E3 là tên gọi tắt cho Electronic Entertainment Expo (tạm dịch: Hội chợ giải trí điện tử). E3 được sáng lập bởi Entertainment Software Association (ESA), là nơi để các nhà phát triển, các studio, thậm chí các nhà phát triển độc lập có thể trình làng các sản phẩm điện tử như các thiết bị giải trí, các tựa game mới,… Vì quy mô của nó, E3 được coi là sự kiện lớn nhất trong năm của ngành công nghiệp game.
Trước đây, E3 không được mở cửa rộng rãi, nghĩa là tham dự E3 chỉ có những người được mời chứ công chúng không được tham dự thoải mái mà chỉ có thể theo dõi E3 qua những buổi họp báo, stream,… Nhưng với việc quy mô ngày càng lớn, cộng với việc số người quan tâm đến E3 ngày càng tăng, cuối cùng vào năm 2017, E3 đã mở cửa rộng rãi cho những ai quan tâm và thu hút hàng chục ngàn người tham dự.
Tiền thân của E3 là sự kiện có tên Consumer Electronic Show (CES), được tổ chức hai năm một lần. CES là một sự kiện lớn, nhưng khác với E3 sau này, CES không hoàn toàn tập trung vào game mà còn giới thiệu cả về các sản phẩm điện tử khác, vì vậy, có thể nói phần lớn người tham dự không quan tâm lắm về game. Chính vì vậy, vào năm 1995, ESA – lúc đó còn được gọi là IDSA đã tổ chức một sự kiện riêng dành cho game và các nhà phát triển game. Đó chính là E3 ngày nay.
E3 1995 là sự kiện đầu tiên, và quy mô của nó khá lớn khi thu hút được hơn 50000 người tham gia và nhiều nhà phát triển lớn lúc đó như Sega, Sony, Nintendo hay Capcom. Trải qua hơn 20 năm phát triển, quy mô của E3 ngày càng mở rộng và số người tham dự luôn dao động từ 40000-60000 người, duy có ngoại lệ là E3 2007 và E3 2008 chỉ có vẻn vẹn 10000 và 5000 người tham dự do tổ chức ở một khách sạn ở Santa Monica nên không có đủ chỗ rộng. Tuy vậy, nhìn chung số người tham dự sự kiện thường niên này luôn nằm ở con số lớn, đủ cho thấy sức hút mà E3 đem lại.
E3 2017 là năm đầu tiên Hội chợ tổ chức bán vé cho người tham dự (những năm trước đây chỉ những ai có vé mời mới được tham dự). Động thái này cũng đã đẩy số người tham dự E3 2017 lên gần 70000 người, hơn hẳn các năm trước, trong đó có khoảng 15000 vé được bán ra.
E3 2017 cũng là năm mà hình thức tổ chức sự kiện có thay đổi. Nếu như trước đây, E3 sẽ tổ chức tất cả các buổi họp báo của các nhà phát triển cùng một lúc, dẫn đến việc bị dàn trải và khó có được sự chú ý cần thiết cho mỗi nhà phát triển (ví dụ như bạn đang xem buổi giới thiệu của Sony mà lại muốn xem buổi giới thiệu của Microsoft thì bạn chỉ cần đến chỗ của Microsoft mà thôi, điều này phần nào làm giảm đi sự hứng thú với từng nhà phát triển riêng). E3 2017 đã thay đổi điều đó bằng cách tổ chức các buổi họp báo lớn cho các nhà phát triển lớn ở những buổi riêng biệt, như Nintendo, EA, Ubisoft, Bethesda,… Mỗi nhà phát triển đều có được một khoảng thời gian của riêng mình để giới thiệu cặn kẽ, đầy đủ các sản phẩm mới cho khán giả, điều này đã làm cho E3 hấp dẫn hơn nhiều so với trước đây.
Theo dự kiến, E3 2019 sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 6 tới đây. Tuy không có sự tham dự của Sony nhưng đây vẫn được xem là sự kiện quan trọng và thu hút bậc nhất với game thủ trên toàn thế giới. Hãy cùng chờ xem, chúng ta sẽ được thấy gì vào tháng 6 tới đây tại Los Angeles, Mỹ.