Dưới đây là trải nghiệm một ngày trong vũ trụ ảo của nhà báo Joanna Stern của WSJ.
Cảm nhận đầu tiên của Stern trong vũ trụ ảo là ngạc nhiên về các hình đại diện của mình trong metaverse. Trong đó, mặt cô trông như Lego Minifigure, đôi tay có thể tháo rời và phần thân không chân có thể lướt đi.
Các hình ảnh đại diện của Joanna Stern trong vũ trụ ảo. Ảnh: WSJ.
Họp online trở nên thú vị hơn
Stern bắt đầu một ngày trong metaverse với cuộc họp online trong phòng họp ảo Horizon của Meta. Nếu dùng kính VR, họ có thể xuất hiện dưới dạng một avatar hoặc cũng có thể lựa chọn giao diện màn hình truyền thống với không gian và nhân vật ảo của người kia.
Stern không khỏi buồn cười khi nghe thấy giọng của vị sếp khó tính phát ra từ một nhân vật hoạt hình giống Milhouse cụt chân trong The Simpsons.
Nhưng chỉ sau vài phút, những người tham gia cuộc họp trong vũ trụ ảo này đã có những trải nghiệm thú vị hơn hẳn so với những cuộc họp nhàm chán trên Zoom .
Một cuộc họp trong Metaverse. Ảnh: WSJ.
Stern cho biết, cô có cảm giác rằng vị sếp của mình thật sự đang ngồi đối diện với cô và giao tiếp trực tiếp bằng mắt. Tuy nhiên đến khi cô cần ghi chú lại nội dung cuộc họp thì mắt cô lại đang bị che bởi kính VR và không thể gõ trên máy tính thật.
Tuy nhiên, cho tới nay các avatar trong thế giới ảo vẫn không có chân. Đây là một thách thức kỹ thuật mà các nhà phát triển đang cố gắng khắc phục để người dùng có được được những trải nghiệm chân thực nhất.
Vấn đề của vũ trụ ảo
Stern thực hiện rất nhiều cuộc họp trong metaverse và cảm nhận rằng tất cả đều thú vị. Tại đó, cô có thể kiểm soát được những người được mời. Tuy nhiên, khi người dùng tham gia vào các sự kiện công khai thì cảm giác riêng tư bị mất đi ngay.
Khi tham gia vào một buổi hòa nhạc ảo trên nền tảng AltspaceVR của Microsoft, Stern nhìn thấy rất nhiều hình đại diện xung quanh và có thể nghe mọi người trò chuyện. Người dùng có thể tắt tiếng hoặc chặn ai đó bằng cách kích vào ảnh đại diện của họ.
Trong không gian ảo còn có những "cảnh sát online" đi "lang thang" hoặc trà trộn vào đám đông và tìm kiếm kẻ phá hoại.
Trong metaverse, người dùng còn có thể chơi game, nghe nhạc nhưng các dịch vụ này khá đắt đỏ.
Stern đã tạo ra bốn hình đại diện khác nhau trong vũ trụ ảo để tham gia nhiều hoạt động cùng lúc như chơi trò chơi, tham gia ứng dụng tập luyện và các cuộc họp. Cả Meta và Microsoft đều cho phép người dùng "phân thân" trong metaverse để có thể làm nhiều việc cùng lúc.
Giới hạn về phần cứng
Kính thực tế ảo vẫn còn nhiều giới hạn vật lý như thiết kế quá cồng kềnh, dung lượng pin thấp nên chỉ dùng được ít giờ rồi đột ngột tắt, kính sẽ nóng nếu dùng lâu...
Theo Stern, trong metaverse kính AR cần phải được cải tiến để có thể giúp người dùng nhìn thấy các hình ảnh ba chiều một cách tự nhiên nhất. Tuy nhiên, để giải quyết được những vấn đề này chúng ta sẽ phải chờ thêm 5-10 năm nữa.
Sau khi dùng kính thực tế ảo 24 giờ, Stern cho biết cô cảm thấy đau đầu khi đeo kính thời gian dài và phải uống thuốc.
Sau một ngày sống trong metaverse, Joanna Stern cho rằng để con người thật sự sống được trong vũ trụ ảo sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết.