Cổ tích có thật: Từng được cả làng nuôi ăn học thuở hàn vi, vị đại gia bất động sản trở về cố hương tặng mỗi gia đình 1 căn biệt thự

Lòng tốt được đền đáp, cả làng chẳng những thoát nghèo mà còn tậu hàng trăm biệt thự nhờ chàng trai được họ nuôi ăn học.

Lòng tốt được đền đáp, cả làng chẳng những thoát nghèo mà còn tậu hàng trăm biệt thự nhờ chàng trai năm ấy được họ góp tiền nuôi ăn học.

Một ngôi làng nghèo ở Trạm Giang, Quảng Đông (Trung Quốc) đã được nâng cấp toàn bộ nhà cửa thành biệt thự với đầy đủ tiện nghi vào năm 2018. Đây là sự đền đáp của chàng trai trong làng nhiều năm trước nhờ sự giúp đỡ của bà con đã được đi học đại học và có thành công như ngày hôm nay.

Đây là một câu chuyện khiến nhiều người vô cùng ngưỡng mộ và cảm phục. Người đã xây gần 300 căn biệt thự cho ngôi làng của minh là Đại gia Trần Sinh (sinh năm 1962). Được biết đây là hành động bày tỏ sự đền ơn đáp nghĩa cho những người đã giúp đỡ ông có được ngày hôm nay.

Theo tìm hiểu, Trần Sinh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 5 chị em, mồ côi bố từ sớm chỉ còn mẹ cơ cực nuôi nấng. Nơi ông sinh sống là một ngôi làng nghèo, nghề chính là nghề nông, hay còn có một cái tên gọi khác là “làng ế vợ” bởi vì muốn thoát nghèo, nhiều thiếu nữ trong làng đã tìm đến một nơi khác để kiếm cho mình một tấm chồng, không phải lâm vào cảnh nghèo đói như ở đây, chỉ còn lại nam giới quanh năm lầm lũi với cái vòng nghèo đói luẩn quẩn. Dù không có điều kiện về mặt kinh tế cũng như môi trường học khó khăn, Trần Sinh không vì thế mà nhụt chí, lại cộng thêm sự yêu thương, ủng hộ từ mẹ, thậm chí cả người dân trong làng, ông luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập và là niềm tự hào của cả làng này. Cảnh nghèo khó vây bám, đã không ít lần ông có ý định bỏ học đi kiếm tiền đỡ đần mẹ, nhưng bà nhất quyết không cho và động viên con phải học, học để thoát nghèo.

Chân dung đại gia Trần Sinh (Nguồn: Internet)

Sau nhiều năm đèn sách, năm 1980 ông đỗ đại học khoa Kinh Tế Đại học Bắc Kinh. Bấy giờ, đây là một niềm vui nhưng cũng là một nỗi lo bởi gia đình còn khó khăn, không đủ kinh tế để nuôi một sinh viên đại học. Nhưng cổ nhân đã có câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, biết chuyện, nhiều người trong làng đã đến chúc mừng và động viên hai mẹ con. Không những thế, họ còn sẵn sàng cho vay mượn thậm chí gom góp tiền cho Trần Sinh đi học với hi vọng sẽ mang lại niềm tự hào cho dân làng, gia đình.

Sau đó, ông tốt nghiệp vào năm 1984 và tìm được một công việc ổn định. Mẹ và người làng vô cùng vui mừng cho ông.

Tuy nhiên, khi công việc đang ổn định nhưng lương lại không cao, Trần Sinh quyết định bỏ việc bởi ông cảm thấy “phi thương bất phú” mặc cho sự phản đối của mẹ. Dời bỏ mác viên chức, ông bắt đầu trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh cả bất động sản. Với đầu óc nhạy bén, có tầm nhìn, chỉ sau 3 năm ông đã có khoản thu nhập đáng kể lên đến cả triệu USD, điều hành công ty bất động sản lớn nhất Trạm Giang.

Không bao giờ dậm chân tại chỗ và hài lòng với những gì mình có, Trần Sinh còn kinh doanh thêm nhiều mảng khác như rượu vang, nước tăng lực, thực phẩm… Sau nhiều năm nỗ lực không ngừng, thương hiệu “Lợn bản địa số 1” của ông nổi tiếng khắp Trung Quốc, phủ khắp trên 30 tỉnh thành và thành phố lớn ở đất nước tỉ dân này và thu về doanh thu cả tỉ nhân dân tệ. Hiện ông cũng phủ sóng thịt của mình trên các trang thương mại điện tử và được ủng hộ nhiệt tình.

Khi đã có chỗ đứng, kinh tế vững chắc ông vẫn không ngừng nhớ về ngôi làng với những người dân đã từng giúp đỡ ông có bước đệm vững chắc như hôm nay. Ban đầu, ông đầu tư xây dựng lại đường xá, trường học, lát xi măng để bà con nơi đây có một môi trường sống tốt hơn. Sau đó, để tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho mọi người, ông đã xây hẳn 1 cơ sở chăn nuôi lợn tại làng và thuê họ làm, thu nhập của dân làng từ đó tăng lên đáng kể. Tuy vậy, sau nhiều năm làm việc, ông thấy người dân vẫn chưa có được một ngôi nhà khang trang để ở, không chần chừ ông đã chơi lớn, chi hơn 200 triệu tệ để xây 258 căn biệt thự trên đất do chính quyền cấp. Độ rộng của mỗi căn lên tới 280m2, đầy đủ phòng ngủ, phòng khách, sân vườn, nhà xe.

Vốn là tay buôn bất động sản, với tầm nhìn dài hạn ông còn xây thêm một số dãy biệt thự nhỏ để phát triển du lịch nông thôn. Điều này cũng chính là góp thêm phần tăng thu nhập cho dân cư ở dây. Không những thế ông còn chiêu mộ nhiều giáo viên giỏi với mức lương hấp dẫn để trẻ em ở đây có môi trường học tập tốt hơn.

Tháng 6 năm 2018, khi đã hoàn thiện dự án, Trần Sinh cùng mẹ và gia đình của mình về trao chìa khóa cho mọi người. Dân làng ai cũng vui mừng và hạnh phúc vô cùng vì sự hào phóng, tấm lòng lương thiện của ông. Đáp lại, ông chỉ khiêm tốn cho rằng đây chỉ là sự đền đáp xứng đáng vì sự giúp đỡ của mọi người năm xưa mà thôi, và đây là điều ông nên làm.

Hình ảnh dân làng vui mừng trong lễ “tân gia” (Nguồn: Internet)

Ngôi làng nghèo lụp xụp năm xưa nay phút chốc đã hóa thành “làng triệu phú”. Nhiều cư dân mạng cho rằng, những người dân làng này đổi đời không phải nhờ may mắn, mà đây chính là cái giá họ xứng đáng được nhận vì tấm lòng tương thân tương ái, tinh thần đùm bọc và thương yêu lẫn nhau giữa mỗi con người có cùng chung quê hương, nguồn cội. Chính sự tử tế của người dân nơi đây, đã góp phần tạo nên một con người trọng tình trọng nghĩa, uống nước nhớ nguồn như Trần Sinh

Trong ngày vui này, ông cũng phát biểu rằng:

“Mai này, tôi sẽ già đi và về với tổ tiên. Việc tôi xây biệt thự và tạo kế sinh nhai cho mọi người là điều khiến tôi rất hạnh phúc. Tôi mong mọi người chăm lo cho thế hệ con cháu để chúng có điều kiện học hành và thành công. Tôi hi vọng sẽ có hàng trăm Trần Sinh để làng của chúng ta ngày càng phát triển”.

Nhiều người dân trong làng giờ đây chính họ cũng vẫn chưa tin rằng, với sự giúp đỡ chút ít năm xưa mà giờ đây họ được đền đáp nhiều đến vậy. Nhưng đối với Trần Sinh, đó là cả một ân tình to lớn. Nhờ thế, giờ đây dân làng đã có một cuốc sống sung túc, đầy đủ. Bởi thế mới nói, lòng tốt sẽ luôn được đền đáp xứng đáng.