Ý tưởng cho bài viết về game tàu chiến và gái anime này đến từ một bức hình so sánh khá thú vị mà Mọt nhìn thấy trên internet. Nó được tạo thành từ hai bộ phận: một bên là bức ảnh chụp các thủy thủ Nhật thời Thế chiến 2 cùng Nhật hoàng Hirohito trên chiến hạm Musashi vào ngày 24/6/1943, và một bên là một cosplayer trong hình dạng Atago của Azur Lane cùng hai anh chàng đô đốc may mắn được cô nàng ngồi lên đùi. Mà có vẻ như một trong hai anh chàng đô đốc kia sắp bùng nổ vì đãi ngộ tuyệt vời này!
Nhân cách hóa mọi thứ thành thiếu nữ đã có từ lâu
Chuyện “hô biến” tàu chiến thành thiếu nữ (chưa phải anime) thực ra đã có từ rất lâu, ít nhất là… hơn 2000 năm trước. Minh chứng cho điều này là cuốn sử thi tiếng Latin có tên Aeneid do Vergilius (hay Virgil) sáng tác vào khoảng năm 29 đến năm 19 trước công nguyên. Nó kể về câu chuyện người anh hùng Aenea đã trở thành tổ tiên của người La Mã như thế nào, và quyển 9 của sử thi này có một đoạn mô tả các tàu chiến của người thành Troy lặn xuống nước rồi biến thành thiếu nữ sau khi nhận được sự phù hộ của nữ thần Cybele do chúng được đóng bằng gỗ từ cánh rừng thiêng của bà. Bạn có thể xem một tóm tắt của quyển 9 trong bộ sử thi Aeneid tại đây.
Và điều này lại làm Mọt đặt ra một câu hỏi. Các con tàu thời xưa thường khá nhỏ, và các tay thủy thủ hay kéo tàu lên cạn để nghỉ ngơi nếu có dịp vào bờ. Họ sẽ làm gì với con tàu của mình? Thực hiện một pha “yêu gỗ” Xylophilia à?
Đó là chuyện cổ đại, còn chuyện nhân hóa vũ khí ngày nay thì sao? Hồi Thế chiến 2, các tay phi công Anh, Mỹ và cả lính tăng của các quốc gia này thường vẽ hình các cô nàng nóng bỏng lên thân cỗ máy chiến đấu của mình, và họ còn gọi chúng bằng những cái tên đầy nữ tính – bạn có thể kiểm chứng điều này một cách dễ dàng trong các tựa game Call of Duty lấy bối cảnh Thế chiến 2 hay Battlefield 1. Như Mọt tui còn nhớ, chiếc tăng Mark V trong phần chơi chiến dịch của Battlefield 1 được gọi là Black Bess, và Bess là một cái tên cho nữ giới nay ít được dùng do bị thay thế bởi Beth và Betsy.
Trong khi lính tăng chỉ viết tên lên xe của mình, các tay không quân – binh chủng “cao sang” nhất của quân đội – thừa thời gian để chăm chút cho chiếc máy bay của mình hơn thế. Các máy bay của Mỹ thường được mô tả với hình ảnh những cô gái sexy mặc đủ kiểu quân phục được cách điệu, và được đặt những cái tên như “công chúa Apache,” “quý cô linh hoạt” hay “cô nàng của Georgie”,… Truyền thống này thật ra vẫn được giữ lại cho đến ngày nay, và đôi khi được biến tấu chẳng hạn lực lượng phòng vệ Nhật còn dán những decal hình thiếu nữ anime to đùng lên các trực thăng chiến đấu của mình.
Và tất cả những điều trên cho thấy rằng không phải chỉ có game thủ mới thích biến các cỗ máy chiến tranh thành những cô nàng nóng bỏng. Vậy nên khi bạn nhìn thấy những tựa game nhân hóa súng ống hay tàu chiến thành gái anime như Girl’s Frontline, Kantai Collection, Warship Girls, Blue Oath, Azur Lane, đừng vội phán là “game chỉ cho wibu” – từ vĩ nhân cổ đại đến những tay lính chiến dày dạn ngày nay đều thích thú với chuyện tưởng tượng các cỗ máy chiến tranh mà mình đang điều khiển là các cô nàng nóng bỏng, và có lẽ họ sẽ trở thành fan của những trò chơi điện tử này nếu thực sự khoái game.
Nhưng tại sao không thấy hình gái anime trên tàu chiến?
Với Mọt tui – một game thủ thích game tàu chiến và đang cày World of Warships vì không có gì khác để chơi, việc trò chơi này hợp tác với Azur Lane và High School Fleet (một bộ anime về thiếu nữ lái tàu chiến) là chuyện khá thú vị. Bỏ sang một bên chuyện nhà phát hành WarGaming hút máu hơn Kotex và nhét mọi thứ vào loot box khiến một tù trưởng châu Phi như Mọt hết sức không hài lòng (và đã không bỏ đồng nào vào game từ gần một năm qua), việc trò chơi “chiêu dụ” những người yêu thích anime lẫn fan của Azur Lane là một chuyện tốt: nó đem lại nội dung mới cho đối tượng game thủ này, trong khi những người không thích chúng hoàn toàn có thể bỏ qua mà chẳng mất gì cả.
Tuy nhiên, sự hào hứng của một bộ phận game thủ World of Warships – trong đó có rất nhiều cựu binh từng phục vụ trên chiến hạm thực thụ lẫn đang trong quân ngũ – khi nhìn thấy các đợt hợp tác này cũng khiến Mọt tự hỏi: tại sao các tay lính thủy cả xưa lẫn nay đều không làm giống như các đồng nghiệp trên không và vẽ hình các cô nàng nóng bỏng vào thân con tàu của mình. Rõ ràng là ngày nay vẫn có rất nhiều người hứng thú với việc đưa các cô gái anime xinh đẹp lên các phương tiện chiến tranh, và chẳng ai còn bận tâm đến chuyện ngụy trang quang học trong thời buổi mà vũ khí không còn cần phải nhìn thấy mục tiêu. Kích thước khổng lồ của con tàu cũng không phải là vấn đề – thực ra tàu càng to thì càng có nhiều chỗ để vẽ.
Và sau khi suy nghĩ cẩn thận, Mọt nghĩ ra một lý do để giải thích tại sao các tay lính thủy từ xưa đến nay đều không vẽ hình các thiếu nữ xinh tươi lên tàu: các chiến hạm ít riêng tư hơn so với xe tăng hay máy bay. Một tổ lái xe tăng chỉ vài người, nên nếu tay trưởng xe Sherman muốn vẽ gái lên thân xe, anh ta chỉ cần sự đồng ý của xạ thủ, nạp đạn, tay lái, trợ lái. Máy bay cũng tương tự: các chiến đấu cơ thường chỉ có 1 hoặc 2 phi công, máy bay ném bom cũng chỉ cần đâu đó 10 người (chẳng hạn phi hành đoàn của B-17 có 9 người) và việc thuyết phục các thành viên này không đến nỗi bất khả thi.
Trong khi đó, bạn hãy tưởng tượng chiếc tàu chiến lớp cruiser Prinz Eugen của Đức vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Con tàu này cần gần 1.400 thủy thủ để có thể đạt sức chiến đấu tối đa, một con số khổng lồ nếu so sánh với xe tăng hay máy bay. Trong số này, một nhóm thích Kantai Collection, một nhóm thích Azur Lane, một nhóm thích Warship Girls và một nhóm muốn giữ con tàu “nguyên tem nguyên số.” Ai sẽ được quyền quyết định sơn cô nàng nào lên thân tàu? Đây có thể là một vấn đề hết sức gian nan, và biết đâu sẽ dẫn đến… phản loạn khi không bên nào muốn bỏ qua waifu của mình và nhường chỗ cho waifu của kẻ khác.