ty đã đồng ý điều tra và hoàn tiền lại cho ông với điều kiện gia đình phải cam kết rằng sự việc này sẽ không xảy ra thêm bất cứ lần nào nữa. Âu cũng là trong cái rủi vì thằng cháu ôn dịch cũng có cái may đầy ắp tình người vậy.

Ông bạn vàng quý hóa bán tài khoản 2 triệu đô với giá chưa tới 1000$

Một người đàn ông Trung Quốc – vâng lại là Trung Quốc, đã khởi kiện bạn mình (giờ thì chắc là bạn cũ rồi) cùng công ty NetEase sau khi bị ông bạn vàng bán mất tài khoản game online mà mình đã nạp vào đó hơn hai triệu đô. Điều đáng nói ở đây chính là vì một số sự kiện bi hài, người bạn cây khế kia chỉ bán được account game với giá 813$. Đó quả thật là một sự xúc phạm với các những dân chơi đại gia bởi với nhiều người có tiền trong thế giới game online, khi đã chán trò chơi đang theo đuổi họ thường xóa acc luôn hoặc cho ai đó muốn cày tiếp với điều kiện giữ chơi chớ không được bán.

Nạp tiền bi hài ký hay những cái kết khó đỡ sau khi đã chi tiền tấn vào game

Nói thêm về vụ việc, ông bạn cây khế ban đầu muốn bán tài khoản trong game Nghịch Thủy Hàn với giá 388.000 nhân dân tệ (khoảng 81.230 đô la) – đây đã là mức giá rất rẻ, nhưng không rõ vì lý do gì chợ giao dịch ảo do NetEase điều hành lại công bố tài khoản siêu VIP này chỉ có 3.888 nhân dân tệ (813 đô la). Với cái giá gần như… cho không ấy, chẳng mấy ngạc nhiên khi tài khoản bị một người chơi lạ mặt mua ngay trong vài nốt nhạc. Trong phiên hòa giải của tòa án dân sự, ông bạn cây khế cho rằng mình đã quá mệt mỏi sau ngày dài cày cuốc game nên nhập giá thiếu một số 0. Cuối cùng tòa quyết định yêu cầu NetEase huy bỏ giao dịch đồng thời nguyên đơn sẽ phải bồi thường cho game thủ lạ mặt – người mua được tài khoản với giá hời, số tiền 90.000 nhân dân tệ (18.841 USD). Riêng ông bạn cây khế sẽ bị xa lánh bởi xã hội và cộng đồng game thủ vì hành vi chơi dơ quá sức của mình.

4 ông nhõi hack sạch tài khoản bố mẹ để mua Messi trong FIFA 19

Năm ngoái sau khi FIFA 19 ra mắt, đã có 4 ông nhõi hack sạch tài khoản bố mẹ để mua các gói cầu thủ trong chế độ FUT. Điều đáng nói là khả năng siêu việt của mấy thằng ôn này khi chúng chỉ xem bố mình thực hiện giao dịch một lần sau đó bắt chước theo hoàn hảo. Theo Thomas Carter, cha của những mầm non tài năng nói trên, người đàn ông này đã mua cho chúng một gói cầu thủ trị giá 8 bảng (gần 10 USD) trên máy Nintendo Switch. Tuy nhiên, anh không nhận ra rằng chúng đã quan sát quá trình mua hàng đã diễn ra như thế nào.

Nạp tiền bi hài ký hay những cái kết khó đỡ sau khi đã chi tiền tấn vào game

Cùng với việc thiếu các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, chẳng hạn như không sử dụng số PIN duy nhất và biên lai mua hàng được gửi đến email cũ, bọn trẻ đã truy cập được vào tài khoản ngân hàng của cha mẹ và mua sắm vô tội vạ trong khi họ không hề hay biết. Tất cả 4 đứa trẻ đều dưới 10 tuổi và đều theo đuổi Lionel Messi, cầu thủ được đánh giá cao nhất trong trò chơi và dĩ nhiên chúng không muốn dừng lại khi chưa mở pack được thẻ có cầu thủ này. Vì lẽ đó, bọn trẻ đã thực hiện hàng loạt giao dịch trong 3 tuần liên tục để đạt được mục đích của chúng.

Ông Carter và bà vợ ngây thơ đã không nhận ra điều gì đã xảy ra cho đến khi thẻ của họ bị từ chối khi mua sắm do tài khoản ngân hàng đã hết tiền. Máy chơi game ngay lập tức bị tịch thu và sau vài buổi làm việc, EA đồng ý hoàn lại tiền cho tất cả các giao dịch, đồng thời xóa những cầu thủ đã được mua. EA có thể rất khốn nạn nhưng về luật pháp họ đã đưa ra các hướng dẫn và khuyến nghị rõ ràng để cha mẹ có thể kiểm soát việc mua hàng trong trò chơi cho mấy đứa nhóc được thực hiện thông qua tài khoản của họ. Không nghi ngờ gì trong trường hợp này, lỗi hoàn toàn thuộc về người cha vì không thực hiện các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. May cho họ là EA không làm rắn trong vụ này phần cũng vì ngại điều tiếng xung quanh loot box, thứ vốn rất ầm ĩ trong năm vừa rồi.

Kết

Tóm lại thông qua những pha cười ra nước mắt có liên quan đến nạp tiền chơi game kể trên, có thể thấy sự sơ sẩy của các bậc phụ huynh tại hại như thế nào. Ngày nay con nít là một danh từ khá chung chung và chẳng ai dám khẳng định một thằng nhóc tiểu học liệu có biết sử dụng cách quẹt thẻ khi có người làm mẫu cho nó coi thử hay không. Những người cho là có, chúc họ may mắn trong tương lai còn những người không tin đều được nhắc tới như các trường hợp điển hình ở trên rồi. Nói chung cần có xác thực hay bảo mật nhiều lớp khi mua hàng trực tuyến, bên cạnh đó vai trò của phụ huynh là giới hạn mua sắm theo kiểu in-app purchase trong game khi cho bọn trẻ cầm điện thoại, máy tính bảng. Riêng trường hợp của ông bạn cây khế kia thì nhân chi sơ tính bần tiện quá độ, coi như xui thì chịu chứ đề phòng thế quái nào được.

Nói ra những sự việc như trên không phải là để kể xấu game thủ hay lý do nào tương tự. Đây là những tiêu cực có thật và là bài học để thúc đẩy việc phát triển bảo mật khi giao dịch trực tuyến không chỉ cho làng game mà cả cho nền thương mại điện tử. Sau những vụ việc trên, nhiều hãng đã đưa ra những biện pháp kỹ thuật giúp người dùng hạn chế mua nhầm hoặc bị mua lén khi thiết bị nằm trong tay người khác nhất là những đứa trẻ ngây ngô tinh nghịch. Có thể nói những màn bi hài trên ngoài tác dụng giải trí còn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển tích cực cho thanh toán điện tử nói chung và thanh toán nạp game nói riêng.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e