Làng game và những phi vụ bắt cóc kỳ lạ khiến ta còn nhớ mãi - Cộng Đồng

Nói về bắt cóc trong cốt truyện game, chúng ta từng chứng kiến nhiều vụ xảy ra theo cách cực kỳ khó đỡ, nhưng có lẽ bạn chưa kịp nhận ra.

Nhân việc dư luận đang xôn xao về vụ việc bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh hai ngày qua. Mọt lại nhớ đến kịch bản bắt cóc xảy ra trong nhiều tựa game từ trước đến nay. Những ngày trước, lúc chưa giải cứu được bé trai thì Mọt chưa tiện làm bài này nhưng nay mọi việc đã xong, chúng ta đã có thể an tâm mà bàn chuyện liên quan theo một cách hài hước. Nói cho vui thì tội bắt cóc nặng 1 thì tội dùng app tân trang nhan sắc một cách láo toét có khi nặng gấp 10. Quả là: “Đã xấu mà còn xa, đã sida còn xông pha đi hiến máu” nhưng cái đó hãy để cộng đồng mạng xử.

Những bộ anime thích hợp cho game thủ giải trí – P.1Những bộ anime thích hợp cho game thủ giải trí – P.1
Những bộ anime về thế giới game tuyệt nhất mà bạn không nên bỏ lỡ – P.1
Ngày càng có nhiều bộ anime nói về thế giới game và rõ ràng chúng cực kỳ thích hợp để game thủ xem giải trí khi rảnh rỗi.

Mọt Leo Cây tui chỉ muốn chia sẻ một chút về những câu chuyện bắt cóc xảy ra trong thế giới game. Hơn nữa, các vụ bắt cóc này nếu nhìn nhận kỹ thì chúng lại diễn ra trong những tình cảnh hơi bị… khó đỡ. Hãy cùng Mọt khám phá nhé!

Bắt cóc theo mùa – Legend of Kage

Cái tựa game kinh điển trên hệ máy 4 nút này hồi mới ra còn được gắn một cái tên Việt hóa vô cùng dân dã là “Natra cứu mẹ”. Thực tế câu chuyện trong game kể về một chàng ninja phái Iga lên đường giải cứu nàng công chúa Kiri bị bắt cóc bởi lãnh chúa gian ác Yoshi và thủ lĩnh samurai Yuki của hắn. Trong cuộc hành trình giải cứu này, chàng ninja nhân vật chính phải vượt qua khu rừng vào một lối đi bí mật rồi trèo lên tường pháo đài sau đó đột nhập vào trong để cứu công chúa.

" alt=""

Cái khó đỡ ở đây chính là sau khi cứu được công chúa chạy ra tới bìa rừng thì cô ta… lại bị bắt cóc lần nữa. Theo kịch bản thì người chơi phải giải cứu 2 lần như vậy, riêng bản NES (máy 4 nút) thì phải giải cứu 3 lần. Mỗi lần giải cứu tông màu của game sẽ thay đổi theo mùa, các mùa sẽ di chuyển lần lượt từ mùa hè sang thu, thu sang đông rồi đông trở về hè.

Bắt cóc mà cũng chia lịch theo mùa cho nó thơ mộng nữa thì chẳng còn gì để nói ngoài… thán phục.

Khi tiểu thư bị bắt cóc – Final Fight

Có thể lần đầu tiên bạn chơi tựa game này sẽ không mấy chú ý tới cốt truyện. Final Fight (còn gọi là Cảnh Sát Siêu Đẳng) kể về vụ bắt cóc một cô gái, nhưng cô gái này không phải là người bình thường.

" alt=""

Chuyện kể rằng ở thành phố giả tưởng của Mỹ mang tên Metro City, tình hình tội phạm gia tăng đáng báo động khiến dân chúng sống trong hoảng sợ. Tuy nhiên khi tay cựu võ sĩ đô vật Mike Haggar được bầu lên làm thị trưởng, ông ta tích cực đấu tranh với bọn tội phạm, dẹp hết băng nhóm xã hội đen lập lại tình trạng yên bình cho thành phố. Tuy vậy, một tổ chức tội phạm lớn còn lại là Mad Gear đã quyết định tuyên chiến bằng cách bắt cóc con gái của Haggar. Thế là ngài thị trưởng quyết định giải quyết rắc rối bằng chính đôi tay cuồn cuộn cơ bắp của ông ta.

Đồng hành với ngài thị trưởng còn có Cody – bạn trai giỏi võ của cô tiểu thư bị bắt cóc và Guy – chàng ninja tập sự là bạn thân của Cody. Cô con gái ngài thị trưởng có thể nói là cô gái sướng nhất quả đất khi bản thân là con thị trưởng thuộc dạng “nhà mặt phố bố làm to nhất vùng”. Khi mình hữu sự thì bố đích thân đi giải quyết còn dẫn theo anh bạn trai và cả một anh bạn thân trợ giúp. Đúng là công chúa được nâng niu cưng chiều hết mực!

Bắt cóc con nít lúc… đông lạnh – Fallout 4

Với Fallout 4 thì chắc không cần phải nói nhiều vì game này ra mắt chỉ vài năm trở lại đây nên các game thủ thế hệ sau hầu hết đều biết đến. Cốt truyện của nó là hành trình tìm con của nhân vật chính. Khi chiến tranh hạt nhân xảy ra, cả gia đình của nhân vật chính bao gồm 2 vợ chồng và đứa con chưa đầy 1 tuổi tên Shaun được đưa xuống Vault 111 và cho ngủ trong buồng đông lạnh.

" alt=""

Nhiều năm trôi qua, họ bất ngờ bị ai đó đánh thức và xả đông, 2 kẻ lạ mặt cướp lấy Shaun và giết chết vợ/chồng của nhân vật chính trong khi người này cố giật lại đứa con. Vụ xung đột làm hệ thống ngủ đông được bật trở lại và mãi đến vài chục năm sau nhân vật chính mới thoát ra được để lên đường tìm con.

Chính việc ngủ đông này đã tạo ra một tình huống cực kỳ khó đỡ là đã qua 60 năm kể từ khi đứa trẻ bị bắt cóc thì nhân vật chính mới thoát được. Nên khi gia đình đoàn tụ thì đứa con trai đã… già hơn cả bố mẹ nó. Đúng là cái tủ lạnh tạo nên bi kịch mà!

Khi kẻ bắt cóc là người tốt – Detroit: Become Human

Nói tới Detroit: Become Human mà liên quan đến bắt cóc trẻ em thì chắn chắn bạn sẽ nhớ đến Kara và bé Alice. Đúng vậy, Kara với vai trò robot osin cho gã say xỉn Todd Williams đã vượt giới hạn cấm của mình và bảo vệ cô bé Alice là con của Todd trước đòn bạo hành của người cha. Cô đã cướp Alice rồi mang cô bé chạy khỏi nhà. Hai người họ sau đó quyết định sẽ vượt biên sang Canada là nơi không có luật áp dụng cho người máy với hy vọng được sống tự do.

" alt=""

Nhiều người sẽ nói rằng đó là một sự giải cứu nhưng về mặt luật pháp thì đó rõ ràng là một vụ bắt cóc trẻ em. Kara đã làm một việc mà một người dân không được làm, chỉ có những đại diện pháp luật mới đủ thẩm quyền. Khi tách đứa trẻ khỏi người giám hộ của nó (lúc này Kara chưa biết Alice thực sự là ai), cũng giống như việc bắt giữ một ai đó và công việc này phải được thực hiện bởi cảnh sát kèm theo lệnh bắt, nếu dân thường bắt người sẽ phạm tội giữ người trái pháp luật.

Cũng có ý kiến cho rằng Alice chịu hội chứng Stockholm, nạn nhân bắt cóc sẽ đồng cảm và ngả về phe kẻ bắt cóc mình. Tuy nhiên dường như ở trường hợp của bé Alice, nó là một sự thuận tình cùng nhau bỏ nhà đi bụi thì đúng hơn. Bởi vì Alice đã có cảm tình với Kara trước cả khi bị bắt cóc và gọi là bắt cóc vì nó trái ý Todd, còn với Alice thì cô bé thuận theo 100%.

Bắt cóc thiếu nữ để… bóc lột – Half Life: Alyx

G-Man là một tay thâm hiểm khó lường. Đối với Gordon Freeman ở các phần trước hắn bắt giữ là có thỏa thuận rõ ràng và bản thân đương sự đồng ý. Freeman đã bị hắn cho ngủ đông qua nhiều năm rồi thả ra ở thành phố 17 để làm một số “tác động” vào tình hình tại đây theo kế hoạch của G-Man và những ông chủ giấu mặt của hắn ta.

" alt=""

Tuy nhiên đến Half Life: Alyx, G-Man đã thừa nhận Gordon Freeman làm việc không đạt yêu cầu và hắn chuyển sang tuyển dụng Alyx. Nói là tuyển dụng cho sang mồm chứ thật sự là bắt cóc vì G-Man đưa ra một cái bẫy. Ban đầu hắn hỏi cô muốn gì rồi dẫn cô đến tương lai cứu sống cha mình. Nhưng sau đó hắn bắt giữ Alyx để sử dụng mặc dù cô không đồng ý.

Cái lão hồ ly này luôn xuất hiện với bộ đồ vest bảnh bao kèm theo cặp táp như dân văn phòng chuẩn mực nhưng thực ra hắn lại giống mấy tay bán hàng lừa đảo trong truyện Doraemon hơn. Giả vờ tặng quà nhưng không nói mục đích khiến ai cũng nghĩ hắn trả ơn cứu mạng, sau đó dụ Alyx xuyên thời gian cứu cha xong mới ngửa bài rằng đặc ân đó đổi lấy sự phục vụ của Alyx. Lấy món nợ đó gán thành việc Alyx phải “cày để trả” cho hắn. Thật là một màn ảo thuật tinh thâm của giới bán hàng lừa gạt.

Câu cuối cùng của Alyx đúng kiểu của nạn nhân bắt cóc: “Tôi chỉ muốn về nhà!”

Bắt cóc để… thỏa mãn đam mê – Heavy Rain

Chúng ta có bắt cóc để gây áp lực, bắt cóc đòi tiền chuộc, bắt cóc để làm thí nghiệm, bắt cóc để giải cứu… nhưng bắt cóc để thỏa mãn đam mê thì quả là kỳ lạ. Và nhất là cái đam mê đó lại là giết người theo “quy trình”. Heavy Rain đã mở ra câu chuyện bắt cóc đen tối như vậy.

" alt=""

Tên giết người hàng loạt Origami đã bắt cóc Shaun, con trai thứ của Ethan nhằm chuẩn bị cho đợt giết chóc kế tiếp của hắn. Hắn chả cần gì từ gia đình nạn nhân như tiền chuộc hay áp lực và cũng chẳng xuất phát từ động cơ cao đẹp như giải cứu hay… làm thí nghiệm khoa học như Shaun của Fallout 4. Cái hắn cần là thỏa mãn đam mê giết người theo cách thật ấn tượng vì những sang chấn tâm lý từ thuở ấu thơ do bạo lực gia đình.

Ít ra, với phần lớn ending của Heavy Rain thì Shaun cũng được giải cứu (trừ cái xấu nhất). Nó phần nào khiến người chơi nhẹ nhõm hơn ngay cả khi mình lỡ không đạt được cái kết tốt nhất. Đây cũng là lý do Mọt đặt nó ở cuối cùng trong list game vì nó quá đen tối và cái khó đỡ nhất là kẻ thủ ác lại có động cơ bắt cóc kỳ lạ hơn những vụ khác.

Kết

Bắt giữ và giải cứu là cách bày ra nút thắt cốt truyện cơ bản của nhiều tựa game. Chính từ nút thắt mà ở đó một người quan trọng bị bắt đi sẽ là động lực khiến nhân vật chính quyết tâm đi giải cứu. Tuy nhiên cách xây dựng vụ bắt cóc và giải cứu thế nào cho hấp dẫn và mới lạ, tách biệt so với những vụ “làng nhàng” quen thuộc lại nằm ở tài năng dựng chuyện của người viết kịch bản.

Có thể bạn sẽ nhận ra cái game bắt cóc công chúa kinh điển là Mario lại không xuất hiện. Đó là sau khi Mọt Leo Cây tui đọc cái bài hư cấu chuyện công chúa Peach của tên Mọt Biến Thái tự nhiên cảm thấy hoài nghi nhân sinh không biết đấy có phải bắt cóc thật không hay lại thuyết âm mưu nữa.