Nioh 2 đã chứng tỏ được rằng nó không còn giống với lối chơi của thể loại Souls thuần túy như phần đầu tiên, hãy cùng KenhTinGame điểm qua những sự thay đổi đó bên dưới.
Một thước đo cho một tựa game Souls chuẩn mực không chỉ là những con trùm hung tợn đáng sợ, mà còn nằm ở cả những con lâu la rình rập người chơi ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên chúng sẽ không phải là tâm điểm đáng chú ý nhất của game hay trở thành một nỗi sợ hãi lớn nhất đối với người chơi. Nioh 2 đem đến cho chúng ta rất nhiều các trận đánh trùm đáng nhớ. Chúng đều được lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian Nhật bản và đều có khả năng di chuyển đến thế giới “Yokai”, nơi mà các đòn đánh của chúng sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Đây cũng là một ý tưởng rất thú vị cho các giai đoạn của một trận đánh trùm trong game. Một trong số đó phải kể đến một con cú khổng lồ, thỉnh thoảng sẽ khiến không gian tối sầm đi và bắt bạn phải theo dõi nó qua cặp mắt phát sáng đỏ lòm. Tuy nhiên hậu bản cho tựa game gốc ra mắt lần đầu vào năm 2017 này không thực sự chỉ xoay quanh những con trùm to bự như vậy. Game còn dành một sự quan tâm không nhỏ cho những con lâu la hạ cấp hơn, với đủ mánh khóe chiêu trò để gây không ít rắc rối cho người chơi.
Ví dụ chẳng hạn như một con yêu ma có khả năng thi triển một loại kỹ năng tấn công xoay vòng, cười khanh khách và quơ quơ khắp nơi như đang cố vùng vẫy khỏi một cái bẫy. Bạn hoàn toàn có thể né tránh các kỹ năng của nó một cách dễ dàng và hầu như là bạn sẽ có thể kết liễu được nó chỉ qua vài đòn đánh. Nhưng đôi khi mọi chuyện cũng sẽ kết thúc với việc nó găm một cái dao vào đầu bạn. Bên cạnh đó còn có lũ thổ phỉ tưởng chừng ngon ăn dễ xơi cho tới khi bạn đánh chúng gần chết. Lúc đó chúng sẽ nổi điên và quật bạn ngược lại tới bến.
Kinh khủng nhất phải kệ đến à một loại yêu quái hay thích chơi trò giả chết gần các rương châu báu. Chúng không chỉ tồi tệ bởi chúng có thể khạc ra bãi chất dịch có thể khiến bạn bị tê tái khi bạn “lỡ” đánh nó quá mạnh tay. Đôi khi chúng còn cặp kè với những kẻ thù khác mạnh hơn, ném những viên đá vào sọ bạn như một đứa trẻ con hỗn láo khi mà bạn phải liên tục tránh né những đòn đánh có thể kết liễu bạn trong một nốt nhạc. Đó là khi mà bạn vừa hạ xong một đứa, một đứa khác có thể nhảy ra nuốt chửng lấy nó rồi to ra lên gấp 3 lần. Chính những khoảnh khắc đậm chất “lật ngửa lừa tình” như vậy sẽ khiến các game Soulslike trở nên khác biệt với nhau: những khoảnh khắc mà không có bất cứ việc nâng cấp, bổ trợ từ trang bị nào có thể ngăn cản việc bạn bị đốn hạ bởi một tên địch quèn bạn đã giết liên tục sau hàng chục giờ đồng hồ chơi game.
Nioh 2 có đầy rẫy những “tình huống bất ngờ” như vậy, và nó đem lại cảm giác rằng bản thân nó không còn là một hậu bản mà nó hoàn toàn có thể đứng biệt lập so với phiên bản tiền nhiệm vì những giá trị cốt lõi của nó đều hơn hẳn người anh em Nioh. Nếu so sánh Nioh là một thanh kiếm thì Nioh 2 giống như trang trí lại cho chuôi kiếm chứ không phải thay lại hoàn toàn lưỡi kiếm mới. Game được đặt bối cảnh trước sự kiện của tựa game đầu tiên, và bạn sẽ được vào vai Hide – một nhân vật do người chơi tự tạo mang trong mình dòng máu Yokai, ở Nhật Yokai chính là cách ám chỉ gọi tên những loài yêu quái cổ đại, ma quỷ,…. Điều đó khiến bạn có khả năng sử dụng các kỹ năng của những con quái vật đã bị đánh hạ và tạm thời thay đổi bản thân biến thành dạng Yokai.
Những người đã từng trải nghiệm tựa game đầu khi trở lại với Nioh 2 sẽ thấy game thay đổi khá nhiều trong cảm giác cũng như hình ảnh, chỉ là lần này tông màu của game đã trở nên phong phú hơn trước cộng thêm nhiều chuyển động chân thực hơn. Tựa game tiếp thu từ dòng Souls ý tưởng về việc bạn sẽ mất hết XP khi chết, và bạn sẽ chỉ có một cơ hội duy nhất để kiếm chứng lại. Sẽ có những ngôi đền và linh hồn lảng vảng quanh đây có thể phục hồi cho bạn, đồng thời chúng sẽ hồi sinh được cả những kẻ địch không phải trùm.
Game bên cạnh đó còn vay mượn ở Ninja Gaiden của Team Ninja cơ chế chiến đấu, với rất nhiều các chiêu combo chỉ có thể được thi triển tùy theo những loại vũ khí bạn sử dụng bên cạnh một loạt các công cụ khác của một ninja như shuriken tẩm độc, các phép Onmyo như cầu lửa hay hút sinh khí. Bên cạnh đó chúng ta còn có rất nhiều các loại vũ khí khác nhau: rìu, katana, cặp song kiếm, thương, odachi, tonfas, kusarigama, hatchets. Chỉ có hai trong số chũng là vũ khí mới hoàn toàn, còn lại thì sử dụng lại cơ chế cũng như chiêu thức từ tựa game đầu tiên. Mỗi vũ khí có thế được sử dụng trong ba thế: thế high stance hi sinh tốc độ để đổi lấy sức mạnh, thế low stance hi sinh sức mạnh để đổi lấy tốc độ, thế middle stance thì cân bằng phong cách chiến đấu từ 2 thế đầu tiên.
Cơ chế nhập vai được hỗ trợ cũng vẫn quan trọng như tựa game đầu tiên, tuy nhiên lần này nó cũng được đắp thêm chút “xôi thịt”. Bên cạnh việc sử dụng amrita hay XP để nâng cấp các thông số tương ứng với mỗi loại vũ khí, bạn còn xây dựng Familiarity với từng vũ khí để có thể gây thêm nhiều sát thương hơn khi sử dụng chúng. Điều này khuyến khích bạn làm chủ từng vũ khí một thay vì quẳng chúng đi ngay khi tìm được thứ nào đó có chỉ số tốt hơn. Bên cạnh đó còn cơ chế tự rèn vũ khí và một loạt các bổ sung khác từ trang bị và cây kỹ năng sẽ khiến cho việc xây dựng nhân vật của bạn trở nên khá là phức tạp. Tất cả những vũ khí ấy đều đem lại cảm giác rất sướng, bất kể là khi bạn dập nát kẻ địch xuống sàn với cây odachi dài 12 thước hay trói buộc chúng với dây xích của chiếc kusarigama. Những loại vũ khí mới cũng đều có những đặc tính hết sức nguy hiểm đáng để chúng ta chú ý. Chiếc hatchet của thể được ném đi rồi quay trở về bàn tay của bạn như có phép, hay là chiếc switchglaive từ một lưỡi kiếm nhanh nhẹn có thể trở thành một thanh trụ với đòn két liễu bằng lưỡi hái. Tuy vậy, một vài trong số chúng sẽ đem lại cảm giác hiệu quả hơn những số khác và bạn sẽ thấy mình sử dụng chúng nhiều hơn.
Có thể thấy rằng những gì thể hiện trong Nioh 2 là hoàn toàn vượt qua sự mong đợi đối với những fan theo chân tựa game từ phiên bản đầu. Sự cải tiến trong phần 2 là khá nhiều, duy chỉ có điều đáng chê trách là đồ họa và cách thiết kế map vẫn là điểm yếu của Team Ninja. Dù vậy cũng không thể phủ nhận sức hút của Nioh 2 trong những ngày vừa qua, Nioh 2 hiện đã có mặt trên các hệ máy PlayStation 4, còn hệ máy PC thì phải đến tháng 11 mới lên Steam. Nếu có suy nghĩ gì về tựa game và cảm nhận của bạn sau những ngày qua trải nghiệm, đừng quên để lại bên dưới phần bình luận.