VLTK 1 Mobile và trào lưu mang game cũ trở lại

Liệu VLTK 1 Mobile có thành công?

Rất nhiều game cũ đã được mang trở lại với hy vọng tái hiện lại những ký ức hào hùng năm xưa nhưng thất bại, liệu VLTK 1 Mobile có kết thúc hẳn trào lưu này?

Trải qua hơn 15 năm phát triển, làng game online Việt đã lưu dấu không ít những tác phẩm kỳ cựu lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ cho game thủ. Cũng chính điều đó đã thúc đẩy nhiều NPH xây dựng ý tưởng mang game cũ trở lại hoặc lấy theo phong cách cũ giúp game thủ sống lại những kỷ niệm ngày xưa. VLTK 1 Mobile là sản phẩm mới nhất được cộng đồng mong đợi điều tương tự.

VLTK 1 Mobile và trào lưu mang game cũ trở lại - Ảnh 1.

Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có game nào thực sự trở lại và thành công lại như thời vàng son. Hầu hết đều biến mất sau khi cộng đồng trải qua đợt "sôi sục" nhất thời chuyển sang giai đoạn chán nản rồi lại rời đi. Một số game vẫn trụ lại được, nhưng sự thành công lại không thể sánh bằng thời điểm ban đầu.

Không ai tắm 2 lần 1 dòng sông – mang game cũ trở lại nhưng ký ức không trở lại

Triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus đã nói rằng "Không ai tắm 2 lần trên 1 dòng sông" ý nói thế giới biến đổi không ngừng và dù bạn có cố lặp lại một điều gì thì thời thế cũng đã khác rồi không còn như xưa nữa. Việc các NPH mang game cũ trở lại cũng vậy.

Đó chỉ đơn giản là một nỗ lực thu hút sự chú ý của cộng đồng cũ, tuy nhiên nó chỉ "có phép" trong một thời gian ngắn. Những bài học về điều này xuất hiện từ rất sớm trong làng game qua sự trở lại của MapleStory (Nấm lùn phiêu lưu ký), Ragnarok Online và Cabal Online. Mang game cũ trở lại đúng nguyên bản của ngày xưa nhưng sau một thời gian bằng cách này hay cách khác những nỗ lực này đều không đi đến đâu.

VLTK 1 Mobile và trào lưu mang game cũ trở lại - Ảnh 2.

Ragnarok Online là bài học khá sớm với ý tưởng mang game cũ trở lại

Sau này vẫn còn nhiều cái tên khác có cố gắng có thể kể ra như MU Online, Gunbound, Hiệp Khách Giang Hồ… nhưng đều không đạt được thành công lớn như bản game ban đầu.

Nguyên nhân rất đơn giản như câu của triết gia Hy Lạp bên trên. Vẫn game cũ, vẫn cảnh cũ, nhưng người xưa đã khác rồi. Những người chơi game năm xưa giờ đã trưởng thành, bang hội năm xưa giải tán giờ cũng chẳng thể tập hợp lại đông đủ. Cảnh cũ thì vẫn ở đó nhưng những người cho ta động lực hàng ngày vào game cùng nhau tham gia phụ bản đã không còn. Tự dưng game trở thành một gánh nặng của nỗi buồn, nỗi nhớ người xưa.

Những cơ hội khi tận dụng việc mang game cũ trở lại

Nói như trên không có nghĩa là việc mang game cũ trở lại chỉ toàn thất bại. Thực ra có một vài trường hợp đã vận dụng đúng và đạt được một số thành tích nhất định. Đó là những game chỉ mang phong cách quen thuộc trở lại còn nội dung được thay đổi rất mạnh.

VLTK 1 Mobile và trào lưu mang game cũ trở lại - Ảnh 3.

Trước đó, VNG đã có một VLTK Mobile khá thành công

Đơn cử như Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile do VNG phát hành từ năm 2016 đã khéo léo vận dụng thương hiệu VLTK vào 1 nền tảng game mới và đạt được các thành công nhất định. VNG cũng sử dụng chiến thuật này với thương hiệu Thiên Long Bát Bộ trên mobile và cũng đạt được một số bước tiến.

Rõ ràng chúng ta có thể thấy rằng việc tận dụng mang game cũ trở lại nếu khéo léo khai thác và kỳ vọng những thành công nhỏ hơn sẽ đạt hiệu quả hơn là mang nguyên xi game cũ đã lỗi thời phát hành trở lại.

VLTK 1 Mobile liệu có vượt qua thử thách này?

Qua những thành công nêu trên, NPH VNG đã thử sức với VLTK 1 Mobile theo cùng một công thức đã áp dụng tốt trước đó. Thoạt nhìn bạn có thể thấy phong cách của VLTK cổ điển nằm khắp nơi trong game từ cái màn hình loading cho đến chất đồ họa 2D màu tối quen thuộc đến những cái tên như Dã Tẩu… Đặc biệt là hình ảnh cùng danh sách môn phái cũng lấy nguyên của phiên bản cổ điển.

VLTK 1 Mobile và trào lưu mang game cũ trở lại - Ảnh 4.

Hình ảnh và phong cách đồ họa gợi nhớ phiên bản cũ

Tuy nhiên hệ thống vận hành trong lõi của game thì rất khác biệt, các chức năng tự tìm đường, tự làm quest, cài đặt combo chiêu thức… đều mang hơi thở của game mobile hiện đại. Nói cách khác đây là kỹ xảo dùng phong cách cũ ghép vào lõi của game mới được lặp lại một lần nữa.

Tuy nhiên lần này tính hoài cổ khá cao, tỷ trọng những thứ quen thuộc đậm đà hơn và nó cũng mang đến một điểm bù trừ khác. Mặt trái của sự hoài cổ quá mạnh chính là việc người ta sẽ dễ chán khi đã qua "cơn hype". Khi nhận ra phong cách cũ nhưng người xưa đã không quay về, bang xưa đã không còn đầy đủ, cách chơi đã đổi khác quá nhiều, có thể làn sóng rời đi sẽ bắt đầu.

Đây là một thử thách được báo trước cho VLTK 1 Mobile, sau thời gian háo hức ban đầu và cuộc tìm kiếm kỷ niệm dừng lại, những gì đọng lại liệu có đủ giữ chân lãng khách? Thời gian tới sẽ là câu trả lời cho điều này và rất có thể đây cũng sẽ là dấu chấm hết cho trào lưu mang game cũ trở lại.