Một năm cực kỳ tồi tệ với ông lớn EA cùng các quả bom xịt của mình. Nó thậm chí còn tồi tệ hơn, khi mà các đối thủ cạnh tranh của họ như Sony hay Microsoft đều gặt hái được cực nhiều thành công. Kết quả đáng buồn ấy của EA đã được báo trước kể từ đầu năm, khi mà quân bài được xem là chiến lược của họ Mass Effect: Andromeda đã thất bại một cách thê thảm và đau đớn. Câu chuyện của Mass Effect: Andromeda là một ví dụ điển hình của câu nói: “hy vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn”. EA đã kỳ vọng quá nhiều vào tựa game này, và đưa ra những bước đi truyền thông tương đương với kỳ vọng ấy. Quá nhiều hứa hẹn, quá nhiều viễn cảnh tươi đẹp được vẽ ra trước mặt game thủ, cộng thêm với những thành công của tựa game trước đó, đã khiến họ tin rằng Andromeda sẽ là một tuyệt tác của năm. Kết quả, khi Andromeda ra mắt, chính kỳ vọng cao vời ấy đã ngay lập tức giết chết tựa game này.
Thất bại đầu tiên của game đến từ mặt kỹ thuật. Theo góc nhìn này, Andromeda đã mắc phải vô số những lỗi cực kỳ đáng trách như sự khô cứng về animation hay sự trục trặc về mặt đồng bộ. Với một ông lớn như EA và một tựa game lớn như Andromeda, đây là những lỗi không được phép mắc phải. Tuy nhiên, chúng đã xuất hiện, và người ta đồn rằng nguyên nhân là vì quá trình phát triển của game đã bị ép tiến độ. Tin đồn này được xác nhận cách đây không lâu, bởi một thành viên từng đứng trong đội ngũ làm game. Người này cũng chỉ ra rằng có một vài ý tưởng cực hay đã bị gạt khỏi game để cho kịp tiến độ. Một sai lầm khác mà EA mắc phải với Mass Effect: Andromeda, đó là việc game giấu những thứ hay ho của mình quá sâu. Đây cũng là lỗi họ từng mắc phải với Need For Speed: Payback (và đây cũng là một thất bại của EA, hiển nhiên). Hệ thống chiến đấu của game bị đánh giá là giống như một phiên bản làm lại đáng thất vọng của hệ thống trong game cũ. Trong khi đó, có khá nhiều thứ hay ho như không gian vô trọng lực hay những hầm trú ẩn cổ đại với nhiều ngóc ngách lại bị giấu nhẹm đi và cần kiên nhẫn để khám phá. Việc giấu đi những phần hay ho để người chơi khám phá từ từ vốn cũng không phải ý tồi, nhưng nếu những thứ được đặt lên bề mặt của game quá tệ, thì chẳng ai lại tốn thời gian để chơi 1 game tệ cho đến lúc thấy nó hay cả.
Một lần nữa, tựa game này bị “cầm cương” bởi EA. Andromeda được phát triển bởi BioWare Montreal, studio “anh em” của BioWare Edmonton. Vấn đề ở đây, rất có thể phát sinh từ yêu cầu của EA khi muốn Andromeda phải sử dụng engine Frostbite. Hiển nhiên, việc chuyển qua sử dụng một engine mới sẽ khiến các nhà phát triển gặp rất nhiều khó khăn không thể lường trước. Có lẽ, nếu có thêm thời gian, BioWare Montreal sẽ có thể mang tới cho chúng ta một tựa game trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, EA không muốn đợi, và hậu quả chính là việc “ép tiến độ” như bên trên đã viết. Với sự thúc ép này, tiềm năng của game lập tức bị hạn chế. Ý tưởng ban đầu của game là xây dựng một thế giới đủ rộng để người chơi tự do khám phá, nhưng cuối cùng lại bị dừng lại ở một số lượng hành tinh nhất định. Nếu như Mass Effect 2 và 3 từng gây được ấn tượng mạnh bởi một vũ trụ đầy sức sống, thì thứ mà Andromeda bày ra chỉ là một vũ trụ đã chết. Một vài thứ của vũ trụ ấy vẫn có thể chấp nhận được, ví dụ như thiết kế và đồ họa, nhưng thế có vẻ như chẳng là gì trước một hệ thống trống rỗng và thiếu chiều sâu.
Dù các nhà phát triển của game đã cho ra mắt những bản cập nhật thực sự nghiêm túc để “vá” các lỗi kỹ thuật, nhưng rõ ràng vấn đề của Andromeda không chỉ nằm ở vài cái bug animation. Quá nhiều thứ hay ho của game đã bị “hy sinh” trong quá trình phát triển đầy hỗn loạn, và hệ quả của nó là một mớ “bòng bong” mà không game thủ nào có thể thưởng thức nổi. Thay vì mang Mass Effect tới một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn, Andromeda đã giết chết series giàu truyền thống này. EA đã xác nhận rằng sẽ không có một bản DLC nào dành cho chế độ single player, thứ đang rất được trông mong bởi người hâm mộ của cả series. Mass Effect đã bị đặt vào danh sách chờ, có thể là vô thời hạn.
Rõ ràng, thất bại của Andromeda đến từ những sai lầm và sự thiếu cẩn trọng của cả đơn vị phát hành (EA) và nhà phát triển (BioWare). Tuy nhiên, có vẻ như, trong nhận thức của EA, thì game thất bại đơn giản là vì người ta không còn thích các tựa game có phần chơi đơn tuyến tính nữa, chấm hết. Hiện tại, BioWare đã bắt đầu tập trung nhân lực vào Anthem, một tựa game có vẻ giống với Destiny nhiều hơn là sản phẩm vừa thất bại của studio này. Đối với fan của EA, hiển nhiên họ đang rất mong chờ rằng “ông lớn” này sẽ rút ra được kinh nghiệm sau những thất bại của năm 2017, ví dụ như quan tâm đến những giá trị cốt lõi của game trước khi thực hiện các kế hoạch kinh doanh, hay đối xử với những sản phẩm được yêu thích theo cái cách mà chúng xứng đáng. Dẫu sao thì, nếu năm nay là một năm thành công hơn của EA, thì nó cũng chỉ tốt cho riêng hãng mà thôi. Còn với những người yêu thích Mass Effect, thì có lẽ quá trình đợi series này hồi sinh vẫn còn dài lắm.