Nguồn gốc của game: Devotion – tựa game kinh dị chết yểu vì “bỏ quên” nội dung nhạy cảm – P.Cuối - PC/Console

Cùng Mọt game khám phá những yếu tố tâm linh và nguồn gốc các chi tiết trong cốt truyện mà Red Candle đã tạo ra cho tựa game kinh dị Devotion của mình.

Phong thủy và truyền thống

Ở Đài Loan và Trung Quốc, Phong thủy là một yếu tố rất được coi trọng và chú cá rồng (Arowana) đại diện cho sự may mắn và điềm lành trong phong thủy. Vào những năm 80 của thế kỷ trước – bối cảnh của Devotion – loại cá này nằm trong tình trạng cung không đủ cầu, hết sức đắt giá và là biểu tượng của sự giàu có của giới thượng lưu.

Video – Tìm hiểu các thông tin thú vị trong Devotion

Vì vậy, nhân vật chính Đỗ Phong Vu của Devotion mua một chú cá rồng để thể hiện khao khát thành công và giàu có, cũng như thoát khỏi “vận rủi” mà anh đang phải gánh chịu. Nó được đội ngũ phát triển Red Candle dùng để hé lộ rằng sự mê tín của Đỗ Phong Vu đã đạt tới đỉnh điểm và dần không còn có thể kiểm soát được. Điều mỉa mai là sau đó chú cá lại trở thành người bạn của Mỹ Tâm, khi cô bé nói với nó về những điều phiền muộn trong cuộc sống của mình. Đội ngũ phát triển tạo ra những hình ảnh qua đôi mắt của chú cá để cho game thủ thấy sự tương phản giữa sự mê tín của Đỗ Phong Vu – mua một chú cá có thể cứu vãn sự nghiệp và gia đình – với hiện thực phũ phàng mà vợ và con anh ta đang chịu đựng.

Bên cạnh đó, tục đốt vàng mã của người châu Á cũng được thể hiện trong game. Khi tình trạng tâm thần của Đỗ Phong Vu ngày càng kém cỏi dưới ảnh hưởng của những nghi thức cúng tế từ Hà lão sư, lằn ranh giữa hiện thực và trí tưởng tượng trong óc anh ta bị xóa mờ. Vì vậy, Red Candle đặt con búp bê giấy vào trong nhà để thể hiện điều gì đang xảy ra trong đầu nhân vật chính. Những đóa hoa tulip xếp từ giấy cũng mang tính biểu tượng đại diện cho tình yêu thương mà Đỗ Phong Vu dành cho con gái mình, bởi dù tình yêu đó dần bị vặn vẹo bởi những lời ma quỷ của Hà lão sư, việc xếp những đóa hoa đó đem lại cho Mỹ Tâm sự yên bình và giảm nhẹ triệu chứng của căn bệnh tâm thần mà cô bé mắc phải.

Đánh giá Devotion – Bi kịch ma quái của một gia đình

Hình ảnh Từ Cô Quan Âm bị dân mạng Trung Quốc chỉ trích là “yêu ma hóa thần phật”.

Về cuối game, khi Đỗ Phong Vu nhờ đến Hà lão sư “làm phép” để tinh lọc Mỹ Tâm, anh đã trải qua một thế giới lạ lùng. Nó được tạo ra dựa trên những ý tưởng về địa ngục trong văn hóa tâm linh Á Đông, nhưng được biến tấu để phù hợp với câu chuyện. Một trong những ví dụ cho việc thay đổi địa ngục phục vụ cho trò chơi là hình ảnh cơn mưa bút để đại diện cho nghề nghiệp biên kịch của Đỗ Phong Vu. Các yếu tố từ Đạo giáo, Phật giáo, thần thoại và chuyện dân gian cũng được sử dụng để tạo ra “Nguyên Thần” (Yuan Shen – cõi tâm linh theo lời mô tả của Red Candle) mà game thủ thỉnh thoảng được nghe nhắc tới trong game.

Truyện cổ tích trong game kinh dị

Trường đoạn mà game thủ rơi vào quyển truyện cổ tích 2D trong Devotion cũng là một điểm đặc sắc đáng được nhắc đến. Ban đầu, Red Candle muốn có một khung cảnh đơn giản, hiền hòa để bày tỏ tình yêu thương mà Đỗ Phong Vu dành cho Mỹ Tâm, trong khi đại đa số cảnh trong game đều được tạo ra nhằm mục đích hù dọa. Để tạo ra sự phân biệt rõ ràng giữa hai thái cực này, Red Candle tạo ra một quyển truyện 2D đầy màu sắc và tươi sáng, mang bầu không khí ấm áp hoàn toàn khác biệt với những gì xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của hai cha con, đem lại cho game thủ một chút giải trí nhẹ nhàng và giúp họ hiểu sâu hơn về các nhân vật.

Nguồn gốc của game: Devotion – tựa game kinh dị chết yểu vì “bỏ quên” nội dung nhạy cảm – P.Cuối

Việc thực hiện quyển sách này cũng khá đơn giản, bởi họ đã có kinh nghiệm từ việc phát triển Detention, một tựa game cuộn cảnh 2D. Red Candle chỉ việc thiết kế một phong cách hình ảnh khác biệt, trong khi câu chuyện được tham khảo từ các cửa hàng sách địa phương. Phần gameplay mới có hơi khó khăn hơn đôi chút và Red Candle đã thử nhiều lần trước khi tìm ra được một phương thức hợp lý. Điều này ngốn của studio khoảng 3 tháng trời, nhưng phần chơi này họ nhận được những phản hồi rất tích cực từ đội ngũ chơi thử game.

Đánh giá Devotion – Bi kịch ma quái của một gia đình
Đánh giá Devotion – Bi kịch ma quái của một gia đình
Khai thác chất kinh dị tâm linh châu Á, Đánh giá Devotion khiến người chơi Việt cảm thấy “lạnh gáy” nhưng lại rất đỗi quen thuộc với văn hóa hàng ngày.

Âm thanh

Sau khi đã hoàn thiện phần tâm linh, hình ảnh và kịch bản, Red Candle cần có những âm thanh chân thật và phù hợp để khiến game thủ “dựng tóc gáy” khi cần. Những âm thanh đó được tạo ra từ các vật dụng hàng ngày, như tiếng nhảy dây từ nhà hàng xóm, tiếng cọt kẹt của chiếc ghế gỗ, những viên bi ve mà Mỹ Tâm chơi đùa cũng như tiếng kinh kệ văng vẳng trong game.

Bên cạnh các âm thanh đó, có hai bài hát quan trọng tồn tại trong game. Một trong số đó là Mã Đầu Cô Nương (cô gái nơi bến tàu), bài hát được viết bởi Dương Thích Duy kể về một người con gái chờ đợi người yêu trở về từ biển cả đã làm Củng Lị Phương nổi danh khi còn trẻ và được Mỹ Tâm hát lại (thật ra là giọng của cô bé 11 tuổi Lưu Chỉ Dung) khi tham gia vào cuộc thi Thất thải tinh vũ đài. Red Candle chọn bài hát này làm mô típ chính của game, phát nó thường xuyên trong game bởi nó cực kỳ phù hợp với hình tượng đóa hoa tulip đã được nhắc đến bên trên, bởi nó cũng kể về một tình yêu vô vọng. Trong gia đình của Đỗ Phong Vu, cả ba thành viên đều hết sức yêu quý những người còn lại nhưng theo những cách riêng của mình, nhưng đến cuối cùng, chúng bị vặn vẹo thành những bi kịch. Lời của bài hát đã phản ánh được điều này một cách rõ ràng.

Bài hát được biểu diễn bởi ca sĩ Hà Hạ, đóng vai Củng Lị Phương.

Bài hát thứ hai chính là bài nhạc nền chính của game có tên Hoàn Nguyện, được sáng tác bởi một ban nhạc Đài Loan có tên “Thảo Đông không có tiệc”. Nhiều thành viên trong studio là fan của ban nhạc này, nên họ là lựa chọn số một khi Red Candle muốn tạo nên một bản nhạc đại diện cho Devotion. Red Candle mời ban nhạc đến tham quan studio và thỏa thuận hợp tác nhanh chóng được ấn định. Bài hát được viết dưới góc nhìn của một người ngoài cuộc về toàn bộ những gì diễn ra trong game với giai điệu thanh thoát, và khi được phát lên cuối trò chơi, game thủ có dịp ôn lại tất cả những gì đã diễn ra và gói ghém lại suy nghĩ của mình về trò chơi.

Ngoài hai bản nhạc trên, Devotion còn có 13 bài hát khác bao gồm cả phần nhạc phát quảng cáo trên TV. 12 bài trong số này được sáng tác bởi Dương Thích Duy, riêng bài hát thứ 13 “Thập Điện Diêm Quân” mô tả địa ngục đến từ Lữ Liễu Tiên, một ca sĩ Đài Loan chuyên biểu diễn phong cách “niệm ca” từ những năm 70 của thế kỷ trước. Họ chọn bài hát này vì nó có lời và nhạc rất đặc biệt, và bạn có thể nghe nó ngoài hành lang của tòa nhà hoặc trong cuộc tìm cứu con gái của nhân vật chính.

Bài hát “Thập Điện Diêm Quân” của Lữ Liễu Tiên.

Một gia đình đầy mâu thuẫn

Củng Lị Phương, người vợ, người mẹ của gia đình vốn là một ca sĩ siêu sao, và rời bỏ sự nghiệp để cưới Đỗ Phong Vu khi gặp anh trong vai diễn đầu tiên của mình. Cô quyết định trở lại nghiệp cầm ca để giúp đỡ chồng mình khi gia đình gặp khó khăn, nhưng Đỗ Phong Vu là một gã đàn ông truyền thống, nên anh ta cảm thấy vai trò trụ cột gia đình của mình bị lung lay. Vì thế, anh ta xem vợ mình là một mối đe dọa, và đó chính là lý do tại sao trong hầu hết thời lượng của game, bạn nhìn thấy một hồn ma nữ mang hình ảnh của Lị Phương. Thật ra, cô chỉ tạm rời gia đình để kiếm tiền như một người phụ nữ hiện đại, hoàn toàn đối lập với hình tượng đàn ông truyền thống của chồng mình.

Ban đầu, Củng Lị Phương được dự tính sẽ có nhiều “đất diễn” hơn trong trò chơi, nhưng sau một số thử nghiệm, Red Candle quyết định giới hạn vai trò của cô vì lo ngại rằng game thủ sẽ mất tập trung trong quá trình chơi. Tuy nhiên sau khi hoàn tất trò chơi, họ lại hối tiếc về quyết định này vì nghĩ rằng mình nên thể hiện Lị Phương một cách rõ ràng hơn thay vì chỉ là một người mẹ.

Cốt truyện Devotion – Tội lỗi người cha

Gia đình họ Đỗ trong thời khắc đẹp nhất

Trong các câu chuyện của Red Candle, họ không muốn tạo ra một nhân vật “thuần ác”. Họ tin rằng bạn ít khi thấy một ai đó làm điều ác mà không có lý do, và Đỗ Phong Vu nằm trong nhóm đó. Anh ta rất yêu gia đình mình, mặc dù cách bày tỏ tình yêu thương đó có thể không phải là cách hay nhất. Anh muốn làm tốt vai trò người chồng, người cha của mình, và chăm sóc cho tất cả mọi người một cách tốt đẹp nhất. Bạn có thể nhận thấy tình yêu này qua trường đoạn về quyển sách truyện đã được nhắc đến bên trên, khi anh để con gái mình thay đổi câu chuyện theo ý thích của cô bé. Dù vậy, những tư tưởng thủ cựu và sự cứng đầu của anh đã dẫn đến bi kịch cuối game.

Tương lai của Red Candle và Devotion?

Dù trên giấy tờ, Devotion được cho là chỉ tạm rút về để chỉnh sửa những nội dung “lỡ quên”, nhưng có thể nó sẽ không trở lại với game thủ một cách chính thức. Theo thông tin mà Mọt được biết, vào ngày 15/7 vừa qua Red Candle đã nói rằng trong tương lai gần họ không có kế hoạch đưa Devotion trở lại, và cũng không dự định trao quyền, chỉnh sửa hay thực hiện bất kỳ hoạt động thu lợi nhuận nào trò chơi. Trong khi đó, phiên bản phim điện ảnh của Detention đã hoàn thiện và đã được công chiếu vào ngày 20/9 vừa qua.

Nguồn gốc của game: Devotion – tựa game kinh dị chết yểu vì “bỏ quên” nội dung nhạy cảm – P.Cuối

Poster của phim Detention.

Red Candle nói rằng trong thời điểm hiện tại, họ muốn khám phá những thể loại và chủ đề mới để tận dụng sự linh hoạt của một studio indie. Việc hai tựa game đầu tiên đều lấy bối cảnh Đài Loan chỉ là một sự tình cờ do bối cảnh này phù hợp với những ý tưởng mà họ đang có. Sản phẩm kế tiếp của studio vẫn chưa được định hình, nhưng Red Candle tự tin nói rằng khi vẫn còn có fan yêu thích các trò chơi của họ, họ sẽ vẫn tiếp tục làm game.

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Lịch sử game Devotion
  1. Nguồn gốc của game: Devotion – tựa game kinh dị chết yểu vì “bỏ quên” nội dung nhạy cảm – P.1
  2. Nguồn gốc của game: Devotion – tựa game kinh dị chết yểu vì “bỏ quên” nội dung nhạy cảm – P.Cuối