Lấy bối cảnh vào thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất, Valiant Hearts: Coming Home không đơn giản chỉ là câu chuyện của con người trong thời chiến, mà đó còn là tuyên ngôn đanh thép nhằm lên án về sự thật tàn khốc mà những cuộc chiến mang lại cho nhân loại. Vậy, rốt cuộc điều gì đã được NSX Ubisoft Montpellier gửi gắm đến chúng ta trong phần tiếp theo của Valiant Hearts mang tên Coming Home?
Chiến tranh có đơn giản chỉ là sự tàn khốc như những gì ta được biết qua sách vở hay đó là bài học mà nhân loại không bao giờ rút được kinh nghiệm trong suốt quá trình tồn tại và phát triển? Hãy cùng Kênh Tin Game tìm hiểu những câu hỏi đó trong video của ngày hôm nay nhé.
Những gì đã xảy ra trong Valiant Hearts: Coming Home
Câu chuyện trong Valiant Hearts: Coming Home theo chân James, một anh chàng người Mỹ gốc Phi đang trên hành trình nhập ngũ để phục vụ cho chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong trại huấn luyện tân binh, James cùng những người đồng bào cùng màu da của mình, phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc cực kỳ tàn khốc đến từ những tên chỉ huy da trắng.
James và những người Mỹ gốc Phi khác sau đó đã gia nhập vào Trung đoàn vệ binh 15 và được đưa đến Pháp. Đó cũng là mặt trận mà anh trai Freddie của anh đang phục vụ, với hy vọng sẽ mang chiến thắng về cho đất nước, để thay đổi cái nhìn của những người da trắng đối với họ.
Vì chưa từng tận mắt chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh thế nên James cùng những người lính của Trung đoàn vệ binh 15 tỏ ra vô cùng lạc quan. Trong đó không thiếu những người còn tỏ ra háo hức muốn cống hiến sức lực cho tổ quốc. Nhưng ảo mộng tươi đẹp bắt đầu rạn nứt khi họ bị tàu ngầm của quân đội Đức tập kích trên eo biển Atlantic.
Trớ trêu thay kẻ điều khiển con tàu lại là anh bạn Ernst mà James từng gặp một năm trước. Ernst cũng nhận ra James nên đã quyết định làm trái lời chỉ huy, cố tình bắn hụt để cứu bạn. Vì thế con tàu của James đã thành công cập cảng nước Pháp vào ngày 27 tháng 10 năm 1917, nhưng trái với hy vọng được xả thân nơi chiến trường. Những người Mỹ gốc Phi chỉ được giao cho những việc lặt vặt và phục vụ ở hậu phương vì nạn phân biệt chủng tộc.
Nhưng rất nhanh sau đó, quân đội Hoa Kỳ quyết định đổi tên Trung đoàn vệ binh 15 thành Trung đoàn bộ binh 369 và điều họ đến xã Givry en Argonne để chiến đấu. Đây là một trung đoàn có thật trong lịch sử của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Quân đội New York. Với biểu tượng huy hiệu hình mãng xà, đây là lực lượng được tạo thành chủ yếu từ những binh lính Mỹ gốc Phi. Họ còn được gọi là những chiến binh đến từ địa ngục vì sự quả cảm và can trường khi chiến đấu.
Tại đó, James cuối cùng đã được gặp lại anh trai Freddie và cùng sát cánh nơi chiến trường khốc liệt. Vào ngày 15 tháng 7 năm 1918, người Đức tổ chức cuộc tập kích lớn tại nơi trung đoàn đang đóng quân. Dù James và Freddie đã làm hết sức để bảo vệ chiến hào, nhưng nhiều người đã ngã xuống. Họ chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi để thương tiếc đồng đội, trước khi phải chống chọi và tìm mọi cách sinh tồn giữa mưa đạn của kẻ thù.
Về phía quân đội Mỹ sau khi nhận thấy sự anh dũng của những người lính gốc Phi đã quyết định gọi Trung đoàn bộ binh 369 với cái tên oai hùng “Những chiến binh đến từ địa ngục”. Tên tuổi của họ tạo tiếng vang lớn trên các tờ báo tại Paris và được ca ngợi như những người hùng. Nhưng, thành công và vinh dự của kẻ này ắt sẽ là thất bại và sự nhục nhã của kẻ khác.
Trong khi quân đội Mỹ vui mừng vì chiến thắng của họ, phía Đức lại tức tối vì những trận đột kích bất thành. Trong không khí căng thẳng đó, áp lực từ những kẻ chỉ huy khiến binh lính cấp dưới cảm thấy vô cùng khó thở. Không chịu được sự hà khắc, anh bạn người Đức tên Ernst đã quyết định tìm lại tự do của bản thân nhưng cuối cùng lại trở thành tù nhân chiến tranh trên con tàu của kẻ thù.
Đến tháng 9 năm 1918, James và Freddie cùng những người lính của Trung đoàn 369 tiếp tục dấn thân vào trận chiến nguy hiểm khác. Rất nhiều người đã ngã xuống, bản thân Freddie bị thương nặng trong khi cố cứu James khỏi làn đạn kẻ thù. Nếu mang theo một người bị thương, họ sẽ không thể nào chiến thắng. Chính vì vậy James đã buộc phải bỏ lại người anh của mình để tiếp tục dẫn dắt những người lính khác tiến về phía trước.
Freddie sau đó may mắn được ông bạn thân George đưa về nơi đóng quân và được cứu sống, nhưng buộc phải từ giã chiến trường mà mình đã chiến đấu trong suốt 4 năm ròng rã. Về phần James, anh cùng những người lính của Trung đoàn 369 vẫn phải tiếp tục chiến đấu với ám ảnh về sự hy sinh của những người đồng đội trên chiến trường. Không lâu sau đó, Đức đã ký thỏa thuận ngừng bắn với phe Đồng Minh.
Vào lúc 11 giờ, ngày 11 tháng 11 năm 1918, tiếng chuông vang vọng chiến trường, đặt dấu chấm hết cho cuộc đời khốn khổ của những người lính nơi chiến trận. Freddie sau đó đã cùng người yêu là Anna trở về Mỹ sinh sống, còn James tình nguyện ở lại chiến trường để thu dọn di vật của những người đồng đội xấu số trong trận chiến.
Cứ tưởng đó sẽ là kết thúc ổn thỏa cho tất cả nhưng vào ngày 15 tháng 12 năm 1918, James nhận được thư của Anna. Bức thư thông báo tin dữ khi Freddie qua đời vì bị hai tên phân biệt chủng tộc tấn công chỉ vì màu da của ông. Thế rồi Valiant Hearts: Coming Home kết thúc với một nét trầm buồn như một lời tâm sự dang dở của những người lính Trung đoàn 369 và những vết sẹo không thể xoá nhoà bởi chiến tranh.
Những mảnh đời sau chiến tranh
Chúng ta có thể nhận ra trong Valiant Hearts: Coming Home, không chỉ James hay Freddie mà những nhân vật khác như Ernst, Anna hay George cũng đều sở hữu câu chuyện riêng của họ. Ernst là một lính hải quân đã đào ngũ để bỏ trốn khỏi chiến tranh. Ông ta thường lênh đênh trên biển để kiếm kế sinh nhai, nhưng trong một lần xui xẻo con thuyền đã bị bom đạn phá huỷ.
Những người bạn của Ernst có thể đã qua đời do bom của kẻ thù, hoặc bị sóng biển nuốt chửng. Chỉ còn mình ông may mắn sống sót nhờ bám vào mảnh vỡ của con thuyền. Ernst đã trôi dạt như thế trong nhiều giờ, cho đến khi được những người lái tàu ngầm Đức cứu giúp. Sau lần chết hụt đó, ông xem những người lính này như gia đình mình, nhưng họ bị quân đội chia cắt chỉ vì khác biệt chủng tộc.
Có thể nói, dù xuất hiện trong vai trò một người lính phe phản diện, nhưng Ernst không ngần ngại giúp đỡ James khi anh bị bắt nạt ở bến thuyền. Thậm chí, khi nhận ra James đang ở trên con tàu của kẻ địch, Ernst còn cố tình làm trái lệnh chỉ huy để cứu bạn mình. Và rồi khi không còn chịu được cái không khí ngột ngạt của chiến tranh nữa, ông quyết định đào ngũ, trở thành tù binh chiến tranh và hội ngộ với James trên chiến trường.
Cô vợ Anna của Freddie lại câu chuyện khác khi cô quân y người Bỉ quyết tâm giành giật mạng sống của những lính khỏi bàn tay tử thần. Càng đáng quý hơn là Anna luôn xem mọi sinh mạng là bình đẳng, cô không hề thượng đẳng như những người đồng bào da trắng của mình. Thậm chí Anna còn dám đem lòng yêu một người Mỹ gốc Phi như Freddie, trong khi đây chắc chắn là điều cấm kỵ thời bấy giờ.
Cứ mỗi khi Freddie nhận nhiệm vụ chiến đấu, Anna luôn cầu nguyện rằng ông sẽ bình an quay về bên cô. Cứ ngỡ khi chiến tranh qua đi, Anna có thể hạnh phúc bên người cô thương nhưng trớ trêu thay Freddie thoát khỏi cuộc chiến nhưng không thoát khỏi bàn tay của những kẻ phân biệt chủng tộc. Nếu từng trải nghiệm Valiant Hearts: The Great War hẳn bạn sẽ vô cùng khó chịu khi hai nhân vật quen thuộc lại có kết cục đau buồn như vậy.
Hình ảnh Anna bất lực cấp cứu cho Freddie bên vệ đường chắc chắn là một trong những khung cảnh gây xúc động nhất cho game thủ trong Valiant Hearts: Coming Home. Cô đã cứu được rất nhiều người trên chiến trường, nhưng lại không thể giành lại người mình yêu từ tay tử thần.
Lại nói về George tuy khá mờ nhạt so với hai nhân vật trên nhưng thông qua phân cảnh cứu Freddie ta thấy đây là một người vừa lương thiện và quả cảm. Nếu không như vậy thì chẳng phi công nào dám lái máy bay khi trời đang mưa bão. Có thể trong George vẫn có sự sợ hãi nhưng vì bạn, ông không ngại khó khăn để đưa Freddie về nơi an toàn. Rõ ràng giữa nơi chiến trường khốc liệt, khi đứng giữa lằn ranh sinh tử, con người vẫn sẽ giữ được trái tim đầy tình yêu thương.
Những câu chuyện ẩn sau một tựa game
Có thể thấy, Valiant Hearts: Coming Home là tấm gương phản ánh nạn phân biệt chủng tộc nghiêm trọng xảy ra trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Trớ trêu làm sao khi những người Mỹ gốc Phi đã xả thân mình trên chiến trường để bảo vệ tổ quốc. Nhưng cuối cùng chính những kẻ mà họ đã hy sinh cả tính mạng để bảo vệ lại sẵn sàng tước đi sự sống của người anh hùng chỉ vì màu da khác biệt.
Cố tổng thống Nam Phi, ông Nelson Mandela từng nói “Tôi ghét tột cùng sự phân biệt chủng tộc và tất cả mọi biểu hiện của nó. Tôi đã chiến đấu vì điều đó trong suốt cuộc đời. Tôi đang chiến đấu, và sẽ tiếp tục làm điều ấy cho đến cuối đời”. Những người lính Mỹ gốc Phi thuộc Trung đoàn 369 xung phong ra trận vì họ tin nếu mang chiến thắng về cho đất nước thì nạn phân biệt chủng tộc sẽ biến mất.
Nhưng trớ trêu thay, dù họ đã trở thành anh hùng cũng như an toàn quay về sau chiến tranh thì vẫn phải đối mặt với thực tế tàn khốc đó. Freddie, một người lính đã dành 4 năm phục vụ trên chiến trường lại bị tước đoạt mạng sống chỉ vì “dám” yêu một cô gái da trắng. Không chỉ thế, xuyên suốt trò chơi, ta có thể thấy những người da đen như James và Freddie không hề được quân đội tôn trọng. Chỉ đến khi nhân lực thiếu thốn, họ mới được phép ra chiến trường bảo vệ tổ quốc.
Ngoài ra niềm tin của những người lính đó cũng đã bị phản bội bởi sau khi chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, nạn phân biệt chủng tộc không hề suy giảm mà càng có xu hướng nghiêm trọng hơn trong nhiều thập niên sau đó. Chỉ đến khi Thế chiến thứ hai nổ ra, mọi chuyện mới dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Tôi tự hỏi, những quân nhân như Freddie hay James nhận được gì khi đánh đổi cả sinh mạng vì tổ quốc? Không gì cả.
Không chỉ lên án mạnh mẽ vấn nạn phân biệt chủng tộc, Valiant Hearts: Coming Home còn khắc hoạ rất rõ mặt tối của chiến tranh. Những người lính ra chiến trường họ đều có một câu chuyện riêng, một đất nước để bảo vệ và một gia đình chờ họ trở về. Họ vẫn còn đó những lời hứa chưa thực hiện, những hoài bão và kỳ vọng cho tương lai. Nhưng than ôi “Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”
Trong thời chiến, khi đã khoác lên tấm áo lính, bước chân vào trận địa là xác định có khả năng một đi không trở lại. James và Freddie phải tận mắt chứng kiến từng người bạn, từng người đồng đội gục ngã trên chiến hào bẩn thỉu, giữa mưa đạn của kẻ thù. Những người lính đó không bao giờ có thể quay về, họ sẽ mãi nằm lại nơi đất khách, để lại những hoài bão và khát vọng còn chưa thành.
Lúc ra đi là một hình hài khỏe mạnh cao lớn nhưng khi trở về lắm lúc chỉ còn lá quốc kỳ tượng trưng cùng tấm thẻ bài kim loại lạnh lẽo đến vô hồn. Không chỉ trong chiến tranh Thế giới thứ nhất, mà trong bất kỳ cuộc chiến nào, sự ra đi của người lính cũng là những mất mát vô cùng to lớn. Chúng ta thường hay được nghe về sự vinh quang khi xả thân vì nước. Đó là một chuyện đúng đắn không cần bàn cãi nhưng bên cạnh ánh sáng lúc nào chẳng có bóng tối?
Những người lính được vinh danh, được biết đến rộng rãi cuối cùng vẫn là con số ít. Vẫn còn không ít những chiến sĩ đã xả thân vì đại nghĩa, tự nguyện dùng tuổi thanh xuân của mình viết nên những trang sử hào hùng cho đất nước, cho dân tộc nhưng không bao giờ được biết đến. Họ chỉ là những anh hùng vô danh thầm lặng, mãi mãi nằm im dưới lòng đất.
Trong tác phẩm “Đò xuôi Thạch Hãn”, nhà báo cựu chiến binh Lê Bá Dương từng viết: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi hai mươi thành sóng nước. Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”. Trong trường hợp may mắn, có thể quay về thì những người lính đó cũng vẫn mang đầy vết sẹo do chiến tranh để lại ở cả thể xác lẫn linh hồn. Không phải ngẫu nhiên mà các cựu binh đều mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Hãy thử nghĩ mà xem, sau khi tận mắt chứng kiến bạn bè, đồng chí của mình hy sinh ngay trước mắt nhưng vẫn phải cắn răng nuốt nước mắt vào lòng để tiếp tục chiến đấu. Giữa chiến trường khốc liệt thì làm gì có thời gian cho nỗi bi thương khi không ai biết mình có phải là kẻ tiếp theo phải ngã xuống hay không. Liệu bao nhiêu người đủ mạnh mẽ để không bị ảnh hưởng bởi điều đó? Hay là phải điều trị tâm lý thường xuyên hoặc tệ hơn là sống chung với nỗi ám ảnh cả đời.
Quay lại câu hỏi chính của video, chiến tranh đã cướp đi của chúng ta những gì? Có rất nhiều thứ để kể ra, từ vật chất cho đến con người. Nó đã lấy đi quá nhiều thứ từ những người cha, những người chồng, những người con của gia đình. Rất nhiều người đã ngã xuống để đổi lấy chiến thắng vẻ vang nhưng đồng thời cũng để lại những vết sẹo không bao giờ có thể phai nhạt cho những người còn ở lại.
Còn bạn, bạn cảm thấy liệu chiến tranh đã lấy đi những gì? Và tại sao chiến tranh có phải là bài học mà nhân loại không bao giờ rút được kinh nghiệm trong suốt quá trình tồn tại và phát triển? Hãy để lại bình luận bên dưới để chúng ta cùng thảo luận nhé. Thôi, video đến đây có lẽ cũng đủ dài với những câu hỏi đang chờ mọi người tự giải đáp rồi. Thế nên tôi sẽ nhường lại một khoảng lặng cho các bạn. Xin chào, và hẹn gặp lại trong những video sau, tạm biệt.
Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé