Những trò 'sống dai' nhất trong lịch sử làng game

Có những series tồn tại hơn 28 năm, có lẽ ai biết đến chúng giờ đã con đàn cháu đống...

Trong lịch sử làng game thế giới, có những cái tên đã tồn tại qua hàng thập kỷ. Nó lâu đời đến nỗi những ai từng chơi qua chúng giờ đã ở tuổi tứ tuần.

Ở thời điểm đó, đồ họa và lối chơi rất đơn giản nhưng lại là những tựa game vô cùng hấp dẫn với mọi người. Sau này mỗi khi nhớ lại, những người làm game phải thầm cảm ơn chúng vì đã đặt nền móng xây dựng cả một ngành công nghiệp game phát triển như hiện nay.

Darius

Phiên bản đầu tiên: Darius ra mắt vào tháng 2/1987

Phiên bản mới nhất: Dariusburst: Chronicle Saviours (30/11/2015)

Như vậy tuổi đời của game Darius đã hơn con số... 32, có lẽ hơn rất nhiều anh em đang đọc bài này.

Những trò sống dai nhất trong lịch sử làng game - Ảnh 1.

Darius là một game bắn máy bay kinh điển mà hầu như game thủ Việt nào cũng biết hoặc nghe qua. Không đơn thuần là bắn hạ kẻ địch, Darius còn cho phép người chơi thu phục những kẻ bị hạ gục biến chúng thành "đệ tử" của mình, đó là một điểm cực kỳ thú vị mà ở thời điểm đó chưa có tựa game bắn máy bay nào nghĩ ra. Những màn chơi hoành tráng cùng các con trùm khổng lồ khiến cho Phi thuyền không gian in dấu ấn sâu đậm trong lòng game thủ Việt ngày xưa.

Family Stadium

Những trò sống dai nhất trong lịch sử làng game - Ảnh 2.

Phiên bản đầu tiên: Pro Yakyū Family Stadium ra mắt vào tháng 12/1986

Phiên bản mới nhất: Pro Yakyū Famista Returns (8/10/2015)

Tuổi: 33.

Game thủ Nhật Bản thường gọi con game này với danh hiệu rút gọn và có phần thân thương là Famista, kiểu như hệ máy Family Computer cũng bị bọn họ kêu là Famicom vậy đó. Thực tế thì Famista không phổ biến cho lắm tại thị trường nước ngoài trừ hai nơi mà bóng chày đã trở thành niềm yêu thích của cả dân tộc là Nhật và Mỹ. Có nhiều bộ truyện từng được vẽ dựa trên nội dung của game và cũng giành được ít nhiều thành công khi bán hơn 15 triệu bản trên toàn thế giới.

The Legend of Heroes

Phiên bản đầu tiên: Dragon Slayer: The Legend of Heroes ra mắt 12/1989

Phiên bản mới nhất: The Legend of Heroes: Trails of Cold Steel IV (28/9/2018)

Tuổi: 30.

Nihon Falcom cho đến nay có lẽ không còn là một cái tên quá xa lạ đối với những ai đam mê thể loại game nhập vai Nhật Bản. Từng có xuất phát điểm không khác nhiều nếu so với các "ông lớn" trong thể loại này như Squaresoft hay Enix, thế nhưng bởi nguồn lực có hạn, số lượng đầu game khổng lồ của Falcom hầu như chỉ quanh quẩn ở thị trường nội địa Nhật Bản trong thập niên đầu thế kỉ 21.

Những trò sống dai nhất trong lịch sử làng game - Ảnh 3.

Mãi cho đến năm 2010 sau một thương vụ hợp tác với XSEED Games, một công ty chuyên chuyển ngữ và phát hành game tại Mỹ, các tựa game nổi tiếng của Falcom mới được biết đến rộng rãi trên thế giới. Trong đó, nổi bật nhất chính là hai dòng game Ys và The Legend of Heroes, với phiên bản mới nhất mang tên The Legend of Heroes: Trails of Cold Steel IV.

Might and Magic

Phiên bản đầu tiên: Might and Magic Book One: The Secret of the Inner Sanctum ra mắt 1986

Phiên bản mới nhất: Might & Magic Heroes VII (29/9/2015)

Tuổi: 33

Những trò sống dai nhất trong lịch sử làng game - Ảnh 4.

Might and Magic có thể là cái tên không được quen thuộc cho lắm thế nhưng nếu nhắc đến Heroes III Shadow of Dead hẳn sẽ nhiều người nhận ra hơn. Nhìn chung Might and Magic là một dòng game lâu đời, cũng như đã trải qua nhiều thăng trầm khi "sang tay" nhiều hãng như 3DO, Eclipse… và giờ là Ubisoft, lẽ dĩ nhiên tựa game "gạo cội" này cũng đã nhiều lần "thay áo", nếm trải đủ lời khen có cánh – và dĩ nhiên, cũng gồm luôn những lời chê bai, móc mỉa của những người vì quá yêu cái cũ mà… chưa kịp thích nghi để chấp nhận cái mới.

Rance

Phiên bản đầu tiên: Rance – Hikari Quest ra mắt tháng 7/1989

Phiên bản mới nhất: Rance X – Decisive Battle (23/2/2018)

Tuổi: 30

Là một game nhập vai thế nhưng tại Việt Nam, Rance hẳn sẽ khó mà đến được tay của cộng đồng game thủ bởi đây là một trong vài thương hiệu game khiêu dâm cổ xưa nhất còn tồn tại cho đến ngày nay. Theo đó phần đầu tiên, Rance – Hikari Quest -, được phát hành vào năm 1989, trong khi phiên bản gần nhất, Rance X – Decisive Battle được phát hành vào năm 2018.

Zork

Những trò sống dai nhất trong lịch sử làng game - Ảnh 5.

Phiên bản đầu tiên: Zork I ra mắt tháng 11/1980

Phiên bản mới nhất: Legends of Zork

Tuổi: 39

Zork là loạt game phiêu lưu chơi dưới dạng dòng lệnh xuất hiện từ đầu thập niên 1980, là sản phẩm của một nhóm sinh viên Học viện MIT, Mỹ. Loạt game này có thể được xem là một trong những game máy tính đầu tiên của lịch sử ngành game.

Loạt game Zork không chỉ được biết đến như là một trong những game máy tính đầu tiên, mà còn nổi tiếng với phong cách cốt truyện rất hài hước của mình. Legends of Zork cũng sẽ kế thừa phong cách này với một cốt truyện rất ư là… kỳ quặc khi pha trộn các yếu tố của thế giới thần thoại và hiện đại vào chung với nhau.

Twinbee

Phiên bản đầu tiên: TwinBee ra mắt tháng 3/1985

Phiên bản mới nhất: Line GoGo! TwinBee (20/5/2013)

Tuổi: 34

Những trò sống dai nhất trong lịch sử làng game - Ảnh 6.

Quen thuộc hơn với game thủ Việt qua tên gọi bắn chuông, TwinBee được hãng Konami cho ra mắt năm 1985. Vì sao lại gọi là bắn chuông? Bởi trong game người chơi sẽ phải bắn đám mây để những chiếc chuông rơi ra và "ăn" lấy điểm. Có thể "nuôi" chuông cho đến khi đổi màu để nâng cấp súng ống, áo giáp hay tăng tốc độ bay…

Momotaro Dentetsu

Những trò sống dai nhất trong lịch sử làng game - Ảnh 7.

Phiên bản đầu tiên: Momotaro Densetsu ra mắt tháng 12/1988

Phiên bản mới nhất: Momotaro Densetsu 2017: Tachiagare Nippon!! (22/12/2016)

Tuổi: 31

Có lẽ bộ phim hoạt hình Đào Thái Lang nghe có vẻ quen thuộc với các game thủ thuộc lứa đầu 8X hơn là tựa game có cùng đề tài mang tên Momotaro Densetsu. Là một tựa game nhập vai hoạt hình vui nhộn được sản xuất bởi Hudson Soft thế nhưng qua nhiều biến cố bản quyền thương hiệu nay đã thuộc về Konami và hiện tại chưa có kế hoạch cụ thể nào cho thương hiệu này.