Đánh giá King Arthur: Knight’s Tale – Một câu chuyện khác về xứ Camelot

King Arthur: Knight's Tale là một tựa game nhập vai hành động kết hợp với lối chơi theo lượt, được phát triển bởi NeoCoreGames.

King Arthur: Knight’s Tale là một game chiến thuật nhập vai, kết hợp với lối chơi theo lượt (turn-based RPG), được phát triển bởi NeoCoreGames, một trong những nhà sản xuất chuyên khai thác về những đề tài lấy bối cảnh trung cổ, pha trộn với các yếu tố kỳ ảo đen tối, hay như nhiều người gọi đây là thể loại dark fantasy. NSX này đã từng phát hành những dự án game fantasy đình đám như Warhammer 40000: Inquisitor và Van Helsing.

Đánh giá King Arthur: Knight's Tale

Tựa game này không chỉ giúp cho người chơi phần nào hiểu được những truyền thuyết về vị vua Arthur đã từng xuất hiện và lãnh đạo vương quốc Anh, mà còn mang đến cho game thủ một góc nhìn khác về tinh thần hiệp sĩ trong một thế giới thần thoại kỳ ảo, bao trùm bởi các yếu tố hắc ám huyễn tưởng.

Một truyền thuyết khác về vua Arthur và hội Hiệp sĩ Bàn tròn

Đến với King Arthur: Knight’s Tale, bạn sẽ được hoá thân vào Sir Mordred, một người từng sánh vai với các Hiệp sĩ Bàn tròn (Knights of the Round Table) nhưng sau này trở thành kẻ thù không đội trời chung với vua Arthur. Trong một trận chiến đậm chất sử thi thần thoại, Mordred tưởng chừng đã hạ gục được Arthur nhưng trước khi trút hơi thở cuối cùng, vị vua đã rút kiếm và đâm một nhát chí mạng vào tim của ông. Cả hai hiệp sĩ đều ngã gục tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó.

Đánh giá King Arthur: Knight's Tale

Bằng phép màu của mình, Nàng tiên Vùng Hồ (The Lady of the Lake) đã hồi sinh Mordred và giao cho ông trọng trách phải tiêu diệt cho bằng được Arthur bởi sau khi được đưa về vùng đất Avalon để chôn cất, thể xác của vị Vua bất ngờ hồi sinh và trở thành một thực thể tàn ác với âm mưu gieo rắc nỗi kinh hoàng lên toàn cõi Camelot. Thế là cuộc phiêu lưu của Sir Mordred chính thức bắt đầu.

Mỗi quyết định sẽ thay đổi số phận của nhiều nhân vật

Mordred tuy được hồi sinh bởi Nàng tiên Vùng Hồ để tiêu diệt Vua Arthur nhưng sự thật đằng sau những lời nói của cô ta vẫn là một điều bí ẩn và nhiệm vụ của bạn bây giờ là tự mình khám phá và giải đáp cho tất cả những khúc mắc này. Đây cũng chính là điểm nhấn đầu tiên của King Arthur: Knight’s Tale. Về cơ bản, cốt truyện của game không được định sẵn, mà sẽ bị ảnh hưởng bởi sự lựa chọn của người chơi trong suốt quá trình trải nghiệm. Với mỗi lựa chọn khác nhau, trò chơi sẽ mang đến cho chúng ta nhiều kết quả và sự kiện khác nhau. Yếu tố này không chỉ mang đến sự đa dạng trong lối chơi, mà còn giúp tạo ra thử thách thú vị và tăng giá trị chơi lại, khiến cho game thủ cảm thấy không bị nhàm chán.

Đánh giá King Arthur: Knight's Tale

Hệ thống nhân vật cũng được nhà phát triển thiết kế tương đối đa dạng, với hơn 30 hiệp sĩ, thầy pháp và cung thủ khác nhau, được chia đều cho 6 class, bao gồm: Defender, Champion, Marksman, Arcanist, Sage và cuối cùng là Vanguard. Không chỉ sở hữu bộ kỹ năng chiến đấu tiêu chuẩn, vài nhân vật khác còn có khả năng sử dụng một số loại chiêu thức và hiệu ứng đặc biệt. Bên cạnh đó, chúng ta không thể nào không nhắc đến cơ chế loot đồ tìm chiến lợi phẩm cũng như hệ thống vật phẩm và trang bị. Nói một cách dễ hiểu, người chơi còn có thể ‘săn’ đồ, như vũ khí, giáp và những món phụ kiện hỗ trợ, để nâng cấp và tăng thêm sức mạnh cho những chiến binh yêu thích của họ.

Và cũng như các trò chơi RPG dạng cày cuốc khác, vì những món vật phẩm này thường sẽ có nhiều cấp bậc (Tier) và độ quý hiếm (Rarity) khác nhau, nên chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những thông số chiến đấu của nhân vật. Tuy nhiên cũng có một số lưu ý, mỗi class chỉ được phép dùng những trang bị được cho phép, ví dụ như Hiệp sĩ thì không thể mặc đồ của Cung thủ hay Thầy pháp và ngược lại, Thầy pháp không thể nào dùng được vũ khí của hai class còn lại.

Chưa dừng lại ở đó, lối chơi dàn trận theo lượt, di chuyển qua từng ô vuông còn được khai thác và xây dựng xoay quanh hai thông số chính, đó là Điểm giáp (Armor Points) và Điểm hành động (Action Points). Trong mỗi trận đánh, khoảng cách di chuyển của nhân vật sẽ phụ thuộc vào điểm giáp. Nếu giáp càng nặng thì di chuyển càng chậm (đi được ít ô) và ngược lại, giáp thấp sẽ đi được nhiều ô hơn. Đương nhiên, đó chỉ là những lý thuyết cơ bản của một game turn-based, thực chất những chỉ số này còn phụ thuộc một phần vào trang bị cũng như những kỹ năng, chiêu thức bổ trợ mà nhân vật đó đang sở hữu.

Đến với King Arthur: Knight’s Tale, game thủ sẽ phải đối mặt với nhiều kẻ thù hùng mạnh trong nhiều màn chơi khác nhau. Tuy nhiên, vì điểm máu và giáp của nhân vật không thể tự hồi phục trong giữa trận được, nên chúng ta cần phải cẩn thận với từng bước chân và từng cuộc chạm trán của họ với kẻ địch. Bất kỳ hiệp sĩ nào bị giết trong trận đấu, thì coi như họ sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Vì thế nên đôi khi chiến thuật tránh mặt những ải có nhiều kẻ địch và tập trung hoàn thành nhiệm vụ chính sẽ hiệu quả hơn là cố chấp lao vào giết hết tất cả kẻ thù để rồi tất cả những gì mà bạn nhận được là sự thất bại nặng nề. Như dân gian ta thường nói: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào.”

Tất nhiên với những game thủ ưa thử thách thì việc chết rồi mất luôn nhân vật sẽ không làm họ quá quan ngại bởi đã có cơ chế Save/Load hỗ trợ tận răng nhưng dù sao không phải ai chơi game cũng có máu thích tự ngược đãi bản thân nên như đã nói ở trên, bạn vẫn có thể tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ mà không nhất thiết phải đồ sát sạch sẽ mọi thứ có mặt trên bản đồ.

Hình âm mang đặc trưng của thể loại hắc ám huyễn tưởng

Chất lượng hình ảnh của King Arthur: Knight’s Tale được thiết kế khá chi tiết và tương đối tỉ mỉ, phù hợp với bối cảnh thần thoại u tối của thời trung cổ nhưng dường như vẫn chưa đạt được đến mức có thể xem là tuyệt vời, thậm chí đôi khi còn mang lại cảm giác khá… nhạt nhẽo và nhàm chán. Ngoài ra ngoại hình và các chuyển động của nhân vật trong lúc chiến đấu tuy được đội ngũ phát triển thực hiện khá đẹp mắt nhưng cũng như đã nói ở trên, trò chơi vẫn chưa thực sự khiến cho người chơi mãn nhãn. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cách mà NSX muốn tận dụng để mang đến sự độc đáo cho từng hiệp sĩ Bàn Tròn nhưng theo Mọt tui nhận xét thì chất lượng đồ họa của tựa game này vẫn chưa được chăm chút một cách kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, thời gian load map cũng được tối ưu khá tốt. Để cho dễ hiểu, các màn chơi được load vào rất nhanh mà không cần đến sự trợ giúp của những ổ SSD đắt tiền.

Về mảng âm thanh, cá nhân Mọt cảm thấy nhà phát triển vẫn chưa có sự đầu tư. Tuy các bản nhạc, lời thoại và khả năng biểu đạt cảm xúc của nhân vật được tận dụng một cách tương đối hiệu quả trong nhiều phân cảnh, lẫn các nhiệm vụ và tình huống xuyên suốt quá trình chơi. Nhưng vẫn không thể tránh khỏi việc trùng lặp, dẫn đến tình trạng… nhàm tai, theo sau đó là không quan tâm thậm chí không muốn nghe lại nữa vì nghe hoài một vài giai điệu thì dù hay và hợp hoàn cảnh cách mấy cũng sẽ cực kỳ mệt mỏi.

Trước khi có dịp được trải nghiệm King Arthur: Knight’s Tale, Mọt tui nghe nhiều người than thở rằng trò này nhiều bug với lỗi nghiêm trọng lắm. Điển hình như việc bấm chuột để di chuyển đến vị trí này, vị trí kia như bình thường nhưng bỗng nhiên đến một lúc nào đó, game tự động crash ra đến màn hình desktop. Ấy thế mà đã hơn 5 giờ chơi và cũng hoàn thành được kha khá nhiệm vụ nhưng Mọt tui vẫn chưa gặp phải vấn đề gì. Rất có khả năng những lỗi này đã từng xuất hiện trong những phiên bản đầu tiên nhưng NSX đã nhanh chóng xử lý ở những bản cập nhật vá lỗi sau này.

Lời kết

Nhìn chung thì mãi cho đến tận bây giờ, không nhiều nhà sản xuất có khả năng khai thác thể loại game đánh trận theo lượt (turn-based) một cách hiệu quả và nhà phát triển NeoCoreGames cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Khi đặt King Arthur: Knight’s Tale lên bàn cân để so sánh với những trò chơi cùng thể loại (như X-Com chẳng hạn), thì ngoài yếu tố thần thoại huyền ảo u tối kết hợp với truyền thuyết về vua Arthur ra thì nó này vẫn chưa thực sự mang đến cho người hâm mộ nhiều trải nghiệm mới mẻ. Nhưng dù sao thì đây vẫn là một trong những tựa game giải trí hợp lý, đặc biệt sẽ nằm ở mức khá tốt nếu như gu của bạn là các truyền thuyết về Hiệp sĩ Bàn Tròn và phong cách dark fantasy.

Chấm điểm: 7.5/10

Ưu điểm:

  • Một góc nhìn mới về vua Arthur và các Hiệp sĩ Bàn Tròn
  • Đồ họa, âm thanh và lời thoại nhân vật được thiết kế tỉ mỉ
  • Thời gian load màn chơi rất nhanh
  • Hệ thống nhân vật đa dạng, không gây nhàm chán
  • Nhiều thử thách thú vị xuyên suốt quá trình chơi
  • Giá trị chơi lại cao

Nhược điểm:

  • Hình âm được chăm chút nhưng có cảm giác chưa thật sự tốt
  • Lối chơi chiến thuật không có nhiều điểm đột phá

Chủ đề kỳ ảo u tối hay còn gọi là dark fantasy, mãi cho đến tận bây giờ vẫn là một trong những nguồn cảm hứng chính cho nhiều nhà văn, tiểu thuyết gia hay thậm chí là những nhà làm game trên toàn thế giới. Một trong số những nhà phát triển khá nổi tiếng trong việc khai thác chủ đề này một cách vô cùng hiệu quả, đó chính là Creative Assembly cùng với thương hiệu dàn trận đình đám – Total War: Warhammer.

Đầu tháng hai vừa qua, chúng ta vừa được mãn nhãn với sự xuất hiện của Total War: Warhammer 3, phần cuối cùng của bộ trilogy TW:Warhammer. Tìm hiểu thêm về siêu phẩm game dàn trận TW:Warhammer 3, cũng như những thông tin liên quan đến truyền thuyết về vũ trụ của Warhammer Fantasy tại đây.

Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.