Theo một tài liệu nội bộ, Google đã cho ChatGPT thử sức với một loạt câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng của hãng. Kết quả, ChatGPT đã vượt qua bài phỏng vấn và có thể được tuyển dụng cho vị trí kỹ sư phần mềm cấp 3 tại Google với mức lương khoảng 183.000 USD/năm
Thử nghiệm của Google nhằm xác định khả năng lập trình của những chatbot AI phổ biến hiện nay. ChatGPT đã có thể dễ dàng vượt qua các câu hỏi kỹ thuật nhưng lại gặp khó khăn ở các câu hỏi liên quan đến hành vi, kỹ năng mềm. Đây có thể chính là rào cản khiến ChatGPT khó thể thay thế hoàn toàn công việc của con người.
ChatGPT có khả năng tự viết mã máy tính. Chỉ cần người dùng yêu cầu, nó sẽ ngay lập tức tạo ra các trang web, ứng dụng, trò chơi cơ bản bằng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau như Python, C và Javascript…
Vậy, ChatGPT có thể “đe dọa” tới công việc của các lập trình viên hay không?
Theo nhận định của Forbes, mặc dù ChatGPT có vẻ siêu việt nhưng hiện tại nó chỉ có thể tạo ra các chương trình tương đối đơn giản. Với một thứ gì đó quá phức tạp, như một trò chơi hoặc ứng dụng kinh doanh, siêu AI này sẽ thừa nhận điểm yếu của mình và thông báo nhiệm vụ hiện vượt quá khả năng.
Vì vậy, ChatGPT vẫn không thể ngay lập tức “chiếm” việc của tất cả các lập trình viên hay các kỹ sư phần mềm. Còn trong tương lai, khi ChatGPT cũng như các hệ thống siêu AI khác được hoàn thiện hơn, chúng có thể thực sự làm tăng tốc độ thay thế nhân sự, một số công việc sẽ dần bị thay thế.
Các lập trình viên có thể sử dụng ChatGPT như thế nào?
Nhiều lập trình viên trả lời phỏng vấn của Forbes rằng, họ coi ChatGPT là một công cụ có giúp ích cho việc lập trình chứ không phải là mối đe dọa. Họ có thể sử dụng nó để tạo nhanh các khung, phác thảo các bản dựng ứng dụng...
Ngoài ra, các lập trình viên cũng có thể sử dụng ChatGPT để gỡ lỗi mã hiện có (hoặc thậm chí mã do chính nó tạo ra), một quá trình tốn nhiều công sức. Một số lập trình viên chia sẻ, ChatGPT không chỉ có thể tự động hóa quá trình viết mã mà còn có thể giải thích tại sao mã không hoạt động.