Bất cứ game thủ nào cũng đều muốn hoàn thành và đi tới các đoạn kết trong game, khi chúng là phần thưởng cuối cùng cho cố gắng dài đẵng đẵng của bạn. Nhưng không phải lúc nào các ending đều là kết thúc có hậu, rất nhiều thứ trong số chúng sẽ để lại hậu quả kinh hoàng tới mức giá mà bạn ước mình chưa bao giờ xem thì tốt hơn.
The Suffering
Tôi đã từng chơi qua The Suffering và phải nói nó là một tựa game thực sự đặc biệt, đây không phải chỉ là game kinh dị tâm linh bình thường mà nó còn bao gồm cả hành động, phá án lẫn các lựa chọn về đạo đức trải dài suốt từ đầu tới cuối. The Suffering nói về cuộc đời của nhân vật chính Torque – một gã đàn ông bị kết tội đã giết chết cả gia đình mình, đày ải trong địa ngục của nhà tù Abbott State Penitentiary, nơi giam giữ những tên tội phạm nguy hiểm nhất trên mặt đất.
Nhưng điều khiến cho Torque dằn vặt là hắn không thể nhớ nổi đã có chuyện gì xảy ra vào cái ngày định mệnh đó, tại sao vợ con của mình lại bị giết hại một cách tàn nhẫn trong khi bản thân không nhớ một chút gì. Bạn có thể nghĩ The Suffering sẽ là một game theo kiểu tìm kiếm và trả thù, khi mà Torque sẽ phải lần ra manh mối tại sao gia đình mình bị giết hại dã man như vậy, nhưng đáng tiếc là ending của The Suffering thực sự là một màn bo cua vô cùng đỉnh cao.
Trong đoạn kết tồi tệ nhất của The Suffering, bạn sẽ thấy Torque nhớ lại kí ức thảm khốc khi đánh vợ mình là Carmen tới chết, ném thằng con trai lớn Cory ra ngoài cửa sổ và nhấn nước tới tắt thở đứa bé hơn Malcolm. Và thậm chí trong cái Neutral Ending đỡ dã man hơn một chút thì nó cũng cho thấy Torque lỡ tay sát hại vợ mình khi cô ta nói về việc li dị, Cory lúc đó bị kích động bởi hành động của cha cũng dìm chết anh trai trước khi tự sát. Nhìn chung thì tất cả các ending trong The Suffering đều không kết thúc có hậu lắm, kiểu như bạn đã bị game nó lừa chạy một vòng tròn xong đi về chỗ cũ ấy.
Layers of Fear
Bản thân cái game này đã đủ kinh dị rồi, nhất là khi bạn đeo tai nghe và chơi trong phòng kín, khi mà những âm thanh kẽo kẹt cùng tiếng thì thầm của nó đủ sức làm lạnh gáy tất cả những ai từng trải nghiệm. Nhưng đối với tôi thì kí ức kinh hoàng nhất vẫn là khi xem cái Bad Ending của Layers of Fear, ban đầu mọi thứ rất bình thường khi tay họa sĩ bắt đầu vẽ bức chân dung của vợ mình, bắt đầu ca ngợi nó như một tuyệt tác nhưng chúng ta đều biết tên điên này vốn dĩ đã bị ám ảnh từ lâu rồi.
Và trong cái đêm đen tối mịt mù đó, bức ảnh của người vợ tự nhiên vặn vẹo, nó biến đổi và giống như hình chiếu 3D từ từ lồi ra ngoài và nhìn thẳng vào chúng ta, trước khi cất lên tiếng cười khủng khiếp như chim heo gọi bầy trong đêm đen. Do Layers of Fear là game góc nhìn thứ nhất, nên bạn sẽ thực sự cảm nhận được khuôn mặt đó ngửa cổ, lắc lư đầu rồi chuyển góc nhìn vô cùng chân thực, cứ như nó chỉ cách bạn đúng một gang tay và chuẩn bị lồi ra từ màn hình máy vi tính vậy.
" alt=""
Cái tiếng cười dã man này lặp đi lặp lại trong suốt vài chục giây sau đó, với những khuôn mặt đầy máu vặn vẹo dày đặc bốn bề, bảo đảm sẽ khiến bạn đổ mồ lạnh như tắm và đúng là chỉ ước rằng giá như mình chưa bao giờ từng thấy nó. Tôi từng có những cơn ác mộng về việc những người trong khung tranh một ngày nào đó sẽ cử động, hay tấm gương phản chiếu khuôn mặt bản thân đột nhiên tự hành động khác thường… chúng trở nên rõ ràng hơn sau khi xem cái kết thúc trong game Layers of Fear, tới mức độ vài buổi tối sau đó sợ muốn rúm ró cả người lại.
Doki Doki Literature Club
Tôi thề là cái Doki Doki Literature Club này sẽ luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng những tựa game gây ám ảnh nhất mọi thời đại, từ lối chơi cho tới việc nó dẫn dắt kịch bản và kinh dị nhất là bạn sẽ luôn lặp đi lặp lại một kết thúc bất kể có lựa chọn ra sao, vì trừ khi là có bản hướng dẫn còn không thì chắn chắn chẳng ai có thể lần mò ra cách “phá đảo” cái game này cả. Tôi không cần phải nói về mức độ đáng sợ của Doki Doki Literature Club hay vị chúa tể thực sự của nó là Moniki – cái chính là ở đây là cách mà bạn bị hù dọa ra sao.
Cái đáng sợ của Doki Doki Literature Club nằm ở các kết thúc của nó (thường là sẽ có một đứa nào đó chết) và cả sau khi mọi thứ đã diễn ra. Mọi thứ trong game đều là một cú lừa ngoạn mục, khi bạn cảm thấy có cái quái gì đó sai trái ở đây, vì sao các nhân vật nữ đều hành xử kì lạ và bọn họ biến mất theo thời gian thực. Cái ending đầu tiên nơi Sayori treo lủng lẳng có vẻ vẫn còn nhân đạo chán, nhưng tôi đã thực sự muốn són đái ra quần khi game gần như là bị “đứng” và các trường đoạn bên trong cứ lặp đi lặp lại liên tục, như kiểu nó đang diễn biến tiếp chứ không reset lại từ đầu.
Cảm giác mà bạn chơi một game trực tiếp, nơi bản thân mình đang tương tác với các nhân vật và thấy chúng từ từ hóa điên rồi chết cực kỳ hãi hùng. Các hình ảnh méo mó một cách kì dị, lời thoại nhân vật trở nên vô nghĩa và kể cả khi bạn tìm cách để cứu những em gái còn lại thì cũng là vô nghĩa, tôi thiếu điều đã muốn đập cụ nó cả máy lẫn màn hình khi thấy cái ending của Natsuki, khi hình ảnh từ từ tối đen, hai hốc mắt của nó trở thành các mảng xám và thình lình nguyên cái đầu con điên này quay 90 độ lao thẳng về phía trước… vỡ tim vẫn còn là tính từ nhẹ chán để miêu tả.
Thật vô phúc và bất hạnh khi biết đọc chữ để chơi Doki Doki Literature Club, tôi rất khâm phục khả năng làm game bá đạo của nhà sản xuất, nhưng đậu xanh rau má chơi cái này xong tới đi vệ sinh vào giữa đêm cũng là tra tấn nữa, thậm chí một thời gian dài tôi còn không dám vào lại vì sợ có khi máy mình bị nhiễm virus tới nơi rồi.
Dead Space
Ở đây chúng ta nói về phiên bản Dead Space đầu tiên chứ không phải là hai phần về sau, thực tế thì ngay khi vào game thì Dead Space cũng đã đủ dọa người chơi hết hồn với đám Necromorphs kì dị từ xác chết rồi. Toàn bộ game áp một bầu không khí chết chóc nặng nề, chưa kể tới việc game khó kinh khủng khi cái chết luôn thường trực xung quanh bạn. Nhưng chừng đó thứ không so sánh được với màn kết thúc ở cuối cùng, nơi người chơi bảo đảm là sẽ bị dọa cho rớt tim ra ngoài.
Cả quá trình chơi Dead Space bạn sẽ thấy các hình bóng lẫn giọng nói của Nicole – bạn gái nhân vật chính Isaac xuất hiện liên tục, nó nhiều và rõ ràng tới mức thậm chí cả người chơi cũng sẽ có cảm giác đây là một nhân vật vô cùng quan trọng đóng vai trò nút thắt chính. Chỉ đến khi vào nửa cuối game khi sự thực về thảm họa xuất hiện, đám Necromorphs được tạo ra từ con dấu cũng như những cái xác chết cũ cho biết số phận các thuyền viên trên tàu Ishimura, người chơi mới biết rằng những thứ mà mình thấy đều chỉ là ảo ảnh.
" alt=""
Sau khi tiêu diệt được nguồn gốc con dấu và nhìn Aegis VII bị phá hủy từ trên không gian, nhìn Isaac bắt đầu nhớ lại các kỷ niệm cũ với Nicole thì chúng ta cũng từ từ thả lỏng, khi biết rằng cơn ác mộng đã chấm dứt. Nhưng ngay sau đó Deadspace sẽ cho bạn biết thế nào là khủng khiếp, khi Nicole không biết từ cái lỗ nào đột nhiên xuất hiện ngay bên cạnh Isaac và phóng cái miệng đầy máu về phía màn hình, bỏ lại những tiếng gào thét cùng kí tự vô nghĩa.
Cái màn kết thúc trong game này gợi nhớ lại các màn hù dọa kinh điển của những bộ phim kinh dị đời cũ, khi sự kiện chính thường chỉ xuất hiện ở giây cuối cùng. Với Deadspace thì khối game thủ chắc đã muốn đập luôn cả màn hình khi thấy cảnh tượng Nicole rú lên rồi nhào tới, cơ bản là khi bạn đang ngồi thư giãn bỗng nhiên có cái của nợ đó xuất hiện thì đúng là quá sức ác mộng, não thiếu điều muốn ngừng hoạt động luôn chứ không đùa.
Còn tiếp…