Fast & Furious và lời nguyền game ăn theo “thảm họa”

Fast & Furious là một trong những thương hiệu phim thành công nhất hiện nay. Thế nhưng tới giờ vẫn chưa có tựa game ăn theo nào cho ra hồn.

Khi nhắc đến việc đua xe, chắc hẳn nhiều người sẽ ngay lập tức nhớ tới Fast & Furious – loạt phim “bom tấn” với sự góp mặt của hàng loạt ngôi sao điện ảnh như Paul Waler, Dwayne “The Rock” Johnson, Vin Diesel, Jason Statham hay chị đẹp Gal Gadot,… Vậy nên cứ mỗi khi Fast & Furious lên màn ảnh rộng thì người người lại nối đuôi nhau xếp hàng, mong rằng tới lượt mình vẫn chưa hết vé.

Fast & Furious là cảm hứng cho thể loại game đua xe…

Không chỉ là một cái tên lớn trong ngành điện ảnh, Fast & Furious còn là nguồn cảm hứng cho các tựa game đua xe. Trong đó có lẽ cái tên nổi bật nhất chính là dòng game Need for Speed. Thật ra nếu nói như vậy thì cũng có phần hơi ngược đời, bởi vì phần game đua xe đầu tiên của EA  được phát hành vào năm 1994, trước The Fast and the Furious (2001) tới tận 7 năm. Vậy nên có nhiều người còn cho rằng phải là ngược lại mới đúng.

Thế nhưng không phải lúc nào những thứ ra sau cũng cần học theo những cái có trước. Ừ thì đúng là ba bộ phim Fast & Furious đầu tiên (The Fast and the Furious, 2 Fast 2 Furious và Tokyo Drift) đều xoay quanh việc đua xe đường phố, vậy nên đúng là có thể đoàn làm phim đã lấy một chút cảm hứng từ Need for Speed. 

Nhưng kể từ khi được sản xuất dưới bàn tay của đạo diễn Justin Lin, Fast & Furious đã trở nên thành công rực rỡ khi không còn chỉ còn tập trung vào mỗi việc đua xe. Giờ đây, thương hiệu phim này đã có được một vị trí trong trái tim khán giả với kịch bản đơn giản, dễ hiểu, pha chút hài hước cùng với những pha hành động cháy nổ hư cấu cực kỳ mãn nhãn. Đây cũng là những điều mà nhiều người cho rằng Need for Speed đã học tập từ Fast & Furious.

Need for Speed Payback sẽ có cốt truyện giống như Fast & Furious
Need for Speed Payback sẽ có cốt truyện giống như Fast & Furious
Không chỉ là những màn đua xe và độ xế quen thuộc, Need for Speed Payback sẽ có một cốt truyện đậm mùi Fast & Furious để người chơi trải nghiệm.

Ví dụ rõ ràng nhất có lẽ là cốt truyện trong các phần game Need for Speed. Trong phần game Undercover, người chơi sẽ nhập vai vào một sĩ quan cảnh sát mật với nhiệm vụ xâm nhập vào một trường đua bất hợp pháp, tương tự với bộ phim Fast & Furious đầu tiên. Ngoài ra, các phần game Need for Speed sau này đều có một cốt truyện đơn giản, cùng với đó là rất nhiều đoạn cắt cảnh điện ảnh.   

Không chỉ vậy, có người còn cho rằng EA đã phát triển cơ chế lái xe trong game với cảm hứng từ phim. Hệ thống vật lý trong game cho phép người chơi dễ dàng thực hiện những pha mạo hiểm y hệt trong phim một cách dễ dàng. Đây cũng là một trong những lý do chúng ta yêu thích Need for Speed. Bởi vì ai cũng thích cảm giác khi thực hiện những màn drift nhưng nếu thực hiện ngoài đời thì chắc chắn phải nhập viện.

… nhưng lại chẳng có nổi một tựa game cho ra trò

Một điều trớ trêu là trong khi có lúc đã trở thành nguồn cảm hứng cho một trong những dòng game đua xe đình đám nhất, Fast & Furious khi được chuyển thể thành game lại không hề được đón nhận nồng nhiệt. “Không được đón nhận nồng nhiệt” là một cách nói giảm nói tránh rồi. Bởi vì với số điểm thấp tè trên Metacritic và hàng loạt bài đánh giá “chê không còn gì”, hai phần game Fast & Furious có lẽ đã làm xấu đi cái tên của thương hiệu phim “bom tấn” này rất nhiều. 

Đầu tiên chúng ta hãy đến với thảm họa Fast & Furious: Showdown (2013). Chỉ mới nhìn qua ô điểm đỏ lòm với số 22 là chúng ta đã có thể đoán được tựa game này dở đến mức nào rồi. Đánh giá chung của hầu hết tất cả những game thủ đã từng trải nghiệm trò chơi này là “chán, chán đến cùng cực”. Không chỉ vậy, đồ họa của Showdown cũng thuộc về những năm đầu thế kỷ 21 và cách dẫn truyện hết sức nhảm nhí. À, quên mất, để khiến mọi thứ tồi tệ hơn thì tựa game này còn có cả tấn lỗi nữa.     

Tiếp đến là Fast & Furious: Crossroads (2020). Dù được phát triển bởi Slightly Mad – một studio có kinh nghiệm làm ra những game đua xe xuất sắc. Thế nhưng cuối cùng Crossroads vẫn nhận số điểm 34 và hàng tấn gạch đá. Mặc dù vẫn có một vài điểm sáng, ví dụ như danh sách xe để người chơi lựa chọn và cốt truyện khá ổn dù dàn nhân vật không có chiều sâu. Tuy nhiên, gameplay của vẫn chưa thể thoát ra khỏi chữ “chán”. 

Thật ra thì Crossroads không phải một tựa game đua xe khi mà chỉ có một vài nhiệm vụ liên quan tới việc phải thi đấu tốc độ. Nó cũng không phải là một trò chơi thế giới mở, bởi vì bạn chẳng hề có quyền tự do quyết định. 

Gameplay xoay quanh việc biết được một thông tin nào đó mới rồi đi tới địa điểm kế tiếp. Trên đường bạn có thể sẽ phải va chạm với một vài chiếc xe khác, biểu diễn một vài pha mạo hiểm, có thể đua xe và có những lúc chẳng làm gì cả, chỉ lái bình thường thôi. Thế rồi bạn sẽ được xem một đoạn cắt cảnh và lại tiếp tục lái xe tiếp. Nghe thôi là đã không muốn chơi rồi, vậy mà tựa game này lại được bán với giá tận 40 đô (!??)

Lý do đằng sau những game Fast & Furious “thảm họa”?      

Chúng ta có thể dễ dàng đổ toàn bộ lỗi lầm lên đầu của các studio game vì họ đã không có tâm, làm xấu danh tiếng của Fast & Furious với những tựa game với chất lượng tệ hại. Thế nhưng, Mọt lại nghĩ rằng một trong những lý do khiến tới giờ thương hiệu phim đình đám này vẫn chưa có nổi một tựa game chuyển thể cho ra trò chính là bởi vì sự kỳ vọng.

Vậy sự kỳ vọng này là như thế nào? Để Mọt lấy ví dụ nhé. Đối với một phần game Need for Speed, yêu cầu của game thủ khá đơn giản: đồ họa đẹp, nhiều siêu xe để lựa chọn, cơ chế lái xe tốt cho phép người chơi thực hiện những kỹ thuật đua xe mãn nhãn. Tuy nhiên khi nghe về Fast & Furious phiên bản game, chúng ta sẽ nghĩ về một tựa game với những pha hành động đã mắt, sướng tay và vẫn giữ được nguyên vẹn cái hồn của phim.

Khi game được phát hành vào không được như mong đợi, người chơi sẽ cảm thấy cực kỳ thất vọng và ghét luôn trò chơi. Tất nhiên là đây không phải là lời biện hộ cho hai tựa game “thảm họa” phía trên, bởi vì Mọt nghĩ rằng ngay cả những người chưa từng xem Fast & Furious cũng sẽ chẳng thích nổi chúng đâu. 

Ý của Mọt là sự kỳ vọng này cũng ảnh hưởng tới những nhà làm game, họ phải tìm cách để làm ra một tựa game đủ để làm hài lòng fan. Đây là một việc hết sức khó khăn, đặc biệt là với một thương hiệu phim được nhiều người yêu thích như Fast & Furious. Thêm vào đó, theo suy nghĩ của Mọt thì việc chuyển thể game thành phim đã khó, việc làm game ăn theo phim cũng chẳng dễ dàng chút nào.

Thôi thì với việc ngày càng có nhiều bộ phim hay được chuyển thể từ game như The Witcher, Dota: Dragon’s Blood,… Mong rằng sẽ sớm có ngày các studio game sẽ tìm ra công thức hoàn hảo để chuyển thể “bom tấn” điện ảnh Fast & Furious thành siêu phẩm của ngành game.

Vậy là chỉ còn hơn một tháng nữa thôi, chính xác hơn là vào ngày 28 tháng 5 tới đây, phần tiếp theo của loạt phim hành động đình đám Fast & Furious sẽ được chiếu ở các rạp chiếu phim Việt Nam. Trong khoảng thời gian chờ đợi này, còn gì tuyệt hơn việc được chơi những tựa game đua xe tốc độ cao để lấy tinh thần xem Fast & Furious 9 nhỉ? Các bạn có thể xem danh sách game đua xe đáng chơi tại đây.  

Fanpage Kênh Tin Game Esports - khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video.. vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN!
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.