Những tựa game bắt nhân vật chính chết thảm trong bad ending – P.1 - PC/Console

Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi chơi những tựa game còn khá đơn sơ với đồ họa 8-bit hẳn bạn đã chết không biết bao nhiêu lần mà nói.

Bạn không nhớ mình chết thế nào trong những trò chơi ở thập niên 80 ư? Không sao, tui sẽ nhắc lại một ví dụ cụ thể. Còn nhớ thanh niên màu vàng tên Pac-Man chớ, mỗi lần bị mấy con mực ma đụng trúng thì Pac-Man dần tiêu biến với chuỗi âm thanh midi khá khó đỡ. Ngày đó còn nhỏ chưa biết gì chỉ cho rằng hắn biết mất tạm thời thôi bởi sau đó Pac-Man lại xuất hiện khỏe mạnh như chưa hề có cuộc chia ly nhưng giờ nghĩ lại mới thấy rằng chẳng phải khi đó hắn đã bị mấy con mực ma ăn thịt hay sao.

Mùa hè và những cột mốc khó quên của một gã game thủ 8X
Mùa hè và những cột mốc khó quên của một gã game thủ 8X
Mùa hè tha hồ chơi game thì ai chẳng thích nhưng bài toán cơm, gạo vẫn cứ trĩu nặng trên vai mỗi ngày như cái giá của việc trưởng thành thì tính sao?

Do nền tảng đồ họa thời 8-bit không dễ dàng gì để miêu tả một cảnh bị ăn sống nuốt tươi, đồng thời khi đó game chỉ là sản phẩm dành cho con nít nên 99% các cảnh chết chóc đều diễn ra theo cách buồn cười như Pac-Man vậy. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, ngày nay game không đơn thuần là trò tiêu khiển của lũ trẻ con mà còn là thú vui giải trí của những người trưởng thành. Những cảnh chết chóc được làm chân thực và máu me hơn, thậm chí một số tựa game còn trừng phạt game thủ mỗi khi họ thua cuộc bằng các bad ending tồi tệ, trong đó nhân vật chính sẽ bị tra tấn hay giết hại theo những cách vô cùng tàn nhẫn.

Là kẻ có đam mê to lớn với game dĩ nhiên Mọt tui cũng từng trải qua khá nhiều trò chơi và cũng không ít lần chứng kiến nhân vật do mình điều khiển phải chết thảm. Cho nên tui đã tổng hợp một danh sách gồm các tựa game có kết cục tồi tệ khi nhân vật chính bị cắn, bị ngâm trong acid, bị ăn thịt hay bị xé vụn thành nhiều mảnh. Dưới đây là một vài kết cục mà không người chơi nào muốn nó xảy ra với nhân vật do bản thân điều khiển, tất nhiên mong muốn là một chuyện còn kỹ năng không đáp ứng điều kiện của NSX lại là một câu chuyện khác.

Bơi trong hồ acid với The Amazing Spider-Man vs The Kingpin

Người Nhện có những kẻ thù đặc sắc lẫn chán phèo trong nhiều năm qua thế nhưng hiếm có ai bền bỉ như Kingpin khi hắn luôn đeo bám theo gã siêu anh hùng thích nhả tơ qua khắp các phiên bản lẫn hệ máy chơi game. Trong tựa game Marvel’s Spider-Man đình đám trên PS4 ra mắt năm 2018, Kingpin vẫn tiếp tục xuất hiện nhưng đang tiếc hắn nhanh chóng bị đánh bại để nhường chỗ cho những ác nhân có sức mạnh đáng gờm hơn như Doctor Octopus, Electro, Rhino hay Vulture. Do thời lượng diễn xuất hạn chế vì vậy một bad ending khi bạn thua trong cuộc đấu tay đôi với Kingpin cũng không lấy gì làm thú vị cho lắm nếu so với trò chơi ra mắt năm 1991, từng càn quét các hệ máy như Genesis, Master System và Game Gear mang tên The Amazing Spider-Man vs The Kingpin.

Trong bản game đó, Kingpin là trùm cuối thế nên khi Người Nhện không hạ gục được gã hoàng đế của thế giới ngầm, bạn sẽ nhìn thấy vài kết cục tồi tệ diễn ra. Một trong số đó chính là Peter paker đánh bại Kingpin nhưng không cứu được Mary Jean và để cô chết mất xác trong một hồ acid xanh lè. Bạn cho rằng đó là kết cục tệ hại nhất? Vẫn chưa đâu khi mà kết cục bad bad bad ending sẽ dẫn đến hoạt cảnh cả Người Nhện và cô bạn gái nhỏ bị Kingpin nhấn nút thả xuống hồ acid trong tiếng cười chiến thắng đầy man rợ. Bạn có thể nghe giọng cười bệnh hoạn đó trong đoạn clip được tui đính kèm phía trên, nó khá là bệnh. Và cũng vì thế nếu một ngày nào đó nổi hứng retro, chơi lại tựa game này để tận hưởng không khí của thập niên 90, xin đừng thua cuộc để ending này không bao giờ có cơ hội xuất hiện.

Quá trình trích xuất dữ liệu xảy ra sai sót trong Dead Space 2

Dead Space là một sê-ri game kinh dị vừa hù cho người ta thót tim lẫn khiến đám game thủ phải phát tởm vì độ khủng khiếp của đám Necromorphs. Đáng buồn thay trong những ngày này EA sẽ không bao giờ thèm đoái hoài đến những tựa game hay nhưng sinh lợi kém như Dead Space. Mục tiêu ưu tiên của bọn họ là các dòng game thể thao phiên bản sau lối chơi y xì phiên bản trước chỉ thay đổi vài cầu thủ nhưng đảm bảo sinh lợi lớn hay những thương hiệu đại chúng như Star Wars: Battlefront, dù có bị chửi tan nát nhưng cuối cùng người ta vẫn phải bấm bụng mà mua vì trót là fan mấy chục năm rồi. Thật xấu hổ khi những tựa game để lại ấn tượng sâu sắc như Dead Space cuối cùng vẫn khuất phục trước dâm uy của đồng tiền nhưng biết sao được cuộc sống mà.

Nhắc lại Dead Space, đặc biệt là Dead Space 2 chắc nhiều người con nhớ đến NoonTech Diagnostic Machine chứ? Ngoài bọn Necromorphs khủng khiếp ra, Dead Space 2 còn khiến cuộc sống của người chơi thêm ngột ngạt từ chính những quyết định sai lầm của họ. Một phát súng bắn trật và bạn bị bọn quái vật xé xác, một bước đi nhầm lẫn và bạn lạc giữa vũ trụ xa xăm, tất cả không là gì nếu so sánh với màn hack não lẫn tay chân trong phân cảnh trích xuất dữ liệu từ NoonTech Diagnostic Machine. Tại một thời điểm trong Dead Space 2, Isaac cần thu thập một số dữ liệu từ cỗ máy này. Lấy dữ liệu thôi mà, cắm USB là xong chứ gì? Không, nền khoa học tân tiến trong thế giới của Dead Space rất hiện đại khi có thể chuyển dữ liệu trực tiếp đến não thông qua một kim laser chiếu vào mắt. Khi vận hành cỗ máy người chơi phải giữ bình tĩnh để kim laser được di chuyển đúng cách, chỉ một chút run rẩy hay hoảng loạn sẽ khiến mọi thứ trở nên hỏng bét. Nói một cách đơn giản nếu game thủ không thể điều khiển kim laser của NoonTech Diagnostic Machine di chuyển chính xác về mống mắt của Issac, cỗ máy sẽ xuyên thủng não của nhân vật chính ngay tức khắc. Quả thật là một kiểu chết đầy phong cách và tràn đầy mỹ học về bạo lực luôn.

Tai nạn “đóng cọc” khi parkour trong Shadow of the Tomb Raider

Lara Croft đã trải qua rất nhiều kiểu chết kể từ khi cô nàng còn vác cặp ngực bánh ú huyền thoại trên người thế nhưng với sự phát triển của công nghệ đồ họa, nữ khảo cổ này tiếp được bị ném vào những pha tử vong ngày càng bạo lực hơn. Trong bộ ba tác phẩm nhằm reboot lại thương hiệu, không phải ngẫu nhiên mà ủy ban ESRB dán nhãn M (Mature – Dành cho người trưởng thành) cho chúng. Cuộc phiêu lưu của Lara giờ đây còn được thêm vào các gia vị mang đậm chất kinh dị thậm chí là yếu tố gore nhằm tăng cảm giác kích thích cho fan hâm mộ. Máu me, ruột gan và thịt văng tứ tung hay những lời nguyền chết chóc và nếu không nhìn vào tên gọi của trò chơi có khi người ta lại nhầm lẫn sang một tựa game khác cũng không biết chừng.

Mang tính chất “hiện thực” khá nặng đô, Shadow of the Tomb Raider – phần thứ ba của trò chơi, càng khiến người ta cảm thấy kinh hãi về sự sáng tạo của các NSX khi cho Lara Croft chết theo những cách đầy ớn lạnh. Trong đoạn video đi kèm ở trên, bạn có thể thấy người ta thậm chí còn làm clip về 10 cách chết ấn tượng nhất của nàng khảo cổ học kiêm chuyên viên phá dỡ công trình. Trong đó cái chết ấn tượng nhất hẳn là khi cô nàng đang trượt xuống một đoạn dốc nghiêng. Theo thông lệ cũ bạn chỉ cần né hết các chướng ngại vật là thoát nhưng nếu thất bại sẽ có một  khúc cây nhọn phía trước đang chờ đợi để hỏi thăm xem bụng dạ nàng Croft có tốt như lời đồn hay không. Nhìn chung cảnh chết đó khá là ấn tượng nhưng về  mặt mỹ quan nó trông cũng rất khó nhìn.

Kiếm thuật rất hữu ích trong Uncharted 4: A Thief’s End

Tương tự người đồng nhiệm Lara Croft, thanh niên Nathan Drake cũng có 1001 cách chết xuyên suốt thương hiệu Uncharted, mặc dù xếp hạng T (Teen – Dành cho thiếu niên) của ủy ban ESRB đã khiến cho những cái chết của gã đạo tặc này ít đi một phần tàn bạo và nhiều thêm 1 phần vui nhộn. Tuy nhiên đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma thôi Drake ạ. Trong phần 4 của trò chơi đã có một cái chết xảy ra theo cách khá là sốc nếu xét trên bình diện đánh đánh giá T của ESBR, không rõ Sony và Naughty Dog đã chơi chiêu trò gì để vượt qua ải kiểm tra phân loại bởi nếu xét nghiêm túc, nội chỉ phân cảnh này đã xứng đáng để Uncharted 4 bị cộp dấu M rồi.

Nếu từng chơi qua Uncharted 4: A Thief’s End hẳn bạn sẽ biết mọt tui đang nói đến phân cảnh nào rồi chớ? Sau khi kết thúc campaign chính Nathan sẽ bắt đầu cuộc chiến chống lại Rafe Adler, trùm cuối của game. Là cựu cộng sự của anh em nhà Drake, ban đầu Rafe liên minh với họ để tìm kiếm kho báu bị mất của Henry Avery tuy nhiên hắn càng ngày càng mất kiên nhẫn với những cộng sự cũ và quyết tâm ra tay hốt gọn để ăn kho báu một mình cho thơm. Trong trận cuối cuối Rafe Adler và Nathan Drake sẽ đấu kiếm trên chiếc thuyền hải tặc bỏ hoang nơi đặt kho báu. Sẽ có một QTE xảy ra và người chơi sẽ phải hoàn tất chuỗi nút bấm để giúp Nathan giành lại thế chủ động từ Rafe và sống sót. Thất bại sẽ khiến Nathan bị cựu đồng sự đâm xuyên tim và chết trong uất ức.

Bị ăn sống mà không có gia vị đi kèm trong The Walking Dead

The Walking Dead của Telltale đã khiến cả thế giới phải bất ngờ vào năm 2012. Rốt cuộc, ai có thể mường tượng ra được trò chơi ăn theo The Walking Dead – bộ phim lấy đề tài tận thế và xác sống đang nổi như cồn, lại có thể nối tiếp thành công của phiên bản truyền hình. Thậm chí nếu xét theo một vài khía cạnh đặc thù, chính trò chơi giúp cho bộ phim có thêm lượng fan hâm mộ đáng kể. Không sở hữu nền tảng đồ họa rực rỡ hay lối chơi dồn dập và kích thích, vốn thường thấy ở những tựa game kinh dị, Telltale’s The Walking Dead lại kể một câu chuyện hết sức chậm rãi. Trong câu chuyện đó không ai là nhân vật phụ khi mọi người, mọi số phận đều có những lựa chọn và kết cục khác nhau. Điểm hấp dẫn nhất của game chính là cốt truyện đầy nhân văn, dù thường xuyên phơi bày ra bộ mặt xấu xí của nhân loại thời kỳ hậu tận thế nhưng cuối cùng trò chơi vẫn cho chúng ta lựa chọn để bản thân trở thành người tốt hay kẻ xấu.

Nghe có vẻ rất “súp gà cho tâm hồn” hay “niềm tin vào tương lai tươi sáng” nhưng nên nhớ The Walking Dead về bản chất vẫn là một game kinh dị với các yếu tố như xác sống, hậu tận thế, nhân tính và bạn biết đó thường các yêu tố này không bao giờ thiếu những màn bạo lực rùng rợn đâu. Thực tế mà nói, bỏ qua cốt truyện đầy tính nhân văn thì TWD vẫn tràn đầy những cảnh khiến người ta nổi da gà. Lee Everett là một gã da đen có tính cách khá thú vị nhưng bọn zombie không biết trò chuyện vì thế chúng thích ăn tươi gã và không cần thêm chút gia vị đi kèm nào. Nhiều người từng được hỏi động lực nào giúp họ hoàn thành The Walking Dead nhanh chóng và không ít câu trả lời rằng họ không muốn thấy cảnh Lee Everett bị đè xuống đất và thét lên đau đớn trong bị bọn xác sống vui vẻ tận hưởng bữa tiệc BBQ tươi sống bằng cách cắn xé sau đó lôi ruột của nạn nhân ra ngoài để nhấm nháp.

(Còn tiếp)

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Những cái chết thảm trong game
  1. Những tựa game bắt nhân vật chính chết thảm trong bad ending – P.1