Trong phần lớn thời gian, năm 2018 là một năm tuyệt vời cho các game thủ PC/Console. Người hâm mộ không chỉ nhận được các viên ngọc quý như God of War hay Marvel’s Spider-man, mà Rockstar Games cuối cùng cũng có thể phát hành tựa game rất được mong đợi Red Dead Redemption 2.
Bên cạnh đó, Nintendo cũng vừa tung ra sản phẩm đối kháng hạng nặng oanh tạc các cửa hàng bán lẻ Super Smash Bros Ultimate và giới làm game indie tiếp tục tung ra những trò chơi ấn tượng cho các thể loại dường như đã bị các hãng lớn bỏ rơi.
Tuy nhiên, năm 2018 cũng mang đến cho game thủ rất nhiều sản phẩm “bom xịt” gây nhiều thất vọng. Vì nhiều lý do khác nhau mà kết quả cuối cùng không như mong đợi. Dưới đây là 10 trò chơi đáng thất vọng nhất năm 2018.
Fallout 76
Một trong những cái tên “khét tiếng” nhất trong danh sách này. Rắc rối bắt đầu nảy sinh không lâu sau khi Bethesda tuyên bố rằng: Lần đầu tiên trong series, người chơi sẽ được trải nghiệm online trong Fallout 76.
Bên cạnh đó, công ty còn tiến hành loại bỏ hoàn toàn các nhân vật NPC để thay thế bằng băng âm thanh, mục nhật ký và robot. Đối với nhiều người, sự thay đổi này khiến thế giới cảm thấy trống rỗng và kém thú vị. Mọi chuyện cũng không tốt lên sau đó, khi người chơi nhận thấy trò chơi tồn tại quá nhiều các vấn đề kỹ thuật và máy chủ, cộng với việc thiếu giao tiếp trong tháng đầu tiên từ Bethesda.
Tranh cãi tiếp tục leo thang từ một rò rỉ bảo mật làm lộ dữ liệu riêng tư; khách hàng PC báo cáo khó khăn trong việc hoàn tiền, khiến một công ty luật vào cuộc điều tra; tình trạng người chơi gian lận để nhanh chóng mở khóa vũ khí hạt nhân, và việc tặng túi Nylon thay cho túi vải bố trong phiên bản Power Armor của trò chơi.
Bethesda hiện đang hứa hẹn sẽ có những biện pháp khắc phục và đền bù thỏa đáng. Nhưng với vai trò của một trò chơi lớn được nhiều người kỳ vọng, chất lượng của Fallout 76 cùng nhiều vụ lùm xùm xảy ra xung quanh đã khiến nó trở thành trò chơi bị chỉ trích hàng đầu năm 2018.
We Happy Few
Một trò chơi khác được kỳ vọng rất nhiều, thu hút sự chú ý của đông đảo game thủ qua trailer gây choáng ngợp. Nhưng hóa ra, sản phẩm cuối cùng chẳng hề đáp ứng được những tiêu chuẩn cao ngút đó.
We Happy Few là tựa game hành động phiêu lưu pha lẫn sinh tồn diễn ra trong thành phố Wellington Wells – một phiên bản giả tưởng của nước Anh, nơi người chơi phải tìm cách chạy thoát khỏi xã hội thoái hóa đang dần sụp đổ xung quanh họ vì một loại thuốc gây ảo giác. Nó khiến con người ta mất khả năng nhận thức về thế giới thực, dễ dàng bị sai khiến và đánh mất đạo đức lẫn nhân tính.
Mặc dù sở hữu thiết lập bối cảnh hấp dẫn với một số yếu tố kể chuyện được thực hiện tốt, sự pha trộn giữa nhập vai, kể chuyện, cơ chế hành động lén lút và sinh tồn này chỉ mang đến một mớ hỗn độn. Những màn hành động có phần chậm chạp, cơ chế rình rập không nhất quán, yếu tố sinh tồn tầm tầm bậc trung, thiếu sự đa dạng về nhiệm vụ, và thế giới có phần tẻ nhạt.
Bên cạnh đó, trò chơi cũng xuất hiện một số lượng lớn lỗi và các vấn đề về hiệu suất. Bao gồm việc âm thanh bị cắt hoàn toàn, bị chuyển đến một thị trấn ngẫu nhiên khi mở một file save,…. Nhưng ít nhất những thứ đó có thể được giải quyết một cách hợp lý trong một bản vá sau khi phát hành.
Metal Gear Survive
Hơi khác với hai trò chơi trên, Metal Gear Survive bị nhiều người “mong ngóng” sẽ trở thành một… sản phẩm thất bại. Lý do là vì nhiều người hâm mộ đã quyết định tẩy chay thương hiệu Metal Gear, sau khi nhà thiết kế Hideo Kojima bị buộc phải rời khỏi Konami. Tuy nhiên một số vẫn tỏ ra hy vọng về những gì Metal Gear Survive có thể mang lại.
Mặc dù vậy, trò chơi đã gây nhiều sự hoài nghi với cách thiết kế loại bỏ các yếu tố hành động chiến thuật và lén lút, để khai thác việc xây dựng căn cứ và cơ chế sinh tồn. Sau một thời gian dành cho tựa game này, nhiều người hâm mộ nhận ra rằng ngoài âm thanh và phong cách nghệ thuật, Metal Gear Survive chỉ có gì giống một trò chơi Metal Gear.
Với những kẻ thù AI kém cỏi, thiếu hụt nội dung thực sự hấp dẫn, tích hợp tính năng giao dịch bằng tiền thật đáng ngờ và cơ chế sinh tồn không thỏa mãn, Metal Gear Survive quả thực không hấp dẫn người hâm mộ lâu năm và thậm chí đấu tranh để thuyết phục cả những fan của thể loại sinh tồn.
State of Decay 2
State of Decay nhanh chóng trở thành một game độc lập đình đám khi ra mắt vào năm 2013, kiếm được một lượng fan trung thành mặc dù trò chơi tồn tại nhiều vấn đề.
Với những kinh nghiệm tích lũy và sức mạnh tài chính từ Microsoft, hãng Undead Labs được kỳ vọng sẽ nâng tầm đẳng cấp cho thương hiệu sinh tồn. Vậy mà thật kỳ lạ, State of Decay 2 lại cảm thấy giống như một phần… mở rộng của trò chơi đầu tiên hơn. Nó thiếu đi những ý tưởng mới và đột phá bên ngoài việc hỗ trợ co-op, trong khi tiếp tục vấp phải nhiều vấn đề tương tự gây khó chịu ở phiên bản tiền nhiệm.
Vòng lặp tiêu diệt zombie, thu thập chiến lợi phẩm và trở về căn cứ vẫn cứ y như cũ, mà không được cải thiện ở những điểm khác. Ví dụ như đồ họa rất kém hấp dẫn và cử động nhân vật trông rất cứng. Tệ hơn nữa, ngay cả khi đã cập nhật bản vá 20 GB, trò chơi vẫn ra mắt với một loạt các vấn đề kỹ thuật, lỗi và trục trặc khó chịu như xe bị kẹt trên các vật thể trong môi trường và các bạn đồng hành AI biến mất bí ẩn.
Darksiders 3
Sau sự sụp đổ của THQ và Vigil Games, nhiều người tin rằng nhượng quyền phiêu lưu hành động này cũng lui vào dĩ vãng. Nhưng đời vốn nhiều bất ngờ, THQ Nordic đã hồi sinh và không chỉ làm sống lại series, mà còn đưa trò chơi thứ ba cho Gunfire Games, một studio có trụ sở tại Texas có rất nhiều nhà phát triển trước đây từng góp sức cho hai trò chơi đầu tiên. Tất cả mọi thứ dường như hứa hẹn sẽ mang đến một sản phẩm xuất sắc. Vậy mà trên thực tế, có vẻ như trò chơi đã phụ lòng mong đợi ở nhiều người.
Khi ra mắt, Darksiders III đã bị cản trở bởi một số vấn đề kỹ thuật và lỗi đáng kể, với không ít trường hợp buộc phải khởi động lại trò chơi từ đầu. Bên cạnh đó, hệ thống checkpoint khó hiểu cũng thường khiến người chơi lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên lớn nhất là sự thay đổi về mặt thiết kế.
Các câu đố và tính năng khám phá môi trường bị hạ thấp đi rất nhiều và cơ chế chiến đấu cũng bị giản lược, hầu như chỉ đơn thuần né tránh đúng lúc và đập nút tấn công. Mặc dù rất vui khi thấy sự trở lại của thương hiệu, nhưng Darksiders 3 khó có thể trở thành sản phẩm mà nhiều người hâm mộ đã hy vọng.
Agony
Agony vốn là dự án khởi đầu trên Kickstarter, hứa hẹn mang đến một trò chơi kinh dị sinh tồn khủng khiếp chưa từng có từ trước đến nay. Nó đưa người chơi khám phá độ sâu thăm thẳm của Địa ngục và thử chạy trốn khỏi nơi ấy.
Chuyện bắt đầu có dấu hiệu không ổn khi ESRB đưa ra xếp hạng “Chỉ dành cho người lớn” (Adults Only) do mức độ bạo lực cực đoan và hình ảnh gây tranh cãi của nó. Các nhà phát triển đã cân nhắc mọi thứ để được xếp hạng Mature và hứa với người hâm mộ rằng bản vá tùy chọn sẽ được cung cấp cho những ai muốn trải nghiệm phiên bản không bị kiểm duyệt. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã phải loại bỏ vì các vấn đề pháp lý.
Tuy nhiên, Agony có nhiều vấn đề hơn là mất đi một số hình ảnh rùng rợn. Sau khi ra mắt, nhiều nhà phê bình và người hâm mộ cũng không thể chấp nhận được cơ chế gameplay lặp đi lặp lại đến tẻ nhạt, thường liên quan đến việc tìm kiếm các vật phẩm khác nhau để tiến tới khu vực tiếp theo hoặc trốn tránh lũ quỷ.
Tựa game liên tục cố gắng gây sốc cho người chơi bằng nhiều hình ảnh bạo lực, tình dục mà sau một thời gian, họ cuối cùng cũng trở nên lãnh cảm. Tất cả những gì còn lại là một thế giới trông thực sự trống rỗng với hai tông màu đỏ đen, cùng việc thiếu sự tương tác có nghĩa với môi trường thế giới, lồng tiếng kém và hệ thống checkpoint bực bội đã chấm dứt mọi nỗ lực tiếp cận trò chơi của game thủ.
Series hành động hack’n’slash dài kỳ đã quay trở lại trong năm nay và để đáp trả lại lời chỉ trích phiên bản nào cũng y khuôn nhau, bộ đôi Koei Tecmo và Omega Force đã cố gắng hiện đại hóa thương hiệu với việc thêm vao thế giới mở trong Dynasty Warriors 9.
Giống như các game Warriors trước đây, chiến đấu vẫn đơn giản và lặp đi lặp lại. Dynasty Warriors 9 cố gắng đưa mọi thứ tiến thêm một bước bằng cách giới thiệu tính năng Flow, Trigger và Musou Attack, nhưng cuối cùng, chiến đấu không bao giờ đi chệch khỏi việc “nghiền chặt” nút tấn công.
Có vẻ như Dynasty Warriors 9 đã hơi vội vã với những ý tưởng mới và nỗ lực thu hút nhiều người chơi hơn. Thế giới mở tuy có nhiều việc phải làm trong đó, nhưng không gian không được tận dụng đúng mức và mang đến cảm giác trống rỗng. Dàn NPC cũng thường cung cấp các nhiệm vụ thiếu sự hấp dẫn hay đặc trưng. Ngay cả với 90 nhân vật để chơi khi ra mắt, nhiều người cảm thấy như chỉ reskins và bản chất lặp đi lặp lại có thể làm giảm nhu cầu xem chiến dịch thay đổi như thế nào từ quan điểm của một nhân vật khác.
Nhìn chung, Dynasty Warriors 9 mang đến cảm giác giống như một sản phẩm được đem ra thử nghiệm và làm bước đệm cho các phiên bản sau phát triển, hơn là sản phẩm thực sự đột phá với chất lượng cao.
Extinction
Trên lý thuyết, việc chiến đấu với những con Orc cao chót vót trong những chiến trường choáng ngợp có nhịp độ nhanh và khốc liệt quả thật nghe rất hấp dẫn. Nhưng thật không may, kết quả cuối cùng đã khiến các nhà phê bình và người hâm mộ bị “sốc” vì câu chuyện kém phát triển và thiếu chất lượng cho một sản phẩm có mức giá AAA.
Về gameplay, sự hồi hộp khi đọ sức với những người khổng lồ nhanh chóng biến mất do tính chất lặp đi lặp lại của các nhiệm vụ. Phần lớn thời gian, người chơi có nhiệm vụ cứu giúp dân chúng bằng cách triệt tiêu những phần dễ bị tổn thương trên cơ thể con Orc. Mặc dù trò chơi được lấy cảm hứng rõ ràng từ Attack on Titan, nhưng sự thiếu đa dạng trong chiến đấu khiến nhiều người hụt hẫng và nhanh chóng bấm nút Quit Game.
Secret Of Mana
Bản làm lại tuyệt phẩm Secret of Mana được mong đợi rất nhiều hóa ra chỉ là một sản phẩm hút tiền nhanh đến từ hãng Square Enix danh tiếng.
Đầu tiên, chúng ta có thể thấy nền tảng đồ họa 3D mới thực sự không đẹp mắt, mà trông giống như một trò chơi di động tầm trung bình khá, trong khi hầu như không có nỗ lực nào để cập nhật các yếu tố gây khó chịu của trò chơi gốc (cụ thể là AI rất ngờ nghệch).
Phần âm nhạc được phối lại cũng gây khó chịu so vơi bản gốc, lồng tiếng thật sự tệ, dù là bản remake nhưng nhân vật không hề động đậy khuôn miệng theo thoại và cử động cứng nhắc. Chưa kể hiện tượng văng game liên tục do tối ưu chưa thật sự tốt.
Secret Of Mana 2018 thực sự là một nỗ lực vô nghĩa, có phần thiếu trách nhiệm với người hâm mộ thương hiệu Mana.
Earthfall
Earthfall là một trong những cái tên từng được trông đợi sẽ khỏa lấp khoảng trống mà series Left 4 Dead để lại trên thị trường. Được Holospark hoàn thiện trong suốt hai năm ròng rã, Earthfall đưa bạn vào vai một trong 4 chiến binh đứng lên chống lại cuộc xâm lăng của lũ quái vật vũ trụ (thay vì zombie của L4D). Bạn có thể sử dụng các món vũ khí từ súng ngắn, shotgun, súng trường và cận chiến để hạ gục kẻ địch, bên cạnh việc dựng các rào chắn phòng thủ, lắp đặt ụ súng máy tự động cho những điểm trọng yếu.
Gây được khá nhiều thiện cảm khi còn Early Access, nhưng khi chính thức ra mắt, Earthfall lại khiến mọi người hụt hãng. Theo đánh giá của cộng đồng, trò chơi có ghi được dấu ấn thông qua cơ chế xây dựng hệ thống phòng thủ thú vị và bối cảnh tận thế theo phong cách khoa học viễn tưởng hấp dẫn. Tuy nhiên, điểm trừ ở tính cách nhân vật không thú vị, màn chơi được thiết kế kém với nhiều ngõ cụt hoặc vòng lặp, giao diện người dùng chưa tốt, thiết kế âm thành chưa không phù hợp và nhiều khẩu súng cứ giống như đồ chơi khiến cho các pha combat trở nên thiếu thuyết phục.
Nhìn chung, tuy Earthfall mang đến một vài cơ chế mới, nhưng yếu tố cốt lõi lại không được triển khai đúng đắn. Liên tục khiến cảm xúc của người chơi thay đổi giữa nhàm chán và bực bội. Nó tỏ ra không xứng với giá 30 USD và chỉ nên chơi nếu bạn đang thực sự khát một tựa game coop PvE, cũng như đã “cày nát” tất cả các tùy chọn khác tốt hơn.