Dự án “Nghiên cứu nồng độ các chất trung gian dẫn truyền thần kinh hệ Dopaminergic, Serotonergic trong nước tiểu và mối liên quan với các rối loạn hành vi ở người nghiện game” của đôi bạn xuất sắc giành giải Nhất ở lĩnh vực Y sinh và khoa học sức khỏe ở cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018.
Khoa và Nam thuyết phục được Ban giám khảo khi đưa ra được một phương pháp mới giúp chẩn đoán sớm nghiện game bằng cách lấy mẫu không xâm lấn cơ thể qua nước tiểu. Đây cũng là dự án đầu tiên thực hiện định lượng 4 chỉ số dopamine, HVA, serotonin và 5-HIAA tại Việt Nam.
Hà Khoa chia sẻ: “Dự án xuất phát từ việc chúng em quan sát thấy nhiều bạn xung quanh nghiện game, và nó được coi là một dạng bệnh lý, tác động ảnh hưởng rất lớn về cả tinh thần và thể chất. Qua học tập, chúng em nhận ra có mối liên quan giữa một số chất trung gian dẫn truyền thần kinh và việc nghiện game. Cụ thể, khi thần kinh hưng phấn vì chơi game thì con người sẽ tiết ra rất nhiều chất dẫn truyền thần kinh, sau đó được phân hủy và thải qua đường nước tiểu. Chúng em tìm cách đo và khảo sát nồng độ 4 chất này”.
Còn Phương Nam nhớ lại rằng ấn tượng nhất mà có lẽ cũng khó khăn nhất với đôi bạn là việc tìm và thuyết phục được nhóm nghiện game và nhóm đối chứng để có thể so sánh tìm ra được sự khác biệt.
Thử thách đầu tiên trong chuỗi hành trình là thuyết phục… xin nước tiểu.
Để có thể tìm “đối tượng”, ngoài quan sát, đôi bạn phải đối chiếu với chẩn đoán nghiện game qua những khảo sát dựa trên triệu chứng mà Hội tâm lý học Mỹ đưa ra. Quá trình này thực sự mất rất nhiều thời gian.
Thời gian đầu, cả hai lân la các quán game trên địa bàn Hà Nội, nhưng mọi việc không mấy khả quan. “Rất khó để có thể thuyết phục các bạn nghiện game. Chúng em phải nhờ tới cả sự giúp đỡ từ phía UBND phường và giáo viên chủ nhiệm để thuyết phục các bạn tham gia. Có rất nhiều bạn không đồng ý, và nếu có thì ở giai đoạn sau các bạn có thể nói dối về một số câu hỏi trong phiếu khảo sát hoặc cố tình không hợp tác bằng cách cho nước lã vào hay thay mẫu nước tiểu của người khác”.
Từ 200 người, trừ đi số không hợp tác, Khoa và Nam chỉ còn vỏn vẹn 51 bạn sau quá trình lọc. Chưa kể phải xác định những người này không thuộc diện có các hoạt động khác liên quan đến tăng tiết hệ Dopaminergic, Serotonergic như hút thuốc, uống rượu.
Ngay cả với nhóm đối chứng thì việc xin từng mẫu nước tiểu cũng không phải dễ dàng. “Có một số bạn chúng em mời giúp đỡ nhưng không đồng ý bởi các bạn cảm thấy đó là việc tế nhị nên ngại ngùng”.
Để có thể hoàn thành được dự án, đôi bạn cũng phải học thêm nhiều về các loại máy và cơ chế sử dụng máy. “Chúng em đã tìm hiểu nhưng chưa đủ và phải học chuyên sâu hơn. Nhưng rất may, chúng em nhận được sự hỗ trợ của thầy giáo hướng dẫn là Trịnh Việt Văn và một bác sĩ ở Bệnh viện 103 về một số kiến thức y khoa, kỹ thuật định lượng…”.
Với những nỗ lực không mệt mỏi để theo đuổi đề tài đến cùng, đôi bạn cũng có được kết quả như kỳ vọng.
Sau thực nghiệm, kết quả so sánh những chỉ số giữa hai nhóm có sự khác biệt rõ ràng.
Do kích thích của game, nồng độ dopamine và serotonin ở nhóm nghiện game tăng nhưng HVA và 5-HIAA lại giảm so với nhóm đối chứng, chứng tỏ hoạt động của hệ Dopaminergic và Serotonergic ở người nghiện game đã bị suy yếu.
Lần lượt ở nhóm giảm HVA, 5-HIAA tỷ lệ mắc các triệu chứng giống nghiện ma túy, trầm cảm cao hơn rõ rệt so với nhóm không giảm các chỉ số này.
“Khi đó, người sẽ bị rối loạn hành vi giống nghiện ma túy và trầm cảm và có những hành vi khác so với người bình thường”.
Đôi bạn cũng phân tích số liệu và đi đến kết quả là nghiện game trong thời gian dài thì khả năng tiết dopamine và serotonin của người giảm đi,chứng tỏ có tình trạng kệt quệ của hệ Dopaminergic và Serotonergic ở những người này.
“Bình thường ở nhóm nghiện game nồng độ 2 chất này đều phải thấp hơn nhưng nồng độ dopamine và serotonin sẽ tiết ra lúc mình chơi game. Bởi vừa chơi game xong nên chỉ số tăng rất nhanh và tiết ra nhiều như thế nên về sau bị kiệt quệ dần như một người ốm. Về sau chúng em còn so sánh thêm giữa 2 nhóm mới nghiện game và nghiện lâu dài rồi thì nồng độ các chất này ở nhóm mới nghiện game đều cao hơn với nhóm nghiện từ lâu” – Phương Nam chia sẻ.
Phương pháp của đôi bạn mở ra hướng nghiên cứu phương pháp tác động lên hệ Dopaminergic và Serotonergic để làm tăng hiệu quả cai nghiện cho người nghiện game. Điều này gợi ý cho các nhà nghiên cứu y, dược học sử dụng các cây thuốc đông y giàu dopamine và serotonin, tạo ra các viên nén thay thế thuốc tây y trong điều trị nghiện game.
Tuy nhiên, đôi bạn cũng nhìn thấy rằng những chất được tiết ra từ sự phấn khích của chơi game cũng có thể có từ sự phấn khích khác như hút thuốc, uống rượu hay quan hệ tình dục,…
“Do đó chúng em phải phân tích trên những con số cụ thể kết hợp với triệu chứng của người nghiện game, chứ không phải riêng rẽ. Trong tương lai, chúng em hy vọng có thể tiếp tục nghiên cứu thêm để loại bỏ những yếu tố gây nhiễu này. Qua đó có những chỉ số rõ ràng hơn cho từng đối tượng” – Hà Khoa nói về dự định thời gian tới.
Hướng phát triển mà đôi bạn xác định sẽ có hiệu quả hơn là tìm ra những loại thực phẩm có khả năng chứa hàm lượng các chất này cao để bổ sung cho những người nghiện game một cách an toàn, theo dạng bù hụt, góp phần tăng hiệu quả điều trị bệnh.