Đối với một số bạn hoài cổ, thường hay chơi những tựa game cũ, hoặc khi cắm chiếc máy console cũ vào TV 4K ngày nay để ôn lại tuổi thơ thì nhận thấy hình ảnh bị mờ nhòe, không được bắt mắt cho lắm.
Nguyên nhân đến từ thuật toán upscaleMột trong những nguyên nhân là do console thời đó, như SNES chẳng hạn, chỉ có thể xuất hình ảnh với độ phân giải 256 x 224 mà thôi. Trong khi đó, TV 4K ngày nay có độ phân giải lên tới 3840 x 2160 lận. Điều này có nghĩa là nếu TV 4K nhà bạn tái hiện hình ảnh của game SNES theo đúng độ phân giải native của console thì nó chỉ hiện đúng… 1 nhúm nhỏ giữa màn hình mà thôi. Lúc đó bạn phải tiến thật sát màn hình để chơi game, có khi còn bị lé luôn là đằng khác.
Chất lượng của các thuật toán upscale phổ biếnThay vào đó, TV 4K của bạn sẽ upscale khung hình của game để nó phủ phần lớn hoặc toàn bộ số pixel trên màn hình TV. Để làm được điều này, các nhà sản xuất TV phải chọn 1 trong số vài thuật toán upscale đang có trên thị trường. Các thuật toán thông dụng nhất là Nearest Neighbor, Bilinear, Bicubic, và Lanczos. Trong đó, Nearest Neighbor là cách đơn giản nhất và nhanh nhất để xử lý, còn Lanczos là lâu nhất và phức tạp nhất.
Tuy nhiên, đối với các phần cứng hiện đại thì nó có thể dễ dàng xử lý các thuật toán trên theo "thời gian thực" luôn (chính xác là có độ trễ từ 16ms trở xuống) nên bạn không phải lo nhé. Riêng mấy thuật toán upscale cao cấp hơn, dùng trí thông minh nhân tạo các kiểu thì có thể tạo ra độ trễ đáng kể đó nha. Tạm thời tụi mình cứ xem như 4 thuật toán trên đều có khả năng xử lý theo thời gian thực đi, vậy thì cái nào sẽ giúp hình ảnh nhìn đẹp nhất sau khi upscale?
Theo như tầm hình so sánh ở trên thì Nearest Neighbor cho ra đồ họa nhìn "bén" và rõ nhất. Những loại còn lại nhìn chung sẽ "hòa trộn" các pixel lại với nhau, khiến hình ảnh trở nên mờ nhòe. Vì thế cho nên thuật toán upscale trên TV 4K của bạn khả năng cao là đang xài loại giống như là Bicubic hoặc Lanczos. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao hãng TV họ lại chọn thuật toán phức tạp, xử lý lâu để cho ra hình ảnh mờ nhòe, trong khi Nearest Neighbor lại ít phức tạp hơn, xử lý nhanh hơn, và cho ra hình ảnh rõ nét hơn?
Thuật toán Nearest Neighbor giúp game retro nhìn đẹp hơn, còn với nội dung khác thì lại… khá xấuLý do ở đây là vì mặc dù Nearest Neighbor cho ra hình ảnh trong game nhìn rõ thiệt đó, nhất là những game ngày xưa mang phong cách pixel art hay retro các kiểu, khi áp dụng lên hầu hết những nội dung hình ảnh khác thì nó lại không được hiệu quả cho lắm. TV của bạn không thể nào biết được bạn đang cắm một chiếc máy console đời cũ để chơi game, vả lại đối với những bộ phim live-action thông thường thì Bicubic và Lanczos cũng sẽ upscale hình ảnh tốt hơn là Nearest Neighbor.
Thế giới ngoài thực tế không được làm từ những pixel, thế nên khi chúng ta upscale hình chụp thì kết quả nhận lại đáng lý ra không nên bị tình trạng "pixelated" (tạm dịch: bị "vỡ" hình). Ngược lại, những tựa game như Mario 2D được làm từ pixel, thế nên khi chúng ta upscale anh chàng thợ sửa ống nước này thì hình ảnh bị "pixelated" là điều hiển nhiên.
Trường hợp bạn muốn hình ảnh game cũ nhìn rõ nét trên màn hình TV ngày nay thì tin vui là trên thị trường có rất nhiều giải pháp cho vấn đề này. Một số thiết bị có thể kể đến như RetroTINK 2X-Classic, FrameMeister, Open Source Scan Converter. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là bạn nên tham khảo kỹ lưỡng các sản phẩm trước khi mua để biết kết quả mình sắp nhận được sẽ ra sao nhé.
Các giải pháp upscale xịn sò hơn khi dùng giả lập chơi game retroCòn nếu bạn chơi game cũ thông qua phần mềm giả lập thì sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn nữa. Những giả lập như RetroArch thậm chí còn có thuật toán upscale hình ảnh xịn hơn 4 loại trên, gọi là sharp-bilinear. Nó sẽ tận dụng Nearest Neighbor để xử lý hình ảnh trước, sau đó dùng Bilinear để "cắt tỉa" lại cho đẹp. Thuật toán này cho phép bạn xoay hình ảnh mà những đường thẳng sẽ ít bị "răng cưa" hơn. Bên cạnh đó là hàng tá thuật toán upscale khác cho bạn tha hồ phối ghép với nhau để tạo ra chất lượng hình ảnh cuối cùng giống với mong muốn của bạn nhất.
Hy vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Nguồn Techquickie biên dịch GVN360