Ý kiến của vị Đại biểu Quốc hội này về vấn đề game và môi trường Internet đã nhận phải khá nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng Trung Quốc.
Trong nhiều năm gần đây, Esports nói riêng và các loại hình giải trí Internet nói chung đã dần trở thành một nét văn hóa phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là tại các nước Á Đông, điển hình như Trung Quốc. Người ta đã nói quá nhiều về việc các loại hình dịch vụ Internet mang lại lợi nhuận khổng lồ đến thế nào cho đất nước đông dân nhất thế giới, chẳng hạn như việc Tencent đã trở thành tập đoàn có quy mô lớn bậc nhất toàn cầu như thế nào, nhờ vào hoạt động kinh doanh các loại hình giải trí Internet, đặc biệt là game online.
Tuy nhiên, sự phát triển phi mã của ngành công nghiệp này cũng dẫn đến một hệ lụy cực lớn tới một bộ phận không nhỏ giới trẻ Trung Quốc, khi xuất hiện những “căn bệnh 4.0” như: sống ảo, nghiện game, hay nặng nề hơn là những chiêu trò câu view rẻ tiền, biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới nhận thức của lớp trẻ.
Mới đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí, ông Li Jun – Phó Đại biểu Quốc hội Nhân dân Trung Quốc, đã có những nhận xét cực kỳ gay gắt về vấn đề này. Trong buổi trả lời phỏng vấn, ông Li đưa ra 2 luận điểm chính: 1. Môi trường Internet hiện nay quá độc hại, và 2. Việc giới hạn giờ chơi game của trẻ vị thành niên thực tế không mang lại hiệu quả, cần có biện pháp gay gắt hơn.
“Trong những năm gần đây, với sự phổ biến của các nền tảng phát sóng trực tuyến (livestream), một số lượng lớn những ‘ngôi sao Mạng xã hội’ đã có cơ hội để kiếm rất nhiều tiền, khiến lĩnh vực này trở nên thịnh hành, nhưng cũng kéo theo đó nhiều vấn đề xã hội: Chưa có nền tảng nào kiểm soát được chất lượng người dùng và lưu lượng truy cập, những chiêu trò câu donate ‘kinh khủng’, gian lận dữ liệu, nội dung thô tục, trốn thuế…” – Ông Li Jun chia sẻ với tờ Chinanews.com – “Một số quan chức địa phương đã đệ trình những đề xuất về việc cần kiểm soát chặt chẽ các nền tảng phát sóng trực tiếp trong các kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi đầu năm nay.”
Trả lời phỏng vấn của tờ Red Star News, ông Li Jun tiếp tục nhấn mạnh: “Sự hỗn loạn trong việc khai thác, sáng tạo nội dung của các nền tảng livestream diễn ra một cách vô tội vạ, bóp méo cả những giá trị xã hội.
Dù đã có rất nhiều cảnh báo về vấn đề giới hạn nội dung và độ tuổi, nhưng hầu hết các kênh livestream hiện nay vẫn đào sâu khai thác những nội dung theo công thức ‘sốc óc’, nếu không dùng ngôn ngữ thô tục thì cũng bày trò ăn mặc hở hang, cố tình lộ hàng để câu kéo người xem. Điều đáng nói là có rất nhiều người dù không có tài năng gì, nhưng lại kiếm được rất nhiều tiền nhờ những chiêu trò phát cảm này, mỗi một streamer như vậy có thể kiếm được vài ngàn Nhân dân tệ mỗi ngày… Điều đó sẽ khiến giới trẻ nảy sinh tâm lý nóng vội làm giàu mà lao vào những loại hình kiếm tiền không mang lại bất kỳ giá trị nào cho xã hội và bản thân họ.
Hãy thử nghĩ, nếu chỉ cần bật livestream và nằm ngủ mà cũng kiếm được tiền, thì trong tâm trí nhiều người, việc chăm chỉ lao động và làm những công việc chân chính sẽ là điều hoàn toàn vô nghĩa, rồi họ sẽ dần dần chuyển sang việc kiếm tiền từ những chiêu trò như vậy.”
Đề cập tới vấn đề nghiện game, ông Li Jun cho biết: “Năm ngoái, chính phủ đã thiết lập những điều luật về việc kiểm soát, giới hạn giờ chơi đối với trẻ vị thành niên. Tuy nhiên thực tế là họ có rất nhiều cách để lách luật. Nhiều cô cậu bé hiện giờ vẫn dùng căn cước của bố mẹ hoặc người lớn trong gia đình để làm giả thông tin, từ đó vẫn thoải mái chơi game mà không gặp vấn đề gì.
Tôi cho rằng, chúng ta cần cấm triệt để trẻ vị thành niên chơi game. Các nhà làm game sẽ chỉ được cung cấp dịch vụ cho những khách hàng trên 18 tuổi. Tốt nhất là nên thiết lập một hệ thống bảo mật với tính năng nhận diện khuôn mặt, người sở hữu tài khoản game phải đăng ký nhận diện khuôn mặt, và nếu họ được xác nhận chưa đủ 18 tuổi thì sẽ không thể đăng nhập vào game.”
Những phát biểu của ông Li Jun, đặc biệt là về việc “cấm người dưới 18 tuổi chơi game”, hiện đang nhận phải khá nhiều phản ứng trái chiều đến từ cộng đồng mạng Trung Quốc. Dĩ nhiên, với việc sở hữu một bộ phận đông đảo người dùng thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên, thì đề xuất của vị Phó đại biểu Quốc hội này chẳng khác nào động chạm đến quyền lợi của cư dân mạng xứ Trung, và đã vấp phải những chỉ trích kịch liệt.