Với những game thủ thiện lành, có lẽ một trò chơi hay hoặc dở mới là điều họ quan tâm nhiều nhất. Cũng phải thôi vì khi bỏ tiền người ta sẽ chú trọng đến chất lượng nhiều hơn là xuất xứ, nhất là khi đã mấy chục năm trôi qua, món hàng đó nếu không cộp mác made in USA thì cũng là hàng do Nhật Bản sản xuất. Tuy nhiên điều này đã thay đổi bởi giờ đây một thương hiệu lâu năm tại châu Âu hay Mỹ về lý thuyết vẫn có thể là hàng TQ nếu như đơn vị nắm hoàn toàn cổ phần có trụ sở tại đại lục. Ví dụ rõ ràng nhất chính là Klei, studio đang sở hữu thương hiệu Don’t Starve. Sau phi vụ bán mình cho Tencent, Jamie Cheng – người sáng lập Klei, nói rằng lý do đồng ý thương vụ là để bản thân và cả nhóm không phải lo lắng về việc tìm kiếm đầu tư cho các dự án mới cũng như vấn đề phát hành nữa.
“Tôi luôn muốn tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho nhân viên, để họ có thể phát triển bản thân mà không cần lo lắng về vấn đề tài chính,” Jamie chia sẻ. Thực tế đó là một chuyện tốt bởi các studio nhỏ (thậm chí là lớn) vẫn thường xuyên đau đầu về vấn đề tiền đâu mỗi khi họ phát triển một sản phẩm mới. Đừng nghĩ công việc làm game sẽ đơn giản và dễ chịu kiểu như một nhóm thiên tài cùng ngồi trước máy tính và gõ hàng loạt đoạn code, xếp hàng chục nghìn bức hình lại với nhau và tạo sự chuyển động cho chúng thế là xong. Câu chuyện làm game vì đam mê rõ ràng là có nhưng muốn nuôi dưỡng đam mê thì tiền bạc chính là thức ăn quan trọng nhất. Thế nên với túi tiền không đấy của các ông lớn tại TQ, những studio may mắn này sẽ được thỏa sức thăng hoa trong sáng tạo mà không cần phải lo nghĩ về cơm, áo, gạo tiền.
Phụ lục
Tencent trở thành công ty game lớn nhất thế giới?
Chắc bạn nghĩ đây cũng là một câu nói đùa, cái gì mà công ty game lớn nhất thế giới, vậy Microsoft, Sony, Electronic Arts… và hàng tá công ty lừng danh trong lĩnh vực game khác tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản bỏ đi đâu? Nếu bạn nghĩ vậy thì xin chia buồn bởi đây là sự thật và có số liệu chứng minh đàng hoàng, không cần sao kê. Số liệu năm 2021 của công ty nghiên cứu thị trường Niko Partners đã chỉ ra rằng Tencent là công ty game lớn nhất thế giới với tổng vốn chủ sở hữu lên đến 778 tỷ Nhân dân tệ, tương đương với 120 tỷ Đô la Mỹ. Nếu làm một ví dụ so sánh đơn giản, có thể thấy con ngáo ộp của ngành game TQ có số tài sản gấp đôi Sony và ngang ngửa với Microsoft. Nhiều tiền như thế để làm gì, để Tencent mua hết cả thế giới thông qua hình thức đầu tư thâu tóm cổ phần của các công ty game khác.
Tính đến giữa năm 2021, dù đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành khắp thế giới thì gã nhà giàu này đã chốt sổ nhẹ nhàng 51 thương vụ thâu tóm có liên quan đến mảng game, gần gấp đôi so với những gì mà họ đạt được trong báo cáo tài chính của năm 2020. Phong cách mua của ông lớn này cũng rất “biết điều” khi tuyệt đối giữ yên lặng nghĩa là ít khi làm rùm beng, cũng không thay tên đổi họ những công ty đã thâu tóm và thường để đội ngũ nhân sự cũ tiếp tục làm những thứ mà họ thích hoặc giỏi nhất. Phong cách mua bán âm thầm này đã trở thành thương hiệu và tencent có vẻ rất thích chơi trò đánh du kích với tham vọng trở thành ông lớn thực thụ của ngành game sau tấm rèm. Tất nhiên thiên hạ chỉ còn cách mắt chữ A mồm chữ O khi mọi thứ đã xong xuôi và được hãng công bố rộng rãi sau khi thương vụ kết thúc trót lọt.
Vì sao Tencent lại giàu đến như vậy? Đầu tiên là việc ông Mã Hóa Đằng (Pony Ma), chủ tịch Tencent chính thức vượt mặt ông Mã Vân (Jack Ma) với khối tài sản ước tính 50 tỷ USD và trở thành người giàu nhất xứ sở gấu trúc. Jack Ma rơi xuống thứ 2 còn người ở hạng 3 hiện tại là ông Hoàng Tranh (Colin Huang) chủ tịch Pinduoduo. Đánh giá về sự thay đổi này, Bloomberg cho biết trong đợt Covid-19 hầu hết các công ty về công nghệ trực tuyến đều tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, trong suốt thời gian dịch bệnh bùng nổ, doanh thu của các game online do Tencent điều hành vẫn giữ được đà phát triển mạnh mẽ. Điều này giúp Tencent tăng cả doanh thu lẫn giá trị cổ phiếu. Với tư cách là người nắm giữ cổ phần lớn nhất tại Tencent, dĩ nhiên khối tài sản của ông Pony Ma đã được tăng lên đáng kể.
Tất nhiên, Pony Ma không phải là kẻ ngồi ăn chờ lãnh cổ tức, với đội ngũ lãnh đạo tài năng công ty của ông ta vẫn liên tục tăng giá trị qua nhiều thương vụ làm ăn mới. Hưởng lợi từ sự bành trướng đó Tencent tiếp tục vươn mình khắp thế giới thông qua các hoạt động mua lại cổ phần các hãng game khác cũng như nhượng quyền phát triển các game bom tấn. Với chỗ dựa là số lợi nhuận khổng lồ trong tay, họ cứ việc chi tiền tấn nhằm mua thêm sự ảnh hưởng của mình trong làng game khắp thế giới. Ngoài việc nắm giữ số lượng cổ phần lớn tại các công ty tên tuổi như Epic Games (40%), Riot (100%), Funcom (100%) hay SuperCell (84%), Grinding Gear Games – cha đẻ của Path of Exile (84%) thì Tencent còn sở hữu cổ phần của nhiều hãng game khác ở mức độ nhỏ hơn. Có thể kể ra vài cái tên khiến người ta sửng sốt như Ubisoft (5%), Netmarble (17,66%), Activision Blizzard (5%), Paradox Interactive (5%)…
Sự cạnh tranh buộc các ông lớn phải thay đổi
Tất nhiên TQ không chỉ có mỗi Tencent vẫn còn rất nhiều cá voi lẫn cá mập khác đang rình rập chờ cơ hội, chỉ có điều họ đi theo nhiều đường hướng khác với cái gã nhà quá giàu kia mà thôi. Trước khi Jack Ma gián tiếp gây rắc rối cho Alibaba thông qua các phát ngôn gây hấn với chính phủ, tập đoàn này đã cùng với Tencent và ByteDance có một cuộc đua trường kỳ đầy thú vị trong lĩnh vực game. Trong khi Tencent đầu tư song song ở thị trường trong nước và quốc tế thì Alibaba cũng không chịu kém cạnh khi ra mắt Three Kingdoms: Tactics. Tựa game này đã tạo ra sức hút cực lớn bởi dựa trên IP nổi tiếng Romance of the Three Kingdoms của Koei Tecmo và biến Alibaba trở thành đơn vị phát hành game di động lớn thứ 4 tại TQ trong năm 2020. Thừa thắng xông lên, Alibaba nhanh chóng nâng cấp mảng sản xuất và phát hành game của mình thành một đơn vị độc lập, đồng thời không giấu diếm ý đồ thách thức quyền lực của Tencent tại TQ.
Về phần ByteDance có lẽ nhiều game thủ sẽ cảm thấy không quen thuộc cho lắm nhưng chắc hẳn ai cũng biết đến TikTok đúng không? TikTok chính là tên gọi trên thị trường quốc tế của Douyin, ứng dụng dịch vụ mạng xã hội chia sẻ video ngắn đang làm mưa làm gió tại thị trường TQ. Sau thành công rực rỡ của ứng dụng này, ByteDance cũng nối gót Alibaba gia nhập vào lĩnh vực game vì miếng bánh lợi nhuận quá béo bở. Để cụ thể hóa tham vọng của mình, công ty công nghệ internet đa quốc gia có trụ sở tại Bắc Kinh đã thuê gần 3.000 nhân viên chuyên về lĩnh vực game để thành lập nhiều studio khác nhau. Bên cạnh mảng sản xuất, ByteDance cũng không quên khâu phát hành game vốn được xem là con gà đẻ trứng vàng tại thị trường TQ. Dù chỉ là một lính mới trong ngành nhưng ByteDance đã chứng tỏ họ có đủ sức thách thức Tencent với hàng loạt sản phẩm được phát hành thành công như Ragnarok X: Next Generation (NSX Gravity) và One Piece: The Voyage (NSX CMGE/Shueisha).
Nối bước truyền thống tốt đẹp của Tencent, ByteDance cũng thâu tóm một số studio nổi tiếng như Moonton (Mobile Legends Bang Bang) và C4 Games (Red Alert Online) để tăng cường khả năng cạnh tranh trong nội bộ. Ngoài cuộc chơi tốn nhiều tiền bạc của Tencent, Alibaba và ByteDance, làng game TQ vẫn có những phi vụ làm ăn có phần nhỏ lẻ hơn nhưng cũng khiến người ta không thể không coi trọng. Vào năm 2020, người ta đã vô cùng choáng váng với sự thành công rực rỡ của những công ty bị đánh giá không thuộc nhóm đại gia như miHoyo, Lilith Game và QingCi Digital. miHoyo nổ phát súng đầu tiên với Genshin Impact, tựa game từng bị chỉ trích dữ dội tại ChinaJoy 2019 vì bị cáo buộc đạo nhái nhiều chi tiết từ Breath of the Wild của Nintendo. Thậm chí chính game thủ TQ đã vác máy PS4 đến ChinaJoy và đập nát để biểu thị sự phản đối. Mạnh mẽ vượt qua những lùm xùm đó, trò chơi do họ sản xuất vẫn tạo ra cú hit lớn trong năm 2020 khi thu về hơn hơn 1.5 tỷ USD trên các nền tảng khác nhau.
Trong khi đó hai tựa game mobile AFK Arena và Rise of Kingdoms của Lilith Games cũng đạt được thành công vang dội thông qua việc liên tục đứng đầu sản xếp hạng có trả phí của App Store và Google Play. QingCi Digital tuy có hơi kém hơn nhưng cũng kịp gây tiếng vang thể loại giả lập (simulator) và rãnh tay (idle game) trên điện thoại bằng The Marvelous Snail. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà Tencent đã mua lại 3,33% cổ phần của QingCi Digital với mức giá 101 triệu Nhân dân tệ. Tính đến tháng 12/2020, TQ là nước có dân số đông nhất thế giới với 1.441.457.889 người, dẫn đến việc quốc gia này chiếm đến 33% tổng doanh thu game PC và di động toàn cầu theo báo cáo từ Niko Partners. Nhưng các NSX TQ không hài lòng với chuyện đó, họ biết rằng miếng bánh trị giá đến 70 tỷ Đô la mỗi năm ở ngoài kia có thị phần rất lớn từ PC/Console và đây cũng là lĩnh vực suốt bao năm nay các công ty sản xuất game tại TQ không thể bén mảng đến. Thế nên thâu tóm là công việc bắt buộc nếu muốn thò chân vào thị trường mà từ xưa đến giờ vốn là cuộc chơi truyền thống của các công ty Âu Mỹ và người Nhật.
Sự nở rộ của game PC/Console “nhà làm” tại TQ
Thâu tóm, học hỏi và dần chuyển đổi sang mô hình tự sản xuất mà nói nôm na theo kiểu thầy Huấn là có làm thì mới có ăn. Chính điều này dẫn đến việc trong những năm gần đây, các sản phẩm “có vẻ” giống bom tấn trên nền tảng PC/Console đến từ xứ sở gấu trúc đã xuất hiện với tần suất dày đặc. Mở màn cho phong trào người TQ cũng biết làm game AAA trên PC/Console chính là dự án China Hero Project. Tại ChinaJoy 2018, Sony đã công bố chi tiết của dự án đầy tham vọng này, theo đó một loạt các nhà phát triển lớn nhỏ có trụ sở tại Trung Quốc sẽ trình làng những tựa game mới do họ phát triển dành cho máy PlayStation 4 với sự giúp đỡ của Sony. Đây là chương trình đặc biệt của Sony nhằm hỗ trợ các nhà phát triển Trung Quốc phát triển và tiếp cận thế giới game console.
Vào thời điểm ra mắt, tiêu điểm của dự án gồm 5 sản phẩm có tiềm năng lần lượt là: Kill X của VIVAGAMES, Project Boundary của Studio Surgical Scalpels, Pervader của Beijing Light & Digital Technology, Hardcore Mecha của Rocket Punch và Lost Soul Aside của Ultizero Games. Ngoài 5 game trên, một sản phẩm “đinh” được xem là gương mặt mở màn cho sự thành công của dự án này chính là Monkey King: Hero Is Back. Đây là một game nhập vai dành cho PlayStation 4 do Hexa Drive phát triển lấy đề tài từ bộ phim hoạt hình nổi tiếng bậc nhất tại TQ: Đại Thánh Trở Về. Đáng tiếc dự án này có vẻ khó mà thành công được bởi ngoại trừ Lost Soul Aside đến thời điểm này vẫn đang nhận được sự chờ đón từ cộng đồng game thủ thế giới thì các sản phẩm còn lại đều đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn khác nhau.
Monkey King: Hero Is Back ra mắt năm 2019 và nhận về những khen chê trái chiều. Một số game thủ cho rằng nếu không quá để ý đến xuất xứ cũng như chơi game với tâm thái sao cũng được thì đây là trò chơi giải trí phù hợp vì Monkey King: Hero Is Back mang đến một trải nghiệm chặt chém khá vui vẻ. Nhưng với cương vị là sản phẩm cầm trịch cho dự án mang nhiều kỳ vọng China Hero Project cũng như sử dụng chất liệu từ IP Tây Du Ký nổi tiếng lẫn bộ phim hoạt hình vừa ra mắt thành công cách đó không lâu, việc thiếu vắng sự cách tân trong lối chơi lẫn cảm giác quá cũ kỹ trong cách dẫn nhập vào cốt truyện khiến tựa game này không tạo được cảm giác mới mẻ so với bộ phim hoạt hình mà nó được chuyển thể. Kill X sớm đổi tên thành Immortal Legacy: The Jade Cipher và ra mắt giữa năm 2020 nhưng không được cộng đồng đánh giá cao với số điểm tổng hợp trên Metacritic chỉ đạt 59. Hardcore Mecha được giới chuyên môn đánh giá cao hơn nhưng cũng chỉ là một sản phẩm thuộc dạng thường thường bậc trung.
Cuối cùng ngoài Lost Soul Aside vẫn còn giữ được nhiệt cùng với Project Boundary đã đổi tên thành Boundary và dự tính phát hành trong năm 2021, những cái tên cả mới lẫn cũ từng xuất hiện trong dự án như Anno: Mutantionem, Evotinction, Convallaria, RAN: Lost Islands… đều rơi vào tình trạng im thin thít và lặn mất tăm. Sự xuất sắc của F.I.S.T.: Forged In Shadow Torch là đáng để ghi nhận nhưng thể loại Metroidvania khá kén chọn người chơi và một cánh én thì khó có thể làm nên cả mùa xuân. Nhìn chung China Hero Project có thể không đạt được thành tích to lớn như đơn vị đầu tư là Sony mong chờ, lẫn thỏa mãn hy vọng của các game thủ bản địa về một tương lai tươi sáng nơi các bom tấn PC/Console “nhà làm” của người TQ được cộng đồng game thủ thế giới chào đón. Tuy nhiên phát súng mở màn này vẫn có những tác dụng tích cực nhất định, giúp cho game thủ trên toàn thế giới biết rằng không thể coi thường các công ty làm game tại TQ bởi rất nhanh chóng sau đó, hàng loạt các sản phẩm “có vẻ” rất chất lượng được giới thiệu liên tục đến cộng đồng.
Những cái tên mới tiếp tục gây ấn tượng mạnh mẽ
Trong số những game PC/Console do TQ sản xuất trong thời gian gần đây, khó cái tên nào có thể vượt qua được Black Myth: Wukong (Ngộ Không: Hắc Thần Thoại). Từ trước đến nay đề tài Tây Du rất nổi tiếng với game thủ Á Đông, chẳng thế mà khi dự án China Hero Project, người ta đã quyết định chọn Monkey King: Hero Is Back làm cái tên vedette. Tất nhiên việc mượn sức hút từ bộ phim hoạt hình ăn khách Đại Thánh Trở Về vừa công chiếu cách đó ít lâu là có thật nhưng không thể không phủ nhận cái tên của hầu ca lúc nào cũng là bảo chứng khá an toàn cho mọi sản phẩm giải trí. Những tưởng phải còn lâu người ta mới được thấy một game Tây Du đúng nghĩa thì mới đây game thủ châu Á đã nhận gói quà lớn khi Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không bất ngờ xuất hiện với hình dáng không thể ngầu hơn trong bối cảnh thần thoại Trung Hoa đúng nghĩa thông qua tựa game Black Myth: Wukong.
Hồi cuối năm 2019, ông Vưu Tạp, giám đốc điều hành của Game Science từng tiết lộ rằng studio của họ tại Hàng Châu đang thực hiện một tựa game ARPG với “tiêu chuẩn quốc tế”. Ở thời điểm đó, thông tin này đã làm nức lòng rất nhiều game thủ bởi Game Science vốn là những người đã làm ra Đấu Chiến Thần, một game online rất được ưa thích tại thị trường Trung Quốc. Vào tháng 4/2020 đến lượt cựu chủ nhiệm mỹ thuật của Đấu Chiến Thần là Dương Kỳ đăng một video trong đó có cảnh vật trông rất giống núi Hắc Phong, khiến các game thủ Trung Quốc càng tin tưởng rằng dự án mới của đội ngũ này sẽ là một game về Tây Du Ký. Giờ thì ai cũng biết tựa game AAA đấy là gì rồi nhưng Black Myth: Wukong chỉ là phần đầu tiên và kế hoạch của Game Science là làm ba bản game khác nhau để hợp thành một trilogy. Nhân tiện thì Game Science cũng là một đơn vị được đại ca Tencent rót vốn đầu tư cùng với Surgical Scalpels (Boundary), UltiZero Games (Lost Soul Aside), Dark Star (Sinner).
Một cái tên khác cũng khá nổi trong giới game thủ có đam mê với thể loại nhập vai phong cách TQ là Faith of Danschant hay Thần Vũ Huyễn Tưởng. Được phát triển bởi Beijing Joyfun và Wangyuan Shengtang, Thần Vũ Huyễn Tưởng là tựa game thuộc thể loại nhập vai theo lượt sở hữu đồ họa 3D đẹp mắt được ra mắt năm 2017. Game được phát triển với đồ họa dựa trên Unreal Engine 4 cùng với công nghệ capture motion, kết hợp âm nhạc và vũ đạo đậm chất cổ phong của TQ giúp tạo nên cảm giác chân thật nhất cho người chơi khi trải nghiệm. Tiếp nối sự thành công của bản đầu tiên, sau đó 4 năm các NSX đã giới thiệu phần tiếp theo mang tên Faith of Danschant: Hereafter (Thần Vũ Huyễn Tưởng: Vọng Chi Sinh). Tuy nhiên lối chiến đấu theo lượt của phần trước đã bị hủy bỏ thay vào đó là phong cách chơi nhập vai hành động đang rất thịnh hành ở thời điểm hiện tại. Tất nhiên vụ “quay xe” nửa đường của Faith of Danschant sẽ khiến người ta ít nhiều cảm thấy nghi ngại bởi chưa rõ khả năng làm game ARPG của Beijing Joyfun và Wangyuan Shengtang đến đâu nhưng dù sao đây cũng là một sản phẩm đáng để trông đợi.
Seasun Kingsoft có thể không phải là đơn vị quen mặt của các tín đồ game offline trên PC/Console nhưng nếu đã từng một thời say mê giết heo, chém nhím, đâm hươu ở Ba Lăng huyện thì chắc ai cũng biết Kingsoft đang ấp ủ một tựa game hành động nhập vai mang tên Swordsman Love The Story of Xie Yunliu (Kiếm Hiệp Tình Duyên Chi Tạ Vân Lưu Truyện). Được giới thiệu trên tài khoản Weibo chính thức của NSX Kiếm Võng 3 vào cuối tháng 3/2021, Võ Lâm Truyền Kỳ Ngoại Truyện hay Kiếm Hiệp Tình Duyên Chi Tạ Vân Lưu Truyện đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của cộng đồng game thủ. Được biết đây là phần ngoại truyện của thương hiệu Kiếm Hiệp Tình Duyên Online, vốn thành công rực rỡ tại thị trường Việt Nam thông qua bàn tay của nhà phát hành VNG. Từ năm 2005 cho đến 2013 đã có 3 phiên bản thuộc dòng game này được trình làng và nhận được sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng game thủ.
Tiếp nối sự thành công của Kiếm Hiệp Tình Duyên Online (Kiếm Võng) 3, Seasun Kingsoft đã bắt tay vào sản xuất Kiếm Hiệp Tình Duyên Chi Tạ Vân Lưu Truyện với nội dung xoay quanh những truyền thuyết về hiệp khách Tạ Vân Lưu. Bản thân Tạ Vân Lưu vốn là đại đệ tử của Lã Động Tân, tổ sư gia của phái Thuần Dương thế nên chắc chắn chuyện xưa của y sẽ khiến không ít người tò mò muốn tìm hiểu. Võ Lâm Truyền Kỳ Ngoại Truyện Theo thông tin từ Seasun Kingsoft, Kiếm Hiệp Tình Duyên Chi Tạ Vân Lưu Truyện được thiết kế trên nền tảng engine tân tiến do đơn vị tự phát triển. Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về trò chơi này ngoại trừ việc đây chắc chắn là một tựa game kiếm hiệp thuộc thể loại ARPG, mảng đồ họa được các nhân sự tại Seasun Kingsoft phụ trách trong khi phần cốt truyện và giám chế được hai đại thần kỳ cựu tại Kingsoft là Dương Bảo và Quách Vĩ Vĩ phụ trách đảm nhiệm. Nếu không có gì thay đổi Võ Lâm Truyền Kỳ Ngoại Truyện có thể sẽ được phát hành trên PC và PS5 vào cuối năm nay.
Nếu Tencent vẫn đang gây bão vì các hoạt thâu tóm lẫn đầu tư của mình thì một đại gia cùng thời là NetEase cũng không ngồi yên để trở thành kẻ lạc hậu. Quân bài mới nhất mà NSX này đưa vào cuộc chơi mang tên Project Ragnarök (Tiên Cảnh Truyền Thuyết), tựa game nhập vai chiến thuật lấy bối cảnh thần thoại Bắc Âu. Thực tế Project Ragnarök vốn chẳng phải cái tên quá xa lạ bởi trò chơi đã được NSX giới thiệu lần đầu vào tháng 5/2020 tuy nhiên phải mất gần một năm sau đó thì những hình ảnh chi tiết hơn về đồ họa cũng như gameplay mới được trình làng chính thức trong trailer mới tại NetEase Connect 2021. Về cơ bản, đồ họa của game khá tươi sáng và phần nào đó thể hiện được những nét đặc trưng trong thế giới thần thoại Bắc Âu. Đoạn trailer cũng mở ra cho game thủ một góc nhìn khá thú vị xung quanh các cuộc xung đột bất tận giữa các chủng tộc tại Cửu Giới. Ngoài những trận chiến đã trở thành kinh điển trong thần thoại Bắc Âu, Project Ragnarök còn giúp người ta hiểu được lý do vì sao Asgard thường xuyên mở những cuộc chinh phạt đến những vùng đất khác.
Nếu những cái tên ở trên đều mang đến cho người ta sự mong đợi thì Wuchang: Fallen Feathers (Minh Mạt: Uyên Hư Chi Vũ) lại nhận về nhiều ý kiến tiêu cực dù thoạt nhìn trò chơi có khá nhiều điểm nổi bật. Cốt truyện của game khá ấn tượng khi kể về giai đoạn rối ren vào cuối thời nhà Minh, sau khi hoàng đế Sùng Trinh tự sát, thế cuộc đã loạn nay càng loạn hơn khi các lực lượng quân phiệt không còn chút kiêng nể nào với triều đình và bắt đầu cuộc chiến tranh giành quyền lực. Nếu từng tìm hiểu lịch sử về giai đoạn Minh Mạt hẳn ai cũng biết đây là lúc TQ vô cùng hỗn loạn khi các lực lượng quân sự của Lý Tự Thành, Ngô Tam Quế đang xung đột dữ dội. Ở ngoài biên cương, quân đội người Mãn Châu của Hoàng Thái Cực đang lăm le xâm nhập vào Trung Nguyên. Chưa rõ Leenzee Games sẽ biến tấu cốt truyện của Wuchang: Fallen Feathers như thế nào với một nữ anh hùng hư cấu bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm sự thật trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này nhưng cũng cần lưu ý là trò chơi đang bị chỉ trích về việc copy xào nấu quá nhiều chi tiết từ các bom tấn khác. Điển hình như màn dùng khủy tay lau máu dính trên kiếm sau khi chiến đấu rõ ràng là chôm chỉa từ Ghost of Tsushima nhưng trông vô cùng thảm hại.
Lời kết
Có thể tương lai của ngành công nghiệp game không còn là cuộc chơi đơn giản dễ nắm bắt suốt bao năm nay giữa Âu Mỹ và Nhật Bản. Với nguồn vốn khổng lồ và thị trường vô cùng to lớn, việc TQ trở thành một đại gia trong lĩnh vực trò chơi điện tử là điều không thể ngăn cản. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rõ ràng về việc này bởi các tập đoàn từ xứ sở gấu trúc có thể nắm rất nhiều đơn vị sản xuất lẫn phát hành game PC/Console trên khắp thế giới nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại họ vẫn chưa trình làng được sản phẩm nào đủ sức thuyết phục cộng đồng quốc tế. Như đã nói ở trên, China Hero Project nhận được nhiều sự kỳ vọng và rõ ràng cũng có một vài gương mặt sáng giá nhưng chỉ từng đó là chưa đủ để chứng minh khả năng làm game của TQ đã vươn đến tầm thế giới như các đồng nghiệp ở phương Tây. Không dừng lại ở đó việc xào nấu các tựa game nổi tiếng cũng là một vấn đề khá nghiêm trọng mà các NSX tại quốc gia tỷ dân phải đối mặt mỗi khi trình làng một sản phẩm mới. Tất nhiên đừng bao giờ dạy người giàu cách tiêu tiền, đến một lúc nào đó nếu cảm thấy tự làm ra một sản phẩm quá khó, biết đâu tất cả sẽ cùng học theo Tencent, cứ vác tiền đi mua hết cả thế giới, vừa nhanh lại vừa khỏe.
Kênh Tin Game rất hân hạnh đồng hành cùng D.G.P để giới thiệu đến các nhà đầu tư. Chơi game kiếm tiền ngại gì không thử? Hãy theo dõi những thông tin mới nhất về tựa game NFT này tại trang chủ cùng gia đình nhà Mọt nhé!
Còn chờ gì nữa mà không vào ngay D.G.Pals để nhận được nhiều phần quà hấp dẫn.