Áo Cưới Giấy là một trong những series game sở hữu dàn nhân vật nữ Mọt thích nhất trong khoảng thời gian gần đây. Mà có lẽ không chỉ mình Mọt, hẳn các anh chị em nhà Mọt cũng rất thích một Nhiếp Mạc Kỳ dịu dàng, một Đào Mộng Yên cá tính hay một Vương Kiều Đồng đáng yêu. Vậy nên đúng như tiêu đề video, hôm nay Mọt sẽ làm một một bài phân tích cũng như tóm tắt sơ lược về dàn nhân vật nữ trong tựa game ngôn tình đội lốt kinh dị nổi đình nổi đám này nhé, bắt đầu nào!
Áo cưới giấy 1
Áo Cưới Giấy 1 là hành trình chú rể Ninh Tử Phục tìm cách cứu vợ mình khỏi âm mưu tà ác của người chị gái song sinh Nhiếp Mạc Lê, tuy nhiên, dù là nhân vật chính của cả phần chơi nhưng Ninh Tử Phục lại không hề thu hút được sự chú ý như vợ anh ta là Nhiếp Mạc Kỳ và người chị phản diện Mạc Lê.
Mạc Lê – Mạc Kỳ ra đời vào ngày thuần âm, là hai bé gái song sinh nhà họ Nhiếp, sống tại thôn Trang Linh. Thuở mới sinh, ông bà Nhiếp đều yêu quý cả hai chị em, bằng chứng là bức ảnh chụp gia đình bốn người được giấu trong nhà cũ của Mạc Kỳ có đề dòng chữ: “Linh hồn tổ tiên phù hộ Mạc Lê, Mạc Kỳ”. Ông bà Nhiếp yêu thương con cái là thế, nhưng vì sinh vào ngày thuần âm nên hai chị em Mạc Lê, Mạc Kỳ bị cho là khắc Lục Táng bồ tát, dưới sự dẫn dắt của Đại Vu Hiền, dân làng tạo sức ép bắt ông bà Nhiếp phải bỏ một trong hai đứa. Ban đầu, ông bà Nhiếp không đồng ý vì đứa nào cũng là con mình đứt ruột sinh ra, nhưng hai chị em Mạc Lê – Mạc Kỳ cứ bệnh mãi không dứt, cộng thêm việc Đại Vu Hiền không ngừng rỉ tai những lời mê tín vào tai họ, cuối cùng, Mạc Lê trở thành đứa trẻ bị vứt bỏ để giữ mạng cho em gái mình.
Sau khi người chị bị vứt đi, cô em Mạc Kỳ trở thành cô con gái duy nhất của nhà họ Nhiếp. Mạc Kỳ lớn lên trong vòng tay cha mẹ, sở hữu tuổi thơ tương đối yên bình bên người bạn họ Tiêu gần nhà, về sau, cậu bạn đó chuyển lên thành phố sống, Mạc Kỳ và cậu bé họ Tiêu cũng mất liên lạc từ đó. Mạc Kỳ càng lớn càng xinh đẹp, tính cách cô hiền lành, vui vẻ nên rất được lòng bạn bè cũng như hàng xóm, có không ít chàng trai trong thôn Trang Linh đem lòng yêu cô, bằng chứng chính là những dòng nhật ký tương tư Mạc Kỳ của một chàng trai canh giữ miếu Lục Táng bồ tát ở phần 3, nhưng cô lại lựa chọn kết duyên với anh chàng Ninh Tử Phục, người được cha mẹ chỉ phúc vi hôn khi cô vẫn còn nằm trong nôi. Về sau, tuy bị người chị gái hãm hại nhưng Mạc Kỳ vẫn không oán hận Mạc Lê, ngược lại cô còn làm tròn bổn phận của một người em, hết mực yêu thương và lo lắng cho chị mình.
Nếu để nhận xét về Mạc Kỳ thì Mọt tôi nghĩ đây là một cô gái dịu dàng, lương thiện, nhưng cũng không hề yếu đuối. Khi bị Mạc Lê hại cho xuất hồn, Mạc Kỳ không hề chờ Ninh Tử Phục đến cứu mà tự mình quay về ra hiệu và hướng dẫn anh ta, dù suýt thì bị hiểu nhầm là nữ quỷ và bị Ninh Tử Phục hại chết nhưng cô vẫn hết mực yêu thương người bạn đời tương lai của mình. Về sau, dù bản thân là người bị hại nhưng khi thấy Mạc Lê bị đưa vào bệnh viện số 13 để điều trị tâm thần, Mạc Kỳ vẫn thường xuyên đến thăm hỏi tình trạng điều trị của chị gái mình. Cưới được một cô gái xinh đẹp và lương thiện thế này về làm vợ, anh trai Ninh Tử Phục đúng là tốt số hết phần thiên hạ rồi.
Về phần Nhiếp Mạc Lê, người chị bất hạnh trong cặp song sinh. Sau khi bị ông bà Nhiếp vứt bỏ trong bãi tha ma, Mạc Lê may mắn được Thang bà bà mang về nuôi dưỡng. Cô và mẹ nuôi sống trong một căn nhà nhỏ hẻo lánh nằm ở cánh rừng cạnh thôn Trang Linh. Thang bà bà không có con, nên tất cả tình yêu bà đều dành cho Mạc Lê, thông qua tấm ảnh chụp của hai người được đặt ngay ngắn trên kệ tử và qua những lời kể của Thang bà bà, có thể thấy bà ấy luôn cố gắng bù đắp cho tuổi thơ bất hạnh của Mạc Lê, thậm chí bà còn cho Mạc Lê học tại một trường đại học trên thành phố Phù Lộ, chuyên ngành tâm lý, hy vọng cô có thể nhìn ngắm thế giới rộng lớn và sống vui vẻ hơn. Thế nhưng, trái với hy vọng của mẹ nuôi, dù bà làm gì cũng không bù đắp được nỗi đau của Mạc Lê. Sau khi biết mình bị cha mẹ vứt bỏ, còn em gái thì sống cuộc sống vui vẻ, Mạc Lê bắt đầu sinh ra nỗi oán hận với cha mẹ ruột, cô cãi nhau với Thang bà bà và bỏ theo sư huynh của bà để học tà thuật.
Tại đây, chúng ta đặt ra một câu hỏi là liệu Mạc Lê sinh ra vốn đã ác, hay là do dòng đời đưa đẩy nên cô mới đi sai đường? Lật lại tuổi thơ của Mạc Lê, cô ta từng nói mình phải trốn chui trốn nhủi, không được phép vào thôn, cũng không được để người khác nhìn thấy, dưới góc nhìn của bậc làm cha mẹ, ta có thể hiểu rằng Thang bà bà làm vậy là để bảo vệ Mạc Lê, vì nếu người của thôn Trang Linh phát hiện Mạc Lê vẫn còn sống thì bọn chúng sẽ không bỏ qua cho cô. Thế nhưng, dưới góc nhìn của một đứa trẻ, nó sẽ cảm thấy việc đó là tù túng, và hoài nghi về sự tồn tại của mình. Chính Mạc Lê đã nói lúc trước cô sống như một cô hồn dã quỷ, đồng nghĩa với việc dù Thang bà bà có yêu thương Mạc Lê thế nào thì vẫn không thể chữa lành cho tâm hồn trẻ thơ của Mạc Lê.
Trước khi hại người, Mạc Lê luôn cố gắng tìm kiếm mục đích sống của mình, cô theo học ngành tâm lý, thậm chí còn cầu thần bái phật nhưng tất cả đều vô dụng, cùng lúc đó, việc biết về thân phận thật sự của mình giống như một giọt nước làm tràn ly, biến sự lạnh nhạt, chán đời của Mạc Lê trở thành nỗi oán hận. Những gì Mạc Lê làm với Mạc Kỳ xuất phát từ sự ghen tị của một người chị khi thấy em gái có cuộc sống tốt hơn mình, ta có thể thấy trong suốt cuộc trò chuyện của Mạc Lê với Tử Phục, cô ta luôn liên tục nhấn mạnh rằng “Tại sao ta lại bị vứt đi mà không phải là Mạc Kỳ? Cuộc sống hiện tại của Mạc Kỳ vốn phải là của ta”, điều đó thể hiện rõ sự ganh ghét của Mạc Lê, nhưng nếu đổi ngược lại, nếu đứa trẻ được giữ lại là Mạc Lê, vậy khi lớn lên, liệu cô ấy có thể có được cuộc sống giống như Mạc Kỳ hiện tại không? Cá nhân Mọt nghĩ là không, trong suốt 3 phần chơi, Mạc Lê được khắc hoạ là một người thông minh, cô độc và lý trí đến tàn nhẫn, điều đó không phải do hoàn cảnh mà do tính cách của Mạc Lê vốn đã thế, vậy nên, dù cả hai chị em có thay đổi hoàn cảnh nuôi dưỡng thì Mọt cũng không nghĩ Mạc Lê sẽ có cuộc sống như Mạc Kỳ hiện tại.
Vậy Mạc Lê có ác không? Cá nhân Mọt nghĩ là có, đúng là Mạc Lê đã bị vứt bỏ và cô ta hoàn toàn có quyền trả thù, nếu Mạc Lê trả thù thôn Trang Linh thì Mọt sẽ giơ cả hai tay tán thành, tuy nhiên, đối tượng cô ta chọn để trả thù lại là cha mẹ và người em gái Mạc Kỳ. Ừ thì vì ông bà Nhiếp đã bỏ rơi cô ta nên Mạc Lê trả thù thì cũng đúng, nhưng Mạc Kỳ thì có tội gì? Nếu nói rằng không có sự xuất hiện của Mạc Lê thì thôn Trang Linh còn lâu mới bị cảnh sát sờ gáy thì đánh giá cao cô ta quá. Rõ ràng những gì Mạc Lê đều xuất phát từ lợi ích cá nhân của cô ta, bằng chứng chính là việc Mạc Lê dụ dỗ Đào Mộng Yên về thôn Trang Linh, phá huỷ hôn sự của Thân Mặc Khanh và đoạt xác Mạc Kỳ. Mạc Lê dụ Mộng Yên về thôn là vì muốn Đại Vu Hiền đưa cô ta đi bái Quỷ tân nương, nhân cơ hội động tay vào bàn tế để cướp sức mạnh của Quỷ tân nương, tạo một đường lui khi cần thiết. Sau đó cô ta phá huỷ hôn sự của Mặc Khanh vì thấy Mặc Khanh có liên hệ đến Quỷ tân nương, nếu cô ta dùng thân phận Quỷ tân nương bắt hồn Mặc Khanh thì sẽ không bị trời phạt.
Vậy nên những gì Mạc Lê làm chỉ là để tạo đường lui nếu cô ta thất bại trong việc đoạt xác và thay thế Mạc Kỳ, việc thôn Trang Linh bị bỏ hoang chẳng qua là nằm ngoài ý muốn, chứ Mạc Lê không hề có ý đồ cao cả là lật đổ hay trả thù thôn Trang Linh như mọi người vẫn nghĩ. Mạc Lê là một cô gái thông minh, tư tưởng và cách cô ấy nhìn nhận cuộc đời rất sành sỏi, tuy nhiên, cách Mạc Lê hành xử với mọi thứ lại quá mức tiêu cực. Cô ta từng nói: “Nó chỉ là một pho tượng mà thôi, khinh thiện sợ ác là đám người kia mới đúng, cá lớn nuốt cá bé chính là quy luật của thế giới bạc bẽo này”, chứng tỏ Mạc Lê đã nhìn rõ được bản chất của thôn Trang Linh, thế nhưng người cô ta chọn để trả thù lại là một Mạc Kỳ vô tội. Thay vì tiếp cận Mạc Kỳ để làm rõ sự tình, Mạc Lê lại giả dạng em gái, sống thay thậm chí còn bày kế hoạch đánh tan hồn phách Mạc Kỳ để cướp đi thứ không thuộc về mình. Chúng ta không thể đòi hỏi một Mạc Lê lớn lên trong hoàn cảnh bị ruồng bỏ phải vị tha, phải mỉm cười quên đi thù hận, nhưng thực tế những gì Mạc Lê đang làm không chỉ là thù hận mà còn là sự ghen tị, ích kỉ và không từ thủ đoạn.
Vì bản thân, cô ta sẵn sàng đẩy người tin tưởng mình là Đào Mộng Yên vào nguy hiểm, đẩy Thân Mặc Khanh và Vương Kiều Đồng vô tội vào chỗ chết, chỉ cần để bản thân được sống, Mạc Lê sẽ không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Nhưng liệu Mạc Lê có ác đến mức không thể quay đầu? Trong phần 1 và phần 3, ta có thể thấy, dù Mạc Lê có ác độc đến cỡ nào thì vẫn có một người cô ta không làm hại, đó chính là Thang bà bà. Đối với Mạc Lê, Thang bà bà là người có công nuôi dưỡng, đưa cô về từ cõi chết, bà đối xử với cô như con ruột, và Mọt nghĩ, Mạc Lê cũng xem bà như mẹ của mình. Mạc Lê vẫn còn để tâm đến công ơn dưỡng dục của Thang bà bà, vậy chứng tỏ cô ta vẫn chưa hoàn toàn mất hết tính người, hy vọng ở tương lai, chúng ta sẽ được thấy một Mạc Lê biết hối hận về lỗi lầm của chính mình, vì nếu kéo tầm mắt ra khỏi sự thù hận thì cô ta sẽ thấy được Thang bà bà cùng Nhiếp Mạc Kỳ vẫn luôn ở cạnh mình.
Áo cưới giấy 2
Phần 2 của Áo Cưới Giấy là hành trình giải quyết cơn ác mộng của cô gái Đào Mộng Yên và câu chuyện tình bi thương trong quá khứ của Chúc Tiểu Hồng. Có thể nói, Đào Mộng Yên và Chúc Tiểu Hồng là một vì Chúc Tiểu Hồng chính là tiền kiếp của Đào Mộng Yên. Trong quá khứ, chính xác là năm 1926 thời Dân Quốc, thôn Trang Linh lưu hành hủ tục hiến tế tân nương giấy, người được chọn làm tân nương giấy sẽ bị thiêu sống để hiến tế cho Lục Táng bồ tát và Chúc Tiểu Hồng là cô gái xấu số ấy. Từ nhỏ, cô đã được người trong làng tẩy não, tự nhủ lớn lên mình sẽ trở thành vợ của bồ tát, thế nhưng khi trưởng thành, Chúc Tiểu Hồng lại gặp một chàng trai từ nơi khác đến tên Lương Thiếu Bình và đem lòng yêu anh. Ta có thể thấy được, khi nhận ra tình cảm của mình, Chúc Tiểu Hồng đã bị kẹt giữa việc chấp nhận và chối bỏ nó, bằng chứng là những lá thư cô viết cho Thiếu Bình rất tàn nhẫn, nhưng vẫn không giấu được cảm xúc của một kẻ si tình.
Vậy tại sao Tiểu Hồng lại không đồng ý bỏ trốn cùng Thiếu Bình ngay từ đầu mà phải do dự mãi về sau để rồi nhận kết thúc bi kịch? Ngôn từ có khả năng thao túng tâm trí con người vô cùng mãnh liệt, nhất là trong một xã hội khép kín như thôn Trang Linh, cách Đại Vu Hiền tẩy não Tiểu Hồng cũng giống như cách mà mụ phù thủy Gothel đã làm với Rapunzel trong bộ phim “Công chúa tóc mây” của Disney, ông ta vẽ ra cho Tiểu Hồng một viễn cảnh về lễ hiến tế và nói rằng nếu đi ngược lại điều đó sẽ mang tai họa về cho thôn Trang Linh, nếu Thiếu Bình không xuất hiện, Tiểu Hồng chắc chắn vẫn sẽ tin vào điều đó đến tận khi cô lìa đời. Sự xuất hiện của Thiếu Bình đã làm thay đổi suy nghĩ của Tiểu Hồng, thậm chí còn khiến cô nghi ngờ về tín ngưỡng mà mình hằn thờ phụng, tuy nhiên, Tiểu Hồng khi đó vẫn không có can đảm bỏ trốn cùng Thiếu Bình vì cô vẫn chưa dám tin tưởng vào việc những gì cô được dạy từ trước đến giờ đều là giả, mà phần lớn là vì cô sợ liên lụy Thiếu Bình.
Chính sự nhút nhát và e sợ của Tiểu Hồng đã gián tiếp dẫn đến cái chết của Thiếu Bình, để rồi khi cô nhận ra thì đã quá muộn màng, tâm lý của Tiểu Hồng chuyển từ e sợ, lệ thuộc sang cứng rắn và quyết đoán, cô gieo mình xuống vực, tự tay đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của mình. Mọt tôi thấy sự chuyển biến tâm lý của Tiểu Hồng như này vô cùng hợp lí, vì đặt bối cảnh vào thời bấy giờ, khi những gông xiềng về lề lối phong kiến vẫn còn đè nặng trên vai người phụ nữ, một cô gái khó mà dũng cảm đứng lên tự định đoạt số phận của mình. Nhưng đến phút cuối, hành động gieo mình xuống vực của Tiểu Hồng như biểu tượng cho việc cô đã dũng cảm thay đổi bản thân, đứng lên phá bỏ gông xiềng, tự định đoạt số phận cuộc đời của mình.
Sự ra đi của một Chúc Tiểu Hồng xinh đẹp, dịu dàng cũng là sự khởi đầu cho một Đào Mộng Yên dám nghĩ dám làm, can đảm không lùi bước. Vì một cơn ác mộng, Mộng Yên đã bắt chuyến tàu về thôn Trang Linh để điều tra, Mọt tôi không biết nên khen cô gái này dũng cảm hay liều lĩnh nữa. Nhưng mà khác với Chúc Tiểu Hồng, Mộng Yên không cần sự trợ giúp của bất kì ai, kể cả Sát Kim Cang. Có thể thấy, từ đầu đến cuối phần 2, cả hành trình chỉ có một mình Mộng Yên, thế nhưng cô gái này vẫn luôn mang một tinh thần lạc quan và mạnh mẽ khi đối diện với những cạm bẫy mà Đại Vu Hiền đặt ra.
Ban đầu, ta sẽ thấy Mộng Yên cũng như những cô gái bình thường khác, cô sẽ sợ khi bị giam giữ ở nơi xa lạ hoặc khi chứng kiến những hiện tượng kỳ quái, nhưng cô cũng thích ứng với hoàn cảnh mới rất nhanh. Khi biết những hủ tục mê tín của thôn Trang Linh, trạng thái cảm xúc của Mộng Yên đã chuyển từ sợ hãi sang giận dữ, đồng thời cô cũng không bị những ảo ảnh mà Đại Vu Hiền tạo ra mê hoặc, có thể thấy Mộng Yên là một cô gái có lập trường, quyết đoán và luôn đứng về lẽ phải, bằng chứng là trước khi thoát khỏi mật thất, cô đã đốt thánh thư của thôn Trang Linh và báo cảnh sát, thành công đặt dấu chấm hết cho thôn trang đầy tội lỗi.
Để mà nhận xét thì Mọt tôi thấy giữa Chúc Tiểu Hồng và Đào Mộng Yên tuy khác nhau, nhưng lại có vài sự tương đồng vô cùng thú vị. Hình mẫu của Đào Mộng Yên chính là đại diện cho hình mẫu của Chúc Tiểu Hồng khi gieo mình xuống vực, mạnh mẽ, quyết đoán. Nếu ở kiếp trước, Lương Thiếu Bình vì cứu Chúc Tiểu Hồng nên mới bỏ mạng thì ở kiếp này, Đào Mộng Yên đã quay lại giải thoát linh hồn đầy thù hận của anh. Theo cá nhân của Mọt thì hai hình tượng Chúc Tiểu Hồng và Đào Mộng Yên biểu trưng cho sự thay đổi tư tưởng của phái nữ theo thời gian, đồng thời nó cũng mang hàm ý phụ nữ có thể tự làm chủ chính mình. Dù là một Chúc Tiểu Hồng hiền lành, yếu ớt hay một Đào Mộng Yên dũng cảm, gan trường thì họ vẫn có khả năng và có quyền làm chủ cuộc sống chính mình. Ngoài ra, ở ngoại truyện của Áo Cưới Giấy 3, khi nghe thấy giọng hát của Thiếu Bình ở kiếp này cất lên, Đào Mộng Yên đã rơi nước mắt, điều này cũng nói lên rằng, một cô gái dù mạnh mẽ đến đâu thì khi đứng trước người mình yêu cũng sẽ trở nên yếu đuối.
Ngoài ra cũng nên ghé thăm fanpage Gosugamers Vietnam khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video… vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN.
Cuối cùng bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?