Phân tích những chi tiết bí ẩn trong Áo Cưới Giấy 5 - P. Cuối

Trong phần trước, ta đã tìm hiêu được những chi tiết thú vị về phần 5 của tựa game Áo Cưới giấy, vậy chuyện gì sẽ chờ chúng ta ở phần tiếp theo? Hãy theo dõi phần tiếp theo nhé~

Mối quan hệ Lương - Chung

Khi giả trang làm Minh Linh, Đồ Phù Sinh từng dùng thân phận sư muội của Lương Thiếu Bình, kiêm con gái ông chủ họ Chung để nói về mối tình kiếp trước. Nhưng ngay sau đó, chính Phù Sinh lại thừa nhận Chung Tử Huyên vốn không nằm trong kế hoạch, vì ban đầu, anh chỉ tặng Nguyên Phong hay tấm vé, còn sự xuất hiện của Tử Huyên là sự cố ngoài ý muốn. Nên có khả năng, những lời Phù Sinh nói về rạp hát của người họ Chung trong vai Minh Linh thật ra chỉ là bịa đặt.

Về thời gian, khi Thiếu Bình đến thôn Trang Linh, gặp gỡ Chúc Tiểu Hồng và bị mất đầu, anh vẫn còn ở trong gánh hát. Nhưng theo những gì Phù Sinh miêu tả, thì sau khi cứu cô gái gảy tỳ bà, Thiếu Bình đa bị đuổi ra khỏi gánh hát, sau đó gánh hát bị những người khách Tây mà Thiếu Bình đắc tội thiêu rụi.

Vậy có hai khả năng, một là Phù Sinh đã nói dối, và hai, đây là những lời nói thật, xảy ra trước khi Thiếu Bình gia nhập một đoàn hát mới và đến thôn Trang Linh. Cá nhân Mọt thiên về khả năng một, vì nếu có một kiếp trước đau thương và oán hận như vậy, thì hậu duệ nhà họ Chung - Chung Tử Huyên sẽ không được sắp xếp gần gũi Tuân Nguyên Phong và Đào Mộng Yên như thế.

Nhưng nếu Phù Sinh nói dối thì gã được gì?

Thiết kế chưa có tên (19).jpg

Câu trả lời đưa ra là để Thiếu Bình dần nảy sinh cảm giác sợ hãi, kém cỏi, từ đó khiến Mộng Yên mất lòng tin vào anh. Về phần Chung Tử Huyên, sự xuất hiện của cô nàng tưởng chừng vô nghĩa, nhưng nó lại có quan hệ sâu xa với một câu chuyện xưa mà Mọt sẽ đề cập ở cuối video.

Việc Phù Sinh nói thật hay giả vẫn chưa có đủ cơ sở để kết luận, nhưng ta biết rằng, ở thời điểm hiện tại, Chung Tử Huyên là hàng xóm thân thiết của Lương Thiếu Bình kiếp này, đồng thời cũng là bạn thân của Đào Mộng Yên. Nhờ Tử Huyên dẫn Mộng Yên đến nhà mình, cô mới gặp được Tuân Nguyên Phong, sau đó làm bạn với anh. Nói theo mặt nào đó, cô nàng mà chúng ta nghĩ là làm nền, thật chất lại chính là nguyệt lão se duyên cho Lương - Chúc ở kiếp này.

Bác sĩ Hề

Thợ may Hề là một nhân vật không rõ danh tính từng xuất hiện thoáng qua trong Áo Cưới Giấy 2. Anh ta có thể là thành viên chuyên đảm nhận nhiệm vụ chuẩn bị phục trang cho các thành viên trong đoàn hát Thái An. Biết được Thiếu Bình muốn cứu người thương, thợ may Hề đã tặng anh một cây thước đồng sắc bén, giúp anh tự giải thoát cho chính mình trong địa cung.

Nhưng, cũng vì hành động đó mà thợ may Hề đã phải gánh chịu một lời nguyền khủng khiếp. Theo lời Đồ Phù Sinh, người nhà này bệnh tật triền miên, kéo dài từ đời này sang đời khác. Không rõ kiếp trước thợ may Hề đã kết thúc như thế nào, nhưng ta biết đời sau của anh đã an toàn rời khỏi thôn Trang Linh, chuyển đến sinh sống tại thành phố Phù Lộ.

Thiết kế chưa có tên (20).jpg

Hậu duệ của thợ may Hề ở thời điểm hiện tại là bác sĩ Hề, hay tên được đề cập trong Bệnh viện số 13 là Tiểu Hề. 

Là một bác sĩ tâm thần, bác sĩ Hề từng học qua khoa tâm lý và tiếp xúc rất nhiều bệnh nhân, trong đó có Nhiếp Mạc Lê sau khi phần 1 kết thúc. Trong đoạn after credit xuất hiện ở phần 3 Nợ Uyên Ương, Mạc Lê cũng từng đề cập đến việc, Đào Mộng Yên từng tìm đến đàn chị của mình để tư vấn tâm lý. Và theo những giả thuyết ở thời điểm hiện tại, người nhận nhiệm vụ tư vấn cho Mộng Yên không ai khác chính là bác sĩ Hề.

Vì là hậu duệ của người từng giúp đỡ Thiếu Bình, bác sĩ Hề khả năng cao sẽ là một nhân vật thuộc phe chính diện. Nhưng theo lời kể của Đồ Phù Sinh thì ở thời điểm hiện tại, cô đã bị điên vì một lý do không rõ.

Tuy được hợp thuyết hóa là do lời nguyền của thôn Trang Linh, nhưng theo những chi tiết được thể hiện trong “Bệnh viện số 13” thì nơi này có lẽ đã tiến hành những thí nghiệm tâm lý vô nhân tính lên các bệnh nhân. Bác sĩ Hề vì cố gắng vạch trần tội ác, đã trở thành một phần của các cuộc thí nghiệm lên hệ thần kinh, cụ thể là liệu pháp sốc điện.

Thiết kế chưa có tên (21).jpg

Kết quả “điều trị” dẫn đến việc cô phát điên. Cuối cùng, khi đi ngang ống thông gió trong phòng giải trí, bạn sẽ nhìn thấy cài tóc của Tiểu Hề, cũng như được cảnh báo về một mùi hôi thối tỏa ra từ đấy. Có lẽ cô gái này thật sự đã bỏ mạng khi cố gắng bỏ trốn bằng con đường ống thông gió, và vì bệnh viện số 13 bị bỏ hoang không lâu sau đó, nên cơ thể cô sẽ không bao giờ được đưa ra ngoài.

Tiểu Thúy

Thay vì gọi với cái tên Mộng Yên hoặc Tiểu Đào, xuyên suốt Áo Cưới Giấy 5, Nguyên Phong luôn gọi Đào Mộng Yên là Tiểu Thúy. Lý do là vì sau khi Đào Mộng Yên an toàn trở về và báo cảnh sát đến vây bắt toàn bộ những người trong thôn Trang Linh, Đào Mộng Yên đã được cánh báo chí phỏng vấn và đưa tin. Bản thân cô về sau cũng kể lại trải nghiệm này trên mạng bằng tên giả Đào Tiểu Thúy để tránh bản thân gặp phải những phiền phức không đáng có.

Mộng Yên chọn cái tên này là vì “Thúy” nghĩa là màu xanh, trước với “Hồng” là màu đỏ. “Tiểu Thúy” thật ra là ngược lại với “Tiểu Hồng”. Cái tên giả Đào Tiểu Thúy vừa mang hàm ý Mộng Yên là kiếp sau của Chúc Tiểu Hồng, vừa tượng trưng cho việc cô trái ngược hoàn toàn với Tiểu Hồng của quá khứ. Không nhu nhược, cam chịu số phận, nhưng cũng không có bạn bè, tình yêu.

Thuở đầu, Tuân Nguyên Phong thường xuyên gọi cô là Tiểu Thúy, rồi lại ngập ngừng đổi thành Tiểu Đào. Điều này nói lên rằng, phần tình cảm của anh dành cho Mộng Yên vẫn còn chịu ảnh hưởng từ tình cảm của Lương Thiếu Bình ở kiếp trước, bởi thế mới không có can đảm gọi cô một cách rõ ràng. 

Thiết kế chưa có tên (22).jpg

Nhưng về sau, khi đã nhìn thấy tất cả những gì Mộng Yên phải trải qua trong quá khứ, Nguyên Phong đã mạnh dạn gọi Tiểu Thúy hơn. Tuy nó chỉ là tên giả, nhưng điều này cũng chứng minh rằng, tình cảm anh dành cho cô không còn bị trói buộc bởi nhân duyên kiếp trước, mà vì cô trái ngược với Chúc Tiểu Hồng. Cô là Đào Tiểu Thúy, Đào Mộng Yên, là người đã thắp sáng cuộc đời của anh.

Quá khứ của Mộng Yên

Từ khi còn nhỏ, Mộng Yên đã được cha mẹ dặn là không thể tin những người ở thôn Trang Linh. Đối với một đứa trẻ, chúng chỉ có thể nhận biết người tốt hay xấu qua hành động của họ với mình. Vì là tân nương giấy tương lai, nên người của thôn Trang Linh đều yêu chiều cô hết mực, nhưng ông bà Đào biết rằng, tất cả chỉ là một cái bẫy đám người mê tín giăng sẵn.

Thế nên, họ đã dạy con gái không được nhận đồ từ người trong thôn, không được tin vào những gì họ nói. Hành động này xuất phát từ ý tốt, muốn bảo vệ con khỏi sự xấu xa, nhưng vô hình chung nó đã làm Mộng Yên non nớt hình thành suy nghĩ “những người đối xử tốt với mình thường sẽ làm hại mình”.

Khi bắt đầu đi học, Mộng Yên theo cha mẹ rời khỏi thôn Trang Linh, chuyển đến thành phố Phù Lộ sinh sống, cũng vì lẽ đó nên những kí ức nhạt nhòa về vùng đất kỳ lạ này đã bị cô bé lãng quên. 

Thiết kế chưa có tên (23).jpg

Nhưng, việc thích nghi với môi trường sống mới lúc nào cũng khó khăn với một đứa trẻ, đặc biệt là từ nông thôn lên thành thị. Vì thường vẽ những cảnh mình bị hiến tế, Mộng Yên trở thành kẻ dị loài và đối tượng bắt nạt của bạn bè cùng lớp, chính điều đó đã làm cô bé phải từ bỏ sở thích vẽ tranh của mình. Niềm vui của Mộng Yên giờ đây chỉ còn là những quyển sách, nơi cô bé có thể đắm chìm trong vai những nữ anh hùng, trừ gian diệt ác, bảo vệ chính bản thân mình, mà không bị bất kì ai phán xét.

Lớn hơn một chút, Mộng Yên thể hiện bản thân là một cô bé giỏi giang khi chiến thắng những cuộc thi hùng biện. Hằng đêm, cô phải sử dụng thuốc an thần để không bị ác mộng về tân nương giấy quấy nhiễu, và điều này đã vô tình bị một người bạn nhìn thấy. Tin đồn Mộng Yên bị tâm thần bắt đầu lan truyền khắp trường, đứa trẻ bị cô đánh bại trong cuộc thi hùng biện thì tỏ ra hả hê, còn cô lại tiếp tục bị cô lập thêm một lần nữa.

Bên góc màn hình, ta có thể nhìn thấy dòng chữ “Còn 8 ngày nữa đến ngày thi đại học” được dán ở trên bức tường ở trường học. Đây là một hành động thường thấy ở những trường trung học tại Trung Quốc, nhằm nhắc nhở, cũng như khích lệ học sinh chuẩn bị cho ngày thi đại học quan trọng sắp đến gần. 

Nhưng trong trò chơi, số 8 trên dòng chữ lại bị lật nằm ngang thành ký hiệu “vô cực”. Chi tiết này tượng trưng cho việc, Mộng Yên đang cố gắng đếm ngược từng ngày rời khỏi trường học, nhưng vì mỗi ngày trôi qua trong sự bắt nạt với cô chẳng khác gì địa ngục, vậy nên số ngày mới trở thành “vô cực”, cứ kéo dài đằng đẵng mãi không dứt.

Thiết kế chưa có tên (24).jpg

Lên đại học, Mộng Yên trưởng thành hơn, nhưng cũng tự khép mình và không mở lòng với ai. Vậy nên bạn bè thường đồn cô là người lạnh lùng, chảnh chọe, rồi lại được dịp nói xấu khi thấy cô tiếp xúc với Nguyên Phong vì nghĩ, cô tham lam tiền tài nhà cậu.

Một quá khứ và cuộc sống như thế, đi kèm với cơn ác mộng dày vò ngày đêm đã làm Mộng Yên đóng cửa trái tim, tự tạo ra một lớp vỏ gai góc cho bản thân. Nhưng, nó không mài mòn sự lương thiện và cá tính mạnh mẽ của cô. Dù cho bị Đồ Phù Sinh cố gắng tẩy não bao nhiêu lần, Mộng Yên vẫn mạnh mẽ vượt qua hết thảy.

Chính bản thân Mộng Yên đã là một anh hùng và Nguyên Phong là một bước đệm để cô tự tin vào điều mình chọn. Mộng Yên và Tiểu Hồng giống nhau ở chỗ, cả hai đều có những trăn trở của riêng mình, nhưng khác ở chỗ, Tiểu Hồng chỉ có thể chờ Lương Thiếu Bình đến cứu, còn Mộng Yên, tự cô sẽ có thể cứu rỗi bản thân mình.

Nhưng dù là một nữ hiệp mạnh mẽ, Mộng Yên biết mình không cô độc, bởi vì khi trái tim đã đón nhận ý tốt xung quanh, thì cô biết mình vẫn còn Tử Huyên, Nguyên Phong luôn ở bên cạnh bầu bạn, sẵn sàng vươn tay mỗi khi cô cần.

Câu chuyện liêu trai

Nổi tiếng với việc sáng tác câu chuyện dựa theo những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Quốc, phần 1 Áo Cưới Giấy dựa trên câu chuyện “Thiến Nữ U Hồn”; phần 2 “Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài; phần 3 “Kiều Hồng Ký” và phần 4 là câu chuyện “Tây Sương Ký”; thì câu chuyện của phần 5 cũng không ngoại lệ.

Thiết kế chưa có tên (25).jpg

Khác với suy nghĩ thay đổi nguyên tác “Lương Chúc” ban đầu, câu chuyện của phần 5 lại được dựa trên câu chuyện “Tiểu Thúy”, nằm ở chương 153 trong tác phẩm “Liêu Trai Chí Dị” kinh điển của Bồ Tùng Linh.

Chuyện kể rằng, nhà tiến sĩ họ Vương sinh được một người con trai tên Nguyên Phong bị khờ từ nhỏ, nên đã 16 tuổi rồi vẫn không ai chịu gả con gái cho. Một ngày kia, có người đàn bà dắt một cô gái tên “Ngu Tiểu Thúy” đến, xin cho Tiểu Thúy làm dâu nhà họ. Ông bà Vương thấy vậy thì mừng lắm, vội nhận lời ngay, từ đó Tiểu Thúy trở thành vợ Nguyên Phong, yêu thương chồng hết mức.

Về sau, Tiểu Thúy không những dùng tài trí giúp cha chồng thăng quan tiến chức, mà còn giúp chồng chữa bệnh ngô nghê, trở nên thông minh sáng dạ. Thế rồi vì một lần làm vỡ bình ngọc quý, bị cha chồng mắng chửi, nàng nói rằng năm xưa mẹ mình có lôi kiếp nhưng được cha Nguyên Phong che chở, mình và chàng lại có năm năm duyên nợ nên mới đến đây đền ơn cho trọn duyên trọn đạo, nhưng giờ bị mắng chửi thế này thì nàng xin đi rồi cứ thế biến mất.

Nguyên Phong hay tin vợ đi thì đau buồn không thôi, không thiết tha tìm vợ mới, mà chỉ nhờ thợ vẽ tranh Tiểu Thúy, treo trong phòng ngày đêm khấn vái. Thế rồi hai năm sau, trong một dịp tình cờ chàng và nàng gặp lại nhau rồi nối lại duyên xưa.

Thiết kế chưa có tên (26).jpg

Về sau, gương mặt Tiểu Thúy dần dần thay đổi theo từng ngày. Nàng nói rằng mình không thể có thai, khuyên Nguyên Phong nên cưới thêm vợ hai để con nối dõi. Sau nhiều lần khuyên can, Nguyên Phong cuối cùng cũng thỏa hiệp với vợ, đi dạm hỏi con gái thái sử họ Chung về làm thiếp. Chính vì điều này nên Áo Cưới Giấy 5 mới có sự xuất hiện của Chung Tử Huyên, làm người chơi hiểu lầm Tử Huyên và Nguyên Phong có duyên phận kiếp trước với nhau.

Lại nói, sau khi rước cô gái họ Chung về nhà, Nguyên Phong phát hiện cô dâu mới có dáng điệu và cử chỉ giống hệt vợ mình. Chàng quay về tìm thì không thấy Tiểu Thúy đâu, lúc này mới vỡ lẽ, Tiểu Thúy là hồ ly biến thành, kết đôi với mình vì để trả cái ơn năm xưa. Đến khi trả gần hết nợ, nàng đã cố tình thay đổi cho giống cô gái họ Chung để chồng quen với hình dạng này, rồi khuyên chàng cưới cô gái kia về làm vợ, như vậy dù nàng đã đi, chàng cũng có thể nhìn Chung cô nương để khuây nỗi nhớ về sau.

Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~