Kết quả của The Game Awards năm ngoái là pha lật kèo kinh điển khi gã cao bồi tưởng như đã chiến thắng mười mươi lại ngậm ngùi nhường lại vòng nguyệt quế cho cha con nhà trọc chuyên nghề diệt thần. The Game Awards 2020 có lẽ cũng sẽ có một vài bất ngờ thú vị nhưng ở hạng mục cao quý Game of The Year e rằng các “ngựa ô” không đủ thực lực để làm nên sự lật đổ đầy bất ngờ như năm vừa rồi.
Death Stranding
Đề cử tại The Game Awards 2020: 9
- Game of The Year
- Best Game Direction
- Best Narrative
- Best Art Direction
- Best Score/Music
- Best Audio Design
- Best Performance X2
- Best Action/Adventure Game
Death Stranding là sản phẩm tiếp theo của nhà làm game tài ba Hideo Kojima. Từ phó chủ tịch Konami, ông tách ra để phát triển game riêng và Death Stranding ra đời, một tựa game kì lạ, khó hiểu nhưng vô cùng lôi cuốn. Death Stranding là một tựa game hành động được đặt trong môi trường thế giới mở, bao gồm cả tính năng nhiều người chơi. Kojima đã so sánh tựa game này với series Metal Gear đình đám của mình, và khẳng định đây sẽ là một bước đột phá. Với Death Stranding , người chơi sẽ được theo chân Sam Bridges (Norman Reedus) trong cuộc hành trình băng qua United Cities of America (UCA) nhằm có thể kết nối nhân loại lại với nhau. Đi cùng với anh là BB (Bridge Baby) một bào thai trong tử cung nhân tạo, có thể cho Sam khả năng nhìn thấy được BT (Beached Things) – những con quái vật đen thui đến từ chiều không gian khác đang hoành hành khắp nơi tại UCA.
Thực ra Sam không hứng thú lắm với vụ trở thành shipper quốc dân nhưng trước khi chết bà mẹ nuôi tổng thống đã yêu cầu anh ta hãy cứu chị của mình đồng thời khôi phục liên lạc trên toàn nước Mỹ thông qua các hoạt động chuyển giao nhu yếu phẩm, thế là nhân vật chính chỉ còn cách xách BB lên và đi thôi. Trong quá trình chuyển hàng, Sam sẽ gặp nhiều thứ quái đản như bọn BT, lũ Mule hay thậm chí là vài cơn ác mộng xuyên không cùng ông chú Mads Mikkelsen. Thoạt đầu nhiều người sẽ chán vì cứ giao nhận hàng thì có gì hay đâu nhưng hãy cứ kiên nhẫn với hành trình đó, bạn sẽ khám phá ra nhiều thứ cực kỳ xoắn não, bao gồm cả cốt truyện của Death Stranding. Đến giờ người ta vẫn cứ chia rẽ bởi một bên bảo game này chán muốn chết trong khi (phần lớn) những người còn lại đều khẳng định bọn chê bai đều là lũ thiếu khuyết khả năng cảm nhận tính nghệ thuật. Giờ thì không cần cãi nhau nữa chỉ cần nhìn qua số lượng đề cử tại The Game Awards 2020 thì biết ngay bên nào có lý rồi ha.
Control
Đề cử tại The Game Awards 2020: 8
- Game of The Year
- Best Game Direction
- Best Narrative
- Best Art Direction
- Best Audio Design
- Best Performance X2
- Best Action/Adventure Game
Nhắc tới Remedy Entertainment ắt hẳn hầu hết những dân chơi kỳ cựu đều nhớ đến các tựa game nổi tiếng như Max Payne, Alan Wake hay Quantum Break… với phong cách phiêu lưu huyền ảo đặc trưng không lẫn đâu được. Trong lần trở lại mới nhất, hãng game Phần Lan tiếp tục mang đến cho đại chúng một cơn khó ở mới sau khi trải nghiệm lối chơi phiêu lưu đậm chất nghệ thuật nhưng không hề thiếu yếu tố hành động nghẹt thở của siêu phẩm mang tên Control. Cốt truyện của Control kể về một thế giới giả tưởng tại nước Mỹ, nơi hầu hết các hiện tượng siêu nhiên có tồn tại nhưng được chính phủ phong tỏa bí mật với dân chúng. Để quản lý và kiểm soát các hiện tượng này, một tổ chức bí mật có tên là FBC được chính phủ lập ra, có nhiệm vụ bắt giữ, ngăn chặn và tiêu diệt bất kỳ sinh vật hay thứ gì có liên quan tới sức mạnh siêu năng.
Tuy vậy các hành động của FBC không phải lúc nào cũng nhằm mục đích bảo vệ người dân, khi bọn họ sử dụng quyền lực của mình để bắt cóc những người có siêu năng lực về nghiên cứu, qua đó tạo ra một loại vũ khí gọi là Object of Power với sức mạnh bẻ cong không gian cũng như điều khiển vật thể. Trong quá trình nghiên cứu FBC đã vô tình để sổng một thực thể huyền bí từ thế giới khác vào trong căn cứ (The Hiss), nó bắt đầu tàn sát các nhân viên tại đây và biến họ thành những con rối bị điều khiển. Lối chơi của Control là sự kết hợp giữa bắn súng góc nhìn thứ ba, hành động và một chút giải đố. Tòa nhà FBC là một kiến trúc đặc biệt nối với nhiều chiều không gian khác nhau, với các nhân viên đã bị The Hiss điều khiển và thao túng. Bọn họ biến thành những con rối lơ lửng trên không trung và tấn công Jesse khi cô ta xuất hiện, những con rối này sẽ nhảy vào rồi phát nổ hay sử dụng các loại vũ khí được trang bị khi còn sống để tiêu diệt mục tiêu.
Sekiro: Shadows Die Twice
Đề cử tại The Game Awards 2020: 5
- Game of The Year
- Best Game Direction
- Best Art Direction
- Best Audio Design
- Best Action/Adventure Game
Trong suốt năm qua Kênh Tin Game đã có quá nhiều bài viết về Sekiro: Chết Nhiều Vãi Cả Nồi rồi và đến tận giờ phút này, khi The Game Awards 2020 đã lên danh sách đề cử nếu bạn vẫn không biết con game này tròn méo thế nào thì quả thật là một sự sỉ nhục. Ở đây chỉ xin phép nói lại lần nữa vấn đề vì sao cái game này nó còn khó hơn Dark Souls hay Bloodborne. Là một game RPG nhưng Sekiro: Shadows Die Twice gần như không có cơ chế luyện cấp như những người anh em của nó, hơn nữa cái game chết toi này chỉ cho chúng ta đúng một món vũ khí từ đầu chí cuối và nó cũng chẳng nâng cấp được. So sánh với Bloodborne hay Souls thì tuy trùm cũng khó thật, nhưng nếu bạn không bước vào newgame+ mà chỉ chơi bình thường, thì vẫn có thể dùng cần cù bù thông minh đi luyện cấp hoặc nâng cấp trang bị để khiến mọi thứ dễ thở hơn.
Còn một điều mà Sekiro: Shadows Die Twice sẽ khiến người chơi khóc không thành tiếng, đó là các chiêu thức của trùm hoàn toàn rất khó đoán. Lấy ví dụ như lão già Owl ở Purification Ending trong dinh thự Hirata, con trùm chết toi này có một chiêu vô cùng dâm tiện là sẽ giơ kiếm cao quá đầu và tùy người chơi di chuyển ra sao sẽ biến đổi khác nhau. Thường thì lão sẽ bổ thẳng xuống, nhưng nếu bạn né quá sớm thì lão sẽ xoay kiếm quanh người hoặc tệ hơn là nhảy lên bổ chém 2 lần, bảo đảm nếu chưa quen sẽ méo biết đường nào mà lần. Sekiro: Shadows Die Twice có vô số trường hợp giống vậy, tức là tưởng trùm sẽ ra chiêu này nhưng mà lại không phải để rồi ăn đòn ngu người. Điển hình là con khỉ đột không đầu trong Sunken Valley, cách di chuyển của nó quái dị tới mức không thể hiểu nổi, với kiểu vung kiếm hoàn toàn không theo bất kỳ một quy chuẩn nào cả.
Resident Evil 2
Đề cử tại The Game Awards 2020: 4
- Game of The Year
- Best Game Direction
- Best Audio Design
- Best Action/Adventure Game
Những tựa game về đề tài Zombie đã quá quen thuộc với mọi người, nhưng năm 2019 mới là một mùa bội thu cho những ai yêu thích đám xác sống này, khi số lượng đầu game chất lượng xuất hiện vô cùng nhiều và với đủ thể loại. Mở đầu cho năm 2019 là sự xuất hiện Resident Evil 2 Remake, sự mong chờ của game thủ đã được đáp lại khi Capcom cuối cùng cũng chịu làm một thứ gì đó ra hồn sau từng đó năm phá nát cái seri này. Hơn 1,4 triệu lượt tải bản demo chơi thử của Resident Evil 2 Remake đã cho thấy sức hút của tựa game này như thế nào, nó cho thấy không chỉ game thủ gạo cội mà cả những người chưa từng biết đến Resident Evil 2 cũng rất hứng thú với dòng game này.
Có rất nhiều thay đổi trong Resident Evil 2 Remake như chuyển đổi góc nhìn, chế độ ngắm bắn tự động, cơ chế sử dụng vũ khí mới và đám Zombie trâu chó khủng khiếp. Capcom đã làm được một thứ là kết hợp giữa lối chơi hành động với không khí kinh dị quen thuộc, những hành lang tối tăm mù mịt, bọn Zombie xồ ra từ góc tối và cái chết luôn rình rập. Resident Evil 2 Remake lãnh nhiệm vụ khai màn cho năm 2019, theo sau nó là rất nhiều game thể loại Zombie khác cũng chất lượng không kém.
The Outer Worlds
Đề cử tại The Game Awards 2020: 4
- Game of The Year
- Best Narrative
- Best Performance
- Best RPG
So với những kẻ mà tên tuổi đã được nhắc đi nhắc lại đến nghe phát chán ở trên kia, The Outer Worlds lại ít nổi tiếng bằng dù cái trò này cũng siêu phẩm không kém. Lý do không nằm ở phần chuyên môn mà vì cái nền tảng mà nó định cư độc quyền (trước khi lên Steam và các hệ console khác) không được lòng của phần đông game thủ. Giờ thì mọi chuyện đã ổn và mọi người đều có thể thưởng thức The Outer Worlds trên hệ máy mà họ thích nên chúng ta có thể đi vào tìm hiểu đôi chút về trò chơi do Obsidian sản xuất. Về cơ bản Obsidian là hãng game tên tuổi được biết đến qua việc rất giỏi nhào nặn tạo ra các thế giới mở trong các tựa game mà họ góp mặt tham gia, những thế giới cho phép người chơi tự do di chuyển hay chuyển vùng xung quanh bằng hệ thống dịch chuyển tức thời trên bản đồ để thỏa mãn sức khám phá trong thế giới siêu rộng của họ tạo ra. Một thế giới đầy sức hấp dẫn đến từ một thành phố trong mơ cho phép người chơi khám phá các tuyến nhiệm vụ lạ lẫm, hấp dẫn, chia phe phái và thể hiện rõ tính cách của nhân vật đầy đủ đặc trưng và đa dạng nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, điểm yếu cố hữu của nhiều tựa game chơi đơn chính là những trải nghiệm buồn tẻ và cảm giác bị cô lập hay mắc kẹt trong thế giới hiu quạnh. Nói một cách đơn giản chính là có những người thích game chơi đơn nhưng lại không quá ưa thích cảm giác chỉ đơn giản là chỉ bắn giết kẻ địch sau đó và hoàn thành nhiệm vụ được giao lặp đi lặp lại. Nắm bắt sự đối lập về tâm lý đó, các NSX của The Outer Worlds hiểu tầm quan trọng của việc tạo ra hệ thống co-op, nơi game thủ có thể kết giao với rất nhiều NPC đồng hành khác nhau, và mỗi người trong số đó sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho nhân vật của người chơi trong suốt quá trình trải nghiệm. Điều này giải quyết rất tốt mệnh đề thích chơi một mình nhưng sợ cảm giác cô đơn của một bộ phận không nhỏ game thủ, những người luôn ưa thích có vài đứa lắm mồm, luyên thuyên hay kể các mẫu chuyện khôi hài giúp tỉnh táo khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác.