Có những game thủ không thích xem cắt cảnh quá dài
Cắt cảnh ngày xưa là phần cứu cánh tuyệt vời để người chơi có thể hình dung nhân vật của mình trông ra sao khi nền tảng đồ họa 3D chỉ mới là những khối đa giác còn sơ khai. Lúc đó người ta rất mong chờ những đoạn cutscenes vì đây là thời mà các nhân vật trở nên tuyệt vời nhất. Thời thế đổi thay, đồ họa ngày một đẹp hơn đã trực tiếp khiến trò chơi cùng các đoạn phim chuyển cảnh ngày càng không có nhiều sự khác biệt. Lúc đã no nê với phần hình ảnh, một số game thủ sẽ có xu hướng tua nhanh những đoạn phim chuyển cảnh bởi họ không có nhu cầu xem mà có nhu cầu trải nghiệm nhiều hơn. Khách hàng là thượng đế mà, các NSX cũng biết chiều lòng khi có tính năng tua qua nhanh những trường đoạn đó nếu người ta không thích.
Số khác cố chấp hơn liền nhận về vô số lời phàn nàn và ngay lập tức phải khắc phục chuyện đó. Namco Bandai tung bản vá để những người chơi của Jump Force được phép lướt qua những đoạn cắt cảnh nói chuyện giữa các nhân vật. Thoạt đầu nhiều người rất hào hứng muốn xem Natsu, Naruto, Luffy và Yusuke sẽ nói gì với nhau nhưng thú thật là nó vừa dài vừa chán vừa thiếu sáng tạo nên skip qua được là hay nhất. Kingdom Heart cũng có sửa đổi sau khi bị phản ánh nhưng người ta vẫn phải nghe câu nói như trả bài thuộc lòng “There’s no way you’re taking Kairi’s heart!” ít nhất một lần trước khi được phép tua nhanh cái đoạn phim cắt cảnh đầy chán nản đó.
Buộc phải chơi lại nếu muốn tìm ra ending bị khóa
Cái này đã từng nhắc một lần ở phần đầu của bài viết nhưng ít nhất khi đó chúng ta có những thứ phải sưu tầm để mở khóa kết thúc hoàn hảo, nghĩa là nếu có hướng dẫn hoặc một chút may mắn, người ta có thể hoàn thành chỉ trong một lượt chơi. Vấn đề lần này nghiêm trọng hơn khi không có liên quan gì đến vận khí hay nhân phẩm gì cả. Người ta rất rõ ràng và thẳng thắn với nhau khi tuyên bố muốn mở khóa cái ending cuối thì chơi thêm lần nữa là được. Một số người sẽ không cho đó là phiền bởi dù sao cũng là game quá yêu thích rồi nhưng số còn lại sẽ cảm thấy rất không hài lòng với chuyện đó. Bên Tây có thuật ngữ cho cái vụ bắt chơi lại lại này là “Fake Longevity”, cơ bản đó là một biện pháp đáng khinh để kéo dài thời gian sống của một số tựa game cùi bắp.
Cuộc sống quá khắc nghiệt, giờ đây không chỉ game cùi bắp mà đến các game xịn cũng phải chơi cái trò này luôn. Gần đây nhất có thể kể đến Nier: Automata, trò chơi điều khiển một “cô gái” xinh xinh đi chặt chém do PlatinumGames phát triển. Thực tế Nier: Automata có chất lượng rất rất tốt, nhân vật chính rất sexy và chặt chém cũng khá là ổn thỏa. Thế nhưng các NSX vẫn ép người chơi đi lại nhiều lần, xử lý tình huống theo những cách khác nhau và chọn nhiều con đường để hoàn thành thành nhiệm vụ. Nói một cách đơn giản là bắt người ta cứ phải chơi đi chơi lại để mở khóa cho bằng hết những đoạn kết mà NSX ẩn giấu. 2B xinh thì xinh thật nhưng ngắm cô nàng trong vài lần chơi còn ổn thỏa chớ ngắm nhiều quá cũng có lúc sẽ bội thực.
Không chơi đua xe những vẫn phải làm tay lái lụa
Batman: Arkham rất ổn nhưng chắc chắn những trường đoạn yêu cầu lái lụa với chiếc Batmobile thì không. Chơi xong cái game đó khen hay chê dở thì cũng tùy nhân sinh quan của mỗi người nhưng nếu hỏi thứ gì làm họ dễ điên nhất thì các màn truy đuổi tốc độ cao trong Gotham bằng chiếc Xe Dơi hẳn là lựa chọn ưu tiên của cả hai bên. Thật đáng buồn khi phải nhìn thấy một trong những điều làm nên thương hiệu cho Kỵ Sĩ Bóng Đêm bên cạnh Batarang lại bị người ta ghét bỏ đến thế, tất cả chỉ vì NSX đã tạo ra cơ chế lái xe vô cùng bất hợp lý cho một trò chơi không thuộc dòng đua xe. Rõ ràng Batmobile là một tính năng quan trọng nhưng không phải ai cũng yêu thích hay từng chơi qua Need for Speed để có thể điều khiển xe hơi một cách trơn tru trong các pha truy đuổi tội phạm đòi hỏi tốc độ cao.
Một trường hợp chơi game bắn nhau nhưng cứ phát điên về vụ xe cộ có thể đem ra làm ví dụ điển hình chính là series Mafia. Trò chơi phần lớn sẽ yêu cầu người ta lảng vảng khắp thành phố lớn của Hoa Kỳ như New York, Chicago, San Fransisco (Empire Bay trong Mafia 2) hay New Orlean đầy chất jazz và văn hóa địa phương miền Nam nước Mỹ của Mafia III. Trong một trò chơi khi mà việc ăn cướp, thanh toán băng đảng, chơi trốn tìm với cảnh sát trên xa lộ, bắn giết nhau như cơm bữa của Mafia, thật khó thông cảm cho cái vụ điều khiển xe cộ khó chịu vô cùng. Thậm chí phần chơi Race Car Level trong phiên bản đầu tiên còn bị nhà sản xuất của phần hai đăng đàn chỉ trích vì sự hư cấu đến mức phi thực tế của nó.
Và chắc cũng không cần phải nhắc lại cái meme: “Follow The Damn Train, CJ!” – Bạn hiểu tôi muốn nói tới cái game gì đúng không?
Lựa chọn về đạo đức không dễ, kể cả trong game
Cái vụ lựa chọn đạo đức khốn kiếp này hẳn không có cái tên nào thích hợp hơn Far Cry 3 nữa (dù vẫn còn kha khá cái tên ứng cử). Giờ thì coi nào, chúng ta bỏ hàng chục tiếng đến mò mẫm trong khu rừng hắc ám, tìm cách phá hủy căn cứ của đám cướp biển kiêm buôn lậu mai thúy do một thằng cha thần kinh đầu trọc cầm đầu. Liều cả cái mạng già để tìm cách cứu bạn bè trong tuyệt vọng thế rồi khi bước vào cảnh kết thúc, bọn tâm thần hay uống thuốc lú của nữ thần sống Citra ở hòn đảo thơ mộng buộc người chơi lựa chọn thật xuất sắc giữa A. Đưa bạn bè về nhà an toàn hoặc B. Giết tất cả bọn họ trong máu lạnh. Làm gì bây giờ, cảm thấy thật hoang mang khi có đứa nào viết kịch bản lại cho người ta lựa chọn một cách kinh khủng như vậy?
Nhân tiện thì Batman: Akham City cũng có một lựa chọn trái khoáy như vậy khi buộc Catwoman phải lựa chọn giữa việc để Lão Dơi bị chôn sống dưới đống gạch vụn và ôm hết của cải trong phi vụ bất chính để chuồn khỏi Gotham. May mắn lần này lựa chọn thế nào cũng không ảnh hưởng đến cốt truyện chính nhưng nó làm người ta cảm thấy vô cùng căm tức khi phải lựa chọn trong một tình huống như vậy. Có một câu câu rất hay là “Đừng bao giờ đặt bản thân tại phạm trù đạo đức để phán xét người khác”. Như vậy khi trò chơi buộc game thủ phải chọn giữa đạo đức và vô đạo đức, có khác gì việc nó đang đứng ở trên cao nhìn xuống và phán xét chúng ta đâu.
- Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.1
- Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.2
- Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.Cuối