Đã rất nhiều lần, những tựa game mới ra với lối chơi hay, đồ họa đỉnh, gameplay đột phá và một hệ thống chơi mạng nhìn đã thấy phát nghiện làm bạn mê mệt để rồi nuối tiếc vì nhìn cấu hình đã thấy… không đủ chơi. Đã nhiều lần bạn cố gắng “dì bén” chơi chỉ để nhìn những Pixel vỡ vụn, những hiệu ứng vật vờ leo lét trên những khung hình giật đùng đùng như đĩa xước.
Vậy nhưng đừng thất vọng, đừng cho rằng bạn sẽ chỉ mãi chơi đi chơi lại những tựa game cũ mà hay. Ngay hiện tại cũng có không ít studio game vẫn làm ra những tựa game hay, mới mà chỉ đòi hỏi hết sức nhẹ nhàng. Để những game thủ “hoàn cảnh” vẫn có được những phút giây thư giãn, vẫn được cảm nhận niềm vui đến từ những tuyệt tác số của thế giới game.
Trong bài viết này, KenhTinGame xin mang đến danh sách Top những tựa game PC hay, mới và cực nhẹ mà không đòi hỏi cấu hình cao cho mọi người cùng thưởng thức.
I/ STARDEW VALLEY
Thể loại: Mô phỏng Nông trại
Còn nhớ năm nào, Harvest Moon là một trong những tựa game mô phỏng theo phong cách SIMS, hàng đầu với lối chơi nhẹ nhàng, lối cuốn nhưng vô cùng gây nghiện với đồ họa đẹp, bắt mắt dù rất nhẹ nhàng. Nhưng dần theo năm tháng, dù đồ họa, nhân vật và Animation đã cải thiện nhiều thì gameplay của Harvest Moon lại đang dần theo đà xuống dốc, mất đi cái chất xưa cũ.
May mắn thay, một truyền nhân tinh thần của Harvest Moon mới nổi lên với gameplay quản lý trang trại, thu lượm nông sản, tìm kiếm tình yêu y chàng huyền thoại ngày nào với cái tên Stardew Valley. Không cần đồ họa chi tiết, môi trường 3D như những tựa game Harvest Moon mới. Stardew Valley có gameplay vô cùng sôi nổi với vô số hoạt động, nhiều việc để làm, người phải thăm nom, việc phải trông coi… nhưng quay trở lại với cái gốc đồ họa 16 bit ngày nào, kinh điển, bắt mắt theo phong cách đầy màu sắc.
Được làm ra hoàn toàn bởi một người, Eric Barone, người đã làm việc quần quật liên tục trong 10-15 giờ/ ngày trong nhiều năm liền để đưa tựa game mô phỏng cuộc sống nông trại, mô phỏng cuộc sống này thành hiện thực. Kết cục là chính cha đẻ của series Harvest Moon, Yasuhiro Wado cũng phải thừa nhận “Stardew Valley thừa kế tinh thần của những tựa game Harvest Moon gốc một cách rất tuyệt vời vì sự tự do mà nó mang lại cho bạn.”
II/ HOTLINE MIAMI 2: WRONG NUMBER
Thể loại: Hành động Bắn súng
Bạn không cần công nghệ để tạo nên bầu không khí đăc trưng, bạn chỉ cần phong cách thiết kế nghệ thuật tốt thôi. Và ví dụ tiêu biểu nhất chính là Hotline Miami 2: Wrong Number với phong cách đồ họa màu mè đến mức lòe loẹt như đèn Neon của nó cùng những bản soundtrack nhạc Techno dồn dập tạo nên cá tính không thể lẫn vào đâu được cho tựa game này. Không cần những hiệu ứng tân tiến, lộng lẫy, những khung hình chi tiết đặc kín những Pixel, chỉ bằng những khối Pixel vuông vắn 18 bit trên nền đồ họa 2D lòe loẹt. Hotline Miami vẫn mang đến cảm giác đã tay, ép phê tuyệt vời nhờ sự bạo lực không chùn tay mang đậm cá tính của những bộ phim đến từ đạo diễn Quentin Quarantino như Kill Bill, Django: Unchained… Cùng một cốt truyện hình sự, điên rồ, trào phúng mang âm hưởng hòa quyện của một loạt những bộ phim nổi tiếng như American Psycho, Natural Born Killers, Taxi Driver, Apocalypse Now, và Miami Vice.
Cá tính trong đồ họa, đã tay trong gameplay và chau chuốt trong cốt truyện, GameMaker Studio đã làm quá tốt những gì có thể chỉ trên nền đồ họa 16 bit. Mang đến một cảm giác thỏa mãn đến đã đời mà các bom tấn AAA sát phần cứng chưa chắc đã đọ bằng nổi.
III/ JAZZPUNK
Thể loại: Phiêu lưu
Mới đầu chơi hoặc chỉ cần xem trailer thôi thì hẳn cảm giác mà JazzPunk mang đến cho bạn đó là một… sự bối rối dạt dào. Bối rồi từ cái không khí y hệt một bộ phim hoạt hình Disney những năm 1950, 1960; bối rối từ cái phong cách đồ họa lộn xà lộn xộn, 2D, 3D lẫn lộn chả giống ai và nhất là xem xong hết cả trailer và bắt tay vào chơi rồi vẫn… chả hiểu gameplay của game là như thế nào, game nói về cái gì?
Thế nhưng ẩn sau sự vô nghĩa, nhảm nhí, sự lộn xộn tùm lum ban đầu là một cậu chuyện chương hồi hài hước châm biếm sâu cay mà JazzPunk truyền tải đặc vụ PolyBlank làm việc cho một tổ chức điệp viện tối mật thích hút cần, hút thuốc… và những nhiệm vụ nguy hiểm tường chừng như vô nghĩa của chàng ta. Một tựa game hài hước mới lạ, không lẫn vào đâu được chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những tràng cười thoải mái, đã đời. Miễn là bạn có chút hiểu biết về văn hóa Mỹ, lịch sử thế giới hiện đại và một dàn máy tính cùi bắp là được.
IV/ 80 DAYS
Thể loại: Phiêu lưu
Dù bạn có cái card đồ họa cùi bắp nhất thế giới thì nó vẫn có thể hiển thị được những đoạn text chứ? Mà như vậy nghĩa là bạn có thể chơi 80 Days. Một trong những tựa game phiêu lưu có quy mô lớn và hay nhất mà chúng ta có trong gần nửa thập kỷ qua. Lấy cảm hứng từ những cuốn tiểu thuyết kinh điển của Jules Verne, người chơi phải định hướng và phiêu lưu khắp thế giới một cách nhanh và rẻ nhất có thể. Nhưng mỗi chạm dừng chân lại có những nhân vật, những bí ẩn khác nhau để đợi được khám phá, thế nên chuyến hành trình “nhanh – rẻ” của bạn sẽ rất nhanh bị sao lãng dẫn đến chậm Deadline.
Như một cuốn tiểu thuyết thực thụ, bên cạnh việc phiêu lưu, khám phá, khắp mọi ngóc ngách trên thế giới. Càng du hành, bạn sẽ càng đọc nhiều chữ, 80 Days có tổng cổng 750.000 nghìn chữ, mà theo như nhà phát triển là “dài hơn cả năm quyển Harry Porter cộng lại.” Chưa kể là nếu chỉ chơi qua một lần thì bạn mới chỉ khám phá được khoảng 3% nội dung của trò chơi mà thôi. Không chỉ giàu có về nội dung với nguyên cả một trái đất được dựng nên cho các bạn khám phá mà mà chẳng ngẫu nhiên tờ báo uy tín The Telegraph gọi 80 Days là Cuốn tiểu thuyết Hay nhất năm 2018 (dù nó là một tựa game), hay nhà biên kịch viết kịch bản cho 80 Days, Meg Jayanth dành giải Biên kịch xuất sắc của Hiệp hội trò chơi Điện tử nước Anh đâu nhé. 80 Days hay đến thế đấy.
V/ SONIC MANIA
Thể loại: Game nhảy nhót Platform
Dù có một khởi đầu vô cùng trắc trở, khiêm tốn cùng sức nặng của biết bao thất bại từ trước đó, Sonic Mania của nahf làm game Christian Whitehead đã trở thành tựa game Sonic hay nhất trong suốt 15 năm qua. Ban đầu, ông nhận được sự chú ý từ SEGA bằng việc làm remake lại toàn bộ Sonic CD từ đầu đến cuối bằng một engine game mà ông tự phát triển nên. Game cũng có sự nhúng tay của Lập trình viên Simon Thomley, nổi tiếng vì hack những bản Sonic cũ để tạo ra nguyên một nhân vật phụ mới, Knuckles vào Sonic the Hedgehog. Cùng với nhà thiết kế màn chơi Jared Kasi, chỉ đạo nghệ thuật Tom Fry từng cộng tác trong bản remake không chính thức Sonic the Hedgehog 2.
Sau hàng thập kỉ thất bại khi tự mình loay hoay tìm lối đi một cách không thành công. Việc chuyển hướng mời các nhân tài nhiệt tâm từng làm ra các bản game fan-made thành công được nhiều ủng hộ là một ván bạc mới đầy đúng đắn của SEGA. Không tham lậm đồ họa bóng bẩy hay các cải tiến thừa thãi không hợp thời. Sonic Mania tỏa sáng vì sự kinh điển, cả về mặt gameplay lẫn đồ từ của thời đại hoàng kim ngày chú nhím xanh Sonic còn tung hoành trên những chiếc máy chơi game Console “gà nhà” của chính mình như SEGA Genesis, SEGA Saturn… Dù chẳng cần một chiếc máy với cấu hình khủng gì cho cam, Sonic Mania vẫn đầy những cạm bẫy phải tránh, hầm chông để nhảy qua, đầy chướng ngại vật để bạn phô diễn tốc độ của mình. Một fan Sonic còn có thể muốn gì hơn nữa? Một game thủ kì cựu muốn hoài cổ còn có thể muốn gì hơn nữa?
VI/ CUPHEAD
Thể loại: Game đi cảnh
Đơn giản thôi: Cuphead chơi rất hay. Dù bạn có là fan của phong cách đồ họa Cartoon hỗn loạn, sôi nổi thập niên 1930 hay không đi nữa. Bởi không có tựa game hiện đại nào có phong cách giống Cuphead được cả, bởi để làm được những đoạn phim hoạt hình như vậy chỉ để xem thôi đã tốn rất nhiều công sức chứ đừng nói đến là dựng lên để chơi và tương tác một cách mượt mà như Cuphead. Từ trước khi ra mắt và gây nên biết bao tranh cãi vì gameplay khó đến “tanh tưởi” thì Cuphead đã được nhận những lời đánh giá có cánh từ giới phê bình vì nền đồ họa tuyệt đẹp của mình rồi.
Thế nhưng bạn có biết không, đồ họa của Cuphead dù đẹp nhưng lại chẳng sát phần cứng một tí nào đâu. Ừ thì nó hơi “sát não” cho chỉ đạo nghệ thuật, đồng đạo diễn game, Chad Moldenhauer, người vẽ nên toàn bộ tựa game này… bằng tay, thủ công từng tí từng tí một, phết từng mảng màu nước lên thành background cho game. Chứ thực ra với máy tính của người chơi thì nó chẳng phức tạp hay nặng nề gì hơn Contra hay Mega Man đâu, toàn đồ họa 2D phẳng lì cả mà, chỉ là nó trau chuốt, mượt mà hơn thôi. Tức là dù máy bạn có lởm đến đâu thì vẫn có thể “chiến” CupHead thoải mái được hết, miễn là bạn đủ kiên nhẫn, ưa thích sự thử thách để sẵn sàng vượt qua những thử thách khó “tuốt xác” mà gameplay của Cuphead mang lại.
Hi vọng qua bài viết này, các bạn đã tìm ra được tựa game yêu thích cho mình dù cấu hình có nhưu thế nào đi nữa