Death Stranding là một game online nhưng lại chơi “tự kỷ” một mình - PC/Console

Hideo Kojima đã tạo ra một khái niệm mới, khi Death Stranding giống game online tới 90%, nhưng đến cuối cùng thì bạn chỉ chơi có một mình.

Đến giờ phút này sau khoảng vài chục tiếng cày cuốc trong Death Stranding, tôi vẫn phân vân không biết nên gọi nó là một tuyệt tác cực hay hoặc phế phẩm vô cùng dở tệ, vì nếu phải kể ra thì có quá nhiều thứ phiền phức trong cái game này, từ cắt cảnh dài thê lê, nói chuyện nhiều dã man, nhịp độ chậm như rùa và quá nhiều thứ lặt vặt không cần thiết…

Tuy vậy có một điều có thể chắc chắn là Kojima đã không bốc phét cho sang mồm, khi tuyên bố rằng mình đã tạo ra một lối chơi hoàn toàn mới – đó là một sản phẩm y hệt game online nhưng ngoài bản thân ra bạn chẳng còn thấy bất kì ai khác nữa.

Death Stranding - Thồ hàng là phụ, đi vệ sinh mới là mục đích sống còn
Thực tế thì các loại vũ khí tởm lợm xuất hiện trong game không phải là ít, nhưng riêng Death Stranding thì nó được nâng tầm ở một đẳng cấp cao hơn nhiều.

Thế giới cô độc lạnh lẽo

Nếu có một thứ gì đó để mô tả thế giới của Death Stranding thì tôi xin tóm gọn trong một từ đó là “Xám xịt”, khi mà nó đúng nghĩa là một mảnh đất cần cỗi bạc màu, với những con mưa Time Fall rả rích mãi mãi không bao giờ chấm dứt, thậm chí bạn còn rất hiếm khi gặp con người vì bọn họ đều trốn biệt ở những căn cứ dưới lòng đất. Đặc biệt để tăng thêm phần não nề, đại hiệp Kojima còn rất biết chọn các bản nhạc đồng quê với giai điệu chậm rề rề nghe như muốn cứa vào não.

Cảm giác của tôi khi chơi Death Stranding đúng chính xác là khi đi làm về mắc mưa to, qua ngã tư bị kẹt xe dài hàng dặm đi kèm với tiếng trẻ con khóc, tiếng bóp còi inh ỏi và cả tiếng chửi thề khi xe chết máy… tuyệt vọng vãi cả nồi chính là tính từ không thể nào hợp lý bằng để mô tả tâm trạng lúc đó. Trong Death Stranding thì tình hình thậm chí còn bi đát hơn nhiều, khi mà bạn sẽ lưng trần vác nặng chạy như một thằng cửu vạn (còn méo được bắt Grab) qua ngàn sông vạn núi dưới trời mưa, với nguy cơ có thể bị bắt – cướp và giết bất cứ lúc nào.

Death Stranding

Rất nhiều người khen ngợi mặt hình ảnh của Death Stranding, ok đồng ý là ở một vài khung cảnh thì nó cũng đẹp thật, nhưng xét theo cả tính chất lãng mạng, hoành tráng hay thư giãn thì nó còn xa mới bằng những siêu phẩm khác như Red Dead Redemption 2 hay Horizon Zero Dawn. Kết cấu của Death Stranding giống theo kiểu buồn và cô đơn nhiều hơn, việc bạn chạy mải miết giữa thinh không vô tận mà không thấy một ai là một trải nghiệm khá đặc biệt, với cả cũng chả thoải mái gì đâu vì còn phải vác cả tấn “hành” trên lưng nữa.

Do đó nhiều người cho rằng thế giới mở trong Death Stranding là một thế giới “chết”, có nghĩa là nó mất đi sự tương tác giữa NPC và người chơi. Tất cả những gì mà bạn làm chỉ đơn giản gói gọn trong 2 việc nhận đơn rồi trả hàng, tất nhiên mấy kiểu như tự sự hoặc các câu chuyện bên lề cũng có nhưng tính bất ngờ là hoàn toàn không xảy ra. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện chúng ta đi tới một khu nhà hoang tình cờ bắt gặp NPC nào đó trên đường, rồi từ đó tiếp diễn thành những câu chuyện hay một cái nhiệm vụ phụ bí mật nào đó. Đây là thứ khiến cho Death Stranding kén người chơi dã man, vì thế giới của nó không những buồn mà còn vắng lặng như tờ nữa.

Death Stranding là một game online nhưng lại chơi “tự kỉ” một mình

Những người hùng thầm lặng

Rất may Kojima đã nghĩ ra một cách để khiến tựa game của mình không “chết” như vậy, đó là ông ta đã tạo ra mục đích tối thượng cho người chơi bằng các con đường trải dài khắp nơi. Với hầu hết người chơi Death Stranding, thì trải nghiệm cốt truyện đôi khi còn không quan trọng bằng việc bạn đã xây được bao nhiêu cây cầu, nối được bao nhiêu đoạn đường hay tạo ra những lộ tuyến ship hàng riêng cho mình một cách thoải mái nhất.

Nhưng công việc này không hề dễ dàng, vì ngoài thời gian di chuyển giữa những điểm cần thiết thì bạn còn phải tốn một lượng tài nguyên khổng lồ để hoàn thành chúng. Rất khó để một cá nhân đơn lẻ có thể thực hiện được màn tái tạo vĩ đại này, do đó Death Stranding đã sinh ra một cơ chế rất kì lạ, đó là cho phép tất cả người chơi cùng chung tay góp sức, nhưng hay ho một chỗ là bạn sẽ không bao giờ thấy được họ.

DEATH STRANDING

Những người chơi tốt bụng mà bạn sẽ không bao giờ thấy mặt trong Death Stranding là những anh hùng thầm lặng đúng nghĩa, tôi còn nhớ rõ có một lần mình đi ship hàng kiểu méo nào mà quên bổ sung đồ, tới nỗi đôi giày cuối cùng cũng hỏng và Sam phải đi chân đất, nước tăng lực thì không còn và tệ nhất là chẳng kiếm đâu ra chỗ nào để nghỉ vì khu đó chưa vào hệ thống. Cảnh tượng một thằng cửu vạn chân rướm máu, lê lết từng bước qua các bãi đá lởm chởm, với cái lưng còng thồ hàng nhẽ đâu còn trông đáng thương hơn cả cô bé bán diêm đêm Nôen, vì bạn biết chắc sẽ chẳng có ai giúp đỡ mình đâu mà load lại thì xa quá rồi…

Đúng cái lúc đó thì vùng đất xa xa bỗng hiện lên một safe house di động, như chết đuối vớ được cọc tôi tòi tới không cần suy nghĩ và mọi vấn đề bỗng chốc được giải quyết gọn gàng. Ai đã xây nên ngôi nhà này và tại sao nó lại nằm ở nơi khỉ ho cò gáy này, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ biết được nhưng có một điều rõ ràng là nó đã giúp cứu mạng mình, cũng như cho thấy một thế giới Death Stranding rất khác – thế giới của những anh hùng giấu mặt.

DEATH STRANDING

Cứ mỗi ngày bạn thoát khỏi game thì thế giới của Death Stranding vẫn tiếp tục phát triển, những con đường hay cây cầu vẫn bí ẩn xuất hiện dưới bàn tay của những người chơi khác. Kojima đã không nói sai khi bảo rằng ông ta đang tạo ra một thế giới mở song song cho tất cả game thủ, nơi mọi người đều tương tác cùng nhau trong… một game vốn là offline. Điều này tạo ra một cảm giác rất khác, vì vốn dĩ bạn vẫn chỉ có một mình khi chơi Death Stranding (nó không có chế độ multiplay), nhưng sự hiện diện của các “Sam khác” lại vô cùng rõ rệt với những công trình rải rác khắp bản đồ – thứ chỉ xuất hiện khi chúng ta online.

Vô số biển báo, cây nấm đái bậy, các cây cầu, thang bắc qua suối hay những trụ sạc điện… là minh chứng cho sự tồn tại của con người, cũng như cho thấy bạn không hề chỉ có một mình trong chuyến hành trình ship hàng khổ như nô lệ này. Đây chính là thứ thể hiện việc tại sao mà chơi Death Stranding offline và online sẽ đem lại các trải nghiệm khác nhau tuyệt đối, khiến nó trở thành game độc nhất vô nhị hiện tại.

Death Stranding là một game online nhưng lại chơi “tự kỷ” một mình

Cơ chế mới của Death Stranding có lẽ sẽ là thứ giúp nó đạt được rất nhiều thành công trong tương lai, điển hình là giải thưởng Game of the Year 2019 danh giá sắp tới, vì chúng ta biết là ban tổ chức rất đề cao sự sáng tạo. Tất nhiên đối với tôi thì Death Stranding vẫn là một game khá khó hiểu và có phần hơi bị buồn ngủ, nhưng không thể phủ nhận là phần kết nối này Kojima đã làm quá tốt rồi.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e