TIN LIÊN QUAN
Trước khi được đưa vào chương trình vũ trụ, Felicette chỉ là một cô mèo hoang lang thang trên đường phố Paris. Dù hoàn thành sứ mệnh của mình, nhưng Felicette có một kết cục bi thảm không kém gì chó Laika.
Mèo Felicette được đưa lên quỹ đạo trong chương trình tên lửa của Pháp vào những năm 1960. Năm 1963, mèo Felicette tham gia vào chuyến đi lên quỹ đạo Trái Đất kéo dài 15 phút.
Vào thời gian này, cũng đã có một số thí nghiệm đưa động vật đi vào vũ trụ, nổi tiếng nhất có lẽ là chú chó Laika. Tuy nhiên, Laika qua đời khi không chịu được sức nóng trong quá trình tàu tiếp xúc với bầu khí quyển. Felicette may mắn hơn Laika khi được hướng dẫn trở lại Trái Đất một cách an toàn.
Cho đến trước chuyến bay của Felicette, chương trình không gian của Pháp mới chỉ đưa chuột vào vũ trụ. Chuyến bay có tên “C341”, đề cập đến địa điểm đặt bệ phóng tại sa mạc Sahara. Felicette chỉ nặng 2,5kg khi lên chuyến bay. Qua những tấm ảnh chụp kỷ niệm, người ta thấy Felicette tự tin, điềm tĩnh trước lúc thực hiện sứ mệnh. Vì vậy, chỉ sau hai tháng huấn luyện, các nhà khoa học Pháp đã cho phép cô mèo thực hiện sứ mệnh vũ trụ nhằm giúp họ nghiên cứu các phản ứng của não bộ sinh vật trong môi trường không gian.
Nhà sử học không gian Robert Pearlman nói với Gizmodo, ông cho rằng nỗ lực đưa con người lên không gian và cuối cùng là mặt trăng giữa các quốc gia vào lúc bấy giờ giống như một cuộc chạy đua khắc nghiệt.
Pháp không có tên lửa riêng nên các phi hành gia thường lên các tên lửa của Nga hoặc Mỹ và kết nối trực tiếp với NASA cũng như ISS thông qua Cơ quan Vũ trụ Châu u. Do đó, mèo Felicette gần như đã bị lãng quên so với các đồng nghiệp của nó như chó Laika.
Sau khi quay trở về Trái Đất được hai tháng, mèo Felicette đã đi lạc và mất tích kể từ đó. Thành tựu của cô mèo phải đợi đến tận 54 năm sau mới được thừa nhận rộng rãi. Matthew Serge Guy, đến từ London, là một giám đốc sáng tạo và là người yêu thích những chú mèo không gian. Anh đã lập quỹ để xây dựng tượng đài tưởng niệm cho mèo Felicette. Hiện bức tượng được đặt ở Đại học Không gian Quốc tế (ISU), Strasbourg, Pháp.
Ý tưởng của Guy đã được hưởng ứng mạnh mẽ. Năm 2017, anh đã quyên góp được 48.000 bằng Anh tiền tài trợ cho dự án. Anh cho biết: “Trong suốt 54 năm qua, câu chuyện về cô mèo đầu tiên và duy nhất đi vào vũ trụ đã bị quên lãng. Cô méo xứng đáng được tưởng niệm. Mặc dù các loài động vật khác từng đi vào không gian như chó Laika và tinh tinh Ham, đều rất nổi tiếng trong văn hóa đại chúng cũng như có những kỷ vật lâu dài, nhưng ít người biết được rằng từng có một cô mèo đi lên vũ trụ.”