Hovik “KQLY” Tovmassian, Simon “smn” Beck và Gordon “Sf” Giry (Counter-Strike: Global Offensive)
Đôi lúc số lượng người chơi CS: GO chuyên nghiệp bị bắt quả tang sử dụng phần mềm gian lận cao tới nỗi khiến chúng ta tự hỏi có bao nhiêu người là thực sự có tài năng. Ngay một tuần trước DreamHack Winter 2014, 2 tuyển thủ chuyên nghiệp là KQLY và Sf đã bị phát hiện xài hack và xơi VAC ngay lập tức. Việc này khiến họ bị các đội Esport của mình sa thải, chính bản thân các đội đó cũng bị loại khỏi vòng loại. Sự việc này đồng thời còn dẫn đến việc một tuyển thủ khác tên smn bị bắt quả tang xài hack trong một trận đấu của ESEA. Bản thân smn cho biết là việc gian lận thực ra rất dễ dàng, kể cả các giải đấu LAN và anh cũng biết khối game thủ chuyên nghiệp cũng chuyên gian lận.
Forsaken (Counter-Strike: Global Offensive)
Có vẻ nhiều người đang chờ đợi sự xuất hiện của word.exe, sự việc này đã làm cộng động mạng dậy sóng với hàng loạt meme được chế ra, một điều dường như chưa từng có trước đây. Đúng như smn nói ở trên, hack trong đấu LAN không phải là không thể. Trong giải eXTREMELAND ZOWIE Asia 2018 tại Thượng Hải, khi thi đấu với đội tuyển RevolutionVN, người ta đã để ý thấy sự bất thường ở đường đạn của Nikhil Kumawat “Forsaken”. Khi trọng tài yêu cầu kiểm tra máy, Forsaken đã tìm cách ngăn cản khiến mọi việc càng lộ liễu hơn. Thì ra Forsaken đã lén cài 1 phần mềm aimbot tên word.exe vào máy. OpTic India cho biết rằng không ai biết về việc thành viên của đội xài hack và đồng thời sa thải Forsaken, còn Forsaken bị ban 6 tháng khỏi ESL. Chính bản thân Forsaken trước kia cũng từng bị cáo buộc sử dụng hack và đã không ngừng thi đấu cũng như livestream để chứng minh mình vô tội, thế nhưng sau sự việc này thì cũng đừng nên cố làm gì nữa.
Kristoffer ‘Faken’ Andersson (Counter-Strike: Global Offensive)
Vụ việc này mới được phát hiện gần đây, khiến chúng ta tiếp tục đặt câu hỏi rằng liệu trong cộng đồng CS chuyên nghiệp có bao nhiêu người thực sự “chuyên nghiệp”. Faken, một game thủ Thụy Điển từng là cựu thành viên của đội SSV Lehnitz từ thời CS 1.6 . Trong một buổi livestream, một người dùng Reddit nhận thấy có sự bất thường và cho rằng Faken đang hack dù chưa có bằng chứng. Rất may cho anh này là anh đã phát hiện ra một cái bóng màu đỏ được phản chiếu trên kính của Faken, chứng tỏ rằng Faken đang sử dụng một phần mềm hack mà khi stream không hiện ra. Kênh Twitch của Faken sau đó cũng đã “bay màu” mà không rõ do Twitch hay bản thân Faken gỡ xuống. Hành vi gian lận tinh vi này cũng khiến người ta tự hỏi Faken đã làm vậy bao lâu rồi.
Dignitas và Curse NA (League of Legends)
Trong trận chung kết MLG 2012 Summer Championships giữa Dignitas và Curse NA, những ai mong chờ một trận đấu đỉnh cao của 2 đội chắn sẽ phải thất vọng. Thay vì đề ra chiến thuật và xử lí tình huống một cách chuyên nghiệp, những người thi đấu đã chọn ngẫu nhiên các tướng và chạy loạn khắp mid như thể đang chơi ARAM (All Random, All Mid). Nó giống như 2 bên đang đùa cợt nhau thay vì thực sự thi đấu nghiêm túc. Thực sự thì cũng chả có luật gì cấm chơi ARAM nhưng sau đó 2 bên đã phải thú nhận rằng cả 2 đã thỏa thuận sẽ chia nhau giải thưởng 40.000$ sau trận đấu đó. Theo đó, việc này được cho là không khác gì một vụ dàn xếp kết quả. Bởi việc thi đấu thiếu trung thực và nghiêm túc, cả 2 đội bị loại và phần thưởng 40.000$ bị rút lại.
Life (StarCraft II: Wings of Liberty)
Khi mà Esport đã được coi như một bộ môn thi đấu thể thao thực sự thì cũng không lạ khi việc gian lận kiểu cố ý bán độ, dàn xếp kết quả cũng sẽ dần trở thành vấn nạn. Tại Hàn Quốc khi mà Esport tạo nên cả một ngành công nghiệp lợi nhuận cao thì các vấn nạn trong thi đấu không thể dễ dàng bỏ qua được. Lee “Life” Seung-Hyun vốn là một thần đồng StarCraft trẻ vô cùng tài năng, đạt nhiều kì tích và được ghi nhận là một trong những game thủ StarCraft xuất sắc nhất lịch sử. Đến năm 2015, Hiệp hội thể thao điện tử Hàn Quốc KeSPA cùng cảnh sát bắt đầu điều tra một loạt bê bối liên quan đến dàn xếp tỉ số trong các giải thi đấu StarCraft 2. Life cùng một số đã được Sung “Enough” Jun Mo trả tiền để chủ động thua trận, từ đó giúp thao túng các trang đánh bạc và cá độ Esport, riêng Life được trả 60.000$ để thua, gấp 7 lần khoản tiền nhận được nếu thắng. Khi đó, Life mới 18 tuổi nhưng đã nhận được tổng cộng 460.000$ tiền thưởng từ các giải đấu. Hậu quả là sự nghiệp của anh gần như chấm dứt khi còn đỉnh cao với 18 tháng tù giam, 70 triệu won tiền phạt, vĩnh viễn bị cấm khỏi mọi giải đấu của KeSPA và bị cạch mặt bởi toàn thể cộng đồng StarCraft 2.
Hàng loạt game thủ chuyên nghiệp (PUBG)
Tháng 12/2018, trong một điều tra xem các game thủ PUBG chuyên nghiệp có “chuyên nghiệp” thật không, Cuhris, Liammm, DevowR và Tefl0n bị bắt và cấm thi đấu. Sang đến tháng 1 đầu năm nay, một đợt càn quét khác được tổ chức, Avalon, Smitty, TEXQS và S1D bị phát hiện gian lận trong các trận thông thường và bị đình chỉ 2 năm. Papaya, Cabecao, swalker, zuppaa, Houlow, sezk0 bị phát hiện gian lận trong khi thi đấu chuyên nghiệp và bị đình chỉ 3 năm. THZ và Fr_Steph dù không có hành vi gian lận trực tiếp nhưng cũng bị cấm 3 năm vì đã che giấu việc đồng đội gian lân trong vòng loại PEL. Trong các giải Esport tương lai, PUBG Corp sẽ yêu cầu kiểm tra lí lịch toàn diện trên tất cả tài khoản của người tham gia, nếu có bằng chứng về việc từng sử dụng phần mềm trái phép sẽ bị loại ngay lập tức. Có thể nói là từ giờ nếu thấy ai chơi “ảo” quá thì cũng đừng ngại tố cáo.
- Khi game thủ chuyên nghiệp bị bắt vì gian lận – P.1
- Khi game thủ chuyên nghiệp bị bắt vì gian lận – P.Cuối