TIN LIÊN QUAN
Theo một thống kê, mặc dù giá cả thực phẩm chung thì đều tăng, nhưng chi phí để ăn ngoài hàng (tăng 7%) vẫn rẻ hơn nhiều so với mua đồ về tự nấu ở nhà với mức tăng lên đến 13% so với trước đây.
Thực ra người dân ở Mỹ từ lâu đã có thói quen ăn uống thường xuyên ở ngoài hàng quán. Giai đoạn sau năm 2000 đến 2020, người Mỹ chi khá nhiều tiền cho việc ăn tối mà không phải ở nhà.
Tuy nhiên, từ 2020 đến nay, đại dịch bùng phát khiến thói quen tự nấu bữa tối ở nhà dần hình thành, các bữa ăn ngoài hàng cũng dần giảm bớt.
Giá cả của thực phẩm trong những cửa hàng tạp hóa và siêu thị vẫn đang tăng chóng mặt, mặc dù tình trạng lạm phát được thông báo là đã cải thiện hơn.
Ông Chris Kempczinski, CEO của McDonald’s cho biết:
“Đang có một sự chênh lệch đáng kể giữa những bữa ăn sẵn ở ngoài nhà hàng và đồ ăn tự nấu ở nhà, người tiêu dùng nhìn vào đó và đưa ra quyết định của họ. 50 năm qua tôi chưa bao giờ gặp trường hợp thực phẩm dùng trong gia đình mà còn đắt hơn đồ ở ngoài hàng quán”.
Nguyên nhân do đâu ?
Cùng sống chung dưới thời kỳ lạm phát, nhưng sao lại có sự chênh lệch lớn đến mức thay đổi cả thói quen của người dân Mỹ như vậy.
Preston Mui, chuyên gia kinh tế ở Employ America tiết lộ:
“Một trong những yếu tố quyết định là số lượng. Đại dịch Covid ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất thịt, trứng, gia súc gia cầm, lương thực,…Thậm chí cả chi phí vận chuyển cũng tăng do giá xăng đang tăng, nhưng mấu chốt nằm ở những nhà phân phối, chủ trang trại,… cung cấp cho các nhà hàng và cung cấp cho cửa hàng, siêu thị lượng hàng hóa khác nhau, từ đó cắt giảm được nhiều chi phí phát sinh”.
Hai nhà kinh tế Emi Nakamura và Jón Steinsson ở Đại học California, Berkeley cũng cho biết, giá cả ở cửa hàng tạp hóa buộc phải tăng nhanh hơn để phù hợp với giá của các mặt hàng thiết yếu cơ bản. Họ cũng dự đoán phải mất một thời gian dài nữa giá ở nhà hàng mới đuổi kịp các tạp hóa và siêu thị.
Các nhà hàng cũng không thể đột ngột tăng giá quá nhiều
Sucharita Kodali, chuyên gia phân tích kinh doanh ở Mỹ chia sẻ một vài nguyên nhân khiến các nhà hàng không thể tăng giá quá nhanh:
“Nếu bạn đi ăn ở một nhà hàng, hôm sau quay lại đã thấy nơi đó tăng giá một cách đột ngột thì chắc chắn bạn sẽ không còn muốn quay lại nữa. Khác với siêu thị hay tạp hóa là nơi bắt buộc phải đến để mua những đồ dùng thiết yếu, khách hàng sẽ ăn ở một nhà hàng giá rẻ hơn”.
Fiore Tedesco, chủ nhà hàng L’Oca d’Oro ở Austin cho hay, nhiều năm qua ông đã phải rất cố gắng xoay sở để giữ chân thực khách. Nhiều biện pháp được sử dụng như tìm nguồn nguyên liệu rẻ hơn, cắt giảm một số chi phí nhân công,….
Tuy nhiên, Tedesco không biết nhà hàng của ông có thể làm thế được bao lâu:
“Chúng tôi có lẽ buộc phải tăng giá đồ ăn thôi, có thể là 10%, nhưng chúng tôi sẽ tăng dần dần trong vòng vài tháng tới”.
Tương lai cho các cửa hàng tạp hóa và siêu thị
Sharon McCollam, ông chủ chuỗi tạp hóa Albertsons cho biết tình hình giá cả đang dần được cải thiện:
“Chúng tôi đang tích cực khắc phục những hạn chế, đồng thời tìm kiếm nhiều nguồn cung ứng khác nhau để cải thiện giá cả. Nhưng vấn đề vận chuyển cũng khá đau đầu khi mà giá xăng chưa có dấu hiệu giảm”.