Sai lầm của game thủ là ép bản thân phải cày hết những trò chưa chơi - PC/Console

Tất cả chúng ta đều có một kho game khổng lồ đã mua nhưng chưa từng chơi và điều đó hoàn toàn bình thường. Đừng ép bản thân mình phải cày cho hết làm gì!

Trong thời buổi mà game ra như vũ bão và các nhà phát triển ngày càng cố gắng giữ chân game thủ lâu hơn, việc mua game rồi để đó không chơi là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa. Mọt tui có một thư viện Steam khoảng 300 game, trong đó không ít tựa game chưa từng chơi hoặc chỉ chơi qua vài tiếng rồi ngừng vì một lý do nào đó. Đó là còn chưa kể đến những trò chơi trên các tài khoản Humble, GOG, Uplay, Origin, Epic và vài ba launcher khác mà bản thân Mọt tui cũng không thể nhớ nổi.

Đừng tự bắt mình phải chơi những game mà bạn chưa từng chạm đếnĐừng tự bắt mình phải chơi những game mà bạn chưa từng chạm đến

Chơi game để sướng, không phải để hoàn thành nghĩa vụ với Steam.

Và Mọt tin chắc rằng các bạn độc giả của Kênh Tin Game cũng giống như vậy, với vài chục đến cả trăm game nằm yên trong tài khoản chờ ngày được “sủng hạnh” (nhưng có thể ngày đó sẽ chẳng bao giờ tới). Chúng có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn gói 1.741 game trên itch.io hồi tháng 6, miễn phí từ dịch vụ PlayStation của Sony, được bạn bè tặng kèm vì thừa key, trúng thưởng giveaway, hay mua vì “trông hay hay”… Không ít game thủ nhìn vào núi game khổng lồ này và tự nhủ “chắc mình phải chơi cho hết để đỡ phí tiền.”

Đừng ép bản thân chơi hết game đã mua

Chơi game không phải là công việc hay trách nhiệm của bạn – chúng được tạo ra để đem lại cho bạn niềm vui hoặc đôi khi là nỗi buồn, nhưng chúng không bao giờ được tạo ra với mục tiêu khiến bạn phải cày cho hết như thể bài tập về nhà hay công việc sếp giao. Nếu khi đang chơi game mà bạn cứ bị phân tâm vì chuyện khác hay khiến bạn nghĩ đến game khác, tựa game đó không phải là dành cho bạn, và bạn không cần phải cảm thấy tội lỗi hay tiếp tục cày nó “cho đáng đồng tiền”.

Những điều mà Mọt tui vừa nói có thể nghe rất bình thường, nhưng đây là một điều mà không ít game thủ không nhận thấy. Trong quá trình lê la tám chuyện trên các diễn đàn, subreddit và group Facebook, Mọt thường xuyên thấy các game thủ nói rằng mình còn một mớ game tồn đọng và dự tính sẽ chơi hết chúng vào cuối tuần này, hè năm sau hay… 40 năm nữa khi đã nghỉ hưu. Thậm chí có những nhà phát hành tổ chức các sự kiện nhằm khuyến khích game thủ cày qua kho game của mình, chẳng hạn Steam tổ chức đợt Spring Cleaning Event đều đặn trong những năm qua và lôi cuốn không ít game thủ vào cuộc.

Đừng tự bắt mình phải chơi những game mà bạn chưa từng chạm đếnĐừng tự bắt mình phải chơi những game mà bạn chưa từng chạm đến

Đừng chơi game chỉ vì thánh Gabe bảo thế.

Tại sao chúng ta lại bị ám ảnh với việc chơi hết các tựa game trong thư viện của mình? Đơn giản là vì chúng tốn tiền. Trừ khi bạn chơi crack và số ít game được tặng miễn phí, gần như toàn bộ những tựa game nằm trong thư viện của bạn đều là tiền tươi thóc thật, dù có thể chúng có giá chưa bằng một dĩa cơm bình dân. Chúng ta sẽ nghĩ rằng “Mình đã trả tiền để mua game, mình không thể bỏ nó mà không chơi được!”

Bạn hoàn toàn có thể bỏ qua game chưa chơi

Ông bà ta có một câu thành ngữ “thời giờ là tiền bạc” và bạn thực sự nên đối xử với thời gian của mình hệt như tiền bạc. Mọt tui không nói rằng bạn phải làm mọi cách để biến thời gian thành tiền, mà muốn nói rằng bạn đừng nên lãng phí thời gian. Chơi một tựa game mà bạn yêu thích và thực sự cảm thấy vui vẻ, hào hứng trong quá trình chơi không phải là sự lãng phí thời gian, nhưng mở một tựa game chán phèo lên chỉ vì bạn đã lỡ mua nó là sự lãng phí gấp đôi – bạn đã lỡ bỏ tiền vào trò chơi, và giờ bạn đang lãng phí thời gian để cố gắng vớt vát lại chút đỉnh từ khoản tiền đó.

Với tác giả, hàng trăm tựa game từ lớn đến nhỏ nằm trong thư viện của mình chẳng có bất kỳ ý nghĩa gì. Mọt sẵn sàng chơi lại F.E.A.R. mỗi năm, trở lại với story mode của GTA V (và stream nó trên kênh YouTube của Kênh Tin Game) lần thứ 4, tiếp tục trải nghiệm giờ thứ 1.057 trong Age of Empires 2 cùng bạn bè chứ không muốn ngồi chống cằm cuộn lên xuống danh sách Steam và suy ngẫm xem nên chơi Random Game #1337 hay #Indie Roguelike #420.

" alt=""

Mọt nghĩ bạn cũng nên làm như vậy: hãy dành thời gian cho những tựa game mà bạn yêu thích, cảm thấy thực sự hứng thú hoặc đã chơi đi chơi lại nhiều lần. Hãy ưu tiên cho những gì bạn biết chắc là sẽ rất thú vị, chứ đừng bận tâm đến việc mình đã chơi hết những gì đang có hay chưa. Cũng đừng để những phần thưởng vớ vẩn như badge của Steam Spring Cleaning Event dụ dỗ bạn vào việc chơi những tựa game mà mình lẽ ra không chạm tới – một lần nữa Mọt muốn nhấn mạnh rằng trải nghiệm mà bạn có được khi chơi game mới là điều quan trọng nhất, còn những achievement hay badge chỉ là thứ phụ trợ mà thôi.

Và dĩ nhiên Mọt không nói rằng bạn không nên tìm đến game chưa từng chơi. Nếu trong núi game còn sót lại có một tựa game mà bạn cảm thấy thực sự hứng thú, hãy cứ mạnh dạn click vào nút Play. Việc tìm kiếm những trải nghiệm mới chỉ nên được thúc đẩy bằng ham muốn được chơi, được trải nghiệm những tựa game hấp dẫn và thú vị, chứ không phải vì cảm giác tội lỗi hay sự hối tiếc do đã bỏ tiền ra mua game.

Tản mạn chuyện tàu chiến, thiếu nữ và animeTản mạn chuyện tàu chiến, thiếu nữ và anime
Biến tàu chiến thành gái anime không phải "wibu", đó là sở thích từ thời cổ đại
Sau những bài viết hơi khô khan, Mọt Nghiêm Túc quyết định "đổi gió" bằng những tựa game tàu chiến phong cách anime thường bị gọi là game wibu.

Rất có thể một vài viên ngọc quý đang bị chôn vùi trong thư viện game của bạn chỉ chờ được khám phá, nhưng nói đến cùng, việc có chơi chúng hay không chỉ quan trọng với chính bạn. Bỏ thời gian khám phá game chưa chơi không phải là xấu, nhưng cũng chẳng ai có thể chỉ trích bạn vì tiếp tục ăn hành MOBA hay tập nhảy dù trong Battle Royale thay vì tìm kiếm một tựa game mới đáng chơi.