Tại thời điểm này, có lẽ chúng ta đều phải thừa nhận một điều rằng, PS4 của Sony đang chiếm ưu thế áp đảo trong cuộc chiến Console với Microsoft. Kể từ doanh số bán máy, số lượng game bán ra cho tới chất lượng của những tựa game độc quyền trên mỗi hệ máy. Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của Microsoft dành cho hệ máy Xbox One. Bắt đầu từ dịch vụ Xbox Game Pass, hay là việc thâu tóm hàng loạt studio lớn nhỏ với nỗ lực đa dạng hóa kho game độc quyền của mình…
Nhưng xét cho cùng, tất cả những động thái kể trên của Microsoft không đơn thuần chỉ là để níu kéo lại phần nào đó doanh số của Xbox One, mà chính là để tạo một bước chạy đà hoàn hảo cho cuộc chiến dài hơi sắp tới, cuộc chiến của thế hệ Console tiếp theo, PS5 vs Xbox Scarlet.
Quay trở lại ý chính, tại sao Sony không thể chỉ dựa vào những tựa game độc quyền cho chiếc PS5 ? Câu trả lời rất đơn giản, game độc quyền có thể là một thứ vũ khí sắc bén, nhưng chắc chắn không phải là tất cả để quyết định số phận của cuộc chiến Console sắp tới đây. Khi mà thế hệ Console kế tiếp được trang bị những công nghệ tân tiến nhất, chắc chắn sẽ có rất nhiều yếu tố để định đoạt thành công cho một hệ máy chơi game.
Trước hết, chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của những đầu game độc quyền. Game độc quyền chính là mắt xích thúc đẩy để các studio game nâng cao chất lượng tựa game của mình, là hạt nhân chính để thúc đẩy thị trường game đi lên. Cứ thử nhìn vào những tựa game độc quyền như The Legend of Zelda: Breath of The Wild, Red Dead Redemption 2 hay God of War 2018… tất cả đều mang tính đột biến và là nguồn cảm hứng vô tận thôi thúc những studio nhỏ lẻ khác, là bước ngoặt mang tính đột phá của ngành game…
Cứ nhìn vào những đầu game độc quyền hiện tại của Sony, chúng ta có The Last of Us, Uncharted, God of War, Bloodborne, Marvel’s Spider-Man, Horizon: Zero Dawn,… Chúng ta có thể thấy một điểm chung là tất cả những tựa game độc quyền này đều được đầu tư mạnh mẽ, và chúng đều mang lại thành công nhất định cho Sony, là một trong những nhân tố sống còn của PS4.
Thế nhưng, game độc quyền không phải tất cả. Mọi thống kê đang chỉ ra rằng, những tựa game bán chạy nhất không phải là những tựa game độc quyền, mà là những tựa game đa nền như GTA V hay Call of Duty. Nói vậy không có nghĩa là game độc quyền không bán chạy. Chúng bán rất chạy, nhưng không thể so bì được với những cái tên ở trên. Một phần là bởi GTA hay Call of Duty phù hợp với sở thích của đại đa số game thủ, và trên hết là mọi người có thể lựa chọn bất cứ nền tảng nào để chơi chúng.
Ấy thế mới nói, điều quan trọng của một cỗ máy chơi game là nó phải đáp ứng được nhu cầu của phần lớn người dùng. Và một điều chắc chắn rằng, những tựa game độc quyền của Sony không thể đáp ứng hết những nhu cầu này được. Bởi vì thế mà Nintendo hay Microsoft vẫn có thị trường riêng của mình.
Một yếu tố nữa đó chính là cấu hình. Thế hệ Console tiếp theo chắc chắn phải có cấu hình vượt trội hoàn toàn so với PS4 Pro và cả Xbox One X hiện tại. Khả năng chơi game ở độ phân giải 4K hay thậm chí là 8K là một điều chắc chắn phải có. Ngoài ra việc chơi game ở tốc độ 60 FPS cũng là một điểm đáng cân nhắc đối với nhiều game thủ. Ngoài ra, khả năng chơi game thực tế ảo VR cũng sẽ là một tính năng rất đáng để đầu tư, khi mà thị trường game VR đang ngày càng bành trướng. PSVR của Sony đã hỗ trợ tính năng này, thế nhưng vẫn còn rất nhiều thứ cần cải tiến nếu muốn cạnh tranh với Microsoft. Tuy rằng Xbox One không hề hỗ trợ công nghệ VR, thế nhưng chắc chắn Microsoft sẽ cân nhắc đưa tính năng này vào thế hệ Console tiếp theo của mình.
Một điểm đáng lưu tâm nữa đó chính là giá thành. Quay lại thời điểm chiếc PS3 ra mắt, giá của một chiếc PS3 cao hơn so với Xbox 360 hàng trăm đô-la Mỹ. Điều này đã có tác động cực kỳ lớn đối với doanh số của PS3 mặc cho chiếc máy này sở hữu hàng tá những đầu game độc quyền chất lượng. Sau đó thì tới lượt Xbox One đắt hơn PS4 tới 100 đô-la Mỹ, và kết quả thì chúng ta đều biết rồi đấy. Giá cả là một nhân tố tối quan trọng, kể cả khi phải bán lỗ, vẫn là một lựa chọn sống còn.
Một số nhân tố khác liên quan tới trải nghiệm người dùng như tay cầm có thoải mái hay không, dịch vụ online của hệ máy đó hay cả thiết kế và trọng lượng Console, thiết kế tản nhiệt… đều ảnh hưởng ít nhiều tới lựa chọn của người dùng khi chọn mua một chiếc máy chơi game cho mình.
Sony có thể chiếm ưu thế so với Microsoft tại thời điểm hiện tại, nhưng điều đó có thể hoàn toàn thay đổi trong tương lai không xa, nhất là khi thương hiệu Xbox đang có những chuyển biến lớn nhằm chuẩn bị cho thế hệ Console tiếp theo. Và nếu muốn giữ vững ngôi vương này, Sony cần tiến bộ, chứ không thể dậm chân tại chỗ được.