Dù phần cứng PC lẫn console ngày càng mạnh mẽ nhưng đồ họa game cũng phát triển chóng mặt với các engine siêu thực, texture 2k, 4k khiến game dù được tối ưu mấy thì vẫn phải có thời gian tải, gọi là “Loading”. Phương thức truyền thống bao gồm màn hình tĩnh với thanh phần trăm có vẻ không hấp dẫn với game thủ mấy, vì vậy các NSX game đã nghĩ ra lắm quái chiêu để “che mắt” khoảng thời gian này. YouTuber outsidexbox đã tổng hợp một số quái chiêu giết thời gian khi game đang tải của các NSX như sau:
Thang máy (Mass Effect)
Khó có thể tin được là một thế giới công nghệ hiện đại, di chuyển trong vũ trụ với tốc độ ánh sáng như Mass Effect lại sở hữu những chiếc thang máy “rùa bò”, mất cả phút để lên xuống giữa các tầng – thực chất đây chính là lúc game đang tải các thành phần của khu vực mới và thang máy được khéo léo dùng thay cho màn hình Loading. Do một số khu vực quá lớn phải tải lâu, NSX thêm vào một số đoạn hội thoại giữa các thành viên trong đoàn để game thủ đỡ “ngán”, còn đâu thì đây chính là hình thức loading thông minh của ME.
Cửa (Resident Evil)
Những phiên bản đầu tiên của RE trên PlayStation luôn có độ kinh dị ngạt thở do thiết kế camera cố định khiến game thủ khó quan sát tình hình xung quanh. Một nét đặc trưng của các phiên bản này chính là hình ảnh mở cửa, lên cầu thang khi di chuyển sang khu vực mới – ngoài tác dụng làm tăng độ rùng rợn thì đây còn là nơi để game tải các thành phần của khu vực mới do bộ nhớ hạn chế của PS1.
World Tree (God of War)
Đây có thể coi là một “cổng dịch chuyển” của nhân vật chính trong GoW giúp di chuyển giữa 9 thế giới được kết nối đến Yggdrasil, nhưng cái lạ là khi bước vào bên trong bạn không tới ngay được đích đến mà phải… chạy một quãng đường dài bên trong cái cây này nữa. Chính quãng đường này đã thay thế cho màn hình Loading để game tải các thành phần của đích đến trong lúc người chơi đang “chạy bộ” ở đây.
Đường hầm (Tony Hawk’s American’s Wasteland)
Màn chơi trong American Wasteland được thiết kế liền mạch giúp các xạ thủ mê trượt ván di chuyển qua lại giữa các khu vực thoải mái mà không cần chờ loading. Không hẳn vậy, nếu để ý kĩ thì bạn sẽ thấy các khu vực được nối liền bằng những đường hầm khá dài, phải mất một lúc mới trượt qua được – đó chính là cơ chế loading của game. Hạn chế: Các cao thủ có thể trượt qua khu vực này cực nhanh và khi đến cửa ra thì họ vẫn phải… đợi cho game tải xong màn chơi mới đã.
Hội thoại với Oracle (Batman: Arkham Asylum)
Ngoài việc áp dụng các phương pháp tương tự như trên để ẩn thời gian loading, Arkham Asylum còn khéo léo sử dụng các cuộc hội thoại giữa Batman và Oracle trong từng trường đoạn game để có thêm vài giây tải các đoạn script, đồ vật, tương tác… cụ thể, vì khi hội thoại Batman sẽ phải úp tay lên tai trái để nghe cho rõ và không chạy được, khiến game thủ phải mất thời gian để tới vị trí kích hoạt sự kiện tiếp theo.
Hiệu ứng Hollywood (Final Fantasy 7)
Mặc cho phần cứng hạn chế của SNES, FF7 vẫn làm tốt việc đưa đến game thủ 1 trải nghiệm RPG hoàn hảo, hấp dẫn, trong đó phải cám ơn các hiệu ứng Hollywood hoành tráng như camera quay tròn quanh nhân vật, nhìn gần vào map khi chuẩn bị chiến đấu hay các hiệu ứng ma thuật bắt mắt, tất cả chỉ để nhằm kiếm thêm vài giây cho game tải các nội dung, kịch bản kế tiếp.
Trò chơi kĩ năng (Fifa)
Có lẽ do chú trọng kĩ năng nên EA muốn game thủ ít nhất phải biết mình đang làm gì khi bắt đầu trận đấu – thay cho màn hình loading là các skill game với thao tác hướng dẫn tỉ mỉ trên màn hình, giúp các tân binh dễ dàng làm quen với FF và khi họ hoàn thành mục tiêu yêu cầu thì game cũng đã tải xong và sẵn sàng vào trận đấu.