Những điều chưa biết về Miyamoto Musashi - Kiếm sĩ vĩ đại của Nhật Bản, nguyên mẫu của Yasuo (LMHT) và Zoro (One Piece)

Được mệnh danh là kiếm sĩ độc cô cầu bại, Miyamoto Musashi gần như đã trở thành hình tượng nổi tiếng bậc nhất trong văn hóa đại chúng Nhật Bản.

TIN LIÊN QUAN

Đối với những người yêu thích manga anime, cái tên Miyamoto Musashi hẳn không còn quá xa lạ. Ông được mệnh danh là kiếm sĩ huyền thoại của Nhật Bản với chuỗi thành tích chưa một lần bại trận. Miyamoto Musashi đã trở thành nhân vật có sức ảnh hưởng rất lớn trong văn hóa đại chúng hiện đại khi liên tục được nhắc đến trong các tiểu thuyết, manga, anime, kịch nghệ, phim ảnh…

Từ đứa trẻ ngỗ nghịch đến lãng khách độc hành

Miyamoto Musashi sinh ra trong một gia đình có truyền thống kiếm thuật tại làng Miyamoto, huyện Yoshino, tỉnh Harima, thuộc vùng Honshu ở phía Tây Nhật Bản. Cha của Musashi là Shinmen Munisai, một bậc thầy kiếm đạo và cũng là một võ sĩ tài ba.

Khi còn nhỏ Musashi mắc bệnh chàm, bên cạnh đó ông cũng rất ngỗ nghịch. Tướng mạo xấu xí vì bệnh chàm cộng với tính khí hiếu động khiến ông bị dân làng xa lánh. Sau khi cha mẹ Musashi ly hôn, ông sống cùng cha ruột và mẹ kế nhưng không hòa hợp. Musashi đã bỏ đến ở cùng người chú tên Dorinbo, một vị sư trong chùa Shoreian từ năm 7 tuổi.

Từ năm 13 tuổi, Musashi đã bộc lộ tài năng kiếm thuật. Ông bắt đầu chuỗi trận bất bại trong suốt cuộc đời mình bằng việc chiến thắng samurai Arima Kihei trong trận đấu tay đôi chỉ bằng một thanh kiếm gỗ. Năm 16 tuổi, Musashi nhận lời tham gia trận chiến sinh tử với kiếm sĩ Tadashima Akiyama và chiến thắng nhờ tài năng thiên bẩm.

Trong cuộc chiến giữa phe phía Đông của tướng Tokugawa Ieyasu của Mạc phủ Tokugawa với phe phía Tây của Toyotomi Hideyori – con trai lãnh chúa Hideyoshi, người đã thống nhất toàn bộ Nhật Bản, Musashi phục vụ trong quân đội của nhà Hideyori. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhà Hideyori đã thua trận Sekigahara và triều đại mới rơi vào tay Mạc phủ Tokugawa. Musashi may mắn sống sót sau cuộc chiến, nhưng lại trở thành một ronin – kiếm sĩ vô chủ. Ông phải chạy trốn liên tục và đổi tên để tránh bị truy sát. Trong thời gian này, Musashi trở nên trưởng thành hơn, ông mai danh ẩn tích ở đảo Kyushu để luyện tập kiếm đạo.

Chuỗi trận bất bại của Musashi

Ở tuổi trưởng thành, Musashi từ bỏ kiếm thép và chỉ dùng kiếm gỗ để không gây sát thương cho đối thủ sau mỗi trận đấu sinh tử. Sau khi quay trở lại giới kiếm sĩ, Musashi đã nhận được rất nhiều lời thách đầu. Điển hình có thể kể đến là lời thách đấu từ lãnh chúa Matsudaia Katsukata, Yoshioka Seijuro – trưởng nam của gia tộc Yoshioka, người sau khi thua cuộc đã phải cạo đầu xuất gia và nhường lại vị trí chưởng môn phái cho em trai, Yoshioka Denshichiro – em trái Senjuro, người cũng đã thách đấu sinh tử với Musashi ở Kyoto, Denshichiro qua đời khi trúng một đòn tấn công quá mạnh.

Việc hai lần đánh bại kiếm sĩ của gia tộc Yoshioka đã khiến gia tộc này tìm cách trả thù Musashi. Họ tập hợp lực lượng và tìm Musashi thách đấu một lần nữa ở Kyoto. Trong trận đấu này, Musashi đã đột kích và hạ gục trưởng gia tộc Yoshioka khi đó là Matashichiro. Cũng trong trận chiến này, Musashi đã khởi đầu cho phong cách chiến đấu song kiếm Niten Ichi-ryu khi sử dụng hai kiếm cùng lúc.

Danh tiếng của Musashi đạt đến đỉnh cao khi ông thách đấu với kiếm sĩ tài ba của gia tộc Hosokawa, Sasaki Kojiro. Kojiro nổi tiếng không kém gì Musashi, điểm đặc biệt là ông ta có bí thuật Tsubame gaeshi, được thi triển thông qua việc sử dụng trường kiếm. Kojiro nổi danh là ác quỷ miền Tây.

Cuộc đấu giữa Musashi và Kojiro diễn ra trên đảo Funajima, một đảo nhỏ nằm giữa Honshu và Kyushu. Tất nhiên, Musashi vẫn giành được chiến thắng dù chỉ sử dụng một thanh kiếm gỗ được đẽo từ mái chèo và bằng một đòn đánh trực diện duy nhất. Sau sự kiện này, Musashi thỏa mãn với danh tiếng lẫn thành tựu và tuyên bố giải nghệ, tập trung vào việc dạy dỗ các đồ đệ của ông cũng như bắt đầu biên soạn cuốn sách về kiếm thuật nổi tiếng, Ngũ Luân Thư.

Khát vọng vươn tới đỉnh cao kiếm đạo cũng như tinh thần thượng võ của Musashi đã sớm lưu truyền trong văn hóa dân gian Nhật Bản như một thước đo để nói về một võ sĩ đạo chân chính. Việc văn hóa Samurai được lưu truyền, bảo tồn và thậm chí là quảng bá tại Nhật Bản cũng như thế giới trong hàng thế kỷ, đã khiến tên tuổi của Miyamoto Musashi trở thành một biểu tượng của văn hóa đại chúng xứ mặt trời mọc. Khi khai thác đề tài văn hóa Nhật Bản, các tác phẩm nghệ thuật hiện đại (bao gồm cả truyện tranh, hoạt hình, tiểu thuyết và game) gần như đều lấy ông làm hình mẫu để xây dựng một nhân vật võ sĩ đạo mang chiều sâu tính cách, nổi tiếng nhất có thể kể đến những nhân vật được lấy cảm hứng từ Musashi như Yasuo – Yone (LMHT) hay Zorro trong One Piece.

Dù không sử dụng song kiếm, nhưng Yasuo đã được xác nhận là lấy nguyên mẫu từ khía cạnh “lãng khách” của Miyamoto Musashi

“Khát vọng trở thành kiếm sĩ mạnh nhất” của Musashi cũng là nguồn cảm hứng để Oda tạo nên nhân vật Zoro trong One Piece