Hiện nay, dù trò chơi điện tử đã và đang dần được công nhận hơn trong xã hội khi mở ra nhiều cơ hội thành công hơn cho người chơi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều công nhận đều đó. Vẫn còn đó rất nhiều người cho rằng đây chính là một trong những lý do khiến cuộc sống của một con người bị hủy hoại. Hay như gặp một vấn nạn nào đó nghiêm trọng, truyền thông vẫn cố gắng chuyển hướng tập trung của mọi người vào sự ảnh hưởng của trò chơi điện tử.
Tôi không phủ nhận việc trò chơi điện tử mang lại nhiều tác hại xấu. Nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại lý do tại sao nó lại gây ra ảnh hưởng tiêu cực như vậy. Tất cả mọi chuyện xảy ra trên đời đều có thể tạo ra được giá trị tích cực và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đồng thời. Và việc hướng nó đi theo khía cạnh nào lại do hành động cũng như tư duy của mỗi người.
Liệu trò chơi điện tử có thật sự đang “tàn phá” một con người? Hãy cùng tôi dựa trên những gì mà bản thân từng trải qua để nhìn lại một vấn đề không mới, nhưng lại luôn khiến xã hội xôn xao mỗi khi nhắc tới.
Trò chơi điện tử không xấu, chỉ có người chơi chưa tốt
Đây là điều mà chúng ta đã biết quá rõ. Giữa “đam mê game” và “nghiện game” có sự khác nhau rõ ràng nhưng rất nhiều người lại lầm tưởng, đó chính là việc cân bằng được cuộc sống thay vì cứ dành hết thời gian cho thế giới ảo. Thực tế rất nhiều người “nghiện game” lại cho rằng bản thân đang sống với đam mê. Họ sẵn sàng phản bác lại bất cứ ai dám đả động tới cái đam mê đó.
Trò chơi điện tử tạo ra vô vàn thế giới ảo với mục đích giúp con người có những giờ phút được thư giãn, được xả stress, được thử thách bản thân với những điều mới lạ sau một ngày dài đi làm mệt mỏi. Nhờ đó, người chơi game sẽ lấy lại được tinh thần và một thể trạng tốt để sẵn sàng đối mặt với những thử thách lớn hơn ngoài xã hội. Những người đam mê thật sự sẽ không bao giờ bỏ bê cuộc sống bên ngoài của họ.
Trái ngược với đam mê chính là nghiện game. Nó khiến cho người chơi dần bị lầm tưởng giữa thế giới thực và thế giới ảo. Đôi khi những người nghiện game đã từng phải trải qua một quá khứ đau buồn, họ tìm đến trò chơi điện tử như một liều thuốc an thần. Nhưng cuối cùng lại chẳng thế thoát ra khỏi nó. Để rồi khi toàn bộ tâm trí của họ bị nhấn chìm hoàn toàn trong thế giới ảo, họ chẳng thể nhận thức được bản thân đang làm gì ở thế giới thực nữa.
Hãy nhớ trò chơi điện tử chỉ giống như một liều thuốc an thần. Nếu bạn sử dụng nó đúng cách, đúng liều sẽ rất tốt. Tuy nhiên, khi bạn quá lạm dụng nó để làm nguôi ngoai những tổn thương tâm lý, nó chắc chắn sẽ nhấn chìm bạn hoàn toàn và gây ra những tác hại khôn lường.
Sự cấm đoán của phụ huynh cấm đoán đôi khi phản tác dụng
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng chỉ cần mình cấm hoàn toàn là chắc chắn con em mình sẽ không bao giờ động tới trò chơi điện tử. Nhưng thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Các bậc phụ huynh càng cấm thì con em lại càng dễ tò mò, đặc biệt là những bạn nhỏ ở độ tuổi bắt đầu dậy thì.
Có thể cha mẹ chỉ cấm được ở nhà, thầy cô chỉ cấm được khi ở trên trường, nhưng các bạn nhỏ hoàn toàn vẫn có thể tiếp cận được với trò chơi điện tử ngoài giờ học. Nhất là khi các quán net ngày càng được phát triển hơn. Bản thân tôi hồi nhỏ cũng bị cấm đoán việc chơi điện tử, nhưng cuối cùng tôi vẫn có cách chơi mà không ai phát hiện.
Do đó, thay vì cấm đoán, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể “vẽ đường cho hươu chạy”. Thà để hươu chạy theo một con đường tốt đẹp, còn hơn là để nó chạy lung tung rồi cuối cùng không tìm được lối thoát. Người lớn chỉ cần cho con em mình chơi game đúng lúc, có giờ giấc cố định sau khi đã hoàn thành hết việc nhà hay bài tập. Điều đó sẽ giúp bọn trẻ hiểu được rằng giá trị của chơi game sau khi đã làm hết mọi công việc của bản thân.
Chúng ta cũng không thể trách được các bậc phụ huynh trong trường hợp này. Khi truyền thông đã ghim sâu vào tiềm thức của người lớn về tác hại của trò chơi điện tử thì chắc chắn chẳng bậc làm cha mẹ nào lại muốn con cái mình có dính dáng đến cả. Tuy nhiên, cấm đoán một cách tiêu cực không bao giờ là cách hay. Thay vào đó, chúng ta có thể chơi game cùng con cái, hay hướng cho con em cách chơi điện tử đúng đắn nhất.
Trò chơi điện tử có thực sự tàn phá chúng ta hay không?
Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì chắc chắn game không phải là một điều xấu. Việc chơi game đúng cách rất tốt cho việc hồi phục tinh thần, tăng khả năng cảm nhận hay phản xạ của tay và mắt. Thậm chí nó còn phần nào giúp cho người chơi phát triển khả năng nghe hiểu ngoại ngữ. Đây chính là những yếu tố mà người lớn có thể hướng cho con em mình chơi game một cách văn minh và có ích nhất.
Trò chơi điện tử chỉ thực sự tàn phá một con người khi chúng ta quá lạm dụng nó. Tới thời điểm mà chúng ta chìm đắm hoàn toàn vào thế giới ảo, quên đi cuộc sống thế giới thực thì mới là lúc không còn gì có thể cứu vãn được nữa. Không chỉ trò chơi điện tử, bạn nghiện bất cứ trên cõi đời này cũng đều mang lại rất nhiều tác hại.
Hãy cố gắng để game chỉ là một món ăn tinh thần đúng nghĩa, giúp cho chúng ta có thể giải trí sau một ngày dài học tập và làm việc đầy căng thẳng. Nếu bạn phát triển được nó trở thành một nghề nghiệp kiếm ra tiền, xây dựng được một cuộc sống ổn định thì lại càng tốt hơn nữa. Ở thời điểm hiện tại, xã hội đã có cái nhìn khác hơn về trò chơi điện tử. Tôi hi vọng tương lai sẽ có nhiều người chấp nhận nó hơn nữa.
Chúng ta không thể chỉ vì một vài con sâu làm rầu nồi canh mà có thể đạp đổ đi công sức của biết bao người đang miệt mài ngày đêm trong ngành công nghiệp game này được. Đó là những người đang cố gắng từng bước để trò chơi điện tử xóa tan được những sự tiêu cực không đáng có.
Đừng quên theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những tâm sự game thủ thầm kín nhất nhé! Hoặc theo dõi thêm nhiều thông tin nữa tại youtube của Kênh Tin Game: https://www.youtube.com/c/Motgamevn